Lời Chúa: Chúa Nhật III Thường Niên A

Đức Giêsu khai mạc công việc rao giảng

 
 
Chúa Nhật III Thường Niên A
Lời Chúa: 

Mc 1,14-20

14Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” 16Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”18Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.19Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mc 1,17)

 
Suy niệm: 

Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai bằng rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Tin Mừng này liên hệ đến bản thân của Ngài. Thời gian tại thế của Ngài thì ngắn ngủi, trong khi đó mọi người khắp thế giới lại cần phải được nghe Tin Mừng cứu rỗi. Vậy gọi chọn môn đệ để huấn luyện và sai đi là cần thiết. Chúa Giêsu phải tự tạo ra cho mình một nhóm người để có thể thổ lộ tâm sự, để viết thông điệp mình ngay trên tấm lòng họ. Ở đây Mác Cô cho chúng ta thấy việc Chúa thật sự đặt nền móng cho Nước Trời, và gọi số người đầu tiên theo Ngài.

Trên bờ biển Galilê – phần đất xa thủ đô với đám dân chất phác và đầu óc cởi mở – Chúa Giêsu bắt đầu kén chọn những người sẽ cộng tác với Ngài trong việc rao giảng Tin Mừng. Dân chúng ở đây thường ít ăn thịt, nói chung thì hằng tuần họ không ăn hơn một lần. Cá là thức ăn chính của họ. Bình thường cá đem muối vì không có phương tiện vận chuyển cá tươi. Cá tươi là một trong những phương tiên cao lương mỹ vị ở cá đô thị lớn như Lamã. Chính tên của các thị trấn ấy nằm trê bờ biển hồ cho thấy nghề chài lưới rất quan trọng. Bếtsaiđa có nghĩa là nhà cá. Một thị trấn khác trên bờ hồ tên Tarichea có nghĩa là công trường cá muối, chính ở đây cá được chuẩn bị để trở đến Giêrusalem và đến tận Lamã. Nghề buôn cá muối là một kĩ nghệ quan trọng tại Galilê.

Ngư dân thường dùng hai loại lưới, cả hai đều được đề cập trực tiếp hay ngụ ý trong sách Phúc âm. Có một loại gọi là sagenè, là một loại lưới kéo, người ta để nó sau lái thuyền, rất nặng và được thả ngay trên mặt nước, khi thuyền đi tới, nó chìm xuống dần dần, bốn góc lưới gặp nhau và trở thành một cái túi lớn nhốt cá vào trong. Loại thứ hai là loại mà phêrô và Anrê vẫn dùng gọi là bnestron nó là một loại chài nhỏ được khéo léo quăng ra bằng tay, nó có hình dáng như cây dù ném xuống nước và chìm dần để chụp cá vào trong.
Nghiên cứu những người Chúa Giêsu đã chọn làm môn đệ là một điều vô cùng lý thú.

1. Chúng ta xem họ là ai

Họ chỉ là những người thông thường, không hề xuất thân từ một trường cao đẳng nào, họ không hề được tuyển chọn từ giới tư tế, hàng giáo phẩm hay dòng quí tộc, không có học thức hay giàu có gì. Họ chỉ là các ngư dân nghĩa là con người bình thường. Chưa hề có ai tin tưởng vào con người bình thường như Chúa Giêsu. Dường như Chúa Giêsu muốn mời gọi: “Hãy giao cho Tôi mười hai người tầm thường và với chừng ấy, nếu họ tự hiến thân cho Tôi, Tôi sẽ thay đổi cả thế giới này”. Đừng bao giờ chúng ta nghĩ quá nhiều về mình là gì, nhưng hãy nghĩ đến những gì Chúa sẽ khiến chúng ta trở thành

2. Chúng ta chú ý lúc Chúa Giêsu gọi thì họ đang làm gì

Họ đang làm công việc hằng ngày của mình, họ đang đánh cá, vá lưới. Nhiều nhà tiên tri cũng vậy. Amốt nói: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật vá chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Israen dân Ta”(7,14-15). Tiếng gọi của Chúa đến với một người không phải chỉ xảy ra trong nhà Thiên Chúa, cũng không chỉ ở nơi bí mật, mà còn có thể đến với họ giữa lúc người ấy làm công việc hằng ngày. Một người sống trong một thế giới đầy dẫy Thiên Chúa sẽ không thể nào trốn lánh được Ngài.

