John, Người Homeless

Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn,

Hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến

Và đứng vững trước mặt Con Người.

( Lc 21, 36 )

 

John, Người Homeless

 

Vài năm trước, một lần tôi đã đem hình ảnh người đàn ông vô gia cư vào bài viết vì, thú thật, nơi ông đã có điều gì đó khá đặc biệt đối với tôi. Lần đầu tiên tôi gặp ông vào buỗi sáng khi vừa tới trước cửa căn phố nơi có văn phòng tôi đang làm việc, vui vẻ bước tới tôi cất tiếng chào : “ Good morning !” rồi chìa vài đồng bạc tặng ông, dù ông không lên tiếng xin tôi. Ông nhận, không một lời.

 

Như bao nhiêu người vô gia cứ khác, quần áo bẩn thỉu, tóc tai rối bù không cắt, râu ria xòm xàm nên tôi không thể đoán ông bao nhiêu tuổi. Tôi không biết ông trú ngụ nơi đâu, chỉ thấy ông thường xuất hiện vào mùa hè, mái hiên sau building ngay dưới văn phòng tôi là nơi thường trú của ông. Năng gặp, dù không năng chào, người đàn ông vô gia cư ấy thành người quen của tôi lúc nào không hay.

 

Một lần vào giờ ăn trưa, tôi bắt gặp ông ngồi cúi mặt sau hiên, không đành lòng bỏ đi, tôi bước đến gợi ý sẽ mua cho ông một phần ăn nếu ông đồng ý, đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một chút vui trong đôi mắt gần như vô hồn của ông. Từ đó, thỉnh thoảng tôi vẫn mua thức ăn cho ông vào giờ ăn trưa, có khi tặng ông tiền để tùy ông sử dụng. Tôi biết tôi làm như vậy sẽ có người bĩu môi, cho là tôi lo chuyện không đúng vì : “ Người nghèo ở xứ nầy chính phủ lo cho họ đầy đủ, có nhà cho ở, có tiền welfare cấp hằng tháng, bố thí cho họ chỉ giúp họ thêm lười !”. Lý luận rằng những người đi làm phải đóng thuế lợi tức hằng năm, chính phủ dùng tiền đó vào những việc xã hội, như vậy là đủ. Họ lý luận sòng phẳng bằng những con số vô hồn, nên người nghèo vẫn cúi mặt bên đường, chẳng ai buồn nhìn đến. Vả lại tôi cũng chẳng giàu có gì, lương ba cọc ba đồng vừa đủ sống nên không dám dùng từ bố thí, chỉ xin chia sẻ chút gì tôi có cho người cần hơn tôi.

 

Chia sẻ, nên tôi chia cho ông chút niềm vui, một tiếng chào, một nụ cười và lời thăm hỏi: Hi, I don’t have anything to share with you today, just came to say hello! How are you ? Ông gật gật đầu nói: Good ! Good! Vậy thôi. Ông rất ít nói, không thấy ông cười, nhưng dần dà tôi biết tôi có thêm người bạn bất ngờ mà cũng bất thường. Sau vài năm quen biết như vậy, một hôm tôi đánh bạo hỏi ông tên gì và tự giới thiệu tên tôi, ông đáp cộc lốc: John ! Mà không cần nhìn tôi. Rồi mỗi khi gặp, tôi lại chào: Hi John! Và vài câu vô thưởng vô phạt: Hôm nay trời đẹp quá phải không ? Hôm nay tôi có chút nầy share với ông nè John ! Và để đáp trả chỉ là những cái gật gật đầu không hơn, không kém của John.

 

Văn phòng tôi dời địa điểm, nhưng tôi vẫn có dịp đi ngang qua nơi cũ, mỗi ngày dừng lại vài phút để đổi xe. Thỉnh thoảng, tôi lại gặp John có khi nơi góc đường, có khi ngồi trong shelter dành cho những người đợi bus. Nếu có giờ, tôi bước tới nói vài câu thăm hỏi, bằng không tôi chỉ ló đầu vào shelter nói: Hi John, rồi đi vội. Ít ra John cũng có người chào hỏi mình giữa phố đông người qua. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu tôi là người homeless nghèo nàn, bẩn thỉu như vậy, có ai màng đến tôi không ? Chắc là không rồi. Tình thương mà người ta nói hằng ngày bằng đủ thứ kiểu cách, đủ thứ văn hoa, tự nhiên trở thành xa lạ đối với những người cùng khổ. Con người vẫn còn trong nếp sống cũ, quá cũ, nên đừng mong thay đổi điều gì trong thế giới hôm nay.

