Nhân vật của năm do tạp chí Time bầu chọn, tự nhận mình là một người phúc âm hóa. Thủ tướng Đức Angela Merkel là mẫu gương của một Kitô hữu bảo thủ sống đức tin trong môi trường công.
Tờ Time đã gọi bà là ‘Thủ tướng của Thế giới Tự do’ minh họa tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ của bà trước các khủng hoảng kinh tế và chính trị Âu châu là ‘không thính nhạy, không màu mè, không thu hút, nhưng là một ý thức mạnh mẽ của kẻ sinh tồn và sự tận tụy với các con số như một nhà khoa học.’
Bà có lẽ một nhà hóa học lượng tử, nhưng cũng là con một giảng sư phúc âm phái Luther, với một đức tin không chút dao động.
Bà thủ tướng đã thể hiện đức tin riêng của mình trong một số bài phỏng vấn. ‘Cơ cấu của thế giới về niềm tin, là bộ khung quan trọng cho đời sống. Tôi tin nơi Chúa, và tôn giáo cũng là người bạn đồng hành suốt của tôi, trọn cả đời tôi.’ Đây là những lời bà nói với một sinh viên thần học trong một bài phỏng vấn truyền hình hồi năm 2012. Trước thời điểm đó, bà hầu như kín tiếng về đức tin, một chuyện có thể hiểu được giữa xã hội Đức đang ngày càng thế tục hóa.
Bà kiên định trong niềm tin bảo thủ về mặt xã hội rằng hôn nhân là sự kết hợp thiêng liêng giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Bà cũng đã bỏ phiếu chống luật cho phép phá thai. Nhưng không như các nhà phúc âm Hoa Kỳ, bà ủng hộ các pháp chế chống sự kỳ thị.
‘Hễ vẫn còn thấy sự kỳ thị ở bất kỳ nơi đâu, chúng tôi sẽ tiếp tục giải trừ nó.’
Tinh thần lãnh đạo dựa trên đức tin của bà Merkel thật đối lập với những người bảo thủ phía bên kia bờ Đại Tây Dương.
Sự đảo chiều của bà về các vấn đề xã hội đã khiến nhiều người cực đoan hơn trong nội bộ Đảng Dân chủ Kitô giáo của bà thấy phật lòng. Bà khiến cho những người Công giáo cánh hữu phẫn nộ về các vấn đề như quyền của người đồng tính, phá thai, nghiên cứu tế bào gốc, và gia đình. Và khi tiến hành, bà ‘mở cho những người tự hào đạo đức thấy ra những dạng bảo thủ khác, những chuyện xảy đến với các bà mẹ đơn thân, những người đồng tính, hay những chuyện đang diễn ra ở các nước khác.’
Nhưng bà không được Time bình chọn là Nhân vật của Năm vì các lập trường đối nội. Bà đã nhận được giải thưởng danh giá này, bởi theo lời biên tập viên Nancy Gibbs của Time, ‘Bà Merkel đã đưa ra một tập hợp các giá trị khác, là nhân đạo, quảng đại, khoan dung, như là mục tiêu nhắm đến của sức mạnh Đức, muốn cứu vớt chứ không hủy hoại.’ Và điều này được biểu hiện rõ ràng nhất nơi lời biện hộ của bà về lòng đạo khoan dung trước làn sóng khủng bố và cuộc khủng hoảng tị nạn Syria.
Lời biện hộ này bắt rễ từ đức tin của bà. ‘Tất cả chúng ta có cơ hội và tự do để theo tôn giáo của mình, để sống và tin tôn giáo của mình. Và tôi muốn thấy nhiều người hơn nữa có can đảm để nói rằng, ‘Tôi là một Kitô hữu,’ cũng như thấy nhiều người hơn nữa có can đảm để đi vào đối thoại.’
Không thể để sự bất dung trong tôn giáo thành đường hướng cho chính sách công. Bà nói, ‘Nỗi sợ không bao giờ là một cố vấn tốt. Các nền văn hóa hằn dấu sợ hãi sẽ không bao giờ chinh phục được tương lai của mình.’
Và lập trường của bà rõ ràng, không có kiểu nước đôi. ‘Tất cả mọi hành động loại trừ người Hồi giáo ở Đức, tất cả mọi sự nghi ngờ chung đều bị cấm. Chúng ta sẽ không để mình bị chia rẽ.’
Chính đức tin đã khiến cho bà khác biệt với các chính trị gia bảo thủ ở Hoa Kỳ, nơi nỗi sợ đang thống trị và nơi những tính khí Mỹ tồi tệ nhất đang bộc phát.
Bà có một lời khuyên rất đẹp cho những người Đức đang lo sợ và thủ thế, đó là:
Hãy về lại với nhà thờ.
Bà đề xuất rằng, trước chất vấn về Hồi giáo, chúng ta nên về lại với ‘truyền thống đi nhà thờ, và nên có một số nền tảng kinh thánh.’ Bà nói rằng, cuộc tranh luận về người Hồi giáo ‘có thể dẫn dắt chúng ta một lần nữa gắn bó và hiểu tốt hơn các cội rễ của mình.’
Thật là một lời khuyên tốt đẹp cho mọi Kitô hữu dù ở bất kỳ nơi đâu.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(phanxico.vn)