Kho báu tiết lộ cuộc đời và khổ hình của Chúa Giêsu

Cơ quan Cổ vật Israel đã mở cửa “kho báu” quốc gia chuyên lưu giữ những cổ vật quý giá nhất trong lịch sử nước này, qua đó cho phép người thời nay hình dung được cuộc đời trần thế mà Chúa Giêsu đã trải qua.
Kho báu tiết lộ cuộc đời và khổ hình của Chúa Giêsu

Trong một hang động lớn được biến thành nhà kho, nơi giới chức Israel có thói quen lưu trữ các kho báu cổ vật của họ, có một chiếc hộp đựng tro cốt được khắc dòng chữ Giêsu (Jesus). Vào thời xưa, các gia đình thường thu thập xương của người đã khuất và đặt vào những chiếc hộp như vậy. Thế nhưng, đây không phải Chúa Giêsu. Các nhà khảo cổ học ở Israel cho hay Giêsu là cái tên phổ biến ở Đất Thánh vào 2.000 năm trước, và họ đã tìm được khoảng 30 hộp đựng hài cốt cổ đều khắc cái tên này.

Kho báu của Ali Baba

Trước Lễ Phục Sinh, Cơ quan Cổ vật Israel đã mở cái kho khổng lồ với diện tích 5.016 m2 cho báo giới đến thưởng lãm để biết thêm về những đồ tạo tác từ thời Chúa Giêsu còn tại thế. Nơi đây được đặt biệt danh là “kho báu của Ali Baba”, giống như cái hang trong câu chuyện nổi tiếng của Nghìn lẻ một đêm. Trong những năm gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện vô vàn đồ tạo tác và vật liệu có thể giúp củng cố thêm nhiều kiến thức cho giới sử gia về thời đại mà Chúa Giêsu đã sống, cũng như lối sống có thể của Thầy và thời điểm Ngài lìa thế.

Ông Gideon Avni, người đứng đầu Phòng Khảo cổ của Cơ quan Cổ vật Israel cho biết: “Thật sự toàn là những tin tức tốt lành. Giờ đây chúng ta có thể tái dựng vô cùng chính xác nhiều và thật nhiều khía cạnh của đời sống thường nhật vào thời Chúa Giêsu”. Israel là một trong những nơi được đào bới nhiều nhất trên hành tinh của chúng ta. Mỗi năm lại có khoảng 300 dự án được triển khai, bao gồm khoảng 50 chương trình của các chuyên gia nước ngoài, từ Mỹ đến Nhật Bản, theo thông tin chính thức của Cơ quan Cổ vật Israel. Kết quả là có không dưới 40.000 cổ vật được đào lên tại Israel hằng năm. Chỉ cần một phần ba trong số này đã chứng thực cho sự tồn tại của Kitô giáo đời đầu ở Đất Thánh, theo ông Avni.

Giới sử gia giờ đây đã biết được khoảng cách giữa những thành phố lớn và làng mạc nơi Chúa Giêsu rao giảng đức tin, và diện mạo của những nơi này vào thời hoàng kim của nó. Ông Avni cho hay, kho kiến thức về thời kỳ Chúa Giêsu tại thế đã dày thêm gấp nhiều lần sau hơn 20 năm qua: “Chúng tôi có thể tái dựng chính xác vùng đất đó trông như thế nào”. “Hang Ali Baba” hiện lưu giữ nhiều mảnh gốm sứ bị vỡ, và có một nơi chuyên cất các cổ vật vào thời của Thầy. Trong số này có thể kể đến những cái tách, đĩa bằng đá vôi được bảo quản kỹ lưỡng, từng là đồ vật sử dụng của những người Do Thái thời đó nhằm đảm bảo đồ ăn thức uống của họ thực sự tinh khiết.

Chứng cứ hành hình trên thập giá

Đáng kể hơn, tại đây vẫn bảo tồn một chiếc hộp đựng cốt bằng đá vôi, thuộc về hậu duệ của Thượng tế Caiaphas, nhân vật giữ một vị trí “khét tiếng” trong Kinh Thánh vì đã giao nộp Chúa Giêsu cho tầng lớp cầm quyền La Mã, những kẻ muốn hành hình Thầy. Thậm chí còn có một bằng chứng liên quan đến hình thức đóng đinh trên thập giá. Một bản sao của xương gót chân bị đinh xuyên qua cùng với những mảnh vụn gỗ dính theo đã được tìm thấy bên trong một hộp đựng cốt ở miền bắc Jerusalem, có niên đại từ thời Chúa Giêsu. Tính đến thời điểm này, đây là chứng cứ duy nhất từng được phát hiện về một nạn nhân của phương pháp hành hình dã man thời La Mã cổ. Dựa trên manh mối độc nhất vô nhị, các nhà khảo cổ học có thể dựng lại cách thức nạn nhân bị hành hình, với bàn chân bị đóng vào các cạnh của thập giá. Ông Avni cho rằng có thể Chúa Giêsu cũng từng bị đóng đinh theo kiểu này.

Tờ The Washington Post dẫn lời chuyên gia Eugenio Alliata, một giáo sư khoa khảo cổ học Công giáo tại trường Phanxicô ở Jerusalem, cho hay những gì đã thu thập được trong thời gian qua cũng đủ để chứng minh được nhiều mốc trong Kinh Thánh từng ghi nhận về cuộc đời của Chúa Giêsu. “Chúng tôi đã tìm được nhiều đồ vật cho thấy những gì đã diễn ra vào thời điểm Ngài đã sống, như thông tin về dân số và nền văn hóa vật liệu đã được khai sinh bởi vì Ngài”, theo chuyên gia Alliata. Yisca Harani, một học giả Israel về Kitô giáo, nói dù như thế nào đi chăng nữa, điều mà Chúa Giêsu truyền lại cho hậu thế quý giá và có sức thuyết phục hơn bất kỳ cổ vật gì chính là “những lời rao giảng” sống mãi với thời gian.

LING LANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc