Kỉ niệm 110 năm xây dựng nhà thờ Sơn Tây

WGPHH: Lịch sử là thời gian minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của một con người, một địa danh, một tôn giáo hay một xứ đạo.
   Chắc chắn có những người dân Sơn Tây đã theo đạo Công giáo từ rất lâu. Trong sử ký xứ Bách Lộc, cha già Tuệ có ghi lại: “Bấy lâu trước có nhiều người bổn đạo đã có nhà cửa trong các phố tỉnh Sơn Tây, người thì ở nơi nọ, người thì ở nơi kia mà đến buôn bán ở đấy, song các người ấy không có thông công gì với nhau, và không có gánh góp gì với người hàng xứ. Đến năm Tự Đức nhị thập nhị niên, là năm 1868, khi cố Mỹ làm phúc họ Bách lộc, thì những người bổn đạo xuống xưng tội, và ăn mày thông công trong tuần làm phúc, rồi những người ấy vào hầu cố mà xin người lập một họ đạo ở tỉnh. Bấy giờ cố Mỹ lên tỉnh thăm các nhà ấy, rồi người truyền cho các người có đạo ở trong các phố phải lập vào một họ đạo với nhau, thì mọi người đều vâng lời người. Mọi người hội họp lập ra những quy định và tín nhiệm ông lang VẠN đứng đầu họ mới ấy. Và tìm cách lo liệu gom góp mua đất làm nhà thờ và nhà phòng để khi các cố lên làm phúc thì có nơi ở và làm lễ. Đó là họ SƠN MỸ, Sơn là tỉnh Sơn Tây, do cố Mỹ lập. Từ đấy xứ Bách lộc có thêm họ Sơn Mỹ…
   Trải qua bao thăng trầm đến ngày 1/2/1884 (ngày 5 tháng giêng năm Giáp Thân) Kiến Phúc nguyên niên, đức thầy Phúc (giám mục) ở Hà Nội sai thầy Quí đem bạc lên cho cụ Tuệ tậu đất ở tỉnh Sơn làm nhà cho cố ở. Cụ Tuệ đã tậu ngay được hơn một mẫu đất và một nhà ngói ở cuối phố chợ Nghệ gần cửa ô (nay là khu Lăng kính các thánh Tử Đạo ở phố Phùng khắc Khoan). Cố Phụng lên thăm thì góp ý nên tậu đất phía đường ra sông cái cho tiện tàu bè đi lại. Sau cụ Tuệ mua được một khu đất có ba nhà ngói rộng với giá 1700 quan tiền, nhưng chỉ là giao ước tạm thời, chưa mua đứt, chưa làm văn tự. Thời gian ngắn sau cụ Tuệ lại tìm được khu đất làm nơi trại cố ở, tại phố Hậu An (phố Lê Lợi bây giờ). Trong đó còn một miếng đất có bốn cái nhà ngói của Hoàng Nhị, tướng Cờ Đen tậu trước. Mãi sau đức thầy Phúc và cố Phụng lo liệu với quan toàn quyền nên nhà chung được sở hữu đất ấy. Đó là năm 1884. Không riêng gì họ đạo Sơn Mỹ, tức Sơn Tây ngày nay, nhờ ơn cố Mỹ, nhất là cụ Tuệ, có được cơ ngơi như vậy, mà toàn xứ Bách lộc lúc bấy giờ từ Quang Húc, Mông Phụ, Xuân Vân, Vân Cốc (Vĩnh Thọ), Chàng Thôn, 3 làng Nậu, Vĩnh Lộc, Hoàng Xá (Quốc Oai)… đều do tài trí công sức của cụ Tuệ lo liệu và phát triển. Thời gian tiếp sau cố Mỹ là cố Tín, cụ già Cần, cụ già Sự, cố Khánh (1872), cố Báu (1878). Sau khi chia làm hai xứ Bách Lộc và Vĩnh Lộc, thì ở Sơn Tây có cố Liêm, cố Đán, cố Hóa, cố Vĩnh, cụ già Trung (1905).
   Năm 1905, cố Hóa, cố Vĩnh, cha già Trung đã lo liệu làm nhà thờ Sơn Tây để cho bổn đạo và các quan có nơi dự lễ hàng ngày. Giáo họ Sơn Mỹ dần dần phát triển. Cha Phêrô Nguyễn Huy Quang (sau là Giám mục) làm phó xứ Bách Lộc, có thời gian coi sóc họ Sơn Mỹ. Cố Hóa làm cha xứ Sơn Tây mãi đến khi về Pháp quãng năm 1948. Trong chiến tranh chống Pháp, Tòa Giám Mục Hưng Hóa bị bom phá, Đức cha Kim (Jean-Marie Mazé), đã chuyển Tòa Giám Mục về thị xã Sơn Tây ngày 2/11/1950, và từ đó được gọi là xứ Sơn Tây gồm họ Sơn Tây, trại phong Dưỡng Tế, họ Vạn Phú Nhi. Cố Thi (Gautier) làm cha xứ cho đến khi về nước tháng 12/1958, cùng với đức cha Kim và cố Huệ (Fleury) quản lý địa phận.
