Kinh Truyền Tin – Chúa Nhật 1 Mùa Vọng: ĐTC Phanxicô: Đừng để tâm hồn trở nên lười biếng và đời sống thiêng liêng trở nên nguội lạnh

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
Ngày 28.11.2021 Chúa Nhật 1 Mùa Vọng

Đừng để tâm hồn trở nên lười biếng
và đời sống thiêng liêng trở nên nguội lạnh

 Hồng Thủy

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28/11/2021 Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu luôn tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức là không để cho lòng mình trở nên lười biếng và đời sống thiêng liêng trở nên nguội lạnh. Cầu nguyện sẽ giúp cho chúng ta tỉnh thức; nó sẽ đốt lên ngọn lửa nhiệt thành khi tâm hồn nguội lạnh

Chúa đến cứu độ chúng ta

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hy vọng, vì Chúa đến cứu độ chúng ta. Đức Thánh Cha nói: Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Chúa Nhật đầu tiên chuẩn bị lễ cho Giáng Sinh, nói với chúng ta về việc Chúa sẽ đến vào thời kỳ cuối cùng. Chúa Giêsu loan báo những cảnh tượng hoang tàn và những khốn khổ, nhưng chính lúc này Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ hãi. Vì sao? Có phải vì mọi thứ sẽ ổn không? Không, nhưng vì Chúa sẽ đến. Chúa nói thế này: “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Luôn tỉnh thức và cầu nguyện

Thật là vui khi lắng nghe Lời khích lệ này: hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên bởi vì chính trong những lúc mọi sự dường như kết thúc, Chúa đến để cứu chúng ta; hãy vui mừng chờ đón Chúa ngay cả khi ở những giữa những khổ nạn, trong những khủng hoảng của cuộc sống và trong những bi kịch của lịch sử. Nhưng làm sao chúng ta có thể ngẩng đầu lên, không bị những khó khăn, những đau khổ, những thất bại tràn ngập? Chúa Giêsu chỉ đường cho chúng ta bằng một lời nhắc nhở mạnh mẽ: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề […]. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (cc 34.36).

Tỉnh thức

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy dừng lại ở khía cạnh quan trọng này của đời sống Kitô giáo. Từ những lời của Đức Kitô, chúng ta thấy rằng, sự tỉnh thức được liên kết với sự chú ý: hãy đề phòng, đừng để bị phân tâm, nghĩa là hãy tỉnh thức! Tỉnh thức có nghĩa là: không để cho lòng mình trở nên lười biếng và đời sống thiêng liêng trở nên tầm thường. Hãy đề phòng vì chúng ta có thể là một “Kitô hữu đang ngủ mê” – và chúng ta biết là có nhiều Kitô hữu ngủ mê, những Kitô hữu bị tê liệt bởi tinh thần thế tục – không có động lực thiêng liêng, không hăng hái cầu nguyện – họ cầu nguyện như những con vẹt – không nhiệt thành với sứ vụ, không say mê Tin Mừng. Và điều này dẫn đến tình trạng “mơ ngủ”: kéo mọi thứ về phía trước theo quán tính, rơi vào trạng thái thờ ơ, dửng dưng với mọi thứ, ngoại trừ những gì phù hợp với mình. Đây là một đời sống thật buồn, kéo lê như thế, không có niềm vui ở đó.

Tỉnh thức: Giữ trái tim khỏi sự lãnh đạm

Chúa Giêsu nói rằng, chúng ta cần phải tỉnh thức để không kéo lê những ngày sống theo thói quen, để không trở nên nặng nề bởi những rắc rối của cuộc sống (c.34). Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tự hỏi: điều gì đè nặng lòng tôi? Điều gì đè nặng tinh thần tôi? Điều gì khiến tôi trở thành một Kitô hữu tìm sự thoải mái trên ghế bành của sự lười biếng? Thật là buồn khi thấy những Kitô hữu tìm sự thoải mái. Đâu là những điều tầm thường làm tôi tê liệt, những thói xấu đè bẹp tôi xuống đất và ngăn cản tôi ngẩng đầu lên? Và tôi đang chú ý hay thờ ơ đối với gánh nặng trên vai của những người anh em? Những câu hỏi này tốt cho chúng ta, bởi vì chúng giúp bảo vệ trái tim khỏi sự lãnh đạm, kẻ thù lớn của đời sống thiêng liêng. Sự lãnh đạm là sự lười biếng tạo ra nỗi buồn, làm mất đi niềm vui sống và ước muốn làm việc. Nó là một tinh thần tiêu cực, một tinh thần xấu, đóng đinh linh hồn trong sự say mê bằng cách đánh cắp niềm vui của nó. Sách Châm ngôn nói: “Hãy giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Cn 4,23). Gìn giữ trái tim: điều này có nghĩa là tỉnh thức!

Cầu nguyện