Lời Chúa: Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay

Hiển dung

Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay
Lời Chúa: 

 Mc 9,2-10

Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.
Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a. (Mc 9,5)

 
Suy niệm: 
CHÚA NHẬT THỨ II MÙA CHAY.
ĐỨC GIÊSU HIỂN DUNG TRÊN NÚI. 
(Mc 9,2-10).
 
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI: 
1. Sau khi loan báo cuộc khổ nạn.
Đáp lại câu hỏi thúc ép của Đức Giêsu, Phêrô vừa mới tuyên bố “Thầy là Đấng Messia”. Đức Giêsu liền dẫn các môn đệ vào con đường khổ nạn và chết mà Người sẽ phải đi để hoàn thành sứ mạng của Người. Máccô viết:”Rồi Người bắt đầu dạy các môn đệ biết Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại”. Viễn tượng kinh hoàng như thế đi ngược với tư tưởng người thời đó về Đấng Cứu Thế. Nghĩ rằng Đấng Cứu Thế mà cũng phải trải qua đau khổ và sự chết là điều không ai dám nghĩ, cả những người Do thái thời đó cũng như các môn đệ Đức Giêsu. Bởi đó, Phêrô tức tốc phản ứng, “ông liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người”. Cử chỉ đó đã làm ông Phêrô bị một lời quở trách cực mạnh từ Đức Giêsu: “Satan, lui ra đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Sau đó Đức Giêsu nói tiếp: “Ai muốn theo tôi  phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo”. Con đường mà Con người đi qua cũng là con đường bắt buộc đối với các môn đệ của Người.
2. Cuộc hiển dung của Đức Giêsu ở trên núi.
Máccô đã đặt tường thuật hiển dung của Chúa trong tương quan với việc tuyên bố lần thứ nhất cuộc khổ nạn, việc này đã vấp phải sự không hiểu nơi các môn đệ và khiến bọn họ kinh hoàng. Giống như Mátthêu và Luca , tác giả Tin Mừng thứ hai diễn tả bằng một lối văn tượng trưng, mượn những yếu tố chính từ cuộc thần hiện (cuộc Thiên Chúa tỏ mình) ở núi Sinai (“Jésus, l’histoire vrai”, Centurion, trang 330).
Ngày xưa, trong cuộc xuất hành qua hoang địa, Môsê đã công bố cho con cái Israel rằng: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi sẽ cho nổi lên giữa các ngươi một vị ngôn sứ giống như Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Hôm nay Máccô đã bật mí: vị ấy đã đến rồi, đây là thời gian hoàn tất, một kỷ nguyên mới đã khai sinh.
Máccô viết: “Sáu ngày sau” mà lại không chỉ rõ sau cái gì nhưng rất có thể là ông muốn nói đến biến cố Xuất Hành.
+Hoặc là nói về sáu ngày mà sau đó, theo Xh 24,16 “Thiên Chúa gọi ông Môsê từ giữa đám mây trên núi Sinai”. Nếu thế thì theo Máccô, đó là một cách giới thiệu về biến cố hiển dung như một Sinai mới và đồng thời giới thiệu Đức Giêsu như một Môsê mới.
+Hoặc là nói về sáu ngày chuẩn bị cho đại Lễ Lều Trại, lễ đó người ta dựng lều bằng cành cây (như người Do thái còn làm ngày này) để tưởng nhớ cuộc Xuất Hành, với hy vọng vào thời đại Cứu thế mà Thiên Chúa sẽ ngự đến cư ngụ mãi mãi ở  giữa dân Người. Nếu thế, theo Máccô, đó là một cách công bố thời đại mới đã khởi đầu.
Cũng như ngày Môsê lên núi Sinai, thì Đức Giêsu cũng dẫn các bạn hữu của mình lên một ngọn núi cao. Nhưng ngọn núi nào? Từ ngữ này mang ý nghĩa thần học nhiều hơn địa lý: núi ở trong Kinh Thánh là địa điểm đặc tuyển cho việc mặc khải thần linh. Ở đây nói về một Sinai mới, một cuộc mặc khải quyết định của Thiên Chúa.
