Kinh Mân Côi là một kho tàng cần được tái khám phá. Tương quan giữa Kinh Mân Côi và nền hòa bình thế giới

Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria do Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 2002 kết thúc với việc đề cao tầm quan trọng của nó đối với nền hòa bình thế giới, và lời khẳng định nó là một kho tàng mà mọi tín hữu cần tái khám phá ra và tận dụng cho cuộc sống thiêng liêng của mình.

holy-rosary-sister-lucia.jpgLiên quan tới việc phân chia thời gian cho việc đọc Kinh Mân Côi, Đức Gioan Phaolô II ghi nhận có nhiều người hằng ngày đọc trọn cả 150 kinh, tức lần ba chuỗi một cách đáng khen ngợi. Như thế Kinh Mân Côi làm đầy ngày sống của biết bao người sống đời chiệm niệm hay đồng hành với các người bệnh tật và già cả có nhiều thời gian để cầu nguyện. Đương nhiên là có nhiều người chỉ có thể lần một phần, theo một trật tự nào đó trong tuần, đặc biệt khi có thêm các mầu nhiệm của sự sáng nữa. Việc chia Kinh Mân Côi ra trong các ngày khác nhau trong tuần trao ban cho các ngày sống của tín hữu một ”mầu sắc thiêng liêng”, giống như Phụng vụ làm với các mùa trong năm.

Theo thói quen bình thường hai ngày thứ hai và thứ năm được dành cho các ”mầu nhiệm của sự vui mừng”, thứ ba và thứ sáu cho các ”mầu nhiệm của sự khổ đau”, thứ tư, thứ bẩy và Chúa Nhật cho các ”mầu nhiệm của sự vinh quang”. Như vậy thì xen kẽ các mầu nhiệm của sự sáng vào đâu? Xét rằng các mầu nhiệm vinh quang được tái đề nghị cho ngày thứ bẩy và Chúa Nhật, và thứ bẩy theo truyền thống là một ngày có tính cách thánh mẫu mạnh mẽ, vì thế nên dời các mầu nhiệm vui mừng vào thứ bẩy, trong đó sự hiện diện của Mẹ Maria sâu đậm hơn. Như thế ngày thứ năm còn trống dành cho các ”mầu nhiệm sự sáng”.

Tuy nhiên, đây chỉ là các chỉ dẫn đề nghị, mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn hoàn toàn tự do trong việc phân chia theo các nhu cầu tinh thần và các đòi hỏi mục vụ, và nhất là các trùng hợp phụng vụ có thể gợi ý cho các thích ứng phù hợp. Điều thực sự quan trọng đó là Kinh Mân Côi luôn ngày càng được quan niệm và kinh nghiệm hơn như lộ trình chiêm niệm. Qua Kinh Mân Côi, trong cách thế bổ túc cho sinh hoạt Phụng Vụ, tuần sống của tín hữu kitô, được xậy dựng trên ngày Chúa Nhật là ngày phục sinh, trở thành một con đường qua các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, là Đấng khẳng định Người là Chúa của thời gian và của lịch sử trong cuộc sống của các môn đệ Người (s. 38).

Tất cả những gì đã nói cho tới đây, diễn tả một cách rộng rãi sự phong phú của lời kinh truyền thống này; nó có sự đơn sơ của một lời kinh dân gian, nhưng cũng chứa đựng sự sâu xa thần học của một lời kinh thích hợp với người cảm thấy nhu cầu một việc chiêm niệm trưởng thành hơn.

Giáo Hội đã luôn luôn thừa nhận sự hữu hiệu đặc biệt của lời kinh này, bằng cách phó thác cho nó, cho việc đọc chung và cho việc thực hành liên lỉ của nó, các việc khó khăn nhất. Trong các thời điểm, trong đó chính Kitô giáo bị đe dọa, chính sức mạnh của lời kinh này giúp thoát hiểm, và Đức Trinh Nữ Mân Côi đã được kính chào như Đấng phù hộ của ơn cứu rỗi.

Ngày nay tôi xin phó thác cho lời kinh này vấn đề của nền hòa bình thế giới và vấn đề của gia đình (s.39).

