Không sám hối (14.7.2015 – Thứ ba Tuần 15 Thường niên)


20 Bấy giờ, Đức Giê-su bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối :

21 “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. 22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. 23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

Suy Niệm

Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu là một lời mời sám hối (Mt 4, 17).

 Những phép lạ Ngài làm cũng là một lời mời tương tự.

Phép lạ không phải chỉ là những biểu lộ của uy quyền và tình thương.

 nhằm vén mở khuôn mặt của Thiên Chúa và của Con Ngài.

 Phép lạ còn là lời mời gọi đổi đời, vì Nước Trời đã gần đến.

Đức Giêsu quở trách các thành đã lần lữa không chịu sám hối,

 dù họ đã được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm (c. 20).

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin ! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa !”

Đức Giêsu đã kêu than như một ngôn sứ, buồn phiền và đau đớn,

 trước sự cứng lòng của những nơi mà Ngài đã đặt chân và thi ân.

 Khoradin là một vùng ở tây bắc của Hồ Galilê (Mc 10, 13).

 Nay chỉ còn là cánh đồng gạch vụn, với dấu tích của một hội đường.

 Bếtsaiđa nghĩa là “nhà của cá”, nằm nơi sông Giođan đổ vào Hồ nói trên.

 Thành này ngày nay cũng biến mất, có lẽ vì bị tràn ngập bởi phù sa.

Đức Giêsu đã so sánh hai thành này với hai thành dân ngoại Tia và Xiđôn.

 Nếu Tia và Xiđôn nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu,

 hẳn họ đã ăn năn sám hối từ lâu rồi (c. 21).

Caphácnaum được coi là trụ sở của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ.

Nơi đây Ngài đã làm bao điều tốt lành (Mt 4, 13; 8, 5; 9, 1; 17, 24).

 Vậy mà có vẻ nó lại không muốn đón nhận Đấng mang ơn cứu độ.

Phải chăng vì nó đã tự hào, tự cao trước những ơn Chúa ban ?

“Ngươi sẽ được đưa lên tới tận trời sao ? Ngươi sẽ bị tống xuống âm phủ.”

Đức Giêsu dám so sánh Caphácnaum với Sơđôm.

 Sơđôm là một thành phố trụy lạc, đã bị thiêu hủy hoàn toàn (St 19, 25).

 Ngài cho rằng Sơđôm mà được thấy những điều kỳ diệu Ngài làm,

 hẳn nó đã hoán cải và còn tồn tại đến nay (c. 23).

Đến ngày phán xét, con người sẽ bị xét xử theo điều mình đã lãnh nhận.

 Lãnh ít thì sẽ được khoan hồng nhiều hơn.

 Mỗi người chúng ta thật sự chẳng rõ mình đã nhận được bao nhiêu.

 Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người được gần gũi Chúa.

“Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài,

 và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26).

 Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe giảng và đã thấy phép lạ.

Điều quan trọng là sám hối.

 Những ơn lộc Chúa ban cho đời kitô hữu lại đòi ta phải hoán cải nhiều hơn.

 Chúng ta không thể coi mình là Caphácnaum để khinh Xơđôm được.

 Thiên Chúa xét xử theo điều Ngài ban cho từng con người,

 từng nền văn hóa hay văn minh, từng vùng đất hay từng tôn giáo.

Làm sao tôi có thể thấy được những phép lạ Chúa làm cho tôi mỗi ngày ?

 Có những phép lạ xảy ra đều đặn và bình thường nên tôi không nhận ra.

 Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là phép lạ.
Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ yêu thương.

Cầu Nguyện

 

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,

 và những ơn con không nhận là ơn.

 Con biết rằng

 con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

 biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

 

Con thường đau khổ vì những gì

 Cha không ban cho con,

 và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

 

Tạ ơn Cha vì những gì

 Cha cương quyết không ban

 bởi lẽ điều đó có hại cho con,

 hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

 

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha

 dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