Lời Chúa: Chúa Nhật tuần thứ III Mùa Phục Sinh Năm A

Chúng tôi đã thấy Người

 
 
Chúa Nhật III Phục Sinh, năm A
Lời Chúa: 

Lc 24,13-35

13Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. 14Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 18Một trong hai người tên là Cleopat trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19Đức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy? “

Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadaret. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel.

Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.” 25Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27

Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 28Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.30Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? ” 33

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.” 35Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh/ HĐGMVN)

 

Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24, 35) 

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Trong câu chuyện hai môn đệ Emmau nhận biết Chúa Giêsu phục sinh, thánh Luca chỉ kể tên một người là Clêôpát. Có nhà chuyên môn Thánh Kinh nói rằng Thánh Luca cũng biết tên người kia nhưng ông không kể ra, vì có ý coi người kia là đại diện cho bất cứ môn đệ nào của Chúa Giêsu. Nói cách khác, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể có được cảm nghiệm về sự nhận biết Chúa Giêsu phục sinh như người môn đệ ấy.

Vậy nhờ đâu mà hai môn đệ này cảm nghiệm được sự hiện diện gần gũi của Chúa Giêsu phục sinh ?

– Thứ nhất là nhờ Thánh Kinh : “Khi Ngài nói chuyện và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bùng cháy lên đó sao !”.

– Thứ hai là nhờ bí tích Thánh thể : “Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài”.

– Thứ ba là nhờ cuộc sống cộng đoàn : “Họ quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó”.

B. Suy niệm (… nẩy mầm)

1. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật của quá khứ. Ngài đang sống ngay sát bên cạnh ta tuy giác quan ta không cảm thấy Ngài. Có lẽ từ trước tới nay, tôi chỉ tin điều này một cách “lý thuyết”. Nếu tôi thực sự tin và sống với Đấng phục sinh đang ở bên cạnh tôi thì cuộc đời tôi sẽ khác, và hiệu quả những hành động của tôi cũng sẽ khác rất nhiều.

2. Khi ta sốt sắng đọc Thánh Kinh, tham dự Thánh lễ và sống tình hiệp nhất cộng đoàn thì ta có thể cảm thấy sự hiện diện gần gũi của Chúa Giêsu phục sinh.

3. Nhiều người coi Chúa là ma và sợ Chúa như sợ ma. Chúa không muốn như vậy : Ngài muốn ta coi Ngài là một người sống, và hãy yêu thương phó thác vào Ngài.

4. Noreen Towers là một người làm việc phục vụ cho những người nghèo. Nhưng cô chán nản vì thấy hầu như những việc làm của mình không thành công. Một tối kia cô giật mình thức giấc và cảm thấy hình như Chúa Giêsu đang nói chuyện với cô, Ngài hỏi : “Con không thể tin vào chương trình của Thầy đã vạch sẵn cho con ư ?”. Một thoáng cảm nghiệm chóng qua ấy đã thay đổi hẳn con người cô : từ một người chán chường, cô đã trở thành một người có đức tin không thể nào lay chuyển nổi (Mark Link, Vison 2000).

5. “Chúa Giêsu Kitô có cách nào khác để đi vào lòng người nếu không phải là qua một trái tim tan nát ?” (Oscar Wilde).

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn rồi, vì lòng chúng con đang khao khát được nghe lời Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì đức tin chúng con mỏng dòn yếu đuối, rất cần được Chúa trợ giúp vượt qua khó khăn của cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì chúng con dễ sa chân lạc bước, hay chạy tìm kiếm thỏa mãn những đam mê bất chính, dễ chán nản buông xuôi khi gặp thử thách gian nan. Xin ở với chúng con, để chúng con thấy Chúa đang hiện diện nơi những người đau khổ và chân thành phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì khi gặp được Chúa, chúng con sẽ được ơn biến đổi cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì tâm hồn chúng con vẫn còn xao xuyến mãi, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa.

Hai môn đệ làng Emmau đã sẵn sàng đón tiếp một người khách lạ đang cần một bữa ăn tối và một chỗ nghỉ đêm. Chính nhờ lòng quảng đại ấy, mà hai ông đã nhận ra Chúa Phục Sinh, và được biến đổi nên vui tươi phấn khởi. Xin Chúa cho chúng con cũng biết quảng đại đi bước trước để làm quen với một người lạ đang bị đau khổ, cho chúng con biết sẵn sàng lắng nghe những tâm sự của họ và năng tham dự thánh lễ mỗi ngày. Nhờ được gặp Chúa, chắc chắn chúng con sẽ được ơn biến đổi trở nên người mới và chu toàn được sứ mệnh loan Tin Mừng cho tha nhân, như hai môn đệ làng Emmau xưa. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Xin mời xem thêm:

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 14. 22-28

“Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Đức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Đavít đã nói về Người rằng: ‘Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'”.

BÀI ĐỌC II: 1 Pr 1, 17-21

“Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Đấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh/ HĐGMVN)