“Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe những lời Phaolô giảng dạy”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Chúng tôi xuống tàu tại Trôa và đi thẳng đến Samôthra, và hôm sau đến Nêapôli; rồi từ đó đi Philippê là thành thứ nhất vùng Macêđônia, và là xứ thuộc địa. Chúng tôi lưu lại thành này một ít ngày. Ðến ngày Sabbat, chúng tôi đi ra ngoài cửa thành đến bờ sông, chỗ người ta thường hợp nhau đọc kinh. Chúng tôi ngồi xuống giảng cho những phụ nữ đang tề tựu ở đó. Bấy giờ có một bà tên là Lyđia, buôn vải gấm, quê ở Thy-a-ti-ra, có lòng thờ Chúa, cũng ngồi nghe; Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy. Sau khi chịu phép rửa tội làm một với gia đình, bà nài xin rằng: “Nếu các ngài xét thấy tôi đã nên tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi”. Bà nài ép chúng tôi.
Ðó là lời Chúa.
Đáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b
Ðáp: Chúa yêu thương dân Người.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.
Ðáp: Chúa yêu thương dân Người.
2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.
Ðáp: Chúa yêu thương dân Người.
3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.
Ðáp: Chúa yêu thương dân Người.
Alleluia: Ga 14,13
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 15,26 – 16,4
“Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Ðấng Phù Trợ đến, Ðấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Ðã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Chúng ta thường cầu xin Chúa Thánh Thần
trước một cuộc tĩnh tâm, một hội nghị hay một cuộc gặp gỡ tìm ý Chúa.
Thánh Thần cho ta ánh sáng để quyết định.
Nhưng Thánh Thần cũng là Đấng ban sức mạnh đỡ nâng,
nhất là lúc Giáo Hội gặp gian nan thử thách.
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của sự bách hại.
Các môn đệ sẽ bị ghét bỏ, bắt bớ (Ga 15, 18-20).
Hơn nữa, họ còn bị trục xuất khỏi hội đường và bị giết (Ga 16, 2).
Sau khi Đức Giêsu về trời, ai sẽ là người đứng ra bảo trợ họ?
Ai sẽ là người giúp họ can đảm để làm chứng cho Đấng phục sinh?
Đức Giêsu trả lời: chính Thánh Thần, Đấng mà Ngài sai đến từ nơi Cha.
Thánh Thần từ từ tỏ mình ra như một Đấng, một ngôi vị có thực,
đang hiện diện trong lòng từng Kitô hữu và trong cộng đoàn.
Thánh Thần là Đấng ở với anh em,
ở giữa anh em và ở trong anh em (Ga 14, 16-17).
Như thế Đức Giêsu thực sự chẳng lìa xa chúng ta.
Ngài vẫn hiện diện liên tục bên chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài sai đến.
Giáo Hội sơ khai đã có kinh nghiệm sâu xa về Đấng Bảo trợ này,
đặc biệt trong giai đoạn bị bách hại.
Stêphanô là người đầy Thánh Thần (Cv 6, 5).
Khi ông tranh luận với những người Do thái cứng lòng,
Thánh Thần đã ban cho ông lời lẽ khôn ngoan không ai địch nổi (Cv 6, 10).
Trong Thánh Thần, ông đã làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh,
Đấng đang đứng bên hữu Thiên Chúa (Cv 7, 55-56).
Chính lời chứng này đã đưa ông đến cái chết tử đạo đầu tiên.
Cái chết của Stêphanô nhắc ta nhớ lời hứa của Đức Giêsu.
Giờ bị thẩm tra là giờ thánh, giờ làm việc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi đứng trước các nhà lãnh đạo, Đức Giêsu khuyên ta đừng lo phải nói gì,
“vì trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết điều phải nói” (Lc 12,12),
đến nỗi “không phải chính anh em nói,
mà là Thần khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 20).
Cái chết của bất kỳ vị tử đạo nào cũng là một sự kết hợp diệu kỳ
giữa lời chứng bằng máu của họ với lời chứng của Thánh Thần ở trong họ.
“Người sẽ làm chứng về Thầy, anh em cũng làm chứng
vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27).
Chẳng bao giờ các Kitô hữu hết gặp khó khăn khi còn sống ở đời này,
hết phải làm chứng cho Đức Giêsu trước một thế giới thù nghịch.
Chẳng phải bách hại chỉ có dưới thời các vua triều Nguyễn.
Cuộc sống tiện nghi, dễ chịu thời nay cũng là một thứ bách hại nhẹ nhàng,
khiến nhiều Kitô hữu bị vướng vào và dễ dàng bước qua thập giá.
Xin Thánh Thần thêm sức cho ta khi ta phải lội ngược dòng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu,
xin ban cho con
một thời để yêu và một thời để sống;
để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,
để con yêu vì cuộc sống muôn loài.
Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý
và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,
và dám chết vì những điều mình ghét.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống
để mỗi giây phút sống
con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu
để từng giây phút yêu,
con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.
Cuối cùng,
xin cho con biết hòa nhập cả hai nên một:
để sống là yêu và yêu là sống,
vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J