Lời Chúa: Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng, Đức Mẹ Guadalupé

Chiên lạc

Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng, Đức Mẹ Guadalupé
Lời Chúa: 

 Mt 18,12-14

12 “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HÐGMVN)

Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất. (Lc 18,14)

 
Suy niệm: 
A. Phân tích (Hạt giống…)
 
Trong một tập thể nhiều người, dĩ nhiên có người lầm lạc. Nếu không thương nhau thì tập thể sẽ bỏ mặc kẻ lầm lạc đó. Còn nếu thương nhau thực thì phải tiếc vì một người anh chị em mình bị lạc và do đó cố gắng tìm về.
 
Do đó, có thể nói rằng tập thể nào không tiếc xót một thành viên trong tập thể bị lầm lạc và không tận tình tìm cứu thành viên đó thì không phải là một tập thể yêu thương, không phải là tập thể có tính Giáo Hội.
 
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
 
1. Người ta chỉ cố sức tìm lại cái bị mất khi người ta thấy cái đó có giá trị. Người mục tử mới lặn lội đi tìm con chiên lạc vì vẫn coi con chiên đó là quý mặc dù nó đi lạc. Đối với Thiên Chúa, người nào cũng có giá trị, cho dù người đó là tội nhân. Bởi thế Ngài vẫn yêu thương, vẫn quý chuộng và lặn lội tìm cứu: “Con người đến để tìm cứu những gì hư mất” (Lc 19,10). Khi tôi không tìm cứu người lầm lạc trong cộng đoàn của tôi là tôi không còn coi người đó là anh chị em mình nữa, nhưng coi đó là đồ bỏ.
 
2. “Để 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc”… “Vui mừng vì con chiên đó hơn là vì 99 con không bị lạc”. Ta sẽ không thể hiểu được những câu này nếu ta chỉ suy nghĩ theo luận lý tính toán vụ lợi. Trái lại ta sẽ hiểu rất dễ nếu suy nghĩ theo lý lẽ của con tim. Như một người mẹ lạc con, phải chăng bà để các đứa con khác ở nhà và tất tả đi tìm đứa bị lạc!
 
3. Việc để 99 con chiên kia trên núi để đi tìm con chiên lạc chứng tỏ trong tình cảnh đó trong đầu người mục tử không còn nghĩ gì khác, và trong lòng ông cũng không còn tâm tình gì khác ngoài nỗi lo lắng cho con chiên lạc: nó rất khổ, nó đói khát, nó phải gặp biết bao nguy hiểm… Càng thương nó, người mục tử càng thấy lòng mình như bị kim châm, lửa đốt…
 
4. Một trong những ý của bài đọc Cựu Ước: “Ngài chăn dắt đoàn chiên Ngài như một mục tử. Ngài ẵm những con chiên trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ”.
 
Nhiều khi tôi quen sống trái ngược với tâm tình của Chúa. Tôi vô tâm, bám vào khẩu hiệu “thiểu số phục tùng đa số”. Do đó có những cá nhân bơ vơ lạc lõng giữa công đoàn, họ trở thành vô danh giữa đám đông vô tình, chẳng ai ngó ngàng dìu họ về với nếp sống cộng đoàn.
 
Lạy Chúa, về một khiá cạnh nào đó, con cũng lại là một con chiên lạc. Vì ham vui, vì dại dột, vì cố ý… con đã tách rời khỏi bầu khí của cộng đoàn. Con trở nên lạc lõng bơ vơ giữa cộng đoàn đông người. Nhưng Chúa hằng lưu tâm tới mỗi cá nhân. Xin Chúa thương dắt con về với cộng đoàn.
 
5. “Người chăn chiên để 99 con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc” (Mt 18,12)
 
Đã có lần tôi cảm thấy ngao ngán khi phải đến thánh đường. Tất cả những sinh hoạt tôn giáo đối với tôi chỉ mất thời gian và vô nghĩa. Chúa ở đâu ? Tôi chẳng cần biết nữa. Và tôi tự giải thoát bằng đam mê học tập, lo toan kiếm sống và chạy theo những thú vui… Cuộc sống vẫn trôi, vẫn vui.
 
Rồi một ngày, trên đường đến trường, tôi gặp đám tang của một bạn trẻ. Sau quan tài, bà mẹ được hai người dìu bước, khóc nức nở. Cảnh tượng ấy làm tôi hết sức xúc động. Nhìn gương mặt tươi trẻ của anh trong khuôn ảnh, tôi tự hỏi: Cuộc sống chỉ có thế thôi sao? Bạn ấy sẽ đi về đâu? Còn tôi? Chẳng lẽ cuộc sống lại kết liễu dễ dàng như vậy sao ? Tôi cảm thấy băn khoăn, trống rỗng. Chẳng biết phải làm gì nữa, tôi lại tìm đến Chúa. Nhìn lên thập giá, Chúa Giêsu đang dang tay, đầu gục xuống, như mong mỏi, chờ đợi tôi từ lâu. Trong thinh lặng, tôi đã nhận ra chính Ngài đã kiếm tìm tôi qua sự kiện bất ngờ ấy.
 
Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, xin cho con luôn cảm nhận được tình Ngài luôn dõi bước theo con, kiếm tìm con, chờ đợi con, dẫu có những lúc con đã quên Ngài (Epphata).

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Xem thêm:

Bài đọc 1: Is 40,1-11

1          Thiên Chúa anh em phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta:
2          Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành:
            thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong,
            vì Thành đã bị tay ĐỨC CHÚA giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”
3          Có tiếng hô:
            “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA,
            giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng
            cho Thiên Chúa chúng ta.
4          Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,
            mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,
            nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,
            chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.
5          Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện,
            và mọi người phàm sẽ cùng được thấy
            rằng miệng ĐỨC CHÚA đã tuyên phán.”
6          Có tiếng nói: “Hãy hô lên!”
            Tôi thưa: “Phải hô lên điều gì?”
            – “Người phàm nào cũng đều là cỏ,
            mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội.
         Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí ĐỨC CHÚA thổi qua.
            Phải, dân là cỏ:
8          cỏ héo, hoa tàn,
            nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững.”
9          Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao.
            Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem,
            hãy cất tiếng lên cho thật mạnh.
            Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng:
            “Kìa Thiên Chúa các ngươi!”
10         Kìa ĐỨC CHÚA quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền.
            Bên cạnh Người, này công lao lập được,
            trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.
11         Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
            tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
            Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
            bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh /HĐGMVN)