Lời Chúa: Chúa Nhật IV Thường Niên A – Mùng Hai tết

Thế nghĩa là gì?

 
 
Chúa Nhật IV Thường Niên A
Lời Chúa: 

Mc 1,21-28

21Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. 22Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. 23Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! ” 25Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! ” 26Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! ” 28Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? (Mc 1,27)

 
Suy niệm: 

Câu chuyện Mác Cô kể lại vạch rõ một loạt nhiều bước hợp lý và tự nhiên. Qua sự xuất hiện của Gioan, Chúa Giêsu nhận biết tiếng gọi của Thiên Chúa để Ngài phải hành động. Chúa Giêsu nhận phép rửa và nhận dấu ấn của Thiên Chúa chúng tỏ Thiên Chúa tán thành và trang bị cho Ngài để thi hành nhiệm vụ. Chúa Giêsu đã chịu ma quỷ thử thách và đã chọn lấy phương pháp phải làm, con đường phải đi. Ngài chọn một số người để có những tâm hồn đồng lòng hiệp ý với nhau, để Ngài có thể viết lên đó những thông điệp của Ngài, và bây giờ, Ngài dứt khoát tung ra một chiến dịch. Nếu ai có một thông điệp của Thiên Chúa cần truyền giảng, địa điểm tự nhiên người ấy nhắm vào là hội Thánh, là nơi có những người thuộc về Thiên Chúa họp mặt. Đó chính là việc Chúa Giêsu đã làm, Ngài bắt đầu chiến dịch của mình từ nhà hội.

Có vài điểm khác nhau căn bản giữa nhà hội và nhà thờ chúng ta được biết ngày nay.

1. Nhà hội là nhà trường để dạy đạo.

Một buổi họp lại trong nhà hội chỉ gồm ba việc: cầu ngyện, đọc lời Chúa và giảng dạy lời ấy. không có cử nhạc, ca hát cũng như không có dâng của lễ. Có thể nói đền thờ là nơi để thờ phượng và dâng của lễ, còn nhà hội là nơi dạy dỗ chỉ bảo. Nhà hội là nơi có ảnh hưởng lớn lao hơn hết, vì chỉ một đền thờ duy nhất, đền thờ tại Giêrusalem. Luật pháp quy định rằng bất cứ nơi nào có mười gia đình người Do Thái thì phải có một nhà hội, do đó, bất kỳ một nơi nào có người Do Thái định cư thì có nhà hội. Nếu ai đó có một thông điệp mới muốn truyền đạt thì nhà hội đúng là nơi để người ấy trình bày.

2. Nhà hội tạo cơ hội cho người ta truyền rao một sứ điệp như thế.

Nhà hội có một số viên chức. Có chủ nhà hội, ông ta có nhiệm vụ quản trị mọi việc của nhà hội và thu xếp các buổi họp. Có người phân phát của bố thí. Hằng ngày có người thu góp tiền mặt và hiện vật do nhiều người bố thí. Sau đó chúng được phân phát cho người nghèo, nhưng người nghèo nhất được cấp thực phẩm bốn bữa ăn một tuần. Có vị Chazzan vẫn quen gọi là người phục vụ, vị này có nhiệm vụ lấy ra và cất vào những cuốn sách Thánh, trong đó kinh điển được viết ra, vị ấy cũng quét dọn nhà hội, thổi chiếc kèn bằng bạc để loan báo ngày sa bát, dạy cấp vỡ lòng cho trẻ em trong cộng đồng. Nhưng có một chức vị mà nhà hội không có, đó là người rao giảng hay giáo sư thường trực. Khi mọi người họp lại trong nhà hội và buổi họp bắt đầu, thì người chủ (cai) nhà hội có nhiệm vụ chỉ người có trách nhiệm giảng giải, trình bày kinh điển. Không có người chuyên nghiệp làm việc này. Chính vì thế, Chúa Giêsu có thể bắt đầu công việc của Ngài trong nhà hội. Việc chống đối vẫn chưa bùng lên thành thù ghét. Ngài được mọi người biết như người có thông điệp muốn rao truyền, do đó bất cứ nhà hội nào đều dành tòa giảng cho Ngài dạy dỗ và mời gọi người đồng hương.

Khi Chúa Giêsu giảng dạy trong nhà hội, cả phương pháp lẫn bầu không khí giảng dạy của Ngài đều như một sự mạc khải mới mẻ. Ngài không dạy như các thầy thông giáo là các chuyên viên về luật pháp. Các thầy thông giáo này là ai? Theo người Do Thái, điều thiêng liêng nhất trên đời này là luật pháp, kinh Torah. Trái tim của luật pháp là Mười Điều Răn, nhưng người Do Thái hiểu luật pháp là năm quyển đầu của Cựu ước mà gọi là Ngũ Kinh (Pentateuch). Theo người Do Thái luật pháp ấy hoàn toàn từ Thiên Chúa đến. Họ tin rằng luật pháp vốn được Thiên Chúa trực tiếp trao cho Môisê. Nó hoàn toàn thánh khiết và có tính hoàn toàn tuyệt đối. Họ bảo “Ai nói kinh Torah không từ Thiên Chúa đến thì chẳng có phần gì trong thế giới tương lai cả”. “Kẻ nào bảo Môisê đã viết luật pháp theo hiểu biết riêng của ông dù chỉ một câu thôi, cũng là người chối bỏ và khinh bỉ lời Thiên Chúa”.

