Linh mục, cha

…. rất nhiều bài vở viết về linh mục. Hôm nay, tôi mạo muội đề cập đến một trong những danh xưng linh mục đã có lúc gây ra nhiều tranh cãi quyết liệt trên các trang mạng điện toán, đó là danh xưng cha dành cho linh mục.

  1. Những trở ngạiNhiều tác giả đã lên tiếng nhận xét, phê bình, cũng có người đã chỉ trích việc dùng danh xưng cha vì những lý do như sau:

    1.1 Không có nền tảng Thánh Kinh: Thánh Kinh không có chỗ nào ghi lại Chúa Giêsu đã xưng mình là cha. Ngược lại, Phúc Âm ghi rõ lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em cũng đừng gọi ai ở dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9).
     
    1.2 Không có nguồn gốc truyền thống: Trong lịch sử Giáo Hội, trong 10 thế kỷ đầu đã không có lối xưng hô này [1]. Trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam danh xưng “cha” mới xuất hiện từ năm 1924 – khi uy quyền Giáo Hội được tăng cao trong xã hội [2].
     
    1.3 Không phù hợp phong tục, văn hóa Việt Nam: 
     

3.1) Người Việt chỉ quen gọi bố đẻ của mình là cha mà thôi, gọi người không có liên hệ máu mủ bằng cha là một việc rất khó.
 

3.2) Linh mục xưng cha hô con với người cao tuổi hơn mình thì trái tục lệ “xưng phải hạ, hô phải thăng” của người Việt.

1.4 Danh xưng này mang lại nhiều hệ quả xấu:
  

4.1) Cho bản thân linh mục: Lối xưng hô kiểu này “phần nhiều chỉ gây hại và (ít nhiều) sẽ tạo thêm khó khăn cho người tu sĩ có tâm hồn hướng thượng một cách đúng đắn”, “trực tiếp góp phần vun bồi cái tôi mỗi ngày một thêm phình to và kềnh càng hơn“, “góp phần tạo ra các ảo tưởng về sự thánh thiện của bản thân”, “tính hòa đồng không đẳng cấp thuở ban đầu kia sẽ bị thương tổn nghiêm trọng” [3]. 
 

4.2) Cho gia đình linh mục: Khó ăn nói khi giao tiếp với người trong gia đình (huyết tộc, cao tuổi). 
 

4.3) Cho sự hợp thông trong Giáo Hội: Trở thành tác nhân của “hội chứng quyền lực” [4], khiến cho “không biết bao nhiêu người tự tôn, tự tác lên mặt, la mắng, chỉ tay năm ngón… làm chia rẽ giáo xứ, giáo phận, giáo hội” [5]. 
 

4.4) Cho việc phụng vụ của Giáo Hội: “Cùng một thánh lễ, từ ‘Cha’ vừa để gọi Thiên Chúa Cha (đặc biệt trong phần phụng vụ Thánh Thể), vừa để gọi một thụ tạo của Ngài như linh mục chủ tế, thì chẳng những không phù hợp, mà e rằng còn là một hành vi phạm thượng đối với Thiên Chúa Cha” [6]. 
 

4.5) Cho bổn phận truyền giáo của Giáo Hội: Không thuận tiện

1.5 Nhiều linh mục cũng không đồng ý với danh xưng này: Lm. Cao Vĩnh Phan [7], Lm. Nguyễn Thanh nhắc đến Lm. Nguyễn Thế Thuấn [8], tác giả Trần Hữu Hiệp nhắc đến ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn và Lm. Gérard Roland [9], còn tác giả Xuân Thái thì dẫn chứng ĐTC Gioan Phaolô II [10]…
 
Do đó, một số tác giả cho rằng: “Lối xưng hô này chỉ là quy ước, xuất phát từ một giai đoạn lịch sử đặc thù. Nay thời thế đã đổi, tâm lý con người cũng khác, lối xưng hô này cũng nên được xét lại” (Võ Lý). “Ở đấy, bấy giờ thì rất phù hợp. Nhưng ở đây, bây giờ mà còn như thế, thì rất cần phải xem lại, về nhiều mặt” (Xuân Thái).
 
2. Những ý kiến bênh vực.
 

Đã có nhiều bài viết gián tiếp hay trực tiếp giải thích về các vấn nạn nêu ra trên đây, trong phạm vi bài này tôi xin được tóm lược các ý chính như sau:
 
2.1. Nền tảng Thánh Kinh [11]: “Đừng gọi ai dưới đất này là cha”: Mệnh lệnh này xem ra phản đối thói quen gán cho một vài vị hướng dẫn cộng đoàn tước hiệu Abba (cha) cũng trong một ý nghĩa danh dự và xã hội như tước hiệu Rabbi (thày). Rõ ràng là nó không nhắm đến người cha trong gia đình theo nghĩa đen (x.Mt 15,4-6;19,19 [12]). Mệnh lệnh này lại càng không chống đối cái truyền thống kỳ cựu có nơi mọi dân tộc và trong Thánh Kinh, theo đó giữa các thầy và trò phải thiết lập mối liên hệ tương tự mối liên hệ giữa cha và con, khiến họ thường gọi nhau là “cha” và “con” (x. 2V 2,12; Cn 4,1; 1Cr 4,14-17, Gl 4,19; 2Tm 1,2; Tt 1,4; 1Pr 5,13; 1Ga 2,1.12.14…). Nên lưu ý là ở đây cũng vậy, các câu 8-12 không nhấn mạnh đến sự phủ nhận mọi quyền bính Giáo Hội cho bằng là (nhấn mạnh) đến mối nguy tạo nên do những “đại nhân vật” chiếm hết danh dự dành cho Thiên Chúa và Đức Kitô. Cha Nil Guillemet giải thích: “Tin Mừng đôi lúc không mấy lưu tâm gọt dũa các góc cạnh gồ ghề của một câu văn trình bày một quan điểm phiến diện. Trong những trường hợp ấy, lời xác quyết quá tuyệt đối của nó cần được đối chiếu với những xác ngôn khác không kém triệt để mà nó lại đưa ra theo chiều hướng trái ngược; chung chung, các câu ấy, thay vì nói nghịch nhau, chỉ bổ túc nhau, và thế quân bình được tái lập. Nói tóm lại, không nên coi đoạn này như một lời thực sự và đơn giản thành một giáo thuyết của biệt phái, thì cũng chẳng nên nghĩ rằng việc bài bác một vài giáo huấn của các tiến sĩ luật có nghĩa là việc phế bỏ quyền bính giảng dạy của họ” [13]. Thầy (Rabbi): Kitô hữu chỉ có duy nhất một vị thầy. Theo nghĩa là họ là môn đệ suốt đời của một mình Đức Kitô mà thôi. Những người thầy khác có vai trò tạm thời (mà thôi).
 
2.2. Nguồn gốc truyền thống: Saul ben Batnith (khoảng 80-120) là nhà hiền triết Do Thái đầu tiên được người ta gọi là Abba(cha) [14]. Trong các tiến sĩ Israel của 4 thế kỷ đầu, hơn 50 vị được mang tước hiệu Abba. Mặc dù đã có lệnh cấm, nhưng danh xưng này đã lẻn vào Kitô giáo qua phong trào đan viện bên Ai Cập, danh xưng này lúc đầu dùng như một thuật từ chỉ vị linh hướng trong các đan viện (Abbot). Thuật từ này cũng được dùng trong bản Qui Luật của thánh Bênêđictô để chỉ các vị đứng đầu các tu viện [15].
 
– Bên Âu châu, từ Father (cha) nguyên là danh xưng của các tu sĩ hành khất (Dòng Phanxicô). Trong các nước nói tiếng Anh và Bồ Đào Nha thì từ này dùng để xưng hô hoặc nói về các linh mục triều, tại Anh thói quen gọi các linh mục là cha có từ năm 1879, trước đó các linh mục triều được gọi là “ông” (Mr.) và “ngài” (sir) như vẫn thấy còn sử dụng ở Ushaw (1950). Trong các quốc gia Công giáo, linh mục triều được gọi là Monsieur l’abbé, monsieur le curé, hoặc có nơi gọi là signor, don(như “thầy” Dom) vv… Các linh mục trong Giáo Hội Đông Phương đều được gọi là “cha” (Father) [16]. Dần dần, trong các thể chế Kitô giáo, người ta đã dùng khá nhiều tước vị cha dưới nhiều hình thức: Thượng phụ, Tổ phụ (Patriarch), Tông phụ(Apostolic Fathers), Giáo phụ (Father of Church), Viện phụ (Abbot, Abbé), Đức thánh cha (Pope), Nghị phụ vv…) theo nghĩa linh tông ấy. Điều này chẳng phải là đi ngược lại Tin Mừng, vì cái quan trọng là tinh thần chứ không phải là chữ viết.
 
– Bên Trung Quốc, Nhật cũng như Hàn Quốc có một danh xưng là: thần phụ (神父) nghĩa là cha tinh thần, cha thiêng liêng. Khi xưng như vậy, không những phân biệt được cách gọi bố đẻ của mình, mà còn nói lên tính cách và nhiệm vụ của vị linh mục, đồng thời không gây thắc mắc cho người ngoài Công Giáo khi phải đối thoại với một vị linh mục.

– Tại Việt Nam, những năm đầu truyền giáo, các thừa sai ngần ngại không biết xưng mình với anh chị em bổn đạo thế nào cho phải. Sau cùng, các ông xưng là “thầy“, cũng có nghĩa như sư (bên Phật giáo), nhưng lại hay ở chỗ đó là tiếng Việt hoàn toàn, mà vẫn nằm trong bộ tam “quân-sư-phụ” rất thích hợp với cơ cấu xã hội Nho giáo Việt Nam lúc đó. Từ 1630 trở đi, vì có các thầy giảng, nên gọi các thừa sai là “thầy cả” tức là “thầy lớn hơn các thầy (giảng)” [17]. Cũng có nơi dùng những danh xưng như: sacêđotê (TBN: sacerdote), phatêrê (L. frater), cụ, ông cụ, (cụ chính, cụ tuỳ), pe (P: père), cố, cố đạo, đạo trưởng, thày đạc đức… Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bắt đầu xuất hiện danh xưng “cha” [18] dịch từ chữ père bên tiếng Pháp.
 
2.3. Phong tục, văn hóa Việt Nam:
 
Đối với những người ngoài Công Giáo: Đại Từ Điển Tiếng Việt giải thích chữ cha có 2 nghĩa: (1) Người đàn ông có con, trong quan hệ với con; (2) Linh mục, trong quan hệ với người theo đạo Thiên Chúa [19]. Như vậy, xã hội Việt Nam hiểu rằng từ “cha” dùng để xưng hô với linh mục trong quan hệ “nội bộ” của người Công Giáo. Do đó, không thể đặt vấn đề cha-con với người ngoài Công Giáo. Nghĩa là, trong giao tiếp với người ngoại Đạo, linh mục sẽ xưng hô theo phong tục tập quán của xã hội dân sự bình thường.
 
Đối với những người trong gia đình: “Linh mục, Giám mục hay bất cứ chức sắc nào đi nữa, thì cũng đến từ một gia đình. Trong gia đình ấy có đủ cha mẹ, anh em họ hàng như những người khác và cũng tôn ti trật tự, lễ giáo giống như những gia đình khác. Do đó, trong gia đình, một linh mục vẫn là một người con với những người thân sinh ra mình và là anh em với anh em mình. Một linh mục thường “giảng” cho người khác giữ gìn lễ giáo gia phong, thì chính linh mục ấy là người làm chứng cho lời mình giảng bằng chính đời sống mình. Tóm lại, trong gia đình, cha mẹ không gọi người con làm linh mục là cha và không xưng là con”. “Một người có con làm linh mục, có nghĩa là người con linh mục ấy là con của mình. Mọi người gọi con mình là cha rồi xưng con, không có nghĩa là mọi người đều là cháu mình. Tương tự như thế, nếu người bố mẹ của ông cha ấy có đủ khiêm nhường để sống và xưng hô như những người khác với các linh mục khác là điều đáng quí, còn nếu không cũng chẳng sao, chỉ tỏ ra việc bố mẹ của ông cha ấy thiếu khiêm nhường chút, thế thôi. Một người có con làm linh mục, không có nghĩa là tất cả các linh mục khác đều là con của mình”.
 
