Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong Sách Lễ Rôma mới, trong mùa Chay, khăn che Thánh Giá là màu tím, trong khi lễ phục là màu đỏ. Nhưng tôi đã nhận thấy rằng một số nhà thờ dùng khăn màu tím và một số nhà thờ dùng khăn màu đỏ; ngay cả Tòa thánh dùng khăn màu đỏ, vốn là màu thích hợp cho việc che Thánh Giá vào ngày thứ Sáu Tuần thánh. Xin cha nói rõ về màu của khăn che Thánh Giá- M. P., St Petersburg, Florida, Mỹ.
Đáp: Sách Lễ Rôma nói như sau về việc che ảnh tượng:
Ngày Chủ Nhật thứ 5 Mùa Chay: “Việc che Thánh giá và cách ảnh tượng trong nhà thờ từ Chủ nhật này nên được tuân giữ, nếu Hội Đồng Giám Mục quyết định như thế. Thánh giá được che khăn cho đến phần Kính thờ Thánh giá trong nghi lễ của Thứ Sáu Tuần thánh, nhưng các ảnh tượng khác vẫn được che cho đến lúc khởi đầu Lễ Vọng Phục Sinh”.
Màu sắc cụ thể của khăn không được đề cập ở đây, nhưng màu tím được xem là hợp lý, vì đây là màu truyền thống và nó cũng tương thích với mùa phụng vụ.
Sách lễ nói rõ hơn về các hình thức thứ nhất của phần Kính thờ Thánh giá vào ngày thứ Sáu Tuần thánh:
“Thầy phó tế, được các người giúp lễ hoặc một thừa tác viên phù hợp khác tháp tùng, đi vào phòng thánh. Từ nơi này, với hai người giúp lễ cầm nền sáng đi kèm, thầy rước Thánh giá, được che bằng khăn màu tím, đi vào nhà thờ đến giữa cung thánh”.
Trong hình thức ngoại thường, màu tím cũng được quy định cho cả Thứ Sáu Tuần thánh và cho việc che mọi ảnh tượng và Thánh giá được trưng cho mọi người thờ kính, trước giờ Kinh Chiều áp ngày chủ nhật Lễ Lá (Chủ Nhật thứ năm của Mùa Chay).
Tuy nhiên, như độc giả này nêu rõ, khi Đức Thánh Cha cử hành nghi thức Thứ Sáu Tuần thánh, khăn che màu đỏ đã được sử dụng để che Thánh giá trong các năm gần đây.
Điều này có thể là một tập tục đặc biệt của phụng vụ dành cho Đức Thánh Cha, cũng giống như truyền thống lễ phục màu đỏ được sử dụng cho thánh lễ an táng của một Đức Thánh Cha.
Như tôi đã nói trong một hay hai bài trước đây (xem bài ngày 8-3-2005), nguồn gốc lịch sử của sự thực hành này có thể xuất phát từ một tập tục ở Đức trong thế kỷ thứ chín, đó là treo một tấm màn lớn trước bàn thờ từ đầu Mùa Chay.
Tấm vải màn này, được gọi là “Hungertuch” (màn chay), che hoàn toàn bàn thờ, nên tín hữu không nhìn thấy bàn thờ trong Mùa Chay, và không được gỡ bỏ cho đến khi bài Thương khó ngày thứ tư Tuần thánh được đọc đến câu “màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa”.
Một số tác giả nói rằng có một lý do thực tiễn cho tập tục này, bởi vì các tín hữu ít học cần có một cách thức để biết đó là Mùa Chay.
Tuy nhiên, các tác giả khác cho rằng đó là phần còn sót lại của một tập tục xưa về việc đền tội công khai, trong đó các người đền tội bị trục xuất theo nghi thức khỏi nhà thờ từ đầu Mùa Chay.
Sau khi nghi thức sám hối công khai đi vào quên lãng – nhưng toàn thể cộng đoàn trở thành nhóm người đền tội một cách tượng trưng bằng việc xức tro ngày thứ Tư Lễ Tro – không còn việc đuổi họ ra khỏi nhà thờ nữa. Thay vào đó, bàn thờ hoặc nơi Cực Thánh “đã được che để người ta không nhìn bàn thờ”, cho đến khi họ được hòa giải với Thiên Chúa vào lễ Phục sinh.
Vì cùng lý do tương tự, sau đó vào thời Trung cổ, các ảnh tượng và Thánh giá được che khăn từ đầu Mùa Chay.
Quy định việc che Thánh giá này từ Chủ nhật Lễ Lá được thực hành trễ hơn, và không xuất hiện cho đến khi sách Nghi thức Giám mục được xuất bản vào thế kỷ XVII.
Sau Công Đồng chung Vatican II, Tòa Thánh bỏ qui định che mọi ảnh tượng, nhưng việc thực hành vẫn còn, mặc dầu trong một hình thức giảm nhẹ.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 26-2-2013)