Nếu Luật Pháp vốn thiêng liêng như thế thì có hai sự việc nảy sinh: một là nó phải trở thành luật lệ tối cao cho đời sống đức tin, hai là nó phải hàm chứa tất cả những gì cần thiết để hướng dẫn, điều khiển đời sống. Nếu vậy Luật Pháp chỉ đòi hỏi hai điều: một là nó phải được nghiên cứu hết sức tỉ mỉ, cẩn thận; hai là Luật Pháp chỉ phát biểu những nguyên tắc quan trọng, tổng quát mà thôi. Nếu Luật Pháp hàm chứa phần chỉ dẫn và điều khiển cả đời sống, thì những gì chứa đựng trong đó có tính cách mặc nhiên chứ chưa phải là minh nhiên, nên cần được làm sáng tỏ. Các điều luật quan trọng phải được biến thành luật lệ và quy tắc như vậy luật mới được khai triển. Nhằm nghiên cứu và phát triển Luật Pháp, danh vị dành cho những người cao nhất trong giới họ là Rabi.

Các thầy thông giáo này có ba nhiệm vụ.

1. Họ căn cứ vào các nguyên tắc trọng đại trong Luật Pháp để khai triển thành luật lệ và quy tắc hầu ứng dụng cho mọi tình huống có thể xảy trong đời sống. Thật đây là một nhiệm vụ không cùng, Do Thái bắt đầu các nguyên tắc trọng đại, nó kết thúc bằng hằng hà sa số luật lệ và qui tắc. Nó bắt đầu bằng một tôn giáo, nhưng kết thúc bằng Luật Pháp chủ nghĩa.

2. Nhiệm vụ của các thầy thông giáo là tryền dạy Luật Pháp và phần khai triển của nó. Các luật lệ qui tắc lấy ra từ đó và được suy diễn ra và chẳng bao giờ được viết trên giấy trắng mực đen, chúng được gọi là Luật Pháp tryền miệng. Tuy chẳng bao giờ được viết ra nhưng chúng lại có tính cách trói buộc hơn cả luật thành văn. Chúng được lưu truyền thuộc lòng từ thế hệ thầy thông giáo này cho tới thế hệ thầy thông giáo kia. Người học trò là người có trí nhớ như “một cái giếng được rót bằng đá vôi không làm mất đi giọt nào cả”.

3. Sau cùng các thầy thông giáo có nhiệm vụ xét xử các vụ kiện tụng mà theo luật lệ tự nhiên và hết sức thực tiễn, một vụ kiện như vậy đều tạo ra những luật lệ mới.

Vậy lời dạy dỗ của Chúa Giêsu khác với lời dạy dỗ của các thầy thông giáo ở chỗ nào? Ngài giảng dạy cách có quyền, không có thầy thông giáo nào dám tự quyềt định điều gì cả. Ông chỉ nói “căn cứ theo lời dạy rằng…” rồi lấy từ đó ra tất cả uy quyền cho mình. hễ nói ra một lời là ông dựa vào câu này, câu nọ được ông trích dẫn lại, từ những bật thầy về luật pháp mà thiên đã coi trọng trong quá khứ. Việc cuối cùng mà ông ta chẳng bao giờ làm được là đưa ra một phán đoán cá nhân, độc lập. Thật khác xa với Chúa Giêsu, khi Chúa phán dạy, Ngài nói như trên Ngài không có quyền nào khác. Ngài hoàn toàn độc lập khi phát biểu. Ngài không trích dẫn, không dựa vào quyền uy của một chuyên viên nào cả, Ngài nói bằng giọng dứt khoát của chính Thiên Chúa. Dối với dân chúng, nghe một lời giảng dạy như vậy chẳng khác nào được một làn gió dịu mát từ Thiên Đàng thổi tới. Những lời lẽ hết sức khẳng định và tích cực của Chúa Giêsu trái ngược hẳn lời trích dẫn của các thầy thông giáo. Giọng nói đầy uy quyền cá nhân cứ ngân vang, và chính giọng nói ấy đã bắt người nghe phải qui phục.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết quy phục quyền năng Chúa, biết tín thác vào tình thương của Chúa để lòng nhân và tình thương Chúa qua đời sống chúng con luôn được ngự trị trong lòng mỗi người và trên toàn thế giới.