LỜI KINH ĐƠN SƠ hay cũng gọi là KINH HOÀ BÌNH
Nhiều người trong chúng ta có lẽ đã thuộc lòng hay ít ra hát được cách dễ dàng Lời Kinh được dịch sang tiếng Việt với tựa đề là “Kinh Hoà Bình” và được nhạc sĩ Linh mục Kim Long phổ nhạc. Ở đây, tôi muốn nói một vài điểm về Lời Kinh rất phổ thông này, cũng có tên là LỜI KINH ĐƠN SƠhay KINH HOÀ BÌNH.
I. BẢN VĂN
Chúng tôi ghi lại đây bản văn Kinh Hoà Bình bằng tiếng Ý và được coi như là bản văn gốc dùng để phân tích và học hỏi. Bản văn tiếng Việt được dùng để đối chiếu.
Bản văn tiếng Ý được tìm hiểu từ các nguồn ghi lại cho chúng ta như sau:
Bản văn năm 1916
Signore, fate di me
uno strumento della vostra pace:
Phần I
Dove è l’odio, che io ponga l’amore,
Dove è l’offesa, che io ponga il perdono,
Dove è la discordia, che io ponga l’uonione,
Dove è l’errore, che io ponga la verità,
Dove è il dubbio, che io ponga la Fede,
Dove è la disperazione, che ponga la speranza,
Dove è la tristezza, che io ponga la gioa,
Dove sono le tenebre, che io ponga la luce.
Phần II
Phần III
Imparo che è nel donare che si riceve;
nel dimenticare se stessi che si si è perdonati,
nel morire che si risuscita all’eterna vita!”
Bản văn năm 2005
Signore, fa’ di me
uno strumento della tua pace:
Phần I
Dove è odio, fa’ ch’io porti l’amore,
Dove è offesa, ch’io porti il perdono
Dove è discordia, ch’io porti l’unione
Dove è dubbio, ch’io porti la fede
Dove è errore, ch’io porti la verità
Dove è disperazione, che io porti la speranza
Dove è tristezza, ch’io porti la gioa
Dov’è tenebra, ch’io porti la luce.
Phần II
Maestro, fa che io non cherchi tanto
Di esser consolato, quanto di consolare;
Di essere compreso, quanto di comprendere;
Di essere amato, quanto di amare.
Phần III
Poichè, così è
Dando, che si riceve;
Perdonando, che sì è perdonati;
Morendo, che si risuscita a Vita eterna.
Bản dịch tiếng Việt dịch theo bản tiếng Ý năm 2005:
“Lạy Chúa
2. Xin hãy làm con nên khí cụ bình an của Chúa:
3. Ở đâu có ghét ghen, xin làm cho con được mang đến đó tình yêu thương
4. Ở đâu có xúc phạm, xin làm cho con mang đến sự thứ tha
5. Ở đâu có bất hòa, xin làm cho con mang đến sự hiệp nhất
6. Ở đâu có nghi nan, xin làm cho con đem đến đức tin
7. Ở đâu có sai lầm, xin làm cho con đem đến sự thật
8. Ở đâu có thất vọng, xin làm cho con đem đến hy vọng
9. Ở đâu có buồn sầu, xin làm cho con đem đến niềm vui
10. Ở đâu có bóng tối, xin làm cho con đượcc mang đến đó ánh sáng
11. Lạy Thày, xin làm cho con
12. không lo tìm kiếm để được an ủi, mà lại lo an ủi
13. Không lo được hiểu biết, mà lại lo để hiểu biết
14. Không lo tìm được yêu mến, mà lại lo yêu thương
Bởi vì, có như thế,
thì khi cho đi, là người ta lãnh nhận,
khi thứ tha, thì được tha thứ;
khi chết đi, thì sẽ sống lại tới tự sống đời đời”.
Chúng tôi cũng ghi ở đây bản dịch Lời Kinh, như trong bài ca Kinh Hoà Bình do nhạc sĩ Linh mục Kim Long phổ nhạc. Lời Kinh đọc lên như sau:
(“Lạy Chúa từ nhân!
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”.)
Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vuiđến chốn u sầu. Lạy Chúa xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chếtđi là khi vui sống muôn đời.
(“Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình”.)
Chúng ta phải nói rằng bản văn nguyên thuỷ đăng trong Báo L’Osservatore Romano năm 1916 và Bản văn tiếng Ý năm 2005 được ghi trên đây, không có câu mở đầu: (Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người) và câu kết: (Ôi Thần Linh thánh ái Xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình), như chúng ta thấy trong bản văn mà Linh mục Nhạc sĩ Kim Long đã phổ nhạc. Bản văn năm 1916 không có phần thứ II như thấy xuất hiện trong Bản Kinh năm 2005: Maestro, fa che io non cherchi tanto Di esser consolato, quanto di consolare; Di essere compreso, quanto di comprendere; Di essere amato, quanto di amare (Lạy Thày, xin làm cho con không lo tìm kiếm để được an ủi, mà lại lo an ủi; không lo được hiểu biết, mà lại lo để hiểu biết; không lo tìm được yêu mến, mà lại lo yêu thương).
II. TÍNH CÁCH PHỔ THÔNG CỦA KINH HOÀ BÌNH
Lời Kinh này đơn sơ và được gán cho Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226) là tác giả. Cho tới nay vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Trong sách Preghiere di San Francesco e Santa Chiara, Cha Bruno Giannini, OFM, Suor Chiara Augusta Lainati, OSC., Suor Chiara Carla Cabras, OSC., trong tập sưu tầm xuất bản năm 2005, đã đặt Kinh Đơn Sơ vào trong phần các Kinh rút ra từ các tác phẩm của Thánh Phanxicô, sau phần các Kinh của chính Thánh Phanxicô sáng tác. Rồi trong chính bản Kinh các tác giả có lời chỉ dẫn như sau: “Bản Kinh thời danh này được gán cho Thánh Phanxicô thành Assisi là tác giả. Dầu sao tất cả những gì mà Kinh này diễn tả, người ta có thể thấy được thể hiện trong đời sống của Thánh nhân và trong niềm mong muốn được trở nên khí cụ bình an và vui tươi của Thánh nhân”. Như vậy, vấn đề nguồn gốc coi Thánh Phanxicô Assisi lá tác giả chưa được xác định rõ ràng và còn cần được tìm hiểu thêm. Theo tác giả Salvatore Pricoco và Manlio Simonetti, trong cuốn sưu tập của hai ông “La Preghiera dei Cristiani, Fondazione Lorenzo Valla”Arnoldo Mondadori Editore, 2000, tr. 483, thì thánh nhân có sáng tác một vài kinh, nhưng thời danh nhất làLaudes creaturarum (Bài ca vạn vật) nhưng không có KINH ĐƠN SƠ. Bài ca vạn vật này được thánh nhân sáng tác sau một đêm đầy đau đau đớn.
