Kinh Mân côi trong cuộc đời của các thánh

Cho tới nay chúng ta đã trình bầy một số tài liệu của các Giáo Hoàng liên quan tới Kinh Mân Côi. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta tìm hiểu Kinh Mân côi trong cuộc đời của các thánh.

rosary.jpgTrong cuộc đời của thánh Giáo Hoàng Piô X người ta kể rằng có một hôm trong một buổi tiếp kiến, một thiếu niên đến trước mặt ngài trên cổ có đeo một cỗ tràng hạt. Đức Pio X nhìn thiếu niên một lúc rồi nói: ”Cha xin con, bất cứ sự gì… với Kinh Mân Côi!”

Các lời đơn sơ này của Đức Pio X khiến chúng ta hiểu ngay gía trị của Kinh Mân Côi Thánh trong tầm quan trọng rộng rãi của nó: ”bất cứ sự gì… với Chuỗi Mân Côi”. Bất cứ sự gì xảy ra, trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, tín hữu hãy biết nắm chặt lấy Tràng Chuỗi Mân Côi và cầu khẩn Đức Mẹ. Ơn thánh và các ủi an, sự hoán cải và thánh hóa, sự đỡ nâng và thúc đẩy, niềm an ủi và sự tươi vui…, tóm lại ”bất cứ sự gì” đẹp đẽ và thánh thiện đều có thể đến với chúng ta từ Chuỗi Mân Côi; ”bất cứ chuyện gì” tốt lành đều được làm với Chuỗi Mân Côi.

Với sự duyên dáng thường tình cả thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng bảo đảm với chúng ta rằng ”với Chuỗi Mân Côi có thể có được tất cả mọi sự”; và thánh nữ đưa ra lời giải thích thật đẹp này: ”Theo một bức hình duyên dáng, nó là một dây xích dài nối liền trời với đất; một đầu dây xích ở trong tay chúng ta và đầu kia ở trong tay Trinh Nữ Rất Thánh… Kinh Mân Côi bay lên như hương trầm tới chân Thiên Chúa Toàn Năng. Mẹ Maria gửi lại ngay như một trận mưa ơn phước giúp tái sinh các con tim”.

Thật thế, từ thời thánh Đaminh cho tới ngày nay, toàn lịch sử của sự thánh thiện chứng minh cho chúng ta thấy rằng Chuỗi Hạt Mân Côi Thánh là một dụng cụ ơn thánh tuyệt diệu, một phương tiện rất hữu hiệu giúp nâng cao tinh thần, một lương thực qúy báu của cuộc sống nội tâm, là ”chiếc thang của tổ phụ Giacóp”, bắc từ đất lên trời, như Chân phước Anibale nước Pháp đã nói, ”nhờ đó các lời cầu của chúng ta bay lên và ơn thánh tuôn xuống”. Và chúng ta tất cả đều có thể leo lên ”chiếc cầu thang” ơn thánh đó.

Chuỗi Mân Côi là một ơn của Mẹ Maria. Đó đã là Tin Mừng của Mẹ, Thánh Thể của Mẹ, Kinh Thần Vụ của Mẹ, được đặt vào tay tất cả mọi người, lớn cũng như bé, thông thái cũng như không thông thái. Thánh Carlo Borromeo đã gọi Chuỗi Mân Côi là ”sự sùng mộ rất thiên linh”, được ghi sâu vào tâm khảm mọi người. Thánh Vinh Sơn de Paoli thì gọi Chuỗi Mân Côi là ”Kinh Thần vụ của giáo dân”, trong khi Đức Hồng Y Schuster thì gọi nó là ”Sách Thánh Vịnh của dân chúng”.

Trong Chuỗi Mân Côi Đức Mẹ đã cho chúng ta tất cả chính mình. Cuộc sống của Mẹ, các việc Mẹ làm, các đặc ân của Mẹ, tất cả thánh sủng của Mẹ và các công nghiệp của Mẹ đều được chứa đựng trong mười lăm bức tranh tin mừng được cống hiến cho sự chiêm niệm của chúng ta và diễn ra một cách hài hòa theo nhịp êm dịu của các Kinh Kính Mừng Maria.

Về tương quan của các Giáo Hoàng với Kinh Mân Côi, chúng ta thấy có nhiều Giáo Hoàng đã yêu mến Kinh Mân Côi như ơn của Mẹ Maria và khuyến khích toàn thể Giáo Hội siêng năng đọc Kinh Mân Côi, và các vị làm cho nó được phong phú bằng cách ban nhiều ân xá qúy báu. Một trong các vị là Đức Leo XIII đáng được gọi là ”Vị Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi”. Thánh Giáo Hoàng Pio X định nghĩa Kinh Mân Côi Thánh là ”lời cầu tuyệt diệu”. Đức Tôi tớ Chúa Pio XII đã dùng các kiểu diễn tả tuyệt vời để khắc ghi giá trị và vẻ đẹp của Kinh Mân Côi Thánh bằng cách gọi nó là ”tổng hợp hy lễ chiều hôm, vòng hoa hồng, thánh thi chúc tụng, lời kinh gia đình, toát yếu của cuộc sống kitô, bảo chứng chắc chắn của ân sủng thiên quốc, dụng cụ cho việc chờ đợi ơn cứu rỗi”.

