Kinh Truyền Tin – Chúa Nhật 29 TN: Chuyển từ lý luận tham vọng thế tục sang lý luận cảm thông của Chúa

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
Ngày 17.10.2021, Chúa Nhật 29 Mùa Thường niên

CHUYỂN TỪ LÝ LUẬN THAM VỌNG THẾ TỤC
SANG LÝ LUẬN CẢM THÔNG CỦA CHÚA

 Hồng Thủy

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa Chúa Nhật 17/10/2021, suy tư về bài Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường niên năm B, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đừng tìm cách làm cho mình được nổi trội, vượt trên người khác, nhưng hãy tìm cách phục vụ tha nhân, đặc biệt là người nghèo, theo lý luận hòa mình cách cảm thông của Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn dụ như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Mc 10,35-45) thuật lại rằng: hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho họ một ngày kia được ngồi bên cạnh Người trong vinh quang. Nhưng các môn đệ khác nghe thấy điều đó và trở nên giận dữ. Do đó, Chúa Giêsu kiên nhẫn đưa ra cho họ một giáo huấn tuyệt vời: vinh quang thật không có được bằng cách vượt lên trên người khác, nhưng bằng cách chịu cùng một phép rửa mà Chúa sẽ nhận chỉ sau đó ít lâu tại Giêrusalem, nghĩa là thập giá. Điều đó có nghĩa là gì? Từ ngữ “phép rửa” có nghĩa là “dìm mình”: qua cuộc Khổ nạn của Người, Chúa Giêsu đã dìm mình vào sự chết, hiến mạng sống để cứu chúng ta. Vì vậy, vinh quang của Người, vinh quang của Thiên Chúa, là tình yêu trở thành sự phục vụ, chứ không phải quyền lực tìm cách thống trị. Do đó, Chúa Giêsu kết thúc bằng cách nói với các môn đệ và với cả chúng ta: “Ai làm lớn trong anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (câu 43).

Chúng ta đứng trước hai loại lý luận khác nhau: các môn đệ muốn nổi bật lên và Chúa Giêsu muốn hòa mình. Chúng ta hãy dành một chút thời gian cho hai động từ này. Động từ đầu tiên là nổi lên. Nó thể hiện tâm lý trần tục mà chúng ta luôn bị cám dỗ: trải nghiệm mọi thứ, kể cả các mối quan hệ, để nuôi tham vọng của mình, leo lên những nấc thang thành công, vươn tới những vị trí quan trọng.

Việc tìm kiếm uy tín cá nhân có thể trở thành một căn bệnh thiêng liêng, che lấp ngay cả những mục đích tốt đẹp: ví dụ, khi mà đằng sau những điều tốt chúng ta làm và rao giảng, chúng ta thực sự chỉ tìm kiếm bản thân và sự khẳng định của chính mình. Do đó, chúng ta luôn cần đánh giá ý định thực sự của lòng mình, tự hỏi bản thân: “Tại sao tôi lại thực hiện công việc này, trách nhiệm này? Để phục vụ hay đúng hơn là để được công nhận, khen ngợi và nhận được lời khen? ” Chúa Giêsu đối lập luận lý thế gian này bằng lý luận của Người: thay vì đề cao bản thân hơn người khác, hãy đi xuống khỏi bục của bạn để phục vụ họ; thay vì nâng mình trên người khác, hãy hòa mình vào cuộc sống của người khác.

Động từ thứ hai là hòa vào. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hòa vào cuộc sống của những người mà chúng ta gặp gỡ một cách cảm thông như Người đã làm với chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào Chúa bị đóng đinh, hòa mình trong chiều sâu của lịch sử bị thương tích của chúng ta, và chúng ta sẽ khám phá ra cách làm việc của Chúa. Chúng ta thấy rằng: Chúa không ở trên trời cao để nhìn xuống chúng ta từ trên cao xuống, nhưng Người đã hạ mình xuống để rửa chân cho chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu khiêm nhường, không tự tôn mình lên, nhưng đi xuống, như mưa rơi xuống đất và mang lại sự sống.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể áp dụng cùng một đường hướng mà Chúa Giêsu đã làm, từ nâng mình lên trở thành hòa mình, từ não trạng uy tín sang tinh thần phục vụ? Sự tận tâm là cần thiết, nhưng điều đó là chưa đủ. Thật khó khăn khi chúng ta chỉ dựa sức mình, nhưng chúng ta có một sức mạnh bên trong giúp chúng ta. Đó là sức mạnh của Bí tích Rửa tội, của sự dìm mình trong Chúa Giêsu mà chúng ta đã nhận được nhờ ân sủng đã hướng dẫn chúng ta, thúc đẩy chúng ta theo Người thay vì tìm kiếm lợi ích của mình, nhưng đặt mình phục vụ người khác. Đó là một ân sủng, một ngọn lửa mà Chúa Thánh Linh đã nhen nhóm trong chúng ta và nó cần được nuôi dưỡng. Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần canh tân ân sủng của bí tích Rửa tội trong chúng ta, việc hòa mình vào Chúa Giêsu, trong cách hiện hữu của Người, để phục vụ.

Và chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ: dù là người vĩ đại nhất, Mẹ đã không tìm cách nổi trội, nhưng là tôi tớ khiêm nhường của Chúa, và hoàn toàn đắm mình trong sự phục vụ của chúng ta để giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu.

Nguồn: vaticannews.va/vi/