Nói về tính cách phổ thông của Lời Kinh Đơn Sơ hay Kinh Hoà Bình,người ta nhận thấy rằng Kinh này được phổ biến rộng rãi một cách thật khác thường.
Tác giả Egidio Picucci, bài báo trong Báo L’Osservatore Romano, ngày 20-1-2009, đã được trích dẫn, đã ghi nhận điều này. Lời kinh được đọc lên trong những dịp khá đặc biệt, như năm 1975, tại Nairobi, trong một cuộc Họp Đại kết giữa các Giáo hội Kitô giáo và Công giáo.
Năm 1986, trong cuộc gặp gỡ các tôn giáo tại Assisi, được tổ chức theo ý của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và có sự hiện diện của ngài, Kinh này là một trong những Kinh được chọn đọc lên. Rồi năm 1989 tại Basilea (Thuỵ Sĩ), Kinh này cũng được đọc lên trong một cuộc họp đại kết.
Kinh Hoà Bình này có sức gây ngạc nhiên không nhỏ đối với Chân phước Têrêsa Calcutta. Mẹ đã giải thích vắn tắt Kinh này và đã xin mọi người đọc lên trong dịp Chân phước nhận Giải thưởng Nobel Hoà bình tại Oslo vào năm 1979. Mẹ cũng cho biết trong Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ, Kinh này được đọc mỗi ngày sau khi rước lễ. Đức Tổng Giám mục Helder Pessoa Câmara của Tổng Giáo phận Olinda và Recife (Brazil) đã đem Kinh này vào trong “Tờ đi đường cho các cộng đoàn Abraham” .
Với các nhân vật dân sự và chính trị khác, Kinh Hoà Bình cũng gợi hứng nhiều cho các vị, như bà Thủ tướng Margaret Thatcher (Anh quốc) đã đem một phần Kinh này vào trong bài diễn văn đọc khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, ngày 4-5-1979.
Đức Tổng Giám mục Anh giáo Desmond Tutu (Nam Phi, Giải thưởng Nobel Hoà bình 1984) đã nói rằng Kinh Hoà Bình có một tầm mức đặc biệt trong toàn thể đời sống của mình. Vào năm 1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã đem một khúc của Kinh Hoà Bình vào trong bài diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại phi trường New York. Ông còn nói một cách hiên ngangkhông ngần ngại rằng“nhiều người dân Hoa Kỳ, Công giáo hay không Công giáo, đã bỏ Kinh này trong túi áo, trong bị xách tay hay trong sổ tay của mình”.
III. NGUỒN GỐC KINH HOÀ BÌNH
Nhật báo của Toà Thánh Vatican L’Osservatore Romano, ngày 20-1-1916, vào ngay trang đầu, có cho đăng một Bản Kinh, mang tên là “Bản Kinh Đơn Sơ”,với một tựa đề nhỏ “Le preghiere del “Souvenir Normand” per la pace” (Các lời Kinh của Báo “Souvenir Normand” cầu cho hoà bình). Như vậy, Bản Kinh Hoà Bình này đã được phổ biến vào những ngày trước thế chiến thứ I, thời Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV. Năm 1915, trước hiểm hoạ cuộc thế chiến vừa bùng nổ, chính Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV cũng đã sáng tác một kinh cầu cho hoà bình thế giới, được dịch ra tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Nga và Ba Lan. Bản Kinh này là những lời cầu xin ơn hoà bình, nhất là với Thánh Tâm Chúa Giêsu, vì Đức Thánh Cha Bênêđictô XV rất sùng mộ Thánh Tâm Chúa Giêsu.Đức Thánh Cha cũng mời các tín hữu tại Âu Châu hãy cùng đọc với ngài vào ngày 7-1-1915, trong khi ngài đọc Kinh này cùng với các vị hồng y và các chức sắc trong Giáo triều Rôma, trước bàn thờ chính tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Vào thời này, nhiều đoàn thể Công giáo cũng đã hoạt động để chấm dứt chiến tranh và cầu xin cho hòa bình trở lại trên phần đất Âu Châu. Trong cácđoàn thể này, người ta phải nói tới sáng kiến của Công tước Stanislas de la Rochethulon, Chủ tịch Hiệp hội người Anh và Pháp mang tên Souvenir Normand, có mục đích hoạt động cho hoà bình và công lý. Hiệp hội Souvenir Normandđã thu thập một số bản kinh cầu cho hoà bình và đã đệ trình lên Đức Thánh Cha Bênêđictô XV hai bản kinh cầu cho hoà bình và một bài thánh ca dâng lên Đức Mẹ vùng Normandie (Pháp). Bản kinh thứ nhất là lời cầu khẩn dâng lên Đức Mẹcủa những người Normand và các thánh quan thầy của vùng này. Lời kinh thứ hai là một lời kinh rất đẹp và ý nghĩa để đọc trong Thánh lễ. Vào năm 1912, các bản kinh này được xuất bản trong Báo La Croix d’Orne và Báo La Clochette. Bản Kinh sau là bản Kinh Đơn Sơ và được đem vào nước Ý. Chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XV và Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Gasparri cũng thích bản Kinh Đơn Sơ này. Theo lệnh truyền của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV, Kinh Đơn Sơ này được in trong Báo L’Osservatore Romano, số ngày 20-1-1916, có kèm theo mấy lời giải thích, như chúng ta ghi lại và nói trên đây.