Cũng như Môsê, lúc lên núi nhận Giao Ước, chỉ đem theo Giosuê; Đức Giêsu chỉ gọi riêng đi theo Người có “Phêrô, Giacôbê và Gioan”. Cũng ba người đó, những người bạn thân thiết nhất được theo Chúa vào phòng bé gái chết mà người làm cho sống lại (5,37-43); ba người đã chứng kiến cuộc hấp hối của Người trong vuờn cây Dầu: Đức Giêsu đã liên kết họ với Người trong những thời điểm mạnh của mặc khải để họ trở nên những trụ cột của Hội thánh Người.
Cũng như da mặt của Môsê sáng ngời, vì ông đã đàm đạo với Thiên Chúa và cũng như dân Israel đã xem thấy mặt ông chiếu sáng (Xh34,29-35), Đức Giêsu “hiển dung” trước các môn đệ; vinh quang Thiên Chúa, cái vinh quang mà Đức Giêsu chiếu tỏa vào buổi sáng Phục Sinh, lúc này đang xâm chiếm bao phủ Người.
Vào lúc đó, ông Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Đó là hai vị thần thế trong cựu ước. Cả hai vị đều đã trèo lên núi: Môsê lên để lập giao ước, Êlia lên để nhận sứ mạng cải tổ giao ước. Hai vị tượng trưng cho toàn bộ Cựu ước: Lề luật (Môsê) và các ngôn sứ (Êlia) giờ đây được thực hiện: thời đại Cứu thế đã khởi đầu.
Phêrô đề nghị: “Chúng ta là ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Êlia”. Thực ra ông không biết mình nói gì do quá kinh hoàng, Máccô giải thích: Phêrô đã lầm lẫn vì nghĩ rằng đã đến giờ mà Thiên Chúa cư ngụ vĩnh viễn ở giữa dân Người và họ có thể ở đó miên trường.
Sau cùng, cũng giống như khi lập giao ước ở núi Sinai, một đám mây, dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện Thiên Chúa, đã bao phủ ngọn núi, thì ở đây đám mây che phủ các ông.
Rồi cũng giống như ở núi Sinai, có tiếng phát ra ở đám mây. Những lời này gần như tiếng vang của những lời đã phán lúc Chúa chịu phép rửa ở sông Giođan. Nhưng lúc xưa, tiếng đó nói với Đức Giêsu: “Con là Con Ta yêu dấu, Cha hài lòng về Con” (1,11), còn ngày nay tiếng đó nói với ba môn đệ: Tiếng đó soi sáng các môn đệ cho biết căn tính của Đấng mà Phêrô mới đây đã tuyên xưng là Đấng thiên sai (Đấng Messia): “Đây là Con yêu dấu cả Ta”. Tiếng đó xác nhận giáo huấn của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn-Phục Sinh của Con người: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.
J.Hervieux quảng giải: “Giờ đây, dường như qua tia chớp loè sáng, họ đã thoáng thấy Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” và vượt qua khỏi sự chết, Người được Thiên Chúa dành cho một cuộc sống vinh quang. Lẽ nào họ không giữ niềm hy vọng và không tiếp tục theo Thầy trên con đường Thập Giá?” (“L’Evangile de Marc”, Centurion, trang 125).
Bỗng chốc, Máccô kết luận: “Các ông chợt nhìn chung quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con người từ cõi chết sống lại”. Chúng ta lại thấy ở đây một lần nữa “bí mật thiên sai”, mà Máccô rất quý trọng: Điều mà ba môn đệ vừa thấy vượt quá mức tưởng tượng quá đỗi, nó làm xáo trộn tận cùng hình ảnh Đấng thiên sai của các ông, nên tốt hơn các ông nên im lặng ít lâu. Sau này, dưới ánh sáng của Phục Sinh, các ông sẽ hiều rõ ý nghĩa. Lúc đó, các ông sẽ có thể làm chứng.