   Năm 1960, cha Phêrô Nguyễn Huy Quang nhận trọng trách Giám quản Hưng Hóa. Ngày 23/4/1960, ngài được thụ phong giám mục do đức cha Trịnh Như Khuê tại Hà Nội.
Ngày 24/11/1960, địa phận Hưng Hóa trở thành chính tòa cùng với các địa phận trên toàn quốc, và đức cha Phêrô Nguyễn Huy Quang là giám mục chính tòa đầu tiên. Từ nay giáo xứ Sơn Tây có một vinh dự lớn là trụ sở Tòa Giám Mục Hưng Hóa. Cũng năm 1960, cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu, quyền giám đốc Tiểu chủng viện Sơn Lộc chuyển ra làm cha chính giáo xứ Sơn tây… Sau nhiều biến động, cha Giuse Phan Thế Hinh, nguyên cha giáo Tiểu chủng viện, chính xứ Ngô Xá, được tấn phong giám mục phó năm 1976. Quãng năm 1970, cha Phêrô Trần Huân Trạch ở Hạ Hiệp lên chính xứ Sơn tây. Khi cha Trạch yếu mệt, cha Antôn Nguyễn Gia Nhang làm chính xứ. Sau khi đức cha Giuse Phan Thế Hinh qua đời vào năm 1989, cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu làm cha chính địa phận và năm 1991 làm giám mục giáo phận. Do nhu cầu mục vụ, năm 1992, cha Antôn Nguyễn Gia Nhang lên chánh xứ Dư Ba, thì xứ Sơn Tây không có cha xứ một thời gian. Sau đức cha Hiểu đưa cha già Hách về quản xứ, nhưng không được bao lâu, cha Hách qua đời. Cha Gioan Lương Đình Nghi làm chánh xứ Bách Lộc, kiêm quản lý địa phận và quản xứ Sơn Tây. Mặc dầu có nhiều khó khăn, nhưng xứ họ Sơn Tây vẫn luôn có thánh lễ vì được vinh dự là cơ sở trung tâm Tòa Giám Mục. Tới ngày 03/1/1999 cha Giuse Nguyễn Trung Thoại làm cha xứ Sơn tây, ngày 07/1 cùng năm, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ngài nhận xứ cho đến năm 2014. Từ tháng 11/2014, giáo xứ Sơn Tây được giao cho cha Phêrô Lê Quốc Hưng.
   Qua hơn một thế kỷ, họ giáo Sơn Mỹ, nay là giáo xứ Sơn Tây đã trải qua biết bao thăng trầm, tồn tại và phát triển không ngừng. Với đặc điểm là dân góp từ khắp nơi về tỉnh Sơn, và nay là thị xã Sơn tây, làm ăn sinh sống và thuận hòa giữ đạo. Tuy không được đùm bọc trong lũy tre xanh, nhưng họ giáo vẫn biết bảo nhau gìn giữ đức tin và đời sống luân lý Kitô giáo.
   Hơn bất kỳ họ giáo nào trong địa phận, họ giáo Sơn tây đã được một vinh dự quá lớn, mà chỉ có thể hiểu do hồng ân của Thiên Chúa, đó là 7 vị tử đạo ở pháp trường Năm Mẫu, đã được tôn phong hiển thánh :
–     Cha Jean Charles Cornay TÂN, tử đạo ngày 20/9/1837.
–     Thầy giảng Phêrô Trương văn ĐƯỜNG, tử đạo ngày 18/12/1838.
–     Thầy giảng Phaolô Nguyễn văn MỸ, tử đạo ngày 18/12/1838.
–     Cha Pierre François Néron BẮC, tử đạo ngày 03/11/1860.
–     Cha Augustin Schoeffler ĐÔNG, tử đạo ngày 01/5/1851.
–     Thầy giảng Phêrô Vũ văn TRUẬT, tử đạo ngày 18/12/1838.
–     Thầy giảng Phêrô Đoàn văn VÂN, tử đạo ngày 25/5/1857.