Vào ngày 20-1-1917, Báo La Croix đã cho in lại tất cả Bản Kinh Đơn Sơ này và các tài liệu khác liên hệ như đã đăng trong báo L’Osservatore Romano ngày 20-1-1916.
Chúng ta có thể xác định rằng, Bản Kinh Hoà Bình đã được phổ biến thật rộng rãi trong toàn thế giới ngay từ đầu khi mới được phổ biến và cả ngày nay nữa, như chúng ta nói trên đây. Trong một thư Đức Hồng y Pietro Gasparri gửi Công tước Stanislas de La Rochethulon, được đăng trong báoLa Croix, đã viết như sau: “Đức Thánh Cha rất hài lòng vì Bản Kinh thật cảm động này và Ngài mong rằng lời kinh này vang vọng tới mọi tâm hồn và là một biểu lộtâm tình phổ quát của mọi người”.
IV. MỘT VÀI SUY TƯ VỀ LỜI KINH HOÀ BÌNH
Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu thêm một số điểm từ chính lời Kinh Hoà Bình này.
1. Về bản văn
Trước tiên, Kinh Đơn Sơ này còn mang tên là Kinh Hoà Bình, và bây giờ thường được gọi như vậy trong các tài liệu, các sách hát. Lời kinh mang tên LỜI KINH HOÀ BÌNH, có lẽ vì câu đầu của nó có từ ngữ “hoà bình” trong câu “Xin hãy làm cho con nên khí cụ hoà bình của Chúa”. Vì thế, từ đây về sau, trong bài này, tôi sẽ dùng cả hai tên “Kinh Đơn Sơ” hoặc “Kinh Hoà Bình”, và có tác dụng ngang nhau.
Chúng ta phân biệt hai loại bản văn có phần nào liên hệ với nhau: loại thứnhất là Bản văn gốc của Kinh Hoà Bình. Bản văn gốc là chính bản văn được truyền tụng lại từ thời kỳ đầu; loại thứ hai là các bài ca phát khởi từ Lời Kinh Đơn Sơ, là bản văn được dịch hay soạn thảo gợi hứng từ Bản văn Kinh Hoà Bình, có thêm những câu hay những chữ khác, để đáp ứng với nhu cầu sáng tác âm nhạc, hoặc làm cho rõ nghĩa thêm, hoặc do nhu cầu mục vụ.
Chúng ta phải nói lại rằng bản văn nguyên thuỷ đăng trong Báo L’Osservatore Romano năm 1916 không có câu mở đầu: (Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người) và câu kết: (Ôi Thần Linh thánh ái Xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình), như chúng ta thấy trong bản văn mà Linh mục Nhạc sĩ Kim Long đã phổ nhạc. Đàng khác bản văn năm 1916 không có phần thứ II như trong bản văn in trong tuyển tập năm 2005, tức là phần Maestro, fa che io non cherchi tanto Di esser consolato, quanto di consolare; Di essere compreso, quanto di comprendere; Di essere amato, quanto di amare (Lạy Thầy, xin làm cho con không lo tìm kiếm để được an ủi, mà lại lo an ủi; không lo được hiểu biết, mà lại lo để hiểu biết; không lo tìm được yêu mến, mà lại lo yêu thương).
Lời Kinh Hoà Bình này đã được sáng tác trước năm 1916 và được phổbiến tại Pháp, và khi thế chiến thứ I bùng nổ, thì Kinh Đơn Sơ này được chọn như là một trong hai Kinh trình lên Đức Thánh Cha để các tín hữu Âu Châu đọc mà cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt. Người ta nói là Kinh Đơn Sơ này được đọc trong Thánh lễ, nhưng không rõ đọc vào lúc nào. Theo Sách lễ Rôma trước Công đồng Chung Vatican II, thì không thấy có dấu vết của Kinh Đơn Sơ này. Có lẽ thói lệ đọc Kinh Đơn Sơ này chỉ tồn tại ở một số vùng bên Pháp và có tính cách địa phương rất hạn hẹp.
Về sau này một số tác giả khác đã tìm hiểu thêm về nguồn gốc của Bản văn Kinh Đơn Sơ này và đã cho chúng ta có được bản văn chính xác của bản Kinh này.
2. Về bố cục của Kinh Đơn Sơ
Theo bản văn tiếng Ý trong tuyển tập năm 2005 trên đây, bản văn được chia ra làm 3 phần, ngoài câu mở đầu:
Phần mở đầu: là lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa: “Lạy Chúa xin hãy làm con nên khí cụ bình an của Chúa” (trong bản có phổ nhạc của Nhạc sĩ Kim Long, còn thêm một câu như sau: “Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”).
Phần thứ I: quảng diễn thứ I cách cụ thể ơn hoà bình hoặc khí cụ hoà bình: “Ở đâu có ghét ghen, xin làm cho con được mang đến đó tình yêu thương… Ở đâu có bóng tối, xin làm cho con được mang đến đó ánh sáng” (Kim Long: Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu).
Ở đây, chúng ta thấy có sự đảo lộn thứ tự giữa câu áp cuối của phần này trong bản văn của Nhạc sĩ Kim Long: câu “Đem niềm vui đến chốn u sầu”đặt sau câu: “Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm”. Không rõ vì lý do gì!
Phần thứ II: quảng diễn thứ II của lời cầu xin ơn hoà bình: “Lạy Thầy, xin làm cho con không lo tìm kiếm để được an ủi, mà lại lo tìm an ủi; không lo được hiểu biết, mà lại lo để hiểu biết; không lo tìm được yêu mến, mà lại lo yêu thương” (Kim Long: “Lạy Chúa xin hãy dạy con: Tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”).
