Linh mục có được “phong thánh” cho ai không?

Hỏi : Xin cha cho biết ý kiến về vài việc sau đây:

1. Có một số linh mục giảng trong lễ tang là người này chắc chắn đã lên thiên Đàng rồi , Như vậy căn cứ vào đâu mà nói được như thế ?

 

2. Lại có linh mục cứ nói Chúa rất nhân từ, nên đừng lo sợ gì về phần rỗi của mình,  vì Chúa Giê su đã chết thay cho mọi người có tội rồi nên không còn gì phải lo  sợ Chúa phạt ai nữa.

 

          Điều này có đúng như vậy hay không ?

 

Đáp :

 

1. Về câu hỏi  thứ nhất, tôi đã có đôi lần nói rõ là linh mục không  bao giờ được phép biến lễ tang thành lễ phong thánh cho ai ( canonization) vì không có giáo lý ,giáo luật nào cho phép làm như vậy. Ai chết, kể cả các linh mục, giám mục, Hồng y  và ngay cả Đức Thánh Cha chết, thì Giáo Họi chỉ dạy  phải cầu nguyện  cho người quá cố mà  thôi , chứ không tức khắc tuyên bố  ai  đã lên Thiên Đàng rồi nên khỏi cần cầu nguyện nữa.

 

Có phong thánh cho ai thì cũng phải có thời gian điều tra cũng như  đòi hỏi phải có một vài phép lạ mà người nào được hưởng nhờ cầu xin với người đã qua đời, rồi Giáo Hội mới phong chân phước ( Blessed) trước khi phong thánh.Nghĩa là phải qua nhiều thời gian điều tra theo giáo luật , nên từ xưa  đến nay, Giáo Hôi chưa bao giờ  phong thánh tức khắc cho ai sau khi người đó chết dù là Đức Thánh Cha.

 

Như vậy, khi giảng trong lễ tang của ai, linh mục nào nói là linh hồn này đã lên Thiên Đàng rồi, là đã tự ý phóng đại, tự ý phong thánh cho người kia mà không căn cứ vào giáo lý , giáo luật nào của Hội Thánh,- hay hơn nữa-  đã vượt quyền của Giáo Hội để tự ý phong thánh cho ai vì mục đích  đề cao người chết và làm vui lòng cho tang gia của người qua đời.

 

Lại nữa, nếu biết linh hồn của người chết đã lên Thiên Đàng rồi, tức là đã gia nhập hàng ngũ các Thánh ở trên Trời , thì cần gì phải cầu nguyện cho người ấy nữa ???  vì  có giáo lý nào dạy phải cầu nguyện cho một thánh nam hay thánh nữ nào đâu ? .  các thánh nam nữ đang hưởng Thánh Nhan Chúa Trên Thiên Đàng không cần ai cầu xin cho mình nữa. Ngược lại, các Thánh có thể cầu bầu, tức là cầu xin Chúa cách đắc lực cho các tín hữu còn sống và cho các linh hồn thánh đang được tinh luyện nơi Luyện tội.( Purgatory )

 

Như vậy, ai quả quyết rằng người này, người kia chết đã lên Thiên Đàng rồi là  đã tự ý phong thánh cho người ấy, bất chấp luật phong thánh của Giáo Hội, gây ngộ nhận cho giáo dân về phần rỗi của ai mà chính mình cũng không biết,  nhưng cứ nói đại để làm vui lòng cho thân nhân người quá cố mà xác còn đang nằm trong nhà thờ cho mọi người có mặt cầu nguyện .

 

Mọi linh mục đều phải hiểu rằng không ai có cách gì biết được Chúa phán đoán ra sao cho một  người đã ly trần. Ai chết thì phải cầu nguyện cho họ, có thế thôi –kể cả cho những người tự tử chết hay chết đột ngột không kịp được sức dầu và lãnh phép lành sau hết của Giáo Hội. Nghĩa là không ai có thể phán đoán người này đã lên Thiên Đàng, người kia đã xuống  hỏa ngục rồi  ,nên không cần cầu xin cho họ nữa.

 

Tóm lại, số phận đời đời của một người sau khi chết thì chỉ có Chúa biết và phán đoán công mình, khoan dung cho người ấy mà thôi.

 

2. Về câu hỏi thứ hai, tôi xin được trả lời như sau:

 

Thiên Chúa là tình thương: đúng. Công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô

 

Là quá đủ cho con người được cứu rỗi : đúng.

 

Nhưng không phải vì Chúa quá nhân từ, vì công nghiệp của Chúa Kitô là quá đủ, mà  con người không cần phải làm gì nữa về phần mình.Hay nói rõ hơn  không thể coi đó như bảo đảm chắc chắn về phần rỗi của mình nên cứ tự do sống theo ý riêng mà không cần đóng góp thiện chí cá nhân vào ơn cứu độ của Chúa để  sống theo đường lối của Người và xa tránh tội lỗi..

 

Trái lại, nếu không có thiện chí góp phần vào ơn cứu độ của Chúa  mà  lấy cớ Chúa là tình thương, Chúa Kitô đã chết thay cho mình rồi, nên cứ tự do sống và làm những việc trái với tình thương, công bằng và thánh thiện của Chúa như oán thù, giết người, giết thai nhi, trộm cắp, gian tham , dâm ô  thác loạn…thì chắc chắn Chúa không thể cứu người đó được.

 

Lý do là con người còn có ý muốn tự do ( free will) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người xử dụng.Nên nếu con người xử dụng tự do này mà chối bỏ Thiên Chúa bằng chính đời sống của  mình để phạm những tội nghịch cùng Thiên Chúa mà không hề biết ăn năn sám hối, thì công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô sẽ trở nên vô ích cho ai chọn lối sống này. Nghĩa là Tình thương vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô không thể áp dụng cho những ai lợi dụng tình thương và công nghiệp này để sống theo “văn hóa của sự chết” và chối bỏ Thiên Chúa bằng chính đời sống của mình.

 

Đó là lý do tại sao Chúa Giê su đã nói với một số người Do thái đến hỏi Chúa xem có phải những người Ga-li-lê bị Tổng Trấn Phi-la-tô giết chết và mười tám người khác bị thác Si-lô-a đổ xuống đè chết có phải vì họ tội lỗi hơn những người khác hay không, Chúa đã trả lời họ như sau:

 

“ Tôi bảo cho các ông biết: không phải thế  đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” ( Lc 12: 5 )

 

Như thế rõ ràng cho thấy là tình thương và công nhiệp của Chúa không thể bao che cho tội lỗi của con người, cố ý phạm vì lợi dụng tình thương tha thứ của Chúa và không biết sám hối để xin tha thứ. Chính vì tội của con người mà Chúa Giêsu  phải vác thập giá đau khổ và chịu chết thay cho loài người tội lỗi. Nhưng muốn được hưởng nhờ công nghiệp cứu chuộc đó,  để sống hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời mai sau, thì nhất thiết đòi hỏi con người phải cộng tác với ơn cứu chuộc của Chúa để xa tránh mọi tội lỗi, hay sám hối vì đã lỡ phạm tội, vì Thiên Chúa chê ghét mọi tội lỗi còn đầy rẫy trong thế gian, trong bản tính yếu đuối của con người và trong kế hoạch của Sa tan –  kẻ thù cho phần rỗi của mỗi người chúng ta-  không bao giờ muốn cho ai được cứu rỗi, được bước đi theo Chúa Kitô là “  Con Đường, là Sự Thật và là sự Sống. ( Ga 14 : 6)

 

Như vậy, không thể rao giảng tình thương của Chúa mà không nói đến phần đóng góp của con người vào tình thương và ơn cứu độ của Chúa.

 

Đây là một khuyết điểm lớn của các giáo phái Tin Lành, là những người chủ trương chỉ cần tin Chúa Kitô ( sola fe) là đủ cho con người được cứu độ mà không cần phải làm gì thêm về phía con người. Đây cũng là khuyết điểm của một số linh mục “mị giáo dân” bằng cách chỉ nói đến tình thương của Chúa mà không nói đến phần đóng góp của con người vào tình thương đó.

 

Thực tế cho thấy là nếu miệng nói tin Chúa mà chân bước đi theo thế gian để làm các sự dữ như thực trạng sống của con người ở khắp nơi trong thế giới tục hóa ngày nay- đặc biệt là những kẻ đang buôn bán phụ nữ và trẻ em cho bọn vô luân vô đạo đang đi tìm thú vui  dâm ô và ấu dâm rất khốn nạn- thì  dù có tuyên xưng tin Chúa Kitô cả ngàn vạn lần thì cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy.

 

Câu hỏi “ lời nói phải đi đôi với việc làm” rất đúng cả về mặt tự nhiên cũng như trong đời sống thiêng liêng. Trong mọi giao thiệp với người khác, ai  chỉ nói hay, nói hấp dẫn, nhưng không có việc làm cụ thể để chứng mình thì chắc chắn không thuyết phục được ai tin lời mình nói. Cũng vậy, tuyên xưng lòng tin có Chúa mà đời sống lại đi ngược với niềm tin ấy, thì sẽ không giúp ích gì cho phần rỗi của mình và cũng không  thuyết phục được ai tin Chúa nữa vì gương sống phản chứng của mình.

 

Tóm lại, rao giảng tình thương vô biên của Chúa là cần thiết, la đúng.  nhưng sẽ thiếu  sót nếu chỉ nói đến tình thương của Chúa mà không nói đến phần đóng góp cá nhân của con người vào tình thương ấy để không lợi dụng tình thương của Chúa mà sống thù nghich với lòng nhân hậu và  tha thứ của Chúa như thực trạng của biết bao con người trong thế giới tục hóa ngày nay.

 

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.

 

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.