Các khó khăn mà chân trời thế giới cho thấy trong lúc khởi đầu Ngàn Năm mới này khiến cho chúng ta nghĩ rằng chỉ có một sự can thiệp của Đấng Trên Cao, mới có thể định hướng các con tim của những người sống trong các hoàn cảnh xung đột và của những người nắm trong tay các vận mệnh của các quốc gia, và có thể giúp hy vọng vào một tương tai bớt đen tối hơn.

Kinh Mân Côi, tự bản chất của nó, là lời kinh hướng tới hòa bình, vì chính sự kiện hệ tại nơi việc chiêm ngắm Chúa Kitô, Vị Hoàng Tử của hòa bình và là sự ”bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Ai đồng hóa với mầu nhiệm của Chúa Kitô – và Kinh Mân Côi nhắm dẫn tới điều này – thì học biết bí mật của hòa bình và biến nó thành một chương trình cuộc sống. Ngoài ra, vì tính cách suy niệm của nó, với sự tiếp nối thanh thản của các Kinh Kính Mừng, Kinh Mân Côi thực thi trên người cầu nguyện một hành động hòa bình khiến cho họ sẵn sàng tiếp nhận và sống nó trong sâu thẳm con người mình và phổ biến nó chung quanh mình hòa bình đích thật là ơn đặc biệt của Chúa Phục Sinh (x. Ga 14,27; 20,21).

Thế rồi nó là lời kinh hòa bình bởi các hoa trái tình bác ái nó sinh ra. Nếu được đọc như một lời cầu suy niêm đích thật, Kinh Mân Côi khi tạo thuận tiện cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong các mầu nhiệm của Người, cũng không thể không chỉ cho thấy gương mặt của Chúa Kitô nơi các anh em khác, đặc biệt nơi những người đau khổ nhất. Trong các mầu nhiệm sự vui, làm sao có thể dán mắt vào mầu nhiệm của Trẻ Thơ sinh ra tại Bếtlêhem, mà lại không cảm thấy ước mong tiếp nhân, bảo vệ và thăng tiến sự sống, vác lấy các khổ đau của các trẻ em tại khắp mọi nơi trên thế giới? Trong các mầu nhiệm của sự sáng, làm sao có thể theo chân Chúa Kitô, Đấng mạc khải, mà không quyết định làm chứng cho các phúc thật của Người trong cuộc sống thường ngày? Làm sao khi chiêm ngắm Chúa Kitô vác thập giá và bị đóng đanh, mà không cảm thấy nhu cầu biến mình trở thành các “Simon Sirênê” nơi mỗi người anh em bị đánh gẫy bởi khổ đau hay bị nghiền nát bởi nỗi thất vọng? Sau cùng làm sao có thể gắn chặt cái nhìn vào vinh quang của Chúa Kitô phục sinh và vào Mẹ Maria được đội triều thiên làm Nữ Vương, mà không cảm thấy ước muốn làm cho thế giới này trở thành xinh đẹp hơn, công bằng hơn, gần với chương trình của Thiên Chúa hơn?

Tóm lại, trong khi khiến cho chúng ta hướng mắt nhìn lên Chúa Kitô, Kinh Mân Côi cũng làm cho chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình trên thế giới. Vì tính cách cầu xin kiên trì và ca đoàn của nó, đồng điệu với lời Chúa Kitô mời gọi phải ”cầu nguyện luôn luôn không mệt mỏi” (Lc 18,1), Kinh Mân Côi cho phép chúng ta hy vọng rằng, cả ngày nay nữa, một ”cuộc chiến” khó khăn biết bao như cuộc chiến cho nền hòa bình có thể chiến thắng. Như thế không phải là một trốn chạy các vấn đề của thế giới, Kinh Mân Côi thúc đẩy chúng ta nhìn chúng với con mắt trách nhiệm và quảng đại, và lấy được cho chúng ta sức mạnh trở lại với các vấn đề đó với sự chắc chắn được Thiên Chúa trợ giúp và với cương quyết trong mọi hoàn cảnh làm chứng cho ”tình bác ái là mối dây của sự hoàn thiện” (Cl 3,14) (s. 40).

Là lời cầu cho hòa bình Kinh Mân Côi cũng đã luôn luôn là lời cầu của gia đình và cho gia đình. Xưa kia lời cầu này đặc biệt thân thiết với các gia đình kitô, và chắc chắn nó tạo thuận tiện cho sự hiệp thông của gia đình. Cần phải cầu nguyện trở lại trong gia đình và cầu nguyện cho các gia đình, bằng cách sử dụng hình thức của lời cầu nguyện này.