Phần thứ III: giải thích ý nghĩa của lời xin ơn hoà bình: “Bởi vì, có như thế, thì khi cho đi, là người ta lãnh nhận, khi thứ tha, thì được tha thứ; khi chếtt đi, thì sẽ sống lại tới tự sống đời đời” (Kim Long: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”). Chúng ta có thể cho phần này như là phần kết của lời Kinh.
Khi nhìn vào bố cục này, chúng ta thấy không có sự cân đối giữa các phần, vì phần thứ I dài hơn 2 phần thứ II và thứ III.
Rồi trong phần thứ I có một tước hiệu của Chúa; “Lạy Chúa”; và trong phần thứ II có tước hiệu gọi Chúa: “Lạy Thầy”. Còn phần thứ III thì không có mà bắt đầu bằng một liên từ: “Vì như thế”. Do đó, qua bố cục này, chúng ta nhận ra Lời Kinh là một loạt những tâm tình tự phát của một tâm hồn đã lâu ngày suy tư về ơn hoà bình, trong chính bản thân mình, trong môi trường sống, trong hành động phải làm và trong phần thưởng sau cùng là “sự sống đời đời” trong ngày sống lại. Tất cả những điều này chúng ta sẽ nhận ra cách rõ ràng hơn trong phần còn lại sau đây.
3. Về cách hành văn
Về cách hành văn chúng ta cũng nhận thấy không cân xứng: vì ở phần đầu Lời Kinh luôn bắt đầu với từ “Ở đâu”, trong phần thứ II, thì dùng kiểu nói: “Không lo…”. Sang phần thứ ba, thì lại dùng ngay chính động từ ở thể phân từ thay cho một câu trọn vẹn.
Nhưng tác giả Lời Kinh có một biệt tài hành văn đối ngược nhau giữa các từvới nhau:
“ghét ghen” – “tình yêu thương” (câu 3); “xúc phạm” – “sự thứ tha” (c. 4);
“bất hoà” – “sự hiệp nhất” (c. 5); “nghi nan” – “đức tin” (c. 6);
“sai lầm” – “sự thật” (c. 7); “thất vọng” – “hy vọng” (c. 8);
“buồn sầu” – “niềm vui” (c. 9); “bóng tối” – “ánh sáng” (c. 10);
“cho đi” – “lãnh nhận” (c. 19); “chết đi” – “sống lại tới tự sống đời đời” (c. 21).
Đối ngược nhau giữa cách thể hiện cùng một hành động: từ hình thức chủ động sang hình thức thụ động, hoặc ngược lại:
“được an ủi” – “lo an ủi” (c. 12); “được hiểu biết” – “để hiểu biết” (c. 13); “được yêu mến” – “lo yêu thương” (c. 14); “thứ tha” – “được tha thứ” (c. 20).
Lối văn đối ngược này, không chỉ được dùng một lần, nhưng tới 14 lần khác nhau, làm cho ý tưởng được nhấn mạnh và cho thấy rõ tâm hồn của tác giả thực sự đã sẵn sàng trong tư thế làm điều thiện, đối ngược với những hành động làm điều ác. Tất cả được thực hiện trong khung cảnh một cá nhân, nhưng còn cả trong khung cảnh xã hội, cộng đoàn. Người ta có thể đoán được rằng, tác giả đang sống trong một xã hội, một cộng đoàn thực sự đang chất chứa nhiều hận thù, ghen ghét… và trước tất cả những điều này, tác giả tỏ ra bất lực, và chỉ sáng tác một Lời Kinh để cho nhiều người đọc và khi cầu nguyện Chúa sẽ nhậm lời và mỗi tâm hồn sẽ được cải hóa. Như vậy hoàn cảnh sẽ thay đổi dần dần. Do đó vào thời gian khi bùng nổ thế chiến thứ hai, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV cũng dã chođăng Lời Kinh này trong Báo L’Osservatore Romano, và muốn Kinh này đượcđọc lên trong các Giáo Hội tại Âu Châu.
4. Ý nghĩa của Kinh Đơn Sơ
Đây là một lời kinh thật đơn sơ đúng như tên gọi của nó ngay từ đầu. Nhưng chính cái đơn sơ này đã làm cho thấy diễn tả các tâm tình sâu thẳm của con người và vì thế nó đã đánh động nhiều tâm hồn đơn sơ và của cả những người làm chính trị như chúng ta ghi lại trên đây. Do đó, việc tìm hiểu nội dung siêu nhiên lại là một vấn đề khó khăn. Ở đây tôi thử đưa ra một số điểm giúp phần nào việc cảm nghiệm cái sâu xa của Kinh Đơn Sơ này.
Lời cầu khẩn và xưng tụng Thiên Chúa
Bản văn Kinh Hoà Bình đã dùng hai từ ngữ để tuyên xưng với Thiên Chúa, đó là từ “Chúa” (Signore) và từ “Thầy” (Maestro).Hai từ này không kèm theo một thuộc từ nào khác như “toàn năng”, “hằng hữu”, “thương xót”…, và điều này cho thấy Lời Kinh này không giống các lời kinh dùng trong phụng vụ, thường có kèm theo một thuộc từ đi kèm. Đàng khác, Lời Kinh bắt đầu ngay với động từ ở ngôi thứ hai “xin làm cho con…”,mà không có một thuật ngữ như “chúng con cầu xin Chúa”, hoặc “xin ban cho con”… như thường có trong các lời cầu nguyện của phụng vụ. Như vậy, lời Kinh Hoà Bình được coi như một lời kinh, một sáng tác của cá nhân dâng lên Thiên Chúa để cầu cho chính mình hoặc cho xã hội mà tác giả đang sống.
Hai từ “Chúa” và “Thầy” nói lên thái độ tùng phục hoàn toàn với Thiên Chúa, Đấng mà tác giả tin kính và tôn thờ. Từ thái độ tuỳ thuộc nền tảng này, tác giả dâng lên những lời khẩn nguyện.