 

Ngày nay người nghèo được nhắc đến nhiều, được ủng hộ nhiều, được tâng bốc nhiều. Các hội đoàn từ thiện, vô vị lợi, non-profit mọc lên như nấm, người ta kêu gọi đóng góp, lạc quyên, làm việc nghĩa, việc thiện rầm rộ khắp nơi, nhưng trên thực tế những số tiền lạc quyên ấy vào tay người nghèo được bao nhiêu ? Có thống kê cho biết cứ 10$ đóng góp được thực sự vào tay người nghèo có 1$, số còn lại được ghi chép vào khoản chi phí sinh hoạt (?!), có còn hơn không, họ lý luận vậy và người nghèo vẫn trắng tay. Người nghèo xuất hiện trên giấy tờ, trên bích chương, nhưng người homeles bên đường thì không ai muốn nhìn thấy. Đầu thế kỷ 20, cuộc cách mạng vô sản dùng người nghèo làm bàn đạp, nên khi cách mạng thành công rồi, người nghèo tiếp tục bị chà đạp xuống tận đất đen, chỉ có một số thiểu số vô sản tiếp tục ăn trên ngồi tróc còn hơn xưa. Người nghèo bị lạm dụng từ danh nghĩa đến thực tế.

 

 Hiểm họa cộng sản không phải chỉ gieo tai họa bần cùng vô sản hóa người dân, nhưng ý thức hệ tam vô chà đạp để hủy diệt các giá trị cốt lỏi của tinh thần, hủy diệt tôn giáo, để con người chỉ còn biết sống bằng vật chất, chạy theo vật chất thôi, đấy mới là điều đáng sợ. Đừng tưởng Con Thú cộng sản đã ngủ yên tại quê hương sinh ra nó, nó đã có, nó không còn nữa, nhưng sẽ trở lại, dữ tợn hơn, tàn khốc hơn, hung ác hơn vì lòng người vẫn còn mang đầy tham vọng thống trị để làm bá chủ bằng quyền lực, bằng sắc máu của lòng độc ác và lừa dối, như đã từng phỉnh gạt con người bằng tất cả sức mạnh của thế gian.

 

Lúc mẹ tôi bệnh, một buỗi sáng tôi gặp John đang ngồi nơi góc đường gần trạm bus, tôi vội vã bước tới nói với ông: “ Hi John, you biết gì không, mẹ tui bệnh rồi John! She đang ở nhà thương, please pray for her. ”. Và John lại gật gật đầu như mọi lần mà chẳng buồn nhìn tôi. Cách vài ngày sau, cũng tại góc đường đó, tôi thấy John đang đứng cúi gập xuống đến nửa người như trong tư thế cầu nguyện, tôi cảm động và vì tôn trọng nên không bước lại chào. Tôi đọc thấy nơi người đàn ông vô gia cư, bần cùng và bẩn thỉu bên ngoài làm mọi người xa lánh, lại mang trong tâm một niềm tin sâu sắc. Thánh đường của John là đây, ngay tại ngã tư đông đúc, giữa phố chợ xô bồ vẫn còn một niềm tin sắt son trong trái tim tưởng chừng giá băng, chai đá. Rồi khi mẹ tôi khỏi, tôi đến cám ơn John:  “ Mẹ tui khỏe lại rồi, người ta cho bà trở về nursing home hôm qua, thank you for your prayers . ”. Và tôi cũng được nhận cái gật gật đầu cố hữu.       

