James Foley và tử đạo mới, tử đạo cũ

Việc ISIS chặt đầu nhà báo James Foley hồi tháng 8 năm ngoái khiến dư luận hoàn cầu nổi giận và thất vọng. Nhưng đối với phần đông người đồng đạo Công Giáo, cái chết của anh biến anh thành một biểu tượng đức tin trong những hoàn cảnh man rợ nhất.

 

James Foley và tử đạo mới, tử đạo cũ  

 

 

Một nhà bình luận Công Giáo so sánh anh với Thánh Báctôlômêô, vị thánh đã chết vì đức tin Kitô giáo. Nhiều người khác bị lôi cuốn về câu truyện Foley đọc kinh Mân Côi khi bị giam tại Libya trước đó. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi gọi chia buồn với cha mẹ anh, cũng mô tả anh như một vị tử đạo.

 

Chuyện không ngờ đã được các bạn đồng tù của anh tiết lộ gần đây: anh là một trong số các con tin tại Syria đã trở lại Hồi Giáo lúc bị giam cầm. Điều vốn được người Công Giáo coi như một cuộc đối thoại thần học về đức tin và đề kháng anh hùng thì nay trở thành một loạt các câu hỏi như:

 

* Cuộc trở lại dưới một áp lực nặng nề như thế có phải là một cuộc trở lại chính đáng không?
* Tại sao một người công khai nói tới đức tin Công Giáo của mình đến thế mà lại trở lại Hồi Giáo?
* Xét trong các hoàn cảnh như thế, có nên ngạc nhiên nếu anh thực sự trở lại Hồi Giáo không?

 

Linh mục James Martin, Dòng Tên, chủ bút tổng quát của tạp chí Công Giáo America, người từng mô tả Foley như “một người tốt lành và thánh thiện” và cho rằng mình hoài nghi về tính chân thực của việc trở lại, bình luận “Ta lượng giá việc này ra sao? Câu trả lời là: ta không thể lượng giá được nó. Ta không thể nhìn vào những gì hiện hữu trong linh hồn một con người”.

 

Tử đạo là chuyện hiện vẫn đang diễn ra

 

Niềm tin tôn giáo thường được mô tả như một sức mạnh nâng đỡ sâu sắc đối với những người bị giam cầm: nó cung cấp ủi an, sức mạnh, và hy vọng. Gia đình của Kayla Mueller, người chết trong tháng này trong khi bị ISIS giữ làm con tin tại Syria, mới đây có cho công bố lá thư cô viết trong tù trong đó, cô mô tả việc phó thác cho Thiên Chúa và cảm thấy “được âu yếm vỗ về trong cảnh rơi tự do”.

 

Các nhà chuyên môn cho rằng đức tin cũng có thể là một sức mạnh thực tiễn, theo nghĩa: cầu nguyện hay đọc các bản văn tôn giáo có thể cung cấp cho ta trật tự cũng như kỷ luật cho ngày sống, chống lại các cảm thức sợ hãi, man rợ hay buồn nản. Thực tiễn ở đây cũng có nghĩa như một phương thế sinh tồn: một số con tin được phóng thích mô tả việc trở lại Hồi Giáo như một chiến thuật lấy lòng những kẻ giam cầm mình.

 

Đối với người Công Giáo, các vấn đề như bách hại tôn giáo, cưỡng bức trở lại, và tử đạo vẫn còn là chuyện đang diễn ra. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường hay cảnh cáo chống lại việc bách hại các Kitô hữu ở Trung Đông, nơi các chiến binh ISIS truyền lệnh cho các Kitô hữu trở lại Hồi Giáo, nếu không sẽ bị giết.

 

Trong tháng này, Ngài nêu cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả làm kiểu mẫu cho việc hy sinh của Kitô hữu, khi nhắc tới “những người đàn ông, đàn bà và trẻ em đang bị bách hại, kỳ thị, đuổi khỏi nhà, tra tấn, và sát hại”.

 

Ngài nói thêm “tử đạo không phải là chuyện dĩ vãng: hiện nó đang diễn ra ngay trong lúc này”.