Xin hãy làm con nên khí cụ bình an của Chúa
Ở đây chúng ta lưu ý tới thuật ngữ “khí cụ bình an”. Thuật ngữ nàyđem chúng ta vào trong lịch sử Nghi thức cử hành Thánh lễ. Thời xưa, từ thế kỷthứ 13 trở đi, khi ban bình an lúc trước rước lễ, người ta dùng một đồ dùng bình an hay khí cụ bình an, để trao ban bình an cho nhau (Instrumentum pacis). Khí cụ bình an này là một tấm thẻ nhỏ hình bầu dục hay dài. Một mặt có khắc hình Chúa, Đức Mẹ, các thánh. Mặt sau thường có một tay để cầm hay một giá để đựng tấm thẻ này. Khi ban bình an, người ta trao thẻ này cho nhau để trao ban bình an và nói lên lời chúc lành bình an cho nhau. Lần đầu tiên thẻ này được dùng bên Anh vào năm 1246. Sách Lễ Rôma do Đức Giáo hoàng Piô V ban hành năm 1570 và Sách Nghi thức các Giám mục năm 1600, cũng thấy có ghi việc dùng thẻ Khí cụ bình an này. Tuy nhiên, việc dùng khí cụ bình an này không có tính cách bắt buộc. Dần dần việc sử dụng khí cụbình an này biến đi trong Nghi thức Thánh lễ.
Theo hình ảnh này, mỗi người trở nên khí cụ bình an, trở nên biểu tượng của bình an của Chúa đối với người khác. Họ cũng phải có tràn đầy sự bình an đểchia thông ban cho người khác. Rồi sự bình an đó phải được tràn đầy sung mãn và còn tiếp tục ảnh hưởng tới người khác. Nhưng sự bình an này phải là sự bình an của Chúa Kitô, vì Ngài chính là sự bình an làm giao hoà hai bên thù địch với nhau và giao hoà con người với Thiên Chúa; Ngài phá đổ mọi bức tường ngăn cách các dân tộc, các nhóm người, các cá nhân với nhau (x. Ep 2,13-16).Trước kia, để có khả năng giao hoà, Chúa Kitô đã phải đổ máu mình ra, Chúa Kitô đã phải chết trên thập giá vì chúng ta, vì chính Thiên Chúa đã muốn dùng thập giá của Chúa Kitô mà phá tan mọi thù địch. Do đó, người tín hữu, đểcó thể trở nên khí cụ bình an của Chúa Kitô, cũng phải đón nhận thập giá, cũng phải đổ máu đào ra vì anh em mình, khi họ phải tha thứ, phải vứt bỏ mọi oán thù với người khác, trong gia đình, trong đoàn thể, giữa các cá nhân. Kinh nghiệm hằng ngày dạy chúng ta chân lý này. Khí cụ này phải thực sự nằm trong tay Chúa và hoàn toàn để Thiên Chúa sử dụng, như dụng cụ của người thợ gốm nằm trong tay Thiên Chúa (x. Gr 18,1-11). Khí cụ không thể hành động theo ý của mình và làm trái ý của Thiên Chúa.
Đây không phải là điều dễ thực hiện. Nên tín hữu phải cầu nguyện xin Thiên Chúa biến chúng ta thành khí cụ bình an của Chúa.
Ở đâu có ghét ghen, xin làm cho con được mang đặt nơi đó tình yêu thương… Ở đâu có bóng tối, xin làm cho con được mang đến đó ánh sáng.
Lời Kinh đã dùng những từ ngữ đối nghịch nhau, những kiểu nói đối chọi nhau, như chúng ta đã phân tích trên đây.
Trong Sáck Kinh chúng ta có một Kinh cũng được sáng tác theo lối đối ngẫu này: đó là Kinh Cải tội bảy mối. Kinh đọc như sau:
Cải tội bảy mối co bảy đức:
Thứ nhất: khiêm nhường chớ kiêu ngạo.
Thứ hai: rộng rãi chớ hà tiện.
Thứ ba: giữ gìn sạch sẽ chớ mê dâm dục.
Thứ bốn: hay nhịn chớ hờn giận.
Thứ năm: kiêng bớt chớ mê ăn uống.
Thứ sáu: yêu người chớ ghen ghét.
Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.
Lời Kinh Cải tội bảy mối đã dùng cách đối nghịch giữa các tính xấu và các nhân đức: tính xấu trái ngược với nhân đức, và trái ngược với Tin Mừng; đồng thời Lời Kinh cũng giới thiệu những nhân đức phải thực hànhđể chừa bỏ các tính xấu. Như lời mở đầu nói rõ: Cải tội bảy mối có bảy đức.
Chúng ta có một thí dụ khác về hình thức đối nghịch các hành động như trong lời kinh tận hiến phục vụ của Thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556). Lời Kinh đọc lên như sau:
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con:
Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng
Biết cho đi mà không tính toán
Biết làm việc mà không lo tìm an nhàn
Biết chiến đấu mà không sợ vết thương
Biết tiêu hao mình đi
mà không lo tìm một phần thưởng nào khác
ngoài việc biết rằng con đã thi hành ý Chúa. Amen.
Trong thư gửi tín hữu Galata, Thánh Phaolô cũng đã so sánh đối nghịch giữa các hoa quả của xác thịt và hoa quả của Thánh Thần. Hoa quả của xác thịt là: “Các việc của xác thịt thì rõ ràng, đó là gian dâm, ô uế, phóng đãng, thờ tà thần, quỷ thuật, thù oán, đố kỵ, hiềm khích, giận ghét, cãi cọ, bất thuận, bè phái, ghen tị, giết người, say sưa, mê ăn uống và các nết xấu tương tự… Còn hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ,hiền lành, khoan dung, trung trực, khiêm tốn, tiết độ” (Gl 5,19-23). Phaolô kể ra 16 công việc của xác thịt và 10 hoa quả của Chúa Thánh Thần. Tất cả đối ngược nhau. Phaolô khuyên tín hữu Galata phải tránh những công việc của xác thịt; và phải hoạt động theo những hoa trái của Chúa Thánh Thần. Nhưng Phaolô không đặt cạnh nhau từng cặp công việc của xác thịt với công việc của Chúa Thánh Thần.
