Tham dự bữa ăn Iftar này có khoảng 500 người, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị nổi tiếng, cả Kitô giáo lẫn Hồi giáo, bao gồm Đức Tổng giám mục Fouad Twal, nguyên Thượng phụ Giêrusalem; Đức Giám mục William Shomali, Đại diện Toà Thượng phụ Giêrusalem đặc trách Jordan; Đức Giám mục Selim Sayegh, nguyên Đại diện Toà Thượng phụ Giêrusalem đặc trách Jordan; giáo sư Nabil Ayoub, Viện trưởng Đại học Madaba; ông Abdul Halim Daradkeh, đại diện Hoàng tử Mired Bin Ra’ad; và các đại diện của các tổ chức phi chính phủ địa phương. Ngoài ra còn có nhiều gia đình, các ân nhân, nhân viên của Trung tâm Đức Mẹ Hoà bình, và những người được chăm sóc tại Trung tâm.
Trong bài phát biểu chào mừng, cha Shawki Baterian, Giám đốc Trung tâm, nhấn mạnh rằng mối giao hảo giữa người Kitô hữu và người Hồi giáo ở Jordan đã góp phần làm cho quốc gia này trở nên một “mô hình của sự thiện hảo và sống chung”.
Đặc biệt cha đề cập đến công việc rất tích cực do Uỷ ban của Trung tâm Đức Mẹ Hoà bình thực hiện, gồm cả Kitô hữu và người Hồi giáo, thông qua đối thoại và một nhãn quan chung được mọi người phát triển và chia sẻ, bao gồm nhận thức và chăm sóc người khuyết tật và người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Trung tâm Đức Mẹ Hòa bình thuộc Toà Thượng phụ Giêrusalem. Đây là trung tâm duy nhất ở Jordan tiếp nhận và cung cấp sự chăm sóc miễn phí cho trẻ em khuyết tật ở một quốc gia mà tình trạng khuyết tật vẫn bị đánh giá thấp.
Năm ngoái, tại Iraq, Đức Tổng giám mục Louis Raphael I Sako, Thượng phụ Công giáo Babylon (nghi lễ Canđê), cũng kêu gọi các Kitô hữu Iraq cùng ăn chay một ngày trong tháng Ramadan với những người Hồi giáo đồng hương. Ngài giải thích: “Qua sáng kiến này, chúng tôi chỉ muốn thực hiện một cử chỉ Kitô giáo. Là người Kitô hữu, chúng tôi tin rằng việc cùng ăn chay và cầu nguyện với những người khác có thể làm nên điều kỳ diệu, trong khi vũ khí và nhữngcan thiệp quân sự chỉ đem lại chết chóc mà thôi”.
(Theo LPJ)