Chương III cũng là chương cuối cùng của Tông thư về Kinh Mân Côi có tựa đề: ”Đối với tôi sống là Chúa Kitô”.
Kinh Mân Côi, con đường hấp thụ mầu nhiệm. Đức Gioan Phaolô II viết: Việc suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô được đề nghị trong Kinh Mân Côi với một phương pháp đặc thù, bởi bản chất của nó thích hợp cho việc hấp thụ các mầu nhiệm ấy. Điều này trước hết có giá trị đối với Kinh Kính Mừng, được lập đi lập lại 10 lần ở mỗi mầu nhiệm. Nếu nhìn việc lập đi lập lài này một cách hời hợt, người ta có thể bị cám dỗ cho rằng Kinh Mân Côi là một thực hành khô khan và buồn chán. Trái lại, người ta có thể đi đến chỗ nhận được từ Kinh Mân Côi một cái nhìn khác, nếu coi nó như việc diễn tả tình yêu qua đó người ta không mệt mỏi trở lại với người yêu với các biểu lộ tràn trề, tuy giống nhau trong việc biểu lộ, nhưng luôn luôn mới mẻ đối với tâm tình thấm nhập chúng.
Nơi Chúa Kitô Thiên Chúa đã thực sự nhận lấy một ”con tim bằng thịt”. Người đã không chỉ có một trái tim thiên linh, giàu lòng từ bi và tha thứ, nhưng cũng có một trái tim nhân loại, có khả năng cảm nhận tất cả mọi rung cảm của tình thương mến. Nếu chúng ta cần có một chứng tá tin mừng về điểm này, thì không khó tìm thấy trong cuộc đối thoại của Chúa Kitô với thánh Phêrô sau khi sống lại: ”Simon con Gioan, con có yêu Thầy không?” Câu hỏi được đưa ra ba lần và ba lần câu trả lời là: ”Lậy Chúa, Chúa biết con yêu Chúa” (x. Ga 21,15-17). Vượt ngoài ý nghĩa chuyên biệt của văn bản, rất quan trọng đối với sứ mệnh của Phêrô, ai cũng nhận ra vẻ đẹp của ba lần lập lại này, trong đó câu hỏi tha thiết và câu trả lời được diễn tả ra trong các từ quen thuộc với kinh nghiệm tình yêu loài người. Để hiểu Kinh Mân Côi, cần phải bước vào trong năng động tâm lý của tình yêu.
Có một điều rõ ràng: đó là nếu việc lập lại lời Kinh Kính Mừng Maria trực tiếp hướng tới Đức Maria, thì với Mẹ và qua Mẹ cử chỉ của tình yêu rốt cuộc cũng hướng tới Chúa Giêsu. Việc lập lại được dưỡng nuôi bởi ước mong có một sự đồng dạng ngày càng tràn đầy hơn với Chúa Kitô, là chương trình đích thật của cuộc sống Kitô. Thánh Phaolô đã loan báo chương trình ấy với các lời nảy lửa như sau: ”Đối với tôi sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Và còn nữa: ”Không còn phải là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Kinh Mân Côi giúp chúng ta lớn lên trong việc trở thành đồng hình dạng này cho tới đích điểm của sự thánh thiện (s. 26).
Tiếp tục Tông thư Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng Kinh Mân Côi là một phương pháp có giá trị giúp tín hữu trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô, nhưng nó cần được cải tiến. Tông thư viết: ”Tương quan với Chúa Kitô có thể trở thành mạnh mẽ hơn nhờ sự trợ giúp của một phương pháp không được gây ngạc nhiên. Thiên Chúa thông truyền với con người bằng cách tôn trọng kiểu sống của bản chất cuộc sống chúng ta và các tiết nhịp của nó. Vì thế tuy hiểu biết các hình thức cao vượt nhất của sự thinh lặng thần bí trong đó tất cả các hình ảnh, lời nói và cử chỉ đều như được vượt thắng bởi sự kết hiệp sâu đậm không thể diễn tả được giữa con người với Thiên Chúa, nền tu đức Kitô thường được ghi dấu bởi sự lôi cuốn hoàn toàn của con người, trong thực tại tâm thể lý và tương quan phức tạp của nó.