Trở lại với Lời Kinh Đơn Sơ, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của các thái độ phải tránh và các lối sống phải có nơi người tín hữu.
“ghét ghen” – “tình yêu thương” (câu 3); “xúc phạm”- “sự thứ tha” (c. 4);“bất hoà” – “sự hiệp nhất” (c. 5); “nghi nan” -“đức tin” (c. 6); “sai lầm” – “sự thật” (c. 7); “thất vọng” – “hy vọng” (c. 8); “buồn sầu” – “niềm vui” (c. 9); “bóng tối” – “ ánh sáng” (c. 10); “cho đi” – “lãnh nhận” (c. 19); “chết đi” – “sống lại tới tự sống đời đời” (c. 21); “được an ủi” – “lo an ủi” (c. 12); “được hiểu biết” – “để hiểu biết” (c. 13); “được yêu mến” – “ lo yêu thương” (c. 14); “thứ tha” – “được tha thứ” (c. 20).
Trong đời sống thiêng liêng chúng ta có những điều phải tập tành, phải loại bỏ như là căn bản để có thể tiến tới. Rồi tiến lên, người tín hữu còn cần đi xa hơn nữa, đó là sống đúng theo tinh thần Phúc Âm Chúa Giêsu dạy, để rồi chuẩn bị đi vào con đường kết hiệp với Thiên Chúa trong một sự kết hiệp với Thiên Chúa cách trọn vẹn và sâu xa.
Kinh Cải tội bảy mối được coi như là con đường thanh luyện căn bản.
Và chúng ta có thể coi những điều tác giả Kinh Đơn Sơ hay Kinh Hoà Bình, đưa ra như là những lối sống đi vào tinh thần Phúc Âm trọn vẹn.Để thấy rõ điều này, để thấy được cách dễ dàng điều này, chúng ta đọc lại Bài giảng trên núi nói về những phúc thật của Chúa Giêsu (x. Mt 5-6).
Chúa Giêsu nói về việc sống khó nghèo, vềlời than khóc, về việc an ủi, sống hiền lành, bị đói khát, về công chính, việc được no đầy, lòng xót thương, lòng trong sạch, bình an, bị bách hại, bị sỉnhục, bị vu khống đủ điều xấu. Hãy trở nên ánh sáng cho mọi người; đưa cả má kia cho kẻ vả má này; xin áo thường, thì cho cả áo choàng; xin đi một dặm, thì sẵn sàng đi thêm 2 dặm; yêu thân nhân, và yêu cả thù địch; cầu nguyện cho cảngười bách hại ngươi; chào cả người không chào ngươi; cho cả người không có gìđể cho lại bạn.
Còn tác giả Kinh Đơn Sơ hay Kinh Hoà Bình đã gợi ý từ lời Chúa để cầu nguyện và xin ơn sống những gì Chúa dạy trong Bài Giảng Trên Núi trong chính bản thân mình và trong tương quan với người khác; như sống bình an, tránh ghen ghét, biết yêu thương, không xúc phạm, luôn tha thứ, tránh bất hoà, gây tình hiệp nhất, loại bỏ nghi nan, sống đức tin, tránh lỗi lầm, tìm chân lý, không thất vọng, nhưng tràn đầy hy vọng, buồn sầu, niềm vui, tối tăm, ánh sáng, biết an ủi, ủi an người khác, biết hiểu biết thông cảm, luôn cho đi mà không tìm lãnh nhận, biết tha thứ, và cái đối chọi sâu xa nhất là chết đi trong thân xác con người, để sống lại trong đời sống vĩnh cửu.
Đọc bản liệt kê đối chiếu giữa Bài giảng của Chúa Giêsu trên núi, với Lời Kinh Đơn Sơ, chúng ta nhận thấy một sự hài hoà lớn lao, và Kinh Đơn Sơ hay Kinh Hoà Bình như là một lời quảng diễn những gì Chúa Giêsu nói và dạy chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi. Chúa Giêsu nói với chúng ta trong sự tự do con người: “nếu”, “khi chúng con làm”… Chúa đềnghị với con người, để họ được hạnh phúc: Phúc cho những ai…; còn KinhĐơn Sơ hay Kinh Hoà Bình cầu xin trong tấm lòng khát khao thực hiện và ý thức sự yếu đuối của mình để có khả năng thực hành những giáo huấn của Chúa. Ngày nay, những ai đọc hay hát đến từ “nếu”, hoặc câu “khi chúng con làm”… cũng cần đi vào trong tinh thần của Các Mối Phúc Thật và của lời cầu: Xin hãy làm con nên dụng cụ bình an của Chúa. Đọc như thế mỗi ngày, con người được thanh luyện hơn và được ánh sáng chiếu soi vào trong chốn thẳm sâu của họ. Họ sẽ xác tín hơn về những tâm tình phải có để sống đúng Tin Mừng của Chúa Kitô. Họ sẽ không còn oán thù, nhưng sẽ yêu thương…
Trong Kinh Thánh Phanxicô Assisi đọc trước tượng Thánh Giá tại Nhà thờ San Damiano ở Assisi, chúng ta có một số từ giống như trong Lời Kinh Đơn Sơ hay Kinh Hoà Bình: “Lạy Đấng tối cao, Thiên Chúa vinh hiển, xin chiếu soi vào bóng tối của lòng con. Xin cho con đức tin ngay thẳng, đức cậy vững vàng và đức ái toàn vẹn, sự khôn ngoan và khả năng để hiểu biết và để phụng sự thánh ý Chúa. Amen” (gạch dưới là của tôi).
Lạy Thầy, xin làm cho con, không lo tìm kiếm, để được anủi, mà lại lo an ủi. Không lo được hiểu biết, mà lại lo để hiểu biết; không lo tìm được yêu mến, mà lại lo yêu thương.