3. Chúng ta chú ý xem Ngài đã gọi họ như thế nào

Lời kêu gọi của Chúa Giêsu là: “Hãy theo Ta”. Vừa nghe, chúng ta thấy bốn ông này dường như bị thôi miên, vừa nghe gọi đã đứng lên đi theo ngay, không suy nghĩ, không tính toán. Thật ra, bốn ông này không xa lạ gì với Chúa Giêsu. Ít ra, hai người này đã biết Chúa Giêsu tại Giuđê qua sự giới thiệu của Gioan Tẩy Giả. Sau ngày được Gioan làm phép rửa cho, Chúa Giêsu đang đi tới Bêtania thì Gioan Tẩy Giả trông thấy và giới thiệu với hai môn đệ đứng gần ông: “Đây là Chiên Con Thiên Chúa, Đấng sẽ hy sinh để chuộc tội nhân loại”. Hai môn đệ nghe xong liền đi theo Chúa Giêsu, đàm đạo với Người từ bốn giờ chiều tới tối. Về nhà Anrê tìm gặp Simon, và dẫn em mình tới gặp Chúa. Giacôbê chắc chắn cũng được Gioan giới thiệu về Chúa Giêsu. Như vậy Mác Cô chỉ ghi lại lần gọi thứ hai ở bờ biển Galilê, cách lần gọi trước cả mấy tháng. Như vậy chắc chắn họ đã từng đứng giữa đám đông để nghe Ngài, đã từng nán lại để trò truyện với Ngài sau khi đám đông đã giải tán, và họ đã từng cảm thấy một điều kì diệu từ đôi mắt vốn có sức thu hút của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu đã không hề nói với họ: “Ta có một hệ thống thần học muốn đầu tư vào các ngươi, Ta có một số triết thuyết muốn các ngươi suy nghĩ, Ta muốn được thảo luận với các ngươi”, nhưng Ngài phán: “Hãy theo Ta”. Tất cả đều bắt đầu bằng một phản ứng cá nhân đối với Ngài, tất cả đều bắt đầu bằng một xúc động từ thâm tâm, làm naỷ sinh lòng trung thành không gì lay chuyển nổi. Nói thế không có nghĩ là một khi đã theo Chúa Giêsu chẳng ai có suy nghĩ gì cả, nhưng phần đông trong chúng ta, theo Chúa Cứu Thế như là “phải lòng”, như là bắt đầu yêu vậy. Có người đã tâm sự: “Chúng ta thán phục người khác có lý do, còn chúng ta yêu người khác thì chẳng có lý do gì cả”. Sự việc xảy ra chỉ vì họ là họ mà Ta là Ta, vậy thôi. Chúa Giêsu phán: “Phần Tôi, một khi được giương lên cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Gioan 12,32). Nói theo số đông, sở dĩ chúng ta theo Chúa Giêsu là do tất cả những gì vốn tự có nơi Ngài.

4. Cuối cùng, chúng ta chú ý điều Chúa Giêsu đã ban cho họ: Ngài giao cho họ một nhiệm vụ

Ngài không gọi họ để họ được mọi sự ưu tiên, dễ dãi, thoải mái. Ngài gọi họ để họ phục vụ. Ngài gọi họ vào một nhiệm vụ mà họ phải dành cả một đời sống cho Ngài, phải hăng say gấp rút để cuối cùng, phải chết cho Ngài và cho đồng bào, đồng loại. Ngài gọi họ vào một nhiệm vụ mà họ không được giữ lại cho riêng mình bất cứ cái gì, nhưng phải hiến dâng tất cả cho Ngài và cho tha nhân. Tuy nhiên, Ngài cũng từng nói với Phêrô và các môn đệ rằng: Từ bỏ mọi sự theo Ngài, sẽ được gấp trăm… 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết đáp lại lời mời gọi của Ngài bằng lòng quảng đại, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để con được nhẹ nhàng thanh thản bước đi theo Ngài. Xin cho con luôn ý thức rằng ơn gọi của con khởi đi từ tình yêu Chúa chứ không phải do tài năng của riêng con. Xin Chúa luôn đồng hành và hướng dẫn chúng con trong cuộc sống.