Dù lòng tôn sùng thánh Giuse trong Hội Thánh khá trễ. Tuy nhiên, như một dòng thác từ lâu bị ngăn chặn, một khi được khai thông, nó bất chấp mọi trở ngại, nhưng cuốn phăn tất cả theo nó dữ dội…
Cũng vậy, một khi tấm gương của thánh Giuse đã được đề cao, thì mọi tâm hồn, mọi suy tư đều đổ dồn về. Thánh Giuse trở nên vị thánh chiếm vị trí quan trọng trong lòng tính hữu Công Giáo.
1. Những thế kỷ đầu.
Lòng tôn kính thánh Giuse hầu như không được đề cập đến. Lúc đó, Hội Thánh thờ kính đặc biệt Ngôi Hai Thiên Chúa. Bên cạnh, Hội Thánh nhắc đến Đức Trinh Nữ Maria, vì Người là Mẹ của Đấng Thiên Chúa làm người. Trong thời bắt đạo bởi các hoàng đế Lamã, Hội Thánh còn tôn kính đặc biệt các thánh Tử đạo.
Thật ra, những việc tôn kính như trên không có gì khó hiểu. Bởi thời kỳ đầu, phải đối diện với quá nhiều thách đố mang tính hộ giáo, đồng thời phải luôn luôn củng cố Thiên tính đi liền với nhân tính của Chúa Giêsu, mà Hội Thánh luôn đề cao vai trò của Ngôi Hai Thiên Chúa, đề cao sự đồng trinh nhiệm mầu của Đức Maria. Và vì cơn bắt đạo ngày càng dữ dội, điều quan trọng lúc này là củng cố đức tin cho các Kitô hữu mà Hội Thánh đề cao việc tôn kính các anh hùng Tử đạo. Vai trò của thánh Giuse hầu như bị bỏ quên.
Tuy nhiên, một vài thế kỷ tiếp theo, có nhiều Giáo Phụ như Gioan Kim Khẩu, Giêrônimô, Augutinô hết lời ca ngợi thánh Giuse và ơn gọi nhiệm lạ một cách đặc biệt mà Chúa dành cho thánh Giuse trong các bài giảng hoặc trong vài tác phẩm.
2. Lòng mến thánh Giuse bắt đầu.
Thế kỷ XII là thế kỷ đánh dấu sự thăng tiến về lòng yêu mến thánh Giuse trong Hội Thánh. Từ 1153, thánh Bênađô, đã có những bài giảng về thánh Giuse. Có những bài giảng rất hùng hồn, ngài đề cao vai trò của thánh Giuse trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Ngoài ra, thánh Bênađô không tiếc lời tuyên dương những vinh hiển và nhân đức của thánh Giuse. Bên cạnh đó, dòng Ðaminh với thánh Tôma tiến sĩ (1274), dòng Phanxicô cũng góp phần lớn, gây ảnh hưởng và cổ võ phong trào sùng kính thánh Giuse.
Thế kỷ XV, và năm 1416, tại Công Đồng Constantinô, Gerson, linh mục và thần học gia đã có bài tham luận thật sâu sắc ca ngợi và nêu gương thánh Giuse cho mọi người. Ngay tại Công Đồng, ông còn đề nghị lập lễ kính thánh Giuse, để xin ơn bình an cho Hội Thánh, bởi lúc đó, Hội Thánh đang khủng hoảng và chia rẻ trầm trọng.
Cùng thời điểm này, Hồng Y Phêrô Ailly xuất bản cuốn sách “Những vinh hiển và đặc ân của Thánh Giuse” để tôn vinh những kỳ công mà Chúa đã thực hiện trên con người và đời sống của thánh Giuse. Kể từ đó, lễ thánh Giuse bắt đầu thịnh hành trong khắp Âu Châu. Người ta bắt đầu xây nhiều nhà thờ dâng kính thánh Giuse.
