Chiều thứ bảy 19/10, trước Ngày Thế giới truyền giáo, Đức Hồng y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã chủ sự Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa giáo phận Crema của Ý để tuyên phong chân phước cho cha Alfredo Cremonesi.
Cha Cremonesi thuộc Hội Truyền giáo Giáo hoàng hải ngoại, gọi tắt là Pime, bị giết vì thù ghét đức tin tại Myanmar ngày 07/02/1953, nơi cha đã truyền giáo 28 năm.
28 năm truyền giáo tại Myanmar
Cha Cremonesi sinh ngày 16/05/1902 tại giáo phận Crema, chịu chức linh mục ngày 12/10/1924. Cha bắt đầu đến Myanmar vào năm 1925 và từ năm 1929, cha hoạt động truyền giáo tại làng Donoku. Cha đã cống hiến hết mình cho người bản địa và mặc dù gặp khó khăn, cha đã đạt được những thành quả thiêng liêng tốt đẹp, bằng cách dấn thân trong việc thăng tiến nhân bản cho những người dân rất nghèo. Hoạt động mục vụ của cha đặt nền tảng trên đời sống cầu nguyện sâu xa, được nuôi dưỡng bởi việc chầu Thánh Thể, đặc biệt là vào ban đêm, theo phong cách đan viện, điều luôn luôn lôi cuốn cha.
Bị giết khi đang cầu nguyện
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Myanmar được độc lập nhưng cuộc nội chiến giữa các sắc tộc đã bùng nổ. Những nhóm tôn giáo thiểu số như Công giáo, trở thành đối tượng bị thù ghét cao độ và các nhà truyền giáo châu Âu thường bị trục xuất.
Năm 1950 cha phải rời Donoku, nhưng lại muốn trở lại đó vào năm 1952, dù ý thức những nguy hiểm. Ngày 07/02/1953, trong cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và những người nổi dậy diễn ra ở làng Donoku, cha đã bị một số quân lính thù ghét Kitô hữu bắn chết. Theo các nhân chứng, cha bị giết khi đang cầu nguyện.
Sự khích lệ cho Giáo hội Myanmar
Trong bài giảng Thánh lễ phong chân phước, Đức Hồng Y Becciu nói: “Cái chết của cha Cremonesi là hạt lúa trong dụ ngôn Tin Mừng, chết đi để sinh bông hạt. Cái chết của cha là khởi đầu của cuộc sống mới, là biểu tượng của sự sống được ban tặng, bị “mất đi” vì tình yêu Chúa và tha nhân, theo luận lý của tình yêu… Việc tuyên phong chân phước cho cha Cremonesi là một khích lệ để Giáo hội Myanmar tiếp tục dấn thân vượt thắng những vết thương tinh thần và luân lý và mang thuốc chữa lành của lòng thương xót Chúa cho dân tộc đã đau khổ vì các xung đột và đàn áp và đang nỗ lực trên con đường tự do, công lý và hòa bình”. (Agenzia Fides/REI, 18/10/2019)
Hồng Thủy
(VaticanNews 19.10.2019)