Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Bài Ðọc I: Cv 11, 19-26
“Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy Lạp”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do Thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy Lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa.
Xướng: 1) Chúa yêu cơ sở Ngài thiết lập trên núi thánh; Ngài yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi.
Ðáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa.
2) Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Philitinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: “Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này”.
Ðáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa.
3) Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: “Những người này đã sinh ra tại đó”. Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: “Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi ngươi”.
Ðáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Chúa Kitô, Ðấng tác tạo mọi loài, đã sống lại và đã xót thương nhân loại. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 10, 22-30
“Tôi và Cha Tôi là một”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do Thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Có những Kitô hữu theo đạo để mong tránh sóng gió của cuộc đời.
Nhưng đã có lần con thuyền chở Đức Giêsu và môn đệ gặp bão lớn,
nước tràn vào khiến thuyền gần chìm, làm môn đệ hốt hoảng.
Theo Chúa đâu phải để tránh bão, nhưng để vượt qua cơn bão.
Theo Chúa đâu phải để khỏi bị cám dỗ, nhưng để thắng cơn cám dỗ.
Cuộc sống của người Kitô hữu không tránh khỏi những khó khăn
mà những người không Kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày.
Hơn nữa, người Kitô hữu còn gặp nhiều khó khăn hơn.
Có những cơn bão ập đến bất ngờ chỉ vì họ là Kitô hữu.
Làm chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu
không có nghĩa là được hưởng một sự êm ả dễ chịu.
Được ở trong ràn chiên của Chúa,
không có nghĩa là được yên ổn, chẳng bị ai quấy phá.
Đức Giêsu đã nói đến chuyện kẻ trộm, kẻ cướp, leo tường mà vào (c.10).
Chúng đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (c. 10).
Khi được dẫn đi ăn nơi đồng cỏ, chiên còn phải đối đầu với sói dữ.
“Sói cướp lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (c. 12).
Đức Giêsu khẳng định mình không phải là người làm thuê,
nên khi sói đến, Ngài không bỏ chiên mà chạy.
Chiên là điều quý giá đối với Ngài đến độ Ngài dám nói nhiều lần:
“Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (cc. 11.15.17.18.).
Và thực sự Ngài đã làm điều đó trên thập giá.
Rõ ràng bảo vệ đoàn chiên là chuyện mấy chẳng dễ dàng.
Nếu Đức Giêsu, người mục tử nhân hậu mà bất khuất,
đã phải hy sinh mạng sống cho đoàn chiên,
thì hẳn cuộc chiến giằng co phải rất là ác liệt.
Kẻ thù của chiên chẳng phải là kẻ kém cỏi tầm thường.
Trong cuộc chiến để bảo vệ chiên, còn có sự hiện diện của Cha.
Chiên là của Cha và Cha đã giao chiên cho Đức Giêsu (c. 29).
Cha và Con cùng hợp tác để bảo vệ đoàn chiên,
không để ai cướp chiên ra khỏi vòng tay che chở của mình (cc. 28-29).
Cha và Con một lòng một ý trong nhiệm vụ này (c. 30).
Việc bảo vệ chiên còn kéo dài mãi đến tận thế.
Chúng ta làm gì để cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mình khỏi sói dữ?
Hãy tin vào Giêsu và nhận ra giọng nói của Giêsu để khỏi bị lừa.
Hãy theo sát sự dẫn đường của Giêsu, vị Mục tử đã chiến thắng cái chết.
Và hãy tin vào Chúa Cha, Đấng mạnh mẽ hơn tất cả (c. 29).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J