– “Đối với các linh mục trạc tuổi nhau, trước khi chịu chức linh mục, các linh mục đã học chung, sống chung với nhau nhiều năm nơi ghế nhà trường. Lúc ấy là thiếu niên, thanh niên nên thường xưng hô với nhau như các thanh thiếu niên khác… Sau khi trở thành linh mục, tình thân ngày trước vẫn còn, nên trong lúc riêng tư, vẫn tự nhiên và thân thiện như ngày xưa thân ái. Tuy nhiên, khi hiện diện trước đám đông hay các buổi lễ lạc, các linh mục vẫn thường xưng hô theo mọi người, có nghĩa là gọi nhau là cha và xưng là con” [20].
 
2.4. Danh xưng này mang lại nhiều hệ quả xấu?
 
Đặt vấn đề có nên gọi linh mục là cha, theo tôi, chính là đặt vấn đề căn tính linh mục. Bài viết của Cha John Cihak có tựa đề là “Linh mục trong tư cách là người nam, người chồng và người cha” [21] đăng trên trang mạng Ignatius Insight ngày 26/3/2007 thực đáng cho chúng ta suy nghĩ:
 
Linh mục như là người chồng nhờ tham dự vào tương quan phu phụ của Đức Kitô với Hiền Thê của Người là Giáo Hội[22].
 
Linh mục như là người cha: Nam tính của linh mục và tương quan phu phụ với Hội Thánh làm cho linh mục thành người cha. Một tình yêu chân thực luôn phát sinh sự sống, và trong trường hợp của linh mục thì chính là đời sống thiêng liêng và vĩnh cửu.
 
Tình yêu phu phụ của linh mục nhất thiết là phải sản sinh. Vì thế, linh mục của Đức Giêsu, không phải là một công chức, một tay làm thuê, một giám đốc điều hành, hay một kẻ hám danh, nhưng là một người cha.
 
Chúng ta quen gọi các linh mục là “cha.” Tuy nhiên đó không phải là danh xưng mang tính ẩn dụ hay màu sắc thi ca. Tư cách cha của linh mục là thật vì nó là sự tham dự vào tư cách Cha thần linh (1 Cr 4,15; Ep 3,15). Vì thế, tư cách cha của linh mục được thiết lập bởi tư cách làm Cha của Chúa Cha trên trời mang tính tổng thể, hoàn tất việc tự hiến.
 
Và nếu tư cách cha của linh mục là thật, thì tôi nghĩ có thể thực hành như lời thánh Phaolô đã dạy Titô:
 
Phần anh, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Đó là những điều anh phải nói, phải khuyên, phải sửa dạy với tất cả uy quyền. Chớ gì đừng có ai coi thường anh” (Ti 2,1-3.15).
 
Hay nói như Đức Giáo Tông Gioan Phaolô II khi trả lời ký giả Vittorio: “Những từ ngữ này được xây dựng trên một truyền thống lâu đời và đã đi vào trong ngôn ngữ thường dùng, và ngay cả những từ ngữ này ta cũng đừng sợ” [23].
 
Một cha giáo kể chuyện rằng Đức Giáo Tông Piô XII có thói quen xưng tội mỗi ngày. Tối đến, khi cha giải tội bước vào phòng của Đức Giáo Tông thì ngài liền quỳ xuống hôn nhẫn của Đức Giáo Tông, rồi đến phiên Đức Giáo Tông làm dấu thánh giá và quỳ xuống để xưng tội.
 
Người ta nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Nhiều linh mục thường xuyên mặc ‘soutane’, nhưng cũng có linh mục khác cả năm chưa mặc ‘soutane’ một lần, tuỳ ý nghĩa biểu tượng được gán cho chiếc ‘soutane’. Khi nói chuyện với một người lớn tuổi hơn mình mà xưng hô cha con, chúng tôi (các linh mục) cũng ngại lắm. Nhưng cũng là một dịp cho chúng tôi suy nghĩ về những ân huệ Chúa ban cách riêng cho mình (sự kính trọng của mọi người?) để từ đó, khiêm nhường hơn và tích cực hơn trong việc tông đồ và mục vụ.
 
2.5. Việc một số linh mục không muốn dùng danh xưng cha:
 
“Quí linh mục nào không thích được gọi bằng “cha” thì cứ tự do bảo người ta gọi mình cách nào tùy thích, nhưng xin đừng nói là không có giáo lý và truyền thống của Giáo Hội về việc này, nhất là đừng trưng câu Phúc Âm Mt 23,8-9 ra để biện minh cho việc đả phá danh xưng này” [24].

 

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