   Một ân huệ nữa, tại mảnh đất họ giáo Sơn Tây, đã có bốn vị Giám mục nằm lại vĩnh viễn :
–     Đức cha Vandæle Vạn, an táng tại vườn thánh Sơn Tây.
–     Đức cha Phêrô Nguyễn huy Quang, an táng tại nhà thờ Sơn Tây.
–     Đức cha Giuse Phan thế Hinh, an táng tại nhà thờ Sơn Tây.
–     Đức cha Giuse Nguyễn phụng Hiểu, an táng tại nhà thờ Sơn tây.
 Họ giáo Sơn Tây nằm trong địa danh mà sử sách Việt Nam có từ lâu đời : Năm 1428 thời Hậu Lê chia làm năm đạo, Sơn Tây thuộc đạo phía tây. Năm Quảng Thuận X, vua Lê Thánh Tôn đặt Sơn Tây là Thừa Tuyên gồm 6 phủ và 24 huyện. Năm 1509 đổi Sơn Tây là xứ. Từ năm 1802-1820, vua Gia Long gọi là Sơn Tây Trấn. Năm 1831 vua Minh Mệnh đổi là Sơn Tây Tỉnh, có tam tuyên tổng đốc coi ba tỉnh Sơn, Hưng, Tuyên. Năm 1892, người Pháp chia Sơn Tây, có tỉnh lỵ Sơn Tây, huyện Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai. Năm 1822 xây thành Sơn Tây.
    Do chiến tranh loạn lạc, tòa giám mục Hưng Hóa chuyển về tỉnh lỵ Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây năm 1950, và từ đó nhà thờ Sơn Tây trở thành nhà thờ chính tòa của giáo phận Hưng Hóa, mãi đến năm 1998 mới chuyển nhà thờ chính tòa vào nhà thờ Tông, Sơn Lộc, xã Trung Sơn Trầm (nay là phường Trung Sơn Trầm), thị xã Sơn Tây. Từ khi tòa giám mục Hưng Hóa đóng tại Sơn Tây, giáo xứ Sơn Tây đã hân hạnh đón nhận biết bao sự kiện trọng đại của giáo phận như truyền chức giám mục, linh mục và các ngày lễ lớn…
Dù ngày nay không phải là nhà thờ chính tòa, nhưng cơ quan văn phòng tòa giám mục vẫn hiện diện trên không gian địa lý của giáo xứ thân yêu này và vẫn được các đức cha ưu ái nhiều phần.
   Từ năm 2000 đến nay giáo xứ Sơn Tây vẫn bình yên tiệm tiến trong xây dựng và đời sống đạo. Hai cha chánh và phó xứ, Giuse Nguyễn Trung Thoại và Phaolô Nguyễn Quốc Anh đã mở rộng vườn thánh của giáo xứ, sửa sang trong ngoài nhà thờ, lát nền xung quanh nhà thờ. Đến nay, cha xứ Phêrô Lê Quốc Hưng đã lát lại nền nhà thờ, mở rộng không gian tạo cho nhà thờ có sức chứa nhiều người, mua sắm loa đài có chất lượng, nhất là củng cố các hội đoàn, tăng cường giảng dạy giáo lý cho các thanh thiếu niên, chăm chút đến việc củng cố kiến thức giáo lý đức tin. Nhờ ơn Chúa, mọi việc đang diễn ra hết sức có kế hoạch, nhất là việc xây dựng nhà xứ Sơn Tây, mà do hoàn cảnh, hơn nửa thế kỷ nay không có nhà xứ…
   Trong quá trình phát triển của giáo xứ, giáo dân Sơn Tây luôn biết ơn hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa. Từ khi hội dòng có mặt ở giáo xứ, năm 1957, đã không quản vất vả ngày đêm, nắng mưa gió bão, phục vụ nhà thờ, luôn giữ lửa cho nhà tạm Thánh Thể, giữ ấm cho Đức Giêsu không bị cô đơn, vắng lạnh. Cám ơn hội dòng rất nhiều.
     Giáo xứ Sơn Tây hiện nay gồm có họ giáo thị xã Sơn Tây, họ giáo Phú Mai, họ giáo Mông Phụ, và họ giáo Tiền Huân đang trên đà củng cố.
     Đôi nét khái quát về giáo xứ Sơn Tây để mọi người trong giáo xứ cùng hiểu biết và thêm tin yêu giáo xứ quê hương mình và cùng nỗ lực đóng góp cho quê hương, sống xứng đáng với ân phúc đã được Thiên Chúa ban hơn rất nhiều nơi trong giáo phận Hưng Hóa này.
                                               Viết và sửa lại ngày lễ Thánh Giuse
                                                                                                              19/3/2015