Kinh nhật tụng và mỹ phẩm: hai cuộc sống của mẹ bề trên tu viện ở Chantelle. Bàn tay vững vàng, vóc dáng cao, giọng như con gái trẻ, cương quyết trong bàn tay bọc nhung, mỗi khi bị mệt hay bị lôi kéo tứ phía, mẹ hay nói “tôi cũng như tất cả các phụ nữ khác của thời buổi này, vừa là chủ gia đình vừa là chủ xí nghiệp.”
Có mười nữ đan sĩ sống ở đan viện Vinh Sơn, Auvergne.
Mỗi ngày họ gặp mười hai nhân viên trong xí nghiệp mỹ phẩm của họ. © Emilie Refait
Mẹ thuộc Dòng Biển Đức của Cộng đoàn Chantelle nói, “gia đình tôi là các chị em ở đây.” Từ hàng chục năm nay các nữ tu đã chế biến mỹ phẩm ở đan viện Vinh Sơn, trung tâm thành phố Auvergne. “Năm 1977 khi đến đây, tôi không nghĩ mình sẽ thành người quản lý một xí nghiệp, tôi đến để tìm Chúa, nữ tu 61 tuổi giải thích”, xơ thấy mình phải nhắc lại chuyện này. Ngược với cha Máccô ở Bricquebec, các xơ giữ công việc sản xuất trong đan viện. Một phần căn nhà, được xếp vào di tích lịch sử, được dành riêng làm văn phòng cho mười hai nhân viên và phòng chế tạo kem, dầu, xà phòng gội đầu. Đâu đây thoang thoảng mùi thơm của nước hoa Cologne và xà phòng kim ngân ngày xưa, gợi nhớ mùi hương của một tuổi thơ ấu. Mẹ Pascale giới thiệu Betty cho tôi, Betty là bà mẹ trẻ 32 tuổi, cô đến Chantelle năm 2009. “Cùng với chồng, tôi muốn rời khỏi vùng Paris. Tôi theo anh khi anh thuyên chuyển đến Vichy. Tôi là kỹ sư sinh hóa trong lãnh vực kỹ nghệ, lúc đó tôi không kiếm được việc vì đang có cơn khủng hoảng kinh tế trong vùng. Tôi gõ cửa xí nghiệp nhỏ của các xơ và tôi được thâu nhận. Lúc đó chỉ mới có 7 nhân viên.”
Ở Chantelle, các xơ thay phiên nhau giữ cửa hàng và bán các sản phẩm săn sóc cơ thể. © Emilie Refait
Trong sáu năm, Betty có hai đứa con, hai lần nghỉ hộ sản, một lần nghỉ có việc gia đình, tuy vậy cô vẫn lên chức vì bây giờ cô là cánh tay mặt của mẹ Pascale! “Khi tôi báo tin tôi có thai, các xơ rất vui với tôi. Ở đây các xơ đối xử rất có tình với nhân viên, các xơ quan tâm đến nhân viên”, cô Betty rất vui vì được thay đổi đời sống và được ở gần các nữ tu. “Khi tôi sinh, mẹ Pascale đến bệnh viện thăm tôi, các cô y tá hỏi bà là ai, bà làm gì, tôi nói “bà chủ tôi đó!” cô hãnh diện kể.
Đa số nhân viên chỉ khoảng 20 đến 30 tuổi. Marine, 21 tuổi đang làm theo hợp đồng. Nhiệm vụ của cô là đại diện cho Dòng ở bên ngoài tu viện. Váy ngắn, cô không thay đổi thói quen của mình. “Mới đầu tôi cũng ngại một chút nhưng sau đó tôi thấy các xơ rất cởi mở”, cô kể và cô cho biết, công việc có khả năng phát triển tốt ở Pháp cũng như ở nước ngoài. Mẹ Pascale trấn an, “không cần phải là tín hữu hay phải đi nhà thờ. Chúa dùng con đường của Chúa”, mẹ chia sẻ thì giờ giữa cầu nguyện và công việc, mẹ không bỏ bất cứ một buổi kinh nhật tụng nào của cộng đoàn.
“Như thánh Bênêđictô đã nói, làm việc là hữu ích, nó làm thăng bằng cho lời cầu nguyện, mẹ nhấn mạnh. Chúng tôi kiếm sống nhờ bán các mỹ phẩm nhưng cũng tạo công việc cho các nữ tu. Các tu sĩ đích thực là tu sĩ khi họ kiếm sống bằng chính bàn tay lao động của mình.” Các xơ thay phiên nhau vừa cầu nguyện, vừa bán hàng. Bán hàng chiếm 25% tiền thu của xí nghiệp. Một vài xơ lớn tuổi làm công đoạn đóng gói xà phòng và nước hoa Cologne. Mỗi người có việc của mình và con tàu cứ thế mà đi tới. “Cùng làm việc với các nhân viên bên ngoài làm cho chúng tôi thấy được thực tế của cuộc sống. Chẳng hạn đời sống của những người đàn bà vừa đi làm vừa nuôi dạy con.”
Các xơ lớn tuổi được giao làm khâu đóng gói xà phòng. © Emilie Refait
Marina, 26 tuổi, làm việc ở khâu nghiên cứu và phát triển, cách đây bốn năm cô vào đây làm việc: “Điều tốt là các xơ tin tưởng chúng tôi và giao trách nhiệm cho chúng tôi”, cô nhân viên trẻ cho biết, cô thích theo dõi sản phẩm từ khi phôi thai cho đến khi đem ra thị trường. “Khi tôi so sánh với các bạn tốt nghiệp cùng lứa, tôi nhận ra tôi có nhiều việc phải làm vì xí nghiệp nhỏ nên chuyện này là chuyện đương nhiên, thêm nữa, các xơ giao cho chúng tôi nhiều việc, chúng tôi thành đa năng, làm không chán và rất phong phú.” Cũng có hai thanh niên: anh Philippe, 23 tuổi, anh là tiều phu khi anh được các xơ Dòng Biển Đức thâu nhận vào làm việc. “Thật yên tâm khi làm việc trong một đan viện,” anh cho biết. Đa số nhân viên thấy mình được “ưu tiên” khi được làm việc ở đây.
Phải nói là địa điểm được xếp vào hàng di sản quốc gia là một nơi rất đẹp, rất nhiều du khách ưa thích. Các nữ tu muốn tách xí nghiệp ra khỏi đan viện để đời sống cầu nguyện của họ không bị chia trí nhưng “chính nhân viên lại không chịu. Họ thích làm việc trong đan viện”, mẹ Pascale giải thích. Được hạnh phúc khi làm việc có phải là điều có thể làm được vào thời buổi này không? Xơ Gabrielle cho biết, “ở đây chúng tôi chú trọng đến con người, chúng tôi không có ý trở thành một công ty đa quốc gia, chúng tôi chỉ kiếm đủ để trả lương nhân viên và nuôi sống cộng đoàn.” Xí nghiệp có con số doanh thu 1 triệu euro và mong phát triển thêm nhờ dịch vụ bán sản phẩm qua mạng. Sản phẩm của cộng đoàn có uy tín, đó là điều đã được khách hàng xác nhận; một nữ khách hàng rất ưa chuộng loại sữa hoa hồng xức da của các nữ tu cho biết: “Bây giờ người tiêu thụ cần những sản phẩm tốt, biết cách làm và đáng tin tưởng.” Và làm sao mà không tin tưởng vào các phụ nữ của Chúa?
Một phần đan viện vẫn dành riêng cho các nữ tu. © Emilie Refait
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 18.08.2015/
parismatch.com, Emilie Refait, 2015-07-22)