A. Hạt giống…
Gioan tẩy giả có một lối sống đặc biệt (x. Mt 3,4), một lời rao giảng đặc biệt (x. Mt 3,2) và một cách thanh tẩy đặc biệt (x. Mt 3,6-12 : thời đó cũng có nhiều nhóm làm thanh tẩy, nhưng thanh tẩy của Gioan có những điểm khác là :
a/ không chỉ thanh tẩy cho 1 số người muốn gia nhập nhóm mình nhưng cho mọi người ;
b/ không cần làm đi làm lại nhiều lần như những nhóm kia. Như thế thanh tẩy của Gioan có nghĩa là bày tỏ lòng sám hối để dọn lòng lãnh nhận thanh tẩy của Đấng Messia trong Thánh Linh và lửa). Do đó nhiều người thắc mắc không hiểu ông là ai. Họ đến hỏi ông. Nhân dịp này Gioan làm chứng về bản thân mình. Ta có thể tóm tắt lời chứng này trong công thức 3 không 2 phải
– Ông không phải là Messia : Nhiều người tưởng Gioan là Messia. Ông đoán được ý nghĩ đó nên phủ nhận trước.
– không phải là Êlia : Theo Ml 3,1.23-24 thì Êlia là kẻ dọn đường cho Messia. Nếu Gioan không phải là Messia thì ít ra ông cũng là Êlia chứ, vì cách ăn mặc của Gioan rất giống với Êlia (x. 2V 1,8 ss Mt 3,4). Gioan khẳng định ông cũng không phải là Êlia.
– cũng không phải là Vị Ngôn Sứ : Theo Đnl 18,18, Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện Vị Ngôn Sứ giống như Môsê. Đó không phải là bất kỳ ngôn sứ nào mà là Vị Ngôn Sứ tiêu biểu (Le Prophète). Dựa vào câu Đnl trên. dân do thái vào thế kỳ I trước công nguyên rất khao khát mong chờ Vị Ngôn Sứ ấy đến sau một thời gian dài đã im tiếng ngôn sứ. Gioan cũng bảo rằng ông không phải là Vị ngôn sứ.
* mà là tiếng hô của Lời và là kẻ dọn đường cho Đấng Messia : Gioan trích Is 40,3 để nói rằng ông chỉ là “Tiếng người hô trong sa mạc”, nghĩa là người dọn đường cho Đấng Messia thôi.
Những người biệt phái mới thắc mắc : Nếu Gioan không phải là Messia, Êlia hay Vị Ngôn Sứ thì tại sao ông làm phép rửa ? Sở dĩ họ hỏi vậy là vì phép rửa của Gioan có những điểm đặc biệt hơn của những nhóm thanh tẩy thời đó (đã giải thích ở c 19 trên). Gioan đáp ông chỉ thanh tẩy bằng nước. Theo một tài liệu tìm thấy ở Qumrân, gọi là “ Manuel de discipline” thì khi Đấng Messia đến, Ngài sẽ thanh tẩy bằng Thánh Linh. Gioan cũng ám chỉ điều đó ở phía sau (c 33) “Hễ thấy Thánh Linh ngự xuống và đậu lại trên ai thì đó là người thanh tẩy bằng Thánh Linh”. Vì thế, câu trả lời của Gioan chắc ai cũng hiểu : ông chỉ làm một lễ nghi thanh tẩy có tính chuẩn bị và tạm thời thôi chứ không phải là sự thanh tẩy cánh chung và messia. Nói cách khác, ông không phải là Messia.
B…. nẩy mầm.
1. Vào một đêm trăng, Thích Ca ngồi giữa các đệ tử. Ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói : “Kia là mặt trăng. Cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay của Ta là mặt trăng”. Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự giữa Gioan Tẩy giả và những biệt phái… Họ đặt ra 3 hình ảnh về Gioan : Ông có phải là Đức Kitô không ? Ông có phải là Êlia không ? Ông có phải là tiên tri không ? Gioan cho mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc “Hãy dọn đường Chúa”. Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn. Người kitô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện : không những giơ ngón tay chỉ Chúa Giêsu cho người khác mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
2. Gioan Tẩy giả có một lối sống thu hút nên nhiều người đến với ngài. Nhưng ngài không giữ họ lại cho mình mà dẫn họ tới Chúa. Vậy mà nhiều người làm ngược hẳn lại : đã không dẫn người ta đến với Chúa mà còn ngăn cản hoặc giữ lại cho riêng mình. Người làm chứng cho Chúa đúng nghĩa phải có thể nói như Gioan “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”.
3. Gioan Tẩy Giả đã ‘nói tiếng không’ về bản thân mình, để ‘nói tiếng có’ về CG. “Tôi không phải là…” ‘Có Đấng… đến sau tôi…” – Xin Chúa cứ lớn dần trong con để con ngày càng nhỏ bé trong tay Chúa.
4. Ông Gioan trả lời : Có một vị ở giữa các ông mà các ông không hay biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27)
Đậy đại học, tôi chuẩn bị vào thành phố. Bạn bè kéo đến chúc mừng, tôi chỉ mỉm cười nghĩ thầm : “Một lời chúc muộn màng, vì mình đã biết chắc trước khi thi kìa !”
Tôi là thế đó : kiêu căng và tự phụ. Tôi chưa bao giờ chịu khuất phục một ai trong lớp, suốt 12 năm học. Và bây giờ cũng thế, thành công như đốt thêm lửa kiêu ngạo trong tôi. Tôi tự cho phép mình bỏ qua mọi ý kiến và suy nghĩ của bạn bè, thậm chí cả những lời Chúa dạy nữa. Tôi quyết định lấy mọi việc và tự hào vì luôn có thể giải quyết mọi vấn đề bằng chính suy tư của mình.
Dần dà tôi trở thành kẻ cô đơn vì bị bạn bè xa lánh, đúng hơn chính tôi đã xa lánh họ. Lòng tự mãn khiến tôi nên thiển cận, hẹp hòi, chỉ nghĩ đến mình mà không biết đến ai, kể cả Thiên Chúa nữa.