Nếu trong Tông thư Bước vào ngàn năm mới tôi đã khích lệ cử hành Phụng vụ Giờ Kinh cả từ phía các giáo dân trong cuộc sống thường ngày của các cộng đoàn giáo xứ và các nhóm tín hữu kitô, thì tôi cũng ước mong làm như thế đối với Kinh Mân Côi. Đây là hai con đường không thay thế nhau nhưng bổ túc cho nhau của việc chiêm niệm kitô. Vì thế tôi xin tất cả những ai dấn thân trong công tác mục vụ gia đình gợi ý thuyết phục các gia đình đọc Kinh Mân Côi.

Gia đình hiệp nhất cầu nguyện, thì sẽ hiệp nhất. Do truyền thống cổ xưa Kinh Mân Côi là lời kinh trong đó gia đình tìm lại nhau. Chính khi nhìn lên Chúa Giêsu, các thành phần riêng rẽ của gia đình cũng sẽ phục hồi được khả năng luôn nhìn nhau với con mắt mới mẻ, để thông truyền, liên đới, tha thứ cho nhau, cùng nhau khởi hành từ một giao ước tình yêu, được canh tân bởi Thần Khí của Thiên Chúa.

Nhiều vấn đề của các gia đình ngày nay, đặc biệt trong các xã hội tiến bộ về kinh tế, tùy thuộc nơi sự kiện việc thông truyền ngày càng khó khăn hơn. Người ta không sống với nhau, và cả trong những lúc hiếm hoi được ở với nhau người ta bị cuốn hút bởi các hình ảnh của một máy truyền hình. Đọc Kinh Mân Côi trở lại trong gia đình có nghĩa là đặt vào trong cuộc sống thường ngày các hình ảnh khác, các hình ảnh của mầu nhiệm cứu độ: hình ảnh của Chúa Cứu Thế và hình ảnh của Mẹ Rất Thánh Người. Gia đình mà cùng nhau đọc Kinh Mân Côi, thì dựng lại một chút bầu khí của nhà Nagiarét: đặt để Chúa Giêsu vào chính giữa, chia sẻ các niềm vui và khổ đau với Người, đặt để trong tay Người các nhu cầu và các dự tính, kín múc từ Người niềm hy vọng và sức mạnh cho lộ trình cuộc sống (s.41).

Thật là đẹp và phong phú tín thác lộ trình lớn lên của con cái cho Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi lại không phải là lộ trình cuộc sống của Chúa Kitô từ khi thụ thai cho tới lúc chết, cho tới sự phục sinh và vinh hiển sao? Ngày nay đối với các bậc cha mẹ việc theo dõi con cái trong các chặng khác nhau của cuộc đời chúng ngày càng trở thành cam go hơn. Trong xã hội của kỹ thuật tân tiến, của các phương tiện truyền thông và toàn cầu hóa, tất cả đã trở thành qúa mau chóng, và khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn hơn. Các sứ điệp khác nhau, và nhất là các kinh nghiệm không thể thấy trước được chiếm chỗ trong cuộc sống của trẻ em và người trẻ, và đối với các bậc cha mẹ đôi khi trở thành nỗi âu lo phải đương đầu với các nguy cơ mà con cái gặp phải. Không hiếm xảy ra các kinh nghiệm nóng bỏng khi nhận thấy các thất bại của con cái trước sự cám dỗ của ma túy, các lôi cuốn của chủ trương hưởng lạc tháo thứ, trước các cám dỗ của bạo lực, trước các kiểu diễn tả khác nhau, nhất là của sự vô nghĩa và tuyệt vọng.