Nói chung các Thông điệp, các Tự sắc, các Sắc lệnh và các Tài liệu giáo hoàng đã đề cập tới Kinh Mân Côi lên tới vài trăm. Thật vậy, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói rằng Kinh Mân Côi Thánh ”đã là một sự sùng kính của Giáo Hội”. Và chính ngài, trong dịp kỷ niệm 400 năm Thông điệp của Đức Thánh Giáo Hoàng Pio V về Kinh Mân Côi (Consueverunt romani Pontifices) đã cử hành bằng cách ban bố Tông huấn ngày 7 tháng 10 năm 1969 và với những lời lẽ rúng động, mời gọi dân kitô cầm trở lại tràng hạt Mân Côi trong tay – rất tiếc ngày nay đã thường bị bỏ ra một bên – để khẩn nài Mẹ của mọi ân sủng cứu giúp Giáo Hội và nhân loại trong các âu lo khuấy động cuộc sống.

Về phần mình, Đức Gioan Phaolô II đã nêu gương tuyệt vời về lòng sùng mộ Kinh Mân Côi. Thật thế, chính ngài đã định nghĩa Kinh Mân Côi là ”lời kinh ngài ưa thích nhất”.

Dọc dài lịch sử của mình dân Chúa đã không vô cảm trước ”ơn này của Đức Maria”. Và ngày nay trên thế giới chúng ta có thể ca ngợi ba Đền Thánh chiếm chỗ nhất và danh tiếng nhất là ba Vương cung thánh đường Mân Côi Rất Thánh Lộ Đức, Fatima và Pompei, nơi đông đảo dân chúng hầu như không thể đếm nổi chạy tới với Mẹ Mân Côi, và tín hữu cầu nguyện với tràng hạt trong tay.

Thế rồi còn nói gì tới Núi Thánh tỉnh Varese, là trái núi hoàn toàn được dâng kính cho Chuỗi Mân Côi với các nhà nguyện của các mầu nhiệm dọc theo con đường dẫn tới Đền thánh? Đức tin và lòng mến đối với Kinh Mân Côi đã tạo ra các điều kỳ diệu hớp hồn và gây xúc động như thế.

Đức Pio XII đã định nghĩa Kinh Mân Côi là ”toát yếu của toàn Tin Mừng”. Nó là tóm tắt đẹp nhất của lịch sử cứu độ.

Ai hiểu biết Kinh Mân Côi là hiểu biết Tin Mừng, hiểu biết cuộc đời Chúa Giêsu và của Mẹ Maria, hiểu biết con đường riêng và số phận vĩnh cửu của mình.

Đức Giáo Hoàng Phaolo VI trong tài liệu ”Lòng sùng mộ Đức Trinh Nữ Diễm Phúc” đã nêu bật rõ ràng ”dấu vết tin mừng của Kinh Mân Côi”, khiến cho linh hồn trực tiếp tiếp cận với suối nguồn tinh tuyền của đức tin và ơn cứu độ. Ngài cũng đã nhấn mạnh hướng đi kitô hoc rõ ràng của Kinh Mân Côi, làm cho tín hữu sống lại các mầu nhiệm của việc Nhập Thể và Cứu

Độ do Chúa Giêsu thành toàn cùng với Mẹ Maria, để cứu rỗi con người.

Một cách đúng đắn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng lập lại lời thỉnh cầu đừng bao giờ để thiếu việc chiêm niệm các mầu nhiệm trong khi đọc Kinh Mân Côi: ”vì không có việc chiêm niệm, Kinh Mân Côi là xác không hồn và việc đọc nó có nguy cơ trở thành việc máy móc lập lại các công thức…

Trái lại, Kinh Mân Côi đổ tràn đầy sức sinh động trên các linh hồn biết biến thành của riêng mình trong khi đọc, ”niềm vui của các thời cứu thế, sự đau khổ cứu độ, vinh quang của Đấng phục sinh tràn ngập Giáo Hội” (Marialis cultus, 44-49).

Nếu cuộc sống con người là một giao thoa liên tục của các nỗi hy vọng, khổ đau và niềm vui, thì trong Kinh Mân Côi nó tìm thấy vị trí ơn thánh hoàn hảo nhất của nó: Đức Mẹ trợ giúp và làm cho cuộc sống chúng ta trở nên giống cuộc sống của Chúa Giêsu, cũng như Mẹ đã chia sẻ mọi hiến dâng, mọi khổ đau và mọi vinh quang với Con Mẹ. Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là đích điểm của cuộc sống kitô. Mọi phương thế Giáo Hội đặt để sẵn, trong đó có các bí tích, các buổi cử hành phụng vụ, các lễ nghi cầu nguyện khác nhau, đều nhằm giúp tín hữu ngày càng giống Chúa Giêsu hơn.

Nếu con người đã cần đến lòng thương xót đến như vậy, thì Kinh Mân Côi khiến cho con người được xót thương với lời khẩn nài luôn được lập đi lập lại trong mỗi Kinh Kính Mừng Maria: ”Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội… ”. Kinh Mân Côi làm cho chúng ta có được lòng xót thương đó với ân xá thánh thiện, mà mỗi ngày có thể là ơn toàn xá nếu đọc Kinh Mân Côi trước Thánh Thể Rất Thánh hay chung trong gia đình, tại trường học, trong nhóm… , miễn là xưng tội và rước lễ sau đó.

Kinh Mân Côi là một kho tàng của lòng thương xót mà Giáo Hội đã đặt để trong tay của từng tín hữu. Ước chi nó đừng bị hư hỏng đi, vì tính ươn lười, vì lòng thờ ơ nguội lạnh, vì sự thiếu ý thức của tín hữu!

(Thánh Mẫu Học bài số 363)

 

Linh Tiến Khải