Điều này xuất hiện một cách hiển nhiên trong Phụng vụ. Các Bí tích và các lễ nghi được cấu trúc với một loạt các nghi thức, liên quan tới các chiều kích khác nhau của con người. Cả lời cầu không có tính cách phụng vụ cũng diễn tả cùng đòi buộc ấy. Điều này được xác nhận bởi sự kiện bên Đông Phương lời cầu nguyện đặc biệt nhất của việc suy niệm Kitô học tập trung nơi các lời sau đây: ”Lậy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, một cách truyền thống được gắn liền với nhịp thở, trong khi tạo thuận tiện cho sự kiên trì trong lời khẩn cầu, nó cũng hầu như bảo đảm một trọng lượng thể lý cho ước mong Chúa Kitô trở thành hơi thở, linh hồn và ”tất cả” của sự sống (s. 27).
Trong Tông thư ”Bước vào ngàn năm mới” tôi đã nhắc nhớ rằng ngày nay cả bên Tây Phương cũng có một đòi buộc suy niệm được canh tân; đôi khi nó tìm thấy trong các tôn giáo khác các phương thức lôi cuốn. Không thiếu các tín hữu Kitô, vì ít hiểu biết truyền thống chiêm niệm Kitô, để cho mình bị lôi cuốn bởi các đề nghị này. Tuy nhiên, cho dù có các yếu tố tích cực và đôi khi có thể sát nhập được với kinh nghiệm Kitô, chúng thường ẩn dấu một nền tảng ý thức hệ không thể chấp nhận được. Cả trong các kinh nghiệm này nữa có một phương pháp rất phổ biến nhắm tới một mục tiêu của sự tập trung tinh thần, được củng cố với các kỹ thuật có tính cách tâm thể lý, lập đi lập lại và biểu tượng. Kinh Mân Côi nằm trong khung cảnh phổ quát này của hiện tượng học tôn giáo, nhưng nó có các đường nét đặc thù riêng, tương ứng với các đòi buộc chuyên biệt Kitô.
Thật thế, Kinh Mân Côi chỉ là một phương pháp giúp chiêm niệm. Như là phương pháp, nó được dùng trong tương quan với mục đích và không thể trở thành mục đích cho chính nó. Tuy nhiên, vì nó là hoa trái của kinh nghiệm ngàn đời, không được đánh giá thấp phương pháp này. Kinh nghiệm của biết bao nhiêu vị Thánh bênh vực cho phương pháp ấy. Nhưng điều này không lấy mất đi sự kiện nó có thể được cải tiến. Đó chính là điều việc hội nhập nhắm tới trong chu kỳ của các mầu nhiệm, của loạt mầu nhiệm mới của sự sáng, một cách thống nhất với vài gợi ý liên quan tới việc đọc Kinh Mân Côi mà Tông thư này đề nghị. Tuy tôn trọng cấu trúc của lời kinh đã được củng cố một cách rộng rãi, với các mầu nhiệm sự sáng này tôi muốn giúp các tín hữu hiểu nó trong các mặt trong biểu tượng của chúng, hòa hợp với các đòi buộc của cuộc sống thường ngày. Không có điều này thì Kinh Mân Côi có nguy cơ không chỉ không đem lại các hiệu qủa tinh thần đáng cầu mong, mà tràng hạt mân côi mà người ta thường dùng để đọc kinh rốt cuộc còn bị coi như một bùa chú hay một vật ma thuật, với một việc hiểu sai lạc triệt để ý nghĩa và nhiệm vụ của nó (s. 28).
Tiếp đến Tông thư của Đức Gioan Phaolô II duyệt xét các phần khác nhau của Kinh Mân Côi. Trước hết là việc loan báo mầu nhiệm cần suy niệm. Loan báo mầu nhiệm và tốt hơn là có cơ hội nhìn vào một hình ảnh diễn tả lại mầu nhiệm ấy, thì giống như là mở ra một cảnh để tập trung sự chú ý trên đó. Các lời nói hướng dẫn trí tưởng tượng và tâm hồn vào trong giai thoại xác định, hay vào thời điểm đó trong cuộc sống của Chúa Kitô. Trong nền tu đức đã phát triển trong Giáo Hội, việc tôn kính các ảnh tượng và nhiều kiểu sùng mộ giầu các yếu tố nhậy cảm, cũng như chính phương pháp do thánh Ignazio thành Loyola đề nghị trong Linh thao, đã sử dụng yếu tố thị giác và tưởng tượng, cho rằng nó trợ giúp rất nhiều cho việc tạo thuận lợi cho sự tập trung của tâm hồn trên mầu nhiệm. Ngoài ra, nó là một phương pháp đáp ứng cái luận lý của chính việc Nhập Thể: nơi Đức Giêsu Thiên Chúa đã muốn nhận lấy các đường nét của con người. Chính qua thực tại thân xác của Người mà chúng ta được dẫn tới chỗ tiếp xúc với mầu nhiệm Thiên Chúa của Người.
