Người chọn 12 Tông Đồ !
Lc 6,12-19
12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội. 17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (Lc 6,12)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Sau một thời gia thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có kẻ ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ (5,30.33 6,1). Bây giờ đến lúc Ngài tuyển trọn một nhóm nòng cốt sẽ lãnh trách nhiệm phổ biến Lời Ngài.
Trước khi tuyển trọn, Chúa Giêsu đi lên ngọn núi và cầu nguyện: Chúa Giêsu là một người thường xuyên cầu nguyện (Lc5,16 6,12 9,18.28.29 10,21 11,1.22.32.40-46 23,34.46). Ngài cầu nguyện tha thiết trong những lúc quan trọng (3,21 9,28-29 22,41). Lần này Ngài cầu nguyện “suốt đêm”, chứng tỏ việc Ngài sắp làm là hết sứ quan trọng, quan trọng đối với sứ vụ của Ngài và quan trọng đối với toàn thể lịch sử cứu độ.
Đó là việc gì? là việc tuyển chọn từ số đông môn đệ ra 12 người mà Ngài gọi là tông đồ:
Khi ghi nhận các tông đồ được tuyển chọn khỏi hàng ngũ môn đệ, Lu Ca tỏ ra quan tâm tới các tác vụ trong Giáo hội. Quan tâm này sẽ được khai triển nhiều hơn nữa trong quyển công vụ (chẳng hạn Cv 6,17). Môn đệ là tất cả những ai “đi theo” Chúa Giêsu; còn tông đồ là những môn đệ được tuyển chọn kỹ để làm “cán bộ”. Điều kiện được tuyển chọn là:
a/ Đã từng sống với Chúa Giêsu và chứng kiến việc Ngài chết và sống lại;
b/ Được “sai đi” (đây là ý nghĩ của chữ “tông đồ” apostolos) để loan báo Tin Mừng sống lại ấy. Lu Ca dành riêng danh hiệu “tông đồ” cho nhóm tông đồ 12 vì chỉ có họ mới hội đủ hai điều kiện này. ngay cả với Phaolô, Lu Ca cũng không gọi ông là “tông đồ”, vì Phaolô là tông đồ theo một nghĩa khác hơn.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Trước khi trọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm. Ta hãy noi gương thường xuyên cầu nguyện, nhất là trước khi làm một việc gì quan trọng.
2. Mặc dù Chúa Giêsu đã cân nhắc và cầu nguyện nhiều trước khi lựa chọn, nhưng vẫn có một người là Giuđa sau này phản bội Ngài. Khi ơn Chúa không được con người hợp tác thì cũng thất bại.
Ta hãy cầu nguyện cho ơn gọi của chính mình. Xin cho con phải tác với Chúa, để ơn gọi con ngày càng triển nở tốt đẹp.
Ta hãy cầu nguyện đặt biệt cho Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục là những người ngày nay đang kế thừa nhiệm vụ của các tông đồ.
3. Lịch sử ơn cứu rỗi đã được khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Tất cả những sự lựa chọn của Thiên Chúa đều bất ngờ, vượt trên những tiêu chuẩn lựa chọn thông thường của con người. Từ mười hai người thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo hội của Ngài. Nền tảng của Giáo hội không phải là sức riêng của con người mà là sức mạnh của Đấng đã hứa “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi để nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm xác tín tuyệt đối và tình yêu của Ngài (“Mỗi ngày một tin vui”).
4. “Đoàn ngũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giê-ru-sa-lem cũng như miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Ngài giảng và chữa lành bệnh tật”. (Lc6,17-18).
Cả bốn chúng tôi đã tham gia chiến dịch “ánh sáng văn hóa hè” tại vùng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Chúa nhật đầu tiên, chúng ta phải hỏi thăm đến một giờ rưỡi mới tới được nhà thờ. Chỗ chúng tôi chỉ có một vài gia đình công giáo và hầu hết thỉnh thoảng mới đi lễ vì nhà thờ quá xa. Mà xa thật, mưa thì lầy lội còn nắng thì bụi mù.
Trên đường đi, chúng tôi cứ nghĩ là nhà thờ chắc không đông. Nhưng đến nơi, chúng tôi thấy cả một nhà thờ đông đúc. Nhà thờ không rộng, cũng chưa có Cha xứ. Cha thì từ nơi khác về làm lễ, còn giáo dân thì đến từ nhiêu nơi khác nhau.
Chúng tôi còn được biết ở đây chỉ có một lễ vào sáng Chúa nhật nên nhiều gia đình phải thay phiên nhau đi lễ hằng tuần. Họ ước ao có Cha xứ để được dự lễ thường xuyên hơn. Ra về, ai nấy trong chúng tôi đều cảm thấy như được thúc bách đến gần Chúa hơn, hạnh phúc dù có phải đi xa và mệt nhọc.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. (Hosanna).
5. Mầm khác
Những con người vĩ đại
Phê-đê-rich Odanam, nhà hoạt dộng Xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức thế nào trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học
Một hôm để tìm một chút thanh thản cho Tâm hồn, anh bước vào một ngôi Thánh đường ở Paris. Đứng cuối nhà thờ anh nhìn thấy một bóng đen đang qùy cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Am-pe. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi nhà bác học vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót anh về cho đến phòng làm việc của ông.
Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
– Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
– Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép giáo sư cho con được hỏi một vấn đề liên quan đế đức tin!
Nhà bác học mỉm cười một cách khiêm tốn:
– Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp ích cho anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm!
Chàng sinh viên liền hỏi:
– Thưa giáo sư, có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại vừa là tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:
– Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi.
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Xem thêm:
Bài đọc 1: Cl 2,6-15
6 Vậy như anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. 7 Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ. 8 Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Ki-tô. 9 Thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, 10 và trong Người, anh em được sung mãn : Người vốn là đầu mọi quyền lực thần thiêng.
11 Trong Người, anh em đã được chịu phép cắt bì, không phải phép cắt bì do tay người phàm, nhưng là phép cắt bì của Đức Ki-tô, có sức lột bỏ con người tội lỗi của anh em. 12 Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. 13 Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô : Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. 14 Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. 15 Người đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã công khai bêu xấu chúng, đã điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người. Đề phòng lối sống khắc khổ theo thuyết “các quyền lực vũ trụ”
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)