Thế kỷ XVI, vào khoảng năm 1528, thánh Têrêsa Giêsu, tiến sĩ Hội Thánh, trong khi cải tổ dòng Cát Minh, đã kêu gọi các đan sĩ hãy nhiệt tình tôn kính thánh Giuse. Thánh nữ đã dâng kính thánh Giuse hầu hết các đan viện do chính thánh nữ sáng lập. Ngoài sự kêu gọi, qua việc giảng dạy bằng lời, thánh Têrêsa còn viết sách cổ võ sự sùng kính thánh Giuse. Với tất cả những việc làm và lòng tin tưởng, lòng yêu mến dành cho thánh Giuse, thánh nữ Têrêsa xứng đáng được gọi là tông đồ số một của thánh Giuse.
Thế Kỷ XVII, việc tôn kính thánh Giuse đã phổ biến, và càng ngày càng tiến xa. Nhất là tại Áo quốc, năm 1677, vua Leopolđô I (1640-1705) đặt thánh Giuse làm Đấng bảo trợ quốc gia và xin phép Ðức Giáo hoàng cho lập lễ Hôn phối thánh Giuse và Ðức Mẹ, vì ông muốn cảm tạ thánh Giuse đã cứu thủ đô Vienna khỏi quân Thổ nhĩ kỳ đánh phá.
Hơn nữa, ông còn tin rằng, thánh Giuse đã cho ông sinh được một người con nối dòng là vua Giuse I. Bởi lúc đó, thượng vị Lêôpolđô I lên làm vua nước Áo, đã 40 tuổi mà chưa có con. Trong nhiều năm, nhà vua đặt hết tin tưởng vào thánh Giuse. Ông sốt sắng cầu khẩn thánh Giuse ban cho ông có con.
Ðể chứng tỏ lòng trông cậy, vua ra chiếu chỉ tôn thánh Giuse làm Ðấng bảo trợ các vua nước Áo. Ông truyền đúc tượng thánh Giuse bằng bạc. Ông xin các linh mục dâng thánh lễ và tổ chức rước kiệu kính thánh Giuse đủ tám ngày.
Sau chín tháng, hoàng hậu sinh hạ một con trai, nhà vua rất đỗi vui mừng. Ðể nhớ ơn thánh Giuse, nhà vua truyền đặt tên thái tử là Giuse và hứa đúc một tượng thánh Giuse bằng bạc lớn hơn lần trước, đặt tại quảng trường thành phố Vienna, để mọi người qua lại đều có thể tôn kính thánh Giuse.
Tuy nhiên, Leopolđô I băng hà khi chưa kịp thi hành lời hứa cùng thánh Giuse. Con trai duy nhất của ông là vua Giuse I (1678-1711) ý thức lời cha dặn, nhất là biết mình được sinh hạ nhờ ơn thánh Giuse, hơn nữa bản thân cũng chọn thánh Giuse làm bổn mạng, đã thay cha, truyền đúc tượng thánh Giuse rất lớn bằng bạc, xây bệ cao và cử hành nghi lễ đặt tượng giữa kinh đô ngay chính ngày lễ thánh Giuse năm 1709.
Tại pháp năm 1704, Giám mục Bossuet đọc một bài diễn văn thời danh tán dương thánh Giuse, gây ảnh hưởng lớn đến nỗi Ðức Urbanô VIII đã nâng lễ thánh Giuse lên bậc lễ buộc trong nước Pháp.
Đến thế kỷ XIX, lòng yêu mến thánh Giuse trong cả Hội Thánh lên đến đỉnh điểm. Năm 1870, Ðức Piô IX, thể theo đề nghị của hàng giám mục thế giới, trong lúc họp Công Ðồng Vatican I, long trọng tôn phong thánh Giuse làm Ðấng bảo trợ toàn thể Hội Thánh và truyền mừng lễ kính thánh Giuse vào ngày 19.3 hàng năm ở bậc trọng thể.