Cầu nguyện với Kinh Mân Côi cho con cái và với con cái, bằng cách giáo dục chúng ngay từ tuổi thơ cho lúc ”dừng lại cầu nguyện” này trong ngày sống của gia đình, chắc chắn không phải là giải pháp của mọi vấn đề, nhưng nó là một trợ giúp tinh thần không nên đánh giá thấp. Người ta có thể phản bác rằng Kinh Mân Côi xem ra ít thích hợp với khẩu vị của trẻ em và người trẻ ngày nay. Nhưng có lẽ việc phản bác chú ý tới một kiểu thực hành thường it được săn sóc. Vả lại, trừ việc duy trì cấu trúc nền tảng của nó, đâu có gì cấm đối với trẻ em và người trẻ việc đọc Kinh Mân Côi trong gia đình hay trong các nhóm được phong phú hóa với các biểu tượng cụ thể thích hợp giúp sự hiểu biết và đánh gía nó. Tại sao lại không thử xem? Một việc mục vụ giới trẻ kiên trì, say mê và sáng tạo – các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã cung cấp cho tôi thước đo điều này – có khả năng làm được những điều thực sự ý nghĩa, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nếu Kinh Mân Côi được trình bầy tốt, tôi chắc chắn rằng chính người trẻ sẽ có khả năng một lần nữa khiến cho người lớn ngạc nhiên trong việc biến lời cầu nguyện này trở thành của riêng họ, và trong việc đọc nó với lòng hăng say đặc biệt của tuổi trẻ (s. 42).

Kết thúc Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng nó là một kho tàng mà mọi tín hữu kitô cần tái khám phá ra trong cuộc sống. Ngài viết: Anh chi em rất thân mến, một lời cầu dễ như thế, đồng thời lại phong phú như vậy thật đáng được tái khám phá ra bởi cộng đoàn kitô. Chúng ta hãy làm điều ấy trong năm này, bằng cách nhận lấy đề nghị này như việc củng cố đường hướng đã được vạch ra trong Tông thư Bước vào ngàn năm thứ ba, đã gợi hứng cho các chương trình mục vụ của biết bao nhiêu Giáo hội địa phương trong dự án dấn thân cho tương lai gần.

Đức Gioan Phaolô II đã đặc biệt mời gọi các Giám Mục, linh mục, phó tế các nhân viên mục vụ trong các sứ vụ khác nhau trở thành các người cổ võ việc lần hạt Mân Côi. Ngài cũng tín thác nơi các thần học gia và xin họ họ đưa ra các suy tư mạnh mẽ và khôn ngoan, đâm rễ sâu trong Lời Chúa và nhậy cảm đối với kinh nghiệm sống của dân kitô, giúp tái khám phá ra các nền tảng kinh thánh, các kho tàng tinh thần và gia trị mục vụ của lời kinh truyền thống này.

Ngài mời gọi tín hữu thuộc mọi giai tầng, các gia đình kitô, người đau yếu, già cả và giới trẻ tin tưởng cầm lại trong tay tràng chuỗi Mân Côi, tái khám phá nó dưới ánh sáng của Thánh Kinh, trong sự hòa hợp với Phụng vụ, trong bối cảnh cuộc sống thường ngày. Đức Gioan Phaolô II ước mong lời mời gọi này của ngài được lắng nghe. Vào dịp kỷ niệm 25 năm nhận chức Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ ngài tín thác Tông thư này trong đôi tay khôn ngoan của Đức Trinh Nữ Maria, bằng cách phủ phục trong tinh thần trước ảnh Mẹ tại đền thánh Pompei, do chân phước Bartolo Longo, tông đồ của Kinh Mân Côi, dâng kính Mẹ. Rồi ngài kết thúc Tông thư với các lời lấy lại từ ”Kinh khẩn nài Nữ Vương Mân Côi” của chân phước như sau: ”Ôi Tràng hoa hồng diễm phúc của Mẹ Maria, dây xích dịu dàng cột buộc chúng con vào Thiên Chúa, dây tình yêu kết hiệp chúng con với các Thiên Thần, tháp cứu rỗi trong những lúc hỏa ngục tấn công, nơi chắc chắn trong cuộc đắm tầu chung, chúng ta sẽ không bao giờ rời ngươi nữa. Ngươi sẽ là sự ủi an cho chúng ta trong giờ hấp hối. Sẽ dành để cho ngươi nụ hôn cuối cùng của sự sống đang tắt lịm. Và mấp máy cuối cùng trên môi chúng con sẽ là tên ngọt ngào của Mẹ, ôi Nữ Vương Mân Côi Pompei, ôi Mẹ thương mến của chúng con, ôi Nơi ẩn náu của các kẻ tội lỗi, ôi Nữ Hoàng ủi an của những kẻ khổ đau. Xin chúc tụng Mẹ mọi nơi, hôm nay và luôn mãi, dưới đất và trên trời”.

(Thánh Mẫu Học bài số 362)

 

Linh Tiến Khải