 

Hành trình đức tin của James Foley

 

Nói về sự kiện cái chết của James Foley, ký giả Jim Yardley của New York Times News Services, ngày 23 tháng hai vừa qua, cho rằng đối với nhiều người Công Giáo, cái chết của anh đậm mùi tôn giáo. Vốn là một cậu bé giúp lễ và lớn lên trong một gia đình Công Giáo ngoan đạo ở Wolfeboro, NH, Foley làm thiện nguyện trong các trường thu nhập ít trong khi theo học tại Đại Học Marquette ở Milwaukee, rồi tham gia chương trình Teach For America. Quay qua nghề nhiếp ảnh báo chí, anh say mê công việc phúc trình các cuộc tranh chấp tại Iraq và Afghanistan, trong tư cách nhà báo tự do, rồi phúc trình cuộc nội chiến Libya năm 2011.

 

Lăn xả vào các tiền tuyến hỗn loạn, Foley và ba đồng nghiệp bị lực lượng trung thành với Moammar Gadhafi phục kích. Một nhiếp ảnh viên là Anton Hammerl bị giết; Foley và hai đồng nghiệp kia bị bắt làm con tin và bị giam 44 ngày. Gia đình và bạn bè cũ tại Đại Học Marquette mở chiến dịch vận động trả tự do cho anh cũng như tổ chức các đêm canh thức cầu nguyện cho anh.

 

Được thả, anh viết một bức thư cám ơn Đại Học Marquette trong đó, anh mô tả sự quan trọng của đức tin Công Giáo lúc anh bị giam giữ. Anh và người bạn tù cầu nguyện to tiếng “để cùng nói lên các yếu điểm và các hy vọng của chúng tôi, như thể nói chuyện với Thiên Chúa”. Anh cũng đọc kinh Mân Côi để nối kết với mẹ anh.

 

Anh viết: “(Nhờ) cầu nguyện, tôi có thể liên lạc với mẹ qua một cái với tay có tính vũ trụ nào đó. Tôi bắt đầu đọc kinh mân côi. Đó là kinh mẹ tôi và bà tôi quen đọc”.

 

Việc anh công khai thảo luận tới linh đạo lại được kể lại một lần nữa sau khi anh bị bắt năm 2012 tại Syria, và sau cái chết rùng rợn của anh hồi tháng Tám năm ngoái. Trên các phương tiện truyền thông Công Giáo, nhiều người đồng đạo được gợi hứng nhờ những lời trước đây của anh cũng như lời các bạn đồng tù khác kể về anh trong đó họ mô tả anh là người thường nhường phần ăn hay chăn mền của mình cho người khác, nhưng không bao giờ oằn lưng đối với những người bắt giam mình.

 

Một số nhà bình luận Công Giáo gợi ý cho rằng: Foley xứng đáng là ứng viên hưởng phúc tử đạo của Công Giáo. Có người, tuy ca ngợi anh nhưng tự hỏi nói tới việc này có thích đáng không hay các động lực của những kẻ sát hại anh có tính chính trị hay có tính tôn giáo nhiều hơn.

 

 Foley-2  

 

Một người bỏ đạo?

Thế rồi tới tháng Mười, một bài báo trên tờ New York Times cho biết các chi tiết man rợ mà Foley và các con tin khác phải chịu đựng khi bị giam cầm. Bài báo này cũng trích dẫn lời các con tin được thả tự do cho biết Foley và nhiều người khác đã trở lại Hồi Giáo. Những người này mô tả Foley rất sùng đạo và say mê đọc Kinh Kôrăng. Đầu tháng Hai này, trong một cuộc phỏng vấn, một người được trả tự do là Nicolas Hénin cho biết: Foley xem ra là người lưu ý nhất tới việc học hỏi Hồi Giáo và việc anh trở lại Hồi Giáo là chân thực, dù Hénin không biết chắc chắn. Người này bảo: “Tôi đâu có nằm trong tâm trí anh ta”.

 

Một số người Công Giáo ngỡ ngàng. Nhưng đối với mẹ anh, bà Diane Foley, việc tiết lộ trên không mới lạ gì. Bà nói rằng trước đó mấy tháng, bà có nói chuyện với Jejoen Bontinck, một cựu tù nhân người Bỉ theo đạo Hồi, sau khi được thả, và theo người này, việc con bà trở lại Hồi Giáo là một hành vi chân thực. Nhưng sau khi các tù nhân người Pháp và người Tây Ban Nha được thả, bà Diane Foley cho hay bà nhận được những tường thuật khác hẳn.