 

Ngày kia khi chờ bus, tôi bước vào shelter có John đang ngồi đó một mình. Vẫn câu chào hỏi thông thường, rồi tôi làm thinh vì có nói thì John cũng thinh lặng không một lời đáp trả, cũng chẳng buồn nhìn tôi. Tôi tặng John vài đồng với tình bạn và cũng thinh lặng đứng đó một lúc, chia sẻ với John chút tình người trong khi mọi người đều xa lánh. Thoáng thấy chiếc bus xa xa, tôi chào: Bye John! Bỗng John giật mình thật mạnh, quay lại nhìn tôi thảng thốt như sắp mất điều gì đáng quí, tôi không hiểu nên vội vã chỉ chiếc bus đang trờ tới: Bus coming, see you! Rồi bước ra. Khi tôi sắp nghỉ việc, tôi có cho John biết: I am going to retire, may not see you frequenly any more, hope to see you sometimes. Bye John! John chỉ khẻ liếc nhìn tôi, không nói mà cũng không gật đầu như những lần trước.

 

Hằng ngày, ngày hai buỗi sáng chiều tôi đi làm bằng những chiếc bus đầy người lao động, bình dân. Mỗi lần chen chúc trên những chiếc bus đông đúc, hôi hám đủ mùi, tôi cám ơn Chúa : “ Con cám ơn Chúa cho con còn được đi làm, có được bus để di chuyễn, và được có dịp chia sẻ đời sống với những người lao động, chẳng giàu có gì như vậy. ”. Con biết con không có khả năng để làm việc nọ việc kia lớn lao, hay như những vị thánh xả thân cho người nghèo. Con chỉ xin được sống tinh thần nghèo khó với những người nghèo khó để chia sẻ kiếp người khổ cực, khó khăn như họ, vì con là một người ở giữa họ. Mỗi lần đứng chờ bus dưới cơn mưa, hay đi bộ vào những ngày gió lộng mà phải vất vả lắm để không bị gió đàn, tôi hiểu thế nào là cơ cực. Khi phải đi làm trong những ngày bão tuyết, lội trên đống tuyết bùn lầy, trơn trợt ngập chân; hay run lẩy bẩy chờ bus trong những shelter và, tệ hơn, đứng co ro giữa trời đưa lưng chống chọi với những cơn gió cắt da trước những ngôi nhà sang trọng kín cổng, cao tường, tôi hiểu thế nào là lầm than. Câu chuyện ngụ ngôn người nghèo và ông phú hộ mà Chúa Giêsu kể không phải tôi chỉ nghe, nhưng tôi sống, thật sự sống trong bối cảnh đó. Người nghèo, đối với tôi, không phải là Ladarô, nhưng người ấy tên John, có thật và nhiều người khác như John tôi gặp hằng ngày trên đường phố, trên xe bus. May mắn cho tôi vì tôi không là ông phú hộ, nhưng vì tôi hiểu thế nào là cơ cực, thế nào là lầm than nên dễ dàng bước tới với những người lầm than, không phải chỉ ném cho họ những đồng tiền dư bằng cách nầy hay cách khác, nhưng chia sẻ với họ chính những gì tôi cần để sống. Và tôi biết những gì tôi cần để sống, không phải chỉ là tiền, nhưng còn tình người, những con người được Thiên Chúa tạo dựng không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng với phẩm giá và các giá trị tinh thần được Chúa tôn trọng, phú giao. Sống tinh thần nghèo khó, giữa những người nghèo khó, tôi học biết được nhiều điều, bài học tôi thấm thía nhứt là mỗi lần Giáng Sinh, tôi hiểu vì sao có một Thiên Chúa cao sang lại chọn xuống thế Làm Người trong nếp bần hàn. Thấm nhuần tinh thần khó khăn, tôi dễ lắng nghe Lời Chúa rao giảng Tin Mừng cho những người cùng khổ, được nhận ra một thông điệp lớn lao, Thông Điệp Sự Sống mà Ngài, Chúa Giêsu Kitô, đã mang đến thế gian để cứu thế gian. Hãy nhìn sâu vào những biến cố đang xảy ra chung quanh trên địa cầu nầy, trong thế giới hôm nay để hiểu rõ nguyên nhân nào đưa đến những biến cố đó, và các biến cố ấy đang đưa nhân loại về đâu ? Nếu mỗi người hiểu được tinh thần nghèo khó để nhìn ra Những Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã rao giảng, nhận ra những lầm lỗi mà con người đã sống hàng ngàn ngàn năm nay để thay đổi, để sống lại theo Đường Lối của Ngài, Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ trần gian, Đấng là Con Thiên Chúa nhưng luôn luôn xưng mình là Son Of Man, Con Người. Đối với Ngài con người luôn luôn đáng quí, dù họ là ai, vì họ được Thiên Chúa tạo dựng, nói cách khác, con người được Thiên Chúa sinh ra, được gọi Chúa là Cha, và đáng để được Ngài cứu chuộc để đem họ về với phẩm giá làm con Thiên Chúa, sống mãi với Thiên Chúa trong Tình Thương lớn lao của Ngài.

