Lời Chúa: Thứ Bảy Tuần XXIII Mùa Thường Niên

Lòng có đầy, thì miệng mới nói ra !

Thứ Bảy Tuần XXIII Mùa Thường Niên, T.Cornêliô, Giáo Hoàng, tử đạo (N)
Lời Chúa: 

 Lc 6,43-49

43 “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho ! 45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình ; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. 46 “Tại sao anh em gọi Thầy : ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’, mà anh em không làm điều Thầy dạy ?

47 “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. 48 Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. 49 Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình ; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. (Lc 6,45)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về cách ứng xử. Đoạn này gồm 3 lời dạy:

1) Dụ ngôn Cây và Trái (cc43,44): Chỉ có thể tránh nguy hiểm giả hình nến như hành động bề ngoài của ta hợp với bên trong của ta. Đối với biệt phái và luật sỹ, một hành động được coi là tốt khi nó phù hợp với luật. Chúa Giêsu sâu sắc hơn: một hành động là tốt, khi nó hợp với một tâm hồn tốt, một tâm hồn sẽ sinh ra những hành động tốt.

2) Kho tàng trong lòng (c45): Chúa Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát sinh ra những lời nói và việc làm tốt. Bởi thế, người môn đệ phải liệu làm sao, cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt. Những điều tốt phải chứa trong kho tàng lòng mình là gì? Đó là những giáo huấn của Chúa Giêsu.

3) Phải thi hành (cc46-49): tất cả những lời Chúa Giêsu dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi không thì chẳng có ích lợi gì, và người như thế cũng chẳng đáng là môn đệ Ngài. Họ chỉ như một cái nhà được xây trên cát mà thôi. Còn những ai những chẳng nghe mà còn thi hành thì mới xứng đáng là môn đệ Ngài, họ như cái nhà được xây trên đá vững chắc.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Về dụ ngôn cây và trái: muốn có trái thì phải chăm sóc cây, đó là một quy luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Thế nhưng tôi thường chỉ lo những thể hiện bên ngoài chứ không lo bồi dưỡng chính tâm hồn mình.

2. Về kho tàng trong lòng: Tôi cũng thường “kiểm kê tài sản” xem mình đang có bao nhiêu tiền, bao nhiêu, món đó. Hôm nay tôi hãy kiểm kê kho tàng trong lòng xem hiện giờ có những thứ gì.

3. Về dụ ngôn xây nhà: tôi đang xây dựng ngôi nhà của mình trên nền cát hay đá? Nền cát là những thứ mà người đời thường hay theo đuổi (danh, lợi thú.), nền đá là Lời Chúa và Ý Chúa.

4. Một người nhà giàu nọ cho biết ông sắp đi xa và giao cho người quản lý đứng ra xây cho ông một ngôi nhà sang trọng với vật liệu đắt giá nhất và do những nhân công tài giỏi nhất. Người quản lý xem đây là một cơ hội để làm giàu: ông tính toán từng đồng để mua những vật liệu rẻ nhất, ông mướn những người thợ xoàng nhất và thuê với giá rẻ mạt. Dĩ nhiên, căn nhà cũng được hoàn thành. Khi ông chủ về, người quản lý giao ngôi nhà cho chủ. Ông chủ tỏ vẻ hài lòng và cho biết ông bảo làm ngôi nhà ấy để tặng cho người quản lý. Trong những năm kế tiếp, khi phải chi tiền để tu sửa những chỗ hư của ngôi nhà, người quản lý vô cùng hối tiếc: giả như trước đây tôi biết ngôi nhà ông chủ xây để tặng cho tôi thì tôi đã không xây cất một cách xoàn xỉnh như thế. (“Mỗi ngày một tin vui”).

5. Mầm khác.

LÝ THUYẾT VÀ THỰC HÀNH

( Mc 1, 29-39 ; HT/TG 69 ; TĐ/GD 8 )

Cha Gio-an Phơ-phê, một nhà giảng thuyết lừng danh, ngày kìa có một bác nông phu đến nghe cha giảng. Hôm ấy cha Gioan trình bày về đề tài sử dụng của cải. Bài giảng của cha được chia ra làm 4 phần:

– Phần I kêu gọi hãy gắng sức lao động để được của cải. Điều này đã làm cho bác nông phu rất hài lòng. Bác huých cùi chỏ vào người ngồi bên cạnh rồi nói nhỏ : “Hay quá thật là tuyệt vời”.

– Phần thứ II của bài giảng kêu gọi phải biết dành dụm của cải. Bác nông phu chăm chú nhìn cha Gioan và như bác đang nuốt từng lời nói của cha Gioan. Bác sung sướng ngồi thẳng người lên rồi như không thể kiềm chế được, bÿc buột miệng : Tuyệt cú! Chính mình cũng chủ trương như vậy mà!

– Phần III của bài giảng khuyên đừng xài phí, bác nông phu nghe đến phần này gật gù tỏ vẻ hài lòng. Bác nói nhỏ: Cám ơn Chúa vì con vẫn nghĩ là hành động đúng như vậy.

– Phần cuối cùng của bài giảng bàn về tình liên đới được thể hiện qua việc rộng rãi chia sẻ của cải cách quảng đại cho những người cùng khốn.

Nghe đến đây, bác nông phu nhăn mặt khó chịu, bác thở dài rồi đứng lên bỏ ra về !!!

VỊ QUỐC VƯƠNG LIÊM CHÍNH

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Caucase ở phía nam nước Nga, được cai trị bởi một quốc vương Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham nhũng hối lộ.

Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đánh 50 roi trước mặt công chúng.

Điều không may xảy ra cho ông, là người đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội này lại chính là mẹ ông. Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng. Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông ban hành.

Liên tiếp ba ngày liền nhà vua giam mình trong lều của ông. Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân  mẫu. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xử lý theo qui luật.

Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên vừa quất xuống trên người mẹ ông thì nhà vua chạy đến bên cạnh bà. Ông mở trói cho bà. Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc đánh roi. Đúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua.

Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:

– Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội lỗi này.

Kể từ ngày đó, trong vương quốc người ta không còn bao giờ nghe nói đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Xem thêm:

Bài đọc 1: 1Tm 1,15-17

15 Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận : Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. 16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời. 17 Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)