Của lễ dâng Chúa
Lc 2,22-40
22Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, 23như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, 24và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. 27Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (Lc 2,40)
Phần cuối trong Tin Mừng thời thơ ấu của Chúa Giêsu gồm hai giai đoạn có chung một bối cảnh là Đền thờ. Đây không phải là ngẫu nhiên. Tin Mừng Luca khai mào bằng trình thuật truyền tin cho Dacaria trong Đền thờ. Mặt khác, nếu Gioan Tẩy giả được loan báo trong Đền thờ giữa một khung cảnh phụng vụ mà không bao giờ trở lại đền thờ nữa, thì Đức Giêsu được loan báo tại miền Nazaret vô danh rồi Ngài lại xuất hiện tại đây, trong Đền thờ, nơi các ngôn sứ tiếp đón Ngài, và Ngài sẽ còn trở lại đây nhiều lần nữa (Lc 2,46; 19,45; 21,38)
Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Maria và thánh Giuse đã chấp hành mọi đòi hỏi của lề luật Môsê, các ngài còn dâng con đầu lòng nơi Đền thánh dù luật không dạy mà đây chỉ là thói quen đạo đức. Các ngài không chấp hành luật cách miễn cưỡng nhưng thực thi với trọn tình yêu mến.
Ông cụ Simeon và bà Anna đã suốt đời chờ đợi giờ để được xem thấy Đức Kitô. Họ là tấm gương hy vọng và ttrung tín để ta noi theo.
Đức Maria và thánh Giuse ngạc nhiên sững sờ khi nghe ông cụ Simeon nói về Con của các ngài. Cho dù được sống gần gũi Đức Giêsu, các ngài cũng phải triển nở trong đức tin. Đức tin không ngừng được đào sâu nhờ việc “hằng suy đi nghĩ lại trong lòng”. Cho nên, ta không hiểu hết mầu nhiệm về Thiên Chúa thì ấy là việc thường tình. Đức tin của ta phải được lớn lên, triển nở trong sức mạnh và ân sủng theo dòng thời gian.
Chúng ta thuộc về Thiên Chúa, chúng ta đến từ Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở lại với Ngài. Nếu cuộc sống của chúng ta thuộc về Thiên Chúa, vậy chúng ta cần phải sống theo thánh ý Ngài. Hãy dâng cho Chúa con người và trọn vẹn cuộc sống của chúng ta để được Ngài hướng dẫn từng bước đi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tìm sống thánh ý Chúa, dám tín thác đời mình cho Chúa. Việc dâng Chúa trong Đền thờ là khởi điểm và tiên báo việc dâng hiến trọn vẹn của Chúa trên thập giá. Nơi đó Chúa vừa là Tư tế, vừa là của lễ. Xin cho mỗi chúng con cũng biết biến đời mình thành của lễ dâng lên Chúa mỗi ngày.
Xin mời xem thêm:
Bài Ðọc I: Ml 3, 1-4
“Ðấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người”.
Trích sách Tiên tri Malakhi.
Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Ðây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!” Lập tức Ðấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: “Này đây Người đến”. Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Ðó là lời Chúa toàn năng phán.
Bài Ðọc II: Dt 2, 14-18
“Người phải nên giống anh em Mình mọi đàng”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)