A. Phân tích (Hạt giống…)
1. Hoàn cảnh soạn tác: Vào thời các thánh sử viết
Tin Mừng thì các tín hữu đều nghĩ rằng Chúa sắp quang lâm. Người ta nôn nóng chờ Chúa đến để rước mình lên thiên đàng. Người ta còn nghĩ rằng ngày quang lâm sẽ đến trong vòng một thế hệ thôi, nghĩa là sẽ không có ai trong Hội thánh phải chết trước ngày ấy. Nhưng rồi hôm nay người này chết, hôm khác người nọ chết, hết chết người này đến chết người khác mà vẫn chưa thấy Chúa quang lâm. Thế là nhiều người mệt mỏi không chờ nữa, họ sống buông trôi, lơ là vệc đạo đức, chểnh mảng việc bổn phận, sống buông thả trụy lạc… Trước tình hình đó, Thánh Marcô nhớ lại Lời Chúa Giêsu đã dạy và ghi lại để khuyên các tín hữu. Ý chính là tỉnh thức và sẵn sàng.
2.Ý nghĩa các chi tiêt trong dụ ngôn:
– Ông chủ đi phương xa: Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời.
– Đầy tớ ở nhà được giao công việc: các tín hữu với bổn phận hằng ngày.
– Không biết ngày nào chủ trở về: không thê biết rõ ngày nào Chúa quang lâm trở lại. Nhưng chính vì không biết rõ ngày nào Chúa quang lam trở lại nên chúng ta lúc nào cũng phải tỉng thức sẵn sàng.
– “Tỉnh thức sẵn sàng” nghĩa là luôn ở trong tư thế đang chu toàn bổn phận.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Trong giai đoạn hiện tại xem ra như Chúa đang đi vắng, vì chúng ta không thấy Chúa làm gì hay nói gì cả, cũng giống như nhà đang vắng chủ. Trong hoàn cảnh như thế, người đầy tớ có thể có 4 thái độ:
a. “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”: những người sống buông thả phóng túng, bỏ bê hết mọi bổn phận.
b. Đi ngủ. Khi đoán chủ sắp về mới thức dậy làm việc: những người lười biếng sống đạo, chờ gần chết mới ăn năn trở lại.
c. Làm trọn bổn phận chủ giao, để nếu chủ về bất thần thì mình không bị phạt: những người lo sống tốt vì sợ hỏa ngục.
d. Luôn làm trọn bổn phận chủ giao, để đáp lại sự tín nhiệm của chủ, và vì lòng thương mến chủ: những người sống đạo vì lòng yêu mến Chúa.
Thực ra Chúa không vắng mặt. Ngài cho chúng ta cảm thấy Ngài vắng mặt thôi, vì trọng tự do của ta, vì tín nhiệm ta, và cũng để thử xem ta thuộc hạng đầy tớ nào trong bốn hạng trên.
2. Một người mẹ thương con thì lúc nào cũng lo sẵn cơm nước trong bếp để hễ con đói là có ăn ngay. Một người vợ thương chồng thì lúc nào cũng lo nhà cửa ngăn nắp để gia đình là mái ấm cho chồng. Một đứa con thương cha mẹ thì lúc nào cũng hết sức làm tròn công việc cha mẹ giao.
3. Trong cơ thể con người, có lúc các cơ bắp, hệ thần kinh và bộ máy tiêu hóa nghỉ ngơi, nhưng con tim không bao giờ nghỉ, khi tim nghỉ là con người chết. Con tim là yêu thương.
4. Thánh Phêrô giải thích thế nào là tỉnh thức: ”…đừng chiều theo những đam mê…sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”(1Pr 1,13-16)
5. Những nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố Veseve xưa kia bị núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau: có người chết đang khi nhậu nhẹt, có người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình một người lính gác vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay.
6. Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói:”Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên”(Drinkwater)