Chúng ta sang phần thứ II của Lời Kinh Đơn Sơ hay Kinh Hoà Bình. Chúng ta nhớ phần thứ II này không có trong bản văn năm 1916. Bản văn Phần thứ II nói tới niềm an ủi, sự hiểu biết cảm thông, việc yêu mến. Ba hành động này là những yếu tố tích cực và tất cả chúng ta đều mong muốn thể hiện cho chính mình và muốn người khác thể hiện cho mình nữa. Vì trong con người chúng ta, bản sinh chúng ta muốn thể hiện bản ngã của mình, “cái tôi” nơi ta, cách trọn vẹn và còn muốn hơn cả người khác. Chúng ta cũng muốn có được thật nhiều của cải vật chất và đức tính tự nhiên, khả năng tinh thần, để làm giàu cuộc sống của chúng ta. Tự nhiên chúng ta không nghĩ tới người khác và cũng không muốn nhường cho người khác những gì chúng ta có theo bản tính tự nhiên hay do sở hữu và công việc làm của chúng ta. Tất cả những điều này tự nó không xấu, nhưng nếu không ý thức điều hoà, chúng sẽ là cản trở lớn cho sự thăng tiến về cuộc sống siêu nhiên. Vì thế, tác giả Lời Kinh Đơn Sơ hay Kinh Hoà Bình đã xin Chúa cho được sống ngược lại với bản năng và ước muốn tự nhiên: muốn an ủi người khác thay vì để người khác an ủi mình; muốn cảm thông hiểu biết người khác thay vì đòi hỏi người khác cảm thông và hiểu biêt chính mình; muốn yêu mến người khác, thay vì để người khác yêu thương mình và làm tất cả cho mình vì tình yêu thương này. Quả thật đó là một ước muốn lớn lao, khó thực hiện. Vì thế,nó trở nên một lời cầu khẩn thiết tha dâng lên Thiên Chúa. Ngài là Thầy của tất cả và có sức làm được tất cả cho chúng ta. Các thánh cảm nghiệm được điều này. Các ngài đã sống và thực hành điều này trong đời sống của mình. Các ngài quảthực không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Thiên Chúa và cho người khác hoàn toàn. Các ngài làm hết mọi điều cho người khác, còn phần mình thì không kể gì tới. Thánh Inhaxiô thì xin Chúa cho mình “được ơn cho đi mà không tính toán”.
Bởi vì, có như thế, thì khi cho đi, là người ta lãnh nhận, khi thứ tha, thì được tha thứ; khi chết đi, thì sẽ sống lại tới tự sống đời đời”.
Đây là phần thứ III và cuối cùng của LờiKinh Đơn Sơ hay Kinh Hoà Bình. Bản văn đặt từ “sự sống muôn đời”ở cuối Lời Kinh này, như thường thấy trong các kinh khác. Phần này có thể được coi là phần nói về những phần thưởng dành cho những ai sống các đòi hỏi trên đây. Nhưng điều này cũng được diễn ra trong lối văn cầu xin và dưới hình thức giải thích lý do cho việc sống những đòi hỏi siêu nhiên trên đây. Bản văn nói tới 3 động từ “cho đi”, “thứ tha” và “sống” cũng như “sống lại”, và một danh từ kết cho tất cả Lời Kinh, đó là “sự sống muôn đời”.Ở đây, Lời Kinh cũng có những kiểu nói đối ngược lại, nhưng lại là tích cực đem lại hậu quả đích thực trong chính các hành động đã thực hiện. Chúng ta có thểxác quyết rằng, bản văn đã gợi hứng từ Phúc Âm khi Chúa Giêsu nói: “Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất sống. Ai hy sinh mạng sống mình vì Thầy sẽ được sống” (Mt 10,39). Nhưng khác một điều là trong bản văn Phúc Âm, có nói tới lý do của việc hy sinh sự sống: “vì Thầy”. Còn trong Lời KinhĐơn Sơ hay Kinh Hoà Bình, với cả 3 trường hợp “cho đi”, “tha thứ” và “chết đi”, thì chỉ nói trống mà thôi. Như vậy, chúng ta phải hiểu trước tiên là theo hướng của Phúc Âm, nghĩa là khi tín hữu “cho đi”,“tha thứ”, “chết đi”, họ làm tất cả vì Chúa Kitô. Nhưng người ta cũng có thể hiểu thêm rằng, tất cả các hành động này tự nó có tác động nơi người khác và có tác động nơi chính người chủ động. Về phạm vi tâm lý, đó là một hành động giải phóng, có sức thăng tiến con người và làm cho họ nên sung mãn hơn. Khi “cho đi”, con người cảm thấy một mối liên hệ với người khác, và ràng buộc họ với người khác; làm cho họ có được ý thức về nguồn tài năng phong phú nơi mình về phạm vi thể lý cũng như tinh thần. Đó chính là điều họ nhận lãnh được từ hành động cho đi. Rồi khi họ “tha thứ”, thì hành động này tác dụng vào con người họ cũng đang cần được tha thứ vì những thiếu sót và yếu kém của mình. Họ ý thức về cái không phải là mình qua các hành động lỗi phạm, để nhận ra một nhu cầu được tha thứ. Như thế, họ chia sẻ cái cảm nghiệm thiếu sót và nhu cầu cần được tha thứ để hoàn thiện cả hai bên. Còn khi “chết đi”, đây là một luật của sự sống, vì nếu hạt giống gieo xuống mà không hưnát đi thì sẽ không mọc lên cây và sinh hoa trái. Chính Chúa Giêsu đã nói như thế trong cuộc nói chuyện với những người Hy Lạp đến dự lễ tại Giêrusalem (x. Ga12,24).
Sự sống muôn đời là phần thưởng cho những ai biết tha thứ, biết cho đi và biết chết đi, nhưng không chỉ có thế mà thôi, mà còn cho tất cả những ai đã thực hành các việc vừa nói trên đây, ở phần I và phần II của Lời Kinh. Tuy nhiên, sự sống mnuôn đời này chỉ có thể do Thiên Chúa ban cho con người. Chắc chắn các việc con người làm, cho dù có quảng đại đến đâu, có hăng say đến đâu, có kết quả thế nào đi nữa, thì không thể tương xứng với sự sống muôn đời và Đấng ban sự sống này cho ta, nhưng lại khó thực hiện vì sự sống này là điều nằm trong phạm vi của Thiên Chúa, và lại là chính Thiên Chúa. Vậy từ ngữ “sự sống muôn đời” là một nguyện ước thật sâu xa của tác giả Lời Kinh Đơn Sơ hay Kinh Hoà Bình, và cũng là một lời tuyên xưng hoàn toàn tin cẩn vào Thiên Chúa.
