Đấng đáng kính Jêróme Lejeune, cựu trưởng khoa di truyền về người tại Đại học Paris, vào năm 1962. Ông là người đã phát hiện ra rằng hội chứng Down là do sự nhân đôi của Nhiễm sắc thể 21. (ảnh: AFP via Getty Images)
Tác giả: Donald DeMarco
Đức tin của những con người vĩ đại, chẳng hạn như Lejeune, không phải là điều gì đó mà họ chiếm hữu cho bằng là điều gì đó chiếm hữu họ.
Chúng ta đang sống trong một thế giới bị thống trị bởi khoa học và công nghệ. Do đó, có một sự cám dỗ để nghĩ rằng đức tin ngày càng không cần thiết khi khoa học không ngừng đẩy lùi bức màn che của sự ngu dốt. Do đó, quan niệm của Thánh Augustinô cho rằng đức tin có trước sự hiểu biết (credo utarteram), dường như đã lỗi thời. Đức tin nhường bước cho tri thức khoa học, như bóng tối đầu hàng trước ánh nắng ban mai.
Tuy nhiên, sự thật của vấn đề là khoa học phụ thuộc vào đức tin. Sẽ không có khoa học nếu các nhà khoa học không tin rằng thế giới mà họ đang đảm nhận công việc giải thích vốn mang tính hợp lý. Đối với Einstein, điều khó hiểu nhất chính là việc có thể hiểu được thế giới. Khoa học không thể bắt đầu giải thích lý do tại sao vũ trụ có thể tuân theo các quy ước mang tính khoa học ngay từ thuở ban đầu.
Norbert Wiener, “cha đẻ của điều khiển học”, khiến các khoa học gia đồng nghiệp của mình đi đến chỗ tin rằng vũ trụ là công trình của Thiên Chúa. Ông quả quyết rằng, “Khoa học là một cách sống chỉ có thể phát triển khi con người được tự do đến với đức tin.” Nathaniel Hawthorne đưa ra vấn đề một cách khá thơ mộng, khi tuyên bố rằng “Đức tin Kitô giáo là một ngôi nhà thờ chánh toà đồ sộ, với những cửa sổ được trang hoàng cách thánh thiêng. Chỉ đứng bên ngoài thì bạn không thể thấy được vẻ rực rỡ của nó, hay cũng chẳng thể tưởng tượng được gì, nhưng khi đứng bên trong thì mỗi tia sáng đều tỏ lộ một sự hài hòa từ những vẻ huy hoàng khôn tả.” Một cách ngắn gọn hơn, nhà thơ người Anh thế kỷ 18 John Dryden đã viết, “Lý trí chỉ nhìn thấy được cho đến khi đức tin triển nở trong đời sống.”
Một nhà khoa học xuất chúng khác có đủ lý trí để hiểu được giá trị của đức tin chính là Jérôme Lejeune (1926-1994). Ông vừa là một nhà di truyền học tầm cỡ thế giới (ông đã khám phá ra rằng hội chứng Down là do sự nhân đôi của Nhiễm sắc thể 21), vừa là một người có đức tin sâu sắc. Như một hệ quả từ khám phá của mình, ông đã trở thành một người phản đối mạnh mẽ về vấn đề chẩn đoán trước khi sinh và phá thai, những điều vốn luôn luôn dẫn đến kết quả là từ các chẩn đoán như thế để chuyển sang một thế giới quan mang tính văn hóa sự chết.
Từ phản ứng của ông trước đột phá khoa học của mình cho thấy rằng, đức tin là điều quan trọng nhất đối với Lejeune. Đức tin thực sự mang tính ưu việt. Tri thức khoa học của ông chỉ là một điều thứ yếu mơ hồ. Sau khi chăm chú lắng nghe Lejeune phát biểu về việc bảo vệ sự sống, Đức Hồng y John O’Connor của New York nhận xét rằng đức tin của nhà di truyền học lỗi lạc này “vươn lên như một ngọn tháp vượt quá những kết quả nghiên cứu tỉ mỉ của ông. Trong mỗi lời nói của ông, trong cung giọng của ông, chúng ta hiểu rằng ông từ chối nhận về cho mình cái năng quyền vốn chỉ thuộc về Thiên Chúa… Không còn nghi ngờ gì nữa, điều khiến chúng ta ấn tượng chính là tinh thần đức tin toát ra từ từng suy nghĩ và lời nói của ông. Thật là một món quà cho Giáo Hội, cho toàn xã hội!” Khoa học rất ấn tượng, nhưng điều ấn tượng hơn chính là đức tin vượt lên trên khoa học, không mâu thuẫn với khoa học. Vào tháng Giêng năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố nhà di truyền học Lejeune quá cố là “Đấng đáng kính”.
Một ví dụ nổi bật và tốt đẹp về đức tin của Lejeune được tiết lộ nhân dịp Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời ông đến Moscow và trao đổi với Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev về một vấn nạn luân lý quan trọng vốn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đó là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và nỗi sợ về một cuộc chiến tranh hạt nhân là một vấn đề được mọi người quan tâm. Lejeune hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của cuộc gặp gỡ và nhận ra rằng sự thành công của chuyến đi nằm trong tay Thiên Chúa.
Lejeune đã đến sân bay Roissy ở Paris. Trước khi đi qua các trạm kiểm soát, ông đã tìm đến một buồng điện thoại để thực hiện một cuộc gọi cực kỳ quan trọng. Đó là cuộc gọi đến một tu viện Dòng Cát Minh.
Ông đã hỏi một nữ tu đang trả lời điện thoại rằng, “Đây là giáo sư Jérôme Lejeune. Tôi có thể nói chuyện với bề trên của sơ không?”
Một vài khoảnh khắc trôi qua trước khi ông nghe thấy một giọng nói rõ ràng dành cho mình, “Chào buổi sáng, Giáo sư.”
“Chào buổi sáng, Mẹ Bề trên,” Lejeune đáp lại. “Tôi đang ở sân bay, chuẩn bị đi Moscow để gặp Brezhnev theo yêu cầu của Đức Thánh Cha. Tôi có thể giao phó chuyến viếng thăm khó khăn này cho những lời cầu nguyện của Mẹ và toàn thể cộng đồng của Mẹ không?”
“Chắc chắn rồi,” Mẹ Bề trên đáp lại và đảm bảo với ông về những lời cầu nguyện của cộng đoàn. “Cầu xin Thiên Chúa cùng đi với ngài.”
Lejeune đã đưa ra yêu cầu này vài lần trước đây, bất cứ khi nào ông bị đặt vào một tình huống khó khăn. Ông cúp điện thoại, tin chắc rằng chuyến đi và cuộc gặp của mình với tổng thống Nga nằm trong tay Thiên Chúa. Một người khiêm nhường thì bao giờ cũng biết rằng Thiên Chúa mới là người đồng hành với mình. Khi chúng ta hoàn toàn cô đơn, chúng ta có thể làm được rất ít việc trong những tình huống nguy cấp. Như Chúa Giêsu Kitô đã lưu ý, “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5)
Tại cuộc gặp gỡ, vì muốn ám chỉ đến mối đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân, nên Lejeune đã nói rằng, “Các nhà khoa học của chúng ta đều biết rằng, lần đầu tiên nhân loại phải tự đối mặt với thực tế là sự sống còn của mình phụ thuộc vào sự đồng thuận từ tất cả các quốc gia trên thế giới, từ những giới luật luân lý vượt lên trên mọi chế độ và mọi ước đoán.” Bản thân khoa học có thể hủy diệt thế giới. Chúng ta cần những quy tắc luân lý vượt ra ngoài khoa học.
Brezhnev đã nhấn mạnh tính chất bất thường trong cuộc gặp gỡ của họ và đề cập rằng đây là lần đầu tiên ông tiếp đón các đại diện (Lejeune và nhà hóa học người Ý Marini Bettolo) đến từ người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo. Khẳng định tính hợp lý trong nhận xét của Lejeune, ông đã trả lời bằng cách nói rằng, “Đúng là điều này có liên quan đến thời kỳ khó khăn và nguy hiểm mà nhân loại đang trải qua.”
Vào cuối cuộc gặp gỡ họp kéo dài một giờ, Tổng Bí thư Nga bày tỏ sự tôn trọng to lớn đối với bước đi này của Vatican và đã thừa nhận “có một trở ngại chính trị và luân lý quan trọng trên con đường dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới”. Sau đó, điều đã gây ngạc nhiên cho tất cả những người tham dự là khi Brezhnev thông báo rằng hôm nay là sinh nhật của mình và nói với Jérôme, “Nhờ có Thiên Chúa và bác sĩ của tôi, mà tôi mới có được sức khỏe tốt”, một nhận xét khiến người phiên dịch phải há hốc mồm.
Khoa học cần đến đức tin – và chúng ta cũng vậy – để có thể hiểu được vị trí đúng đắn của mình trong kế hoạch vĩ đại của vạn vật. Đức tin của những con người vĩ đại, chẳng hạn như Lejeune, không phải là điều gì đó mà họ chiếm hữu cho bằng là điều gì đó chiếm hữu họ. Khi yêu cầu các nữ tu Dòng Cát Minh cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ của mình với một nhà lãnh đạo thế giới, Lejeune đã tự nguyện đón nhận sự hướng dẫn từ Thiên Chúa. Đức tin đã cho phép ông vượt lên trên những đợt sóng của sự chán nản và thất vọng đang ập đến.
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên, theo National Catholic Register (20.10.2021)
Nguồn: giaophanvinhlong.net