 

Trong một cuộc phỏng vấn, Diane Foley cho biết: “Điều các con tin cho tôi hay là nhờ tuyên bố mình trở lại Hồi Giáo, con tôi được ở yên một mình năm lần mỗi ngày, không bị đánh đập, nhờ thế cháu có thể cầu nguyện”.

 

Giống nhiều người khác, Diane Foley, vốn là một thừa tác viên Thánh Thể tại giáo xứ của bà ở New Hampshire, mô tả con bà như một người lưu tâm sâu sắc tới linh đạo và đức tin của người khác. Nhưng bà mạnh mẽ tin rằng con bà chết như một Kitô hữu, và việc anh trở lại Hồi Giáo chỉ là một hành vi thực tiễn.

 

Bà bảo: “Chỉ có Thiên Chúa và Jim mới biết được điều gì diễn ra trong trái tim cháu mà thôi. Tôi thiết nghĩ Chúa đã dùng Jim một cách diệu kỳ trong hai năm cuối đời cháu. Cháu đem hy vọng lại cho các bạn tù của mình”.

 

Khúc mắc trên cũng đã được nêu ra sau thời gian Foley bị giam cầm ở Libya. Trong một loạt bài đăng trên tờ Global Post, cũng như trong lúc xuất hiện tại Đại Học Marquette, chính Foley tả lại việc anh thỏa thuận cầu nguyện chung với các bạn cùng tù theo Hồi Giáo vì chống chế độ Gadhafi. Anh ngạc nhiên trước việc: sau khi anh tắm, họ tuyên bố anh đã trở lại.

Anh nói tại Đại Học Marquette rằng “Thế là từ đó, tôi cầu nguyện với họ năm ngày mỗi lần. Việc này hết sức mạnh mẽ và là điều tôi cần làm để hiệp thông với những người này, họ vốn cậy trông vào đức tin của họ đối với Allah. Nhưng là việc khá khó. Tôi thường nghĩ, ‘Lạy Chúa Giêsu, con đang cầu nguyện với Allah sao? Con có vi phạm niềm tin của con vào Chúa hay không?’”

 

Anh nói tiếp “Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi ấy. Tôi chỉ biết: tôi rất chân thực đối với họ, và tôi rất chân thực trong việc cầu nguyện với Chúa Giêsu. Tôi không biết gì về thần học. Nhưng tôi nghĩ tôi rất chân thực”.

 

Gia đình anh cho hay thời anh bị bắt ở Syria cũng giống hệt như thế. Michael Foley, một người anh của Jim, nói thêm: “tôi tin, giống như ở Libya, Jim ‘trở lại’ vì mục tiêu sinh tồn và được gần gũi một số người ở đó, và có một vài môn đồ. Tôi cá với qúy vị và tôi sẽ mạnh mẽ tìm hiểu ‘việc trở lại’ trong tình huống đó”.

 

Cưỡng bức trở lại không phải là trở lại

 

Tại Vatican, Đức HY Angelo Amato, bộ trưởng Thánh Bộ Phong Thánh cho biết ngài không biết gì tới bất cứ cuộc thảo luận nào về phúc tử đạo của Foley, đây là một diễn trình kéo dài có khi cả hàng thập niên hay hàng thế kỷ. Nhưng ngài quả quyết: bất cứ cuộc trở lại đạo nào, “nếu không được tự do làm, thì không phải là một cuộc trở lại”.

 

Đức Hồng Y cho biết thêm: “Bạn không thể lên án những người sợ chết và do đó không dám tỏ mình là Công Giáo. Một Kitô hữu không buộc phải tử vì đạo”.

Nicole Tung, một nữ nhiếp ảnh gia từng làm việc gần gũi với Foley ở Syria, mô tả đức tin của anh như một đức tin “sâu sắc trong chính anh”. Anh thuộc Thánh Kinh đến nỗi thường có những cuộc thảo luận sâu rộng với người Syria để so sánh Kitô Giáo với Hồi Giáo