Kết luận
Với mấy lời chú giải trên đây, chúng ta nhận ra được giá trị, ý nghĩa và nội dung của LờiKinh Đơn Sơ hay Kinh Hoà Bình, mà chúng ta đã quá quen thuộc. Lời Kinh này là kết quả của một con người đã sống sâu xa Phúc Âm của Chúa Kitô, nhất những mối phúc thật của Chúa rao giảng. Lời Kinh này xuất phát từ một tâm hồn đang muốn đi sâu vào con đường đi theo Chúa Kitô và hiệp thông với Ngài.Đồng thời tác giả cũng thao thức cầu xin cho mình cho mọi người sống thực tinh thần hoà bình của Phúc Âm. Lời Kinh này là một áng văn chương được sáng tác cách tuyệt vời do một tay bút đã sống trong nguồn văn chương thi phú, đã quen với các lời cầu nguyện của các giáo phụ và các tác giả tu đức thời danh. Tác giả để lại cho chúng ta một áng văn chương thật dễ đọc, dễ thuộc và dễ thấm vào tâm khảm chúng ta, vì những gì được trình bày trong Lời Kinh Đơn Sơ hayKinh Hoà Bình cũng rất gần gũi với tâm tình của chúng ta, với những ước muốn siêu nhiên của chúng ta. Ước gì Lời Kinh ĐơnSơ hay Kinh Hoà Bình được đọc và suy tư sâu xa hơn, để rồi có sức biến đổi con người thời nay đang bị xâu xé vì chiến tranh, hận thù, oán hờn, ích kỷ. Với ơn Chúa Lời Kinh dần dần biến đổi mỗi người chúng ta thành khí cụ bình an của Chúa Kitô và hoàn toàn để Chúa Thánh Thần dùng khí cụ này trong công việc xây dựng Giáo Hội và hoà bình.
————————————
L’Osservatore Romano, ngày 20-1-2009, có cho in lại trang đầu của Nhật báo của Tòa Thánh Vatican L’Osservatore Romano, ngày 20-1-1916, trong đó có in lại bản văn Kinh Đơn Sơ đăng trong báo “Souvenir Normand”.
Preghiere di San Francesco e Santa Chiara, do các tác giảsưu tập sau đây: P. Bruno Giannini, OFM., Suor Chiara Augusta Lainati, OSC., và Suor Chiara Carla Cabras, OSC., Shalom 2005, Editrici Francescane 2005, tr.128.
Ngoài Bản Kinh Hoà Bình, chúng ta cũng có những bài thánh ca được sáng tác gợi ý từbản văn nguyên thủy, nhưng đôi khi có thêm một vài chữ, vài câu, hay có khi thêm cả một đoạn văn nữa, x. Preghiere di San Francesco e Santa Chiara, do các tác giả sưu tập sau đây: P. Bruno Giannini, OFM., Suor Chiara Augusta Lainati, OSC và Suor Chiara Carla Cabras, OSC., Editrici Francescane 2005, tr. 470-471.
x.Phụng ca III, do các linh mục và tu sĩ Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Đức xuất bản năm 1998, tr. 920.922.
x. Indice, tr. 5-6 và 105.
Preghiere di San Francesco e Santa Chiara, do các tác giả sưu tập sau đây: P. Bruno Giannini, OFM., Suor Cjhiara Augusta Lainati, OSC và Suor Chiara Carla Cabras, OSC., Editrici Francescane 2005, tr. 128.
Egidio Picucci, Le origini del testo auttirbuito a San Francesco d’Assisi, “L’Osservatore Romano”, e la vera storia della Preghiera semplice, trong L’Osservatore Romani, 19-20 gennaio 2009, p. 6.
x.Preghiere di San Francesco e Santa Chiara, do các tác giả sưu tập sauđây: P. Bruno Giannini, OFM., Suor Chiara Augusta Lainati, OSC và Suor Chiara Carla Cabras, OSC., Editrici Francescane 2005, tr. 128.
Lời kinh trong ngoặc là bản dịch trong bài hát của Nhạc sĩ Kim Long dùng.
Vềlối hành văn đối ngược nhau, chúng ta có thí dụ điển hình trong Kinh kính chào các Nhân Đức, của Thánh Phanxicô Assisi: xem Preghiere di San Francesco e Santa Chiara, tr. 61-62: như đối ngược giữa sự khôn ngoan như nữ hoàng và sự đơn sơ toàn vẹn; sự khó nghèo – sự khiêm nhường; sự bác ái – sự vâng lời; một nhân đức – bao gồm tất cả các nhân đức khác, thiếu một nhân đức – thì thiếu hết các nhân đức khác, sự khôn ngoan – thắng lướt các mưu chước của Satan; sự đơn sơ nguyên tuyền – làm lộn xộn sự khôn ngoan của cả thế giới…
x. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite (Missarum Solemnia),A Christian Classic Reprint, New York 1980, tr. 483; xem thêm Enciclopedia Cattolica, vol. XX, Città del Vaticano, 1952, cột 499-500.
Phụng Ca III, như trên, tr. 356-357.
Đây có lẽ là lời kinh cổ xưa nhất mà Thánh Phanxicô Assisi đã sáng tác. Xem Preghiere di San Francesco e Santa Chiara, do các tác giả sưu tập sau đây: P. Bruno Giannini, OFM, Suor Chiara Augusta Lainati, OSC, và Suor Chiara Carla Cabras, OSC, Editrici Francescane 2005, tr. 47.
Sau phần này, các bài thánh ca gợi hứng từ đây có thêm một câu nữa, như: “Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình”.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả