Không, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không hề sửa đổi kinh Lạy Cha

Đây là một trường hợp tiêu biểu của chuyện Giáo Hoàng nói một điều và truyền thông bóp méo nó một kiểu.
Không, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không hề sửa đổi kinh Lạy Cha

Nhiều tờ báo và trang mạng trong thời gian qua đã phóng lên những tiêu đề kiểu như thế này:

   – Kinh Lạy Cha: Giáo Hoàng Francis kêu gọi thay đổi (BBC Anh ngữ)

   – Giáo Hoàng Francis đề nghị sửa đổi kinh Lạy Cha (AOL)

   – Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn sửa kinh Lạy Cha – đây là lý do (Catholic.org)

   – Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi cho bản dịch kinh Lạy Cha được thay đổi (Catholic Herald)

Thật là bậy bạ. Đức Giáo Hoàng không hề kêu gọi bất cứ sự thay đổi nào.

Vậy vấn đề bắt đầu từ đâu?

Truyền hình Italia thời gian qua đã phát đi một buổi phỏng vấn dài với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong đó ngài được hỏi về bản dịch kinh Lạy Cha mới của Giáo Hội Pháp. Giáo Hội Công Giáo Pháp, từ Chúa nhật I mùa Vọng vừa qua, đã đưa bản dịch kinh Lạy Cha mới vào sử dụng trong phụng vụ. Căn bản, họ thay đổi câu “và dẫn chúng con không vào cơn cám dỗ” thành “đừng để chúng con sa vào cơn cám dỗ”.

Đức Giáo Hoàng đã nói gì?

Ngài nói: “Người Pháp đã thay đổi bản văn, và bản dịch của họ đọc “đừng để chúng con sa vào cơn cám dỗ”… Chính tôi là người sa ngã. Không phải Chúa đẩy tôi vào cơn cám dỗ khiến tôi sa ngã. Một người Cha không làm như thế. Người Cha sẽ giúp bạn đứng dậy ngay lập tức. Kẻ dẫn vào cơn cám dỗ là Satan.”

Nhiều nguồn còn cho biết ĐTC đã nói: “Cách đọc ‘Dẫn chúng con không vào cơn cám dỗ’ là một cách dịch tệ hại, vì nó gây hiểu lầm cho người nghe thời nay.”

Vậy ĐGH có định lên khuôn một bản dịch mới cho hết mọi người không?

Không. Bình luận về việc bản dịch gây hiểu lầm không có nghĩa là đặt ra một bản dịch khác ngay. Mọi người đều lớn lên với kinh Lạy Cha, và thay đổi nó là cả một vấn đề. Các Giám Mục Pháp thấy rằng cần thiết phải sửa bản dịch nên họ đã sửa. Điều này phụ thuộc vào Hội Đồng Giám Mục địa phương. Tờ New York Times nói rằng Đức Giáo Hoàng đã đề nghị Giáo Hội Italia theo bước Giáo Hội Pháp trong chuyện này.

Câu “Xin dẫn chúng con không vào cơn cám dỗ” nghĩa là gì?

Tuỳ vào bản dịch bạn sử dụng. Kinh Lạy Cha ta thường đọc ngày nay được trích trong Tin Mừng theo Thánh Mátthêu 6,9-13, có bản gốc là tiếng Hy Lạp. Bản gốc Hy Lạp của câu kinh trên dùng từ “eisphero” nghĩa là “mang”, thế nên dịch “xin đừng mang chúng con vào cơn cám dỗ” hoặc “dẫn chúng con không vào cơn cám dỗ” là đúng, sát bản gốc.

Tuy nhiên, không phải cứ dịch sát mặt chữ bản gốc là xong chuyện. Thần học và Kinh Thánh dạy ta rằng Thiên Chúa không cám dỗ ai, như thư Thánh Giacôbê có nói “Đừng ai nói ‘Thiên Chúa cám dỗ tôi'” (Gc 1,13). Lời cầu xin này phải được hiểu là xin Chúa bảo vệ ta khỏi cơn cám dỗ.

Thế chúng ta không nên dịch chính xác mặt chữ kinh Lạy Cha?

Đúng vậy. Trong bản tiếng Anh, chúng ta đọc “và tha cho chúng con những xúc phạm của chúng con, như chúng con cũng tha kẻ xúc phạm chúng con.” Bản gốc Hy Lạp không đọc như vậy, mà là “và tha cho chúng con nợ của chúng con, như chúng con cũng đã tha kẻ mắc nợ chúng con” (Mt 6,12). Trong tiếng Do Thái cổ, “nợ” nghĩa là “tội”, thế nên bản kinh tiếng Anh dịch “nợ” thành “tội” là hợp lý.

Thánh Luca cũng làm điều tương tự, sửa từ “nợ” của tiếng Do Thái thành “tội” của tiếng Hy Lạp. Ngài viết: “Và tha cho chúng con tội lỗi chúng con, vì chính chúng con tha cho mỗi người mắc nợ chúng con” (Lc 11,4). Rõ ràng, chính Thánh Sử cũng đã sửa bản dịch gốc để người không phải Do Thái hiểu đúng hơn, và Tin Mừng của ngài vẫn là được Chúa linh hứng.

Có phải Giáo Hội Pháp vừa làm một chuyện có tính sáng tạo và chưa từng có khi sửa bản dịch kinh Lạy Cha không?

Không. Bản dịch kinh Lạy Cha tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chuẩn đã làm điều này từ xa xưa, khi đọc “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, không giống bản gốc tiếng Hy Lạp. Người Pháp chỉ làm điều mà hai ngôn ngữ kia đã làm trước mà thôi. Bản kinh Lạy Cha tiếng Việt được dịch theo tiếng Bồ Đào Nha, nên không có những nhập nhằng như trường hợp trong tiếng Pháp, tiếng Ý hay tiếng Anh.

Vậy có vi phạm ý Chúa không, khi không sử dụng đúng bản gốc Chúa Giêsu đã dạy?

Bạn dễ dàng nghĩ vậy, nhưng Kinh Thánh nói rằng không phải vậy.

Vào thời các Thánh Tông đồ, những người tín hữu Hy Lạp dùng bản dịch kinh Lạy Cha của Thánh Mátthêu (bản kinh ta thường đọc ngày nay), trong khi tín hữu không phải Hy Lạp (nhất là được Thánh Phaolô truyền giáo) thì đọc bản của Luca, chỉ ngắn gọn thế này (Lc 11,2-4):

Lạy Cha,

Nguyện danh Cha cả sáng,

Nước Cha trị đến.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

Và tha cho chúng con tội lỗi chúng con, vì chúng con tha cho mỗi người mắc nợ chúng con;

Và dẫn chúng con không vào cơn cám dỗ.

Như thế là không hề bắt buộc phải đọc đúng bản kinh ta quen đọc ngày nay mới được, vì thực tế có hai bản kinh Lạy Cha trong Kinh Thánh, và đều là được Chúa linh hứng, dù bản kinh của Luca không dùng đúng từ gốc Chúa Giêsu đã dùng “nợ”. Vậy là Thiên Chúa không có vấn đề gì với việc dùng bản dịch không sát mặt chữ để giúp tín hữu hiểu đúng nội dung bản kinh.

Như vậy, không có việc sửa kinh Lạy Cha mà Chúa dạy, nhưng chỉ có sửa bản dịch để tránh hiểu sai, và đó là chuyện riêng của mỗi cộng đồng Công Giáo của một nước. Đức Giáo Hoàng đã chỉ đề xuất sửa bản dịch tiếng Ý mà thôi, không ảnh hưởng đến các nơi khác.

Vậy chúng ta hãy cẩn trọng và nhận biết điều này: truyền thông đã làm một việc tuỳ tiện và kém cỏi.

Theo National Catholic Register

Gioakim Nguyễn lược dịch