 

Vài tháng sau khi xin hưu trí non, một buỗi sáng tình cờ tôi đọc được trên đài truyền hình địa phương mẫu tin ngắn: Hôm qua có một người đàn ông vô gia cư bị xe đụng chết khi đang đi bộ bên đường dưới phố, tên người homeless ấy là John S…Tôi giật bắn mình, lần nầy người thảng thốt là tôi. Vì tôi không biết last name của John, mà tôi cũng không có quyền hỏi last name của John, nên không biết người homeless bị tử nạn vì tai nạn xe cộ và John, Người Homeless tôi quen là một người hay khác nhau. Những lúc có dịp qua khu phố cũ, tôi để ý kiếm tìm nhưng không thấy John đâu nữa ! Từ đó, trong mỗi Thánh Lễ tôi tham dự tôi đều cầu nguyện xin Chúa thương xót cho linh hồn John, người homeless được sớm trở về nghỉ ngơi bên Cha của mình, chờ ngày Phục Sinh nhờ quyền năng của Tình Thương Thiên Chúa.

 

Hi John! Giờ nầy tôi không biết bạn ở đâu, chắc gì bạn đọc được những giòng chữ nầy tôi viết cho bạn. Tôi xin bạn thứ lỗi cho tôi khi đem tên bạn lên đây vì, đối với tôi, bạn là một chứng nhân. Bạn làm chứng bằng sự thinh lặng của bạn, bằng nghèo khó cùng cực trong đời bạn trước những thờ ơ, lạnh nhạt của những người chung quanh. Bạn làm chứng với niềm đau khổ tận trái tim, mà chỉ có Chúa mới thấu hiểu nỗi niềm ấy. Bạn là một chứng nhân thời đại, bị đẩy ra bên lề cuộc đời vì đời sống nầy, giữa xã hội phồn hoa, người ta chỉ đón nhận người giàu có, thành công, tăm tiếng. Nhưng tôi biết có một Người vẫn tôn trọng bạn, yêu quí bạn, đã chọn nếp sống vô gia cư như bạn để nói với mọi người rằng: Có điều gì đó cao quí hơn tiền, lớn lao hơn danh vọng, đáng trọng hơn quyền thế; và Người đó đã chọn Yêu Thương con người hơn là tìm kiếm những điều mà thế gian coi trọng. Mùa Giáng Sinh năm nay tôi đã không còn dịp tìm gặp bạn để niềm nở trao vào tay bạn tờ giấy 10$, có khi 20, là tất cả những gì tôi có trong cái túi lép xẹp của tôi với lời chúc Merry Christmas, để được nhận lại lời Merry Christmas với nụ cười hiếm hoi trên môi và trong mắt của bạn nữa. Đừng để Con Thú độc ác và dối trá ẩn núp trong giòng đời cướp đi niềm vui và niềm Hy Vọng bạn có, dù thật mong manh. Nhưng hãy vững Tin vào Tình Thương lớn lao của Đấng đã đến với con người, đang trú ngụ giữa loài người, trong tim bạn và trong tim tôi, để niềm Hy Vọng được Sống mãi với Thiên Chúa không bao giờ lịm tắt trong tâm hồn, dù bên ngoài xem ra trắng tay, không còn gì để bám víu. Để chứng tá của bạn mang lại điều vô cùng hữu ích cho con người, thay đổi được con người, đem lại điều mới mẻ cho thế giới là Trời Mới, Đất Mới, là điều nhân loại, trong đó có tôi, hằng mong đợi; và là điều hằng mong muốn nơi Con Người để con người được Sống Lại và Sống dồi dào trong Ơn Ban của Thiên Chúa, Cha của chúng ta. May God Be With You Always and MERRY CHRISTMAS to you John, my dear friend.

 

Nam Hoa