Năm 1889, Ðức Lêo XIII ban hành thông điệp “Thánh Cả Giuse, bạn trăm năm Ðức Mẹ và Cha Chúa Giêsu” đã trở thành thông điệp thời danh, đáng gọi là Hiến chương thần học tuyên dương sự vinh hiển của Thánh Giuse. Trong thông điệp, Đức Thánh Cha ra lệnh, phải tôn kính thánh Giuse vào mỗi tháng 3 hàng năm.
Từ đó tới nay, lòng sùng kính thánh Giuse lan tràn khắp nơi. Ngài trở thành vị thánh thứ hai, sau ÐứcTrinh Nữ Maria, được cả Hội Thánh và từng con cái Hội Thánh yêu mến, kính tôn và khẩn cầu.
3. Tại Việt Nam.
Ngay từ thời gian đầu, khi Tin Mừng mới được rao giảng, Hội Thánh Việt Nam đã sớm tỏ lòng tôn kính thánh Giuse. Rất nhiều người, trong đó, đại đa số nam giới chọn thánh Giuse làm bổn mạng. Nhiều nhà thờ, nhà dòng được đặt dưới sự bảo trợ của thánh Giuse. Hầu như trong tất cả các nhà thờ đều có bàn thờ thánh Giuse. Nhiều nhà thờ còn xây đài kính thánh Giuse trong khuôn viên nhà thờ để giáo dân tiện việc tôn kính và cầu nguyện cùng thánh Giuse.
Ngay từ thế kỷ thứ XVII, năm 1678, Ðức Inôxentiô XI, theo đề nghị của các Giám mục truyền giáo phương Ðông, đã phong thánh Giuse làm thánh bảo trợ nước Việt Nam và các nước lân cận. Chính cha Đắc Lộ, người tiên phong trong việc chọn thánh Giuse làm bổn mạng Hội Thánh Việt Nam.
Cha Ðắc Lộ thuật lại một câu chuyện về thánh Giuse như sau: “Ngày 12.3.1627, lễ Thánh Gregoriô, tôi và thầy Antôn Marques xuống tàu tại Áomôn để sang Ðàng Ngoài. Chúng tôi vượt biển, thuận buồm xuôi gió cho tới chiều ngày thứ bảy. Khi chuẩn bị vào cửa biển ở Thanh Hóa, bỗng dưng bão nổi lên với nhiều hình quái dị khiến mọi người kinh hãi. Nhưng qua hôm sau là lễ thánh Giuse thì biển yên sóng lặng, hình quái gở đã biến đi, nên chúng tôi vào cửa biển bình an. Cửa ấy, dân địa phương gọi là cửa Bạng (Thanh Hóa), nhưng chúng tôi đặt tên là Cửa thánh Giuse, hầu kính nhớ ơn ngài đã phù hộ chúng tôi tới đó bình an”.
4. “Hãy đến cùng Giuse”, đến cùng Cha chúng ta.
Tuy không rõ ràng, nhưng nhiều người đồng ý, thánh Giuse của Tân Ước đã được báo trước ngay từ những trang đầu của Cựu Ước (sách Sáng thế), qua hình tượng tổ phụ Giuse con của tổ phụ Giacob.
Có thể nói, tổ phụ Giuse là hình bóng của thánh Giuse, trước hết là tên gọi:
– Người con áp út của tổ phụ Giacob và người bạn trăm năm của Ðức Maria, có cùng một tên gọi: GIUSE.
– Tổ phụ Giuse, sau khi bị bán sang Aicập, nhờ ơn Chúa, đã nhanh chóng được đẹp lòng vua Putiphar. Nhà vua đã tín cẩn, trao cho tổ phụ coi sóc, lo liệu mọi việc cần thiết. Sau đó, chính nhà vua đã cất nhắc tổ phụ làm quan tể tướng triều đình của mình. Vua ban cho tổ phụ mọi quyền hành phù hợp để lo việc thu trữ lúa thóc và phân phát cho toàn dân Aicập và các vùng lân cận. Sau cùng, nhà vua còn ban danh hiệu quý giá cho tổ phụ, đó là danh hiệu: Vị Cứu tinh của nhân dân (x.St 41, 1tt).
Chức vụ và quyền hành mà vua Aicập ban cho tổ phụ Giuse ảnh hưởng trên toàn quốc gia Aicập, là hình bóng chỉ quyền cao, chức trọng Thiên Chúa đã ban cho Thánh Giuse để ngài giữ gìn, chở che Hội Thánh, đoàn dân mới của Chúa trên khắp hoàn cầu.
– Tổ phụ Giuse còn là hình bóng của thánh Giuse, vì ông còn là con người khéo léo, biết lo liệu mọi việc. Sự khôn ngoan khéo léo này thể hiện qua việc ông vừa sinh nhiều lợi ích cho chủ mình, vừa cứu dân thoát chết.
Cũng vậy, thánh Giuse được Chúa tuyển chọn để gìn giữ Nguồn Sống của cả nhân loại là chính Chúa Giêsu. Thánh Giuse còn được chọn làm Bổn mạng bênh vực Hội Thánh, hướng dẫn và lèo lái con thuyền Hội Thánh, nhất là trong những lúc Hội Thánh đối diện với thử thách.
– Một lệnh truyền nổi tiếng mà vua Aicập ban ra để dạy dân Aicập, được Hội Thánh sử dụng để dạy con cái mình: “Hãy đến cùng Giuse” (St 41, 55) là một bằng chứng hùng hồn, cho thấy, Hội Thánh nhìn nhận tổ phụ Giuse là hình ảnh tiên báo thánh Giuse.
Với lệnh truyền này, Pharaô Putiphar đã đặt mọi quyền lực vào tay tổ phụ, thì khi dạy con cái mình hãy đến cùng thánh Giuse, Hội Thánh muốn khẳng định rằng: thánh Giuse có thế giá trong quyền lực bàu chữa cho chúng ta.
Thánh Giuse bồng Chúa Giêsu, vì người là cha của Chúa. Thánh Giuse cũng muốn chúng ta, một khi là con của người, hãy sà vào lòng người để được người săn sóc, băng bó, vỗi về, bảo vệ…
Hãy chạy đến thánh Giuse. Hãy đến cùng thánh Giuse. Hãy gắn mình vào lời cầu nguyện cả đời của chúng ta để nài xin thánh Giuse che chở, khẩn cầu.
Trong kinh Khấn thánh Giuse bảo trợ, tuy nói quá đáng về vai trò của thánh Giuse: “Cha có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời đến nổi người ta có thể nói rằng: ‘Trên trời Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin’”, dễ làm chúng ta lầm tưởng, thánh Giuse có quyền lực tối thượng nơi thiên đàng.
Tuy nhiên, lời kinh vẫn phản ánh một thực tế: Hiệu lực trong lời chuyển cầu của thánh Giuse dành cho đoàn con trần thế của mình là vô song.
Hãy cậy vào công nghiệp của thánh Giuse trước mặt Chúa. Hãy cậy vào nhân đức của thánh Giuse. Hãy cậy vào lời chuyển cầu thế lực mà thánh Giuse được Chúa ban. Chúng ta hãy đến cùng thánh Giuse. Hãy nguyện xin thánh Giuse đồng hành với chúng ta trọn cuộc đời, để từng nhịp sống của chúng ta, luôn có thánh Giuse yểm trợ, lèo lái, đỡ nâng.
Mỗi khi chạm phải những thách đố cho cuộc đời hay cho đức tin của mình, chúng ta hãy “trao phó nơi Cha vụ khó khăn này… Xin Cha giải gở giúp chúng con, để thêm một vinh quang mới vào bao nhiêu vinh quang sẵn có của Cha” (kinh Khấn thánh Giuse bảo trợ).
Xin thánh Giuse hãy thương nhận lấy chúng ta như đã bao dung nhận lấy trách nhiệm làm cha của Chúa Giêsu.
Chúng ta đừng bao giờ ngần ngại, nhưng hãy đến cùng thánh Giuse.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
(Còn tiếp)