Việc loan báo các mầu nhiệm khác nhau của Kinh Mân Côi cũng đáp ứng đòi buộc cụ thể này. Dĩ nhiên, chúng không thay thế Phúc Âm và cũng không nhắc lại mọi trang của Phúc Âm. Vì thế Kinh Mân Côi không thay thế việc đọc Thánh Kinh, suy niệm và áp dụng vào đời sống, trái lại nó giả thiết và thăng tiến kiểu đọc, suy niệm và áp dụng Thánh Kinh như vậy. Nhưng nếu các mầu nhiệm được suy ngắm trong Kinh Mân Côi, cả với các mầu nhiệm sự sáng nữa, hạn chế ở các đường nét nền tảng cuộc sống của Chúa Kitô, thì từ chúng tâm hồn có thể dành chỗ dễ dàng hơn cho phần còn lại của Phúc Âm, nhất lăa khi Kinh Mân Côi được đọc trong các lúc đặc biệt kéo dài việc suy niệm (s. 29).
Thứ hai là việc lắng nghe Lời Chúa. Để cho việc suy niệm có nền tảng kinh thánh và được sâu sắc hơn, thật là hữu ích khi việc loan báo mầu nhiệm được tiếp nối bởi việc tuyên đọc một đoạn kinh thánh tương ứng. Tùy theo hoàn cảnh nó có thể dài ngắn khác nhau. Thật thế, các lời khác không bao giờ đạt đươc sự hữu hiệu riêng của lời được linh ứng. Lời này được lắng nghe với xác tín rằng nó là Lời của Thiên Chúa, được tuyên đọc cho ngày hôm nay và ”cho tôi”.
Khi lắng nghe như vậy, nó đi vào trong phương pháp lập đi lập lại của Kinh Mân Côi mà không khơi dậy sự nhàm chán, gây ra bởi việc nhắc lại một tin tức đã được biết rồi. Không, đây không phải là đem trở lại trí nhớ một tin tức, mà là để cho Thiên Chúa ”nói”. Trong một vài trường hợp đọc Kinh Mân Côi trọng thể và cộng đoàn, lời này có thể được minh giải bởi vài chú thích ngắn gọn một cách thích hợp (s. 30).
Thứ ba là sự thinh lặng. Việc lắng nghe và suy niệm được dưỡng nuôi bằng sự thinh lặng. Thật là thích hợp sau khi loan báo mầu nhiệm và công bố Lời Chúa, người ta thinh lặng một lúc để dán chặt cái nhìn vào mầu nhiệm được suy niệm, trước khi bắt đầu đọc kinh. Việc khám phá ra sự thinh lặng là một trong các bí mật của việc thực hành chiêm niệm và suy tư. Giữa các hạn hẹp của một xã hội bị kỹ thuật hóa một cách mạnh mẽ và các phương tiện truyền thông, cũng có sự kiện việc thinh lặng ngày càng trở thành khó khăn hơn. Như trong Phụng vụ các lúc thinh lặng được yêu cầu, cả trong buổi đọc Kinh Mân Côi sau khi lắng nghe Lời Chúa, thật thích hợp nghỉ một lát, trong khi tâm hồn dán cái nhìn vào nội dung của mầu nhiệm xác định (s.31).
Thứ bốn là Kinh Lậy Cha. Sau khi lắng nghe Lời Chúa và tập trung vào mầu nhiệm thật là tự nhiên việc nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa Cha. Trong từng mầu nhiệm một Chúa Giêsu luôn luôn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa Cha, mà Ngài liên lỉ hướng tới, bởi vì Ngài nghỉ ngơi trong cung lòng Người (x. Ga 1,18). Ngài muốn dẫn đưa chúng ta vào trong sự thân tình với Chúa Cha, để chúng ta cùng Ngài nói lên: ”Abba, Cha ơi” (Rm 8,15; Gl 4,6). Trong tương quan với Thiên Chúa Cha Ngài làm cho chúng ta trở thành các em của Ngài và anh em với nhau, bằng cách thông truyền cho chúng ta Thần Khí của Ngài và của Chúa Cha. Như thế Kinh Lậy Cha được đặt như nền tảng việc suy niệm có tính cách Kitô thánh mẫu học, được khai triển qua việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng Maria, khiến cho sự suy niệm mầu nhiệm trở thành một kinh nghiệm của Giáo Hội, cả khi nó được đọc trong sự cô đơn.
(Thánh Mẫu Học bài số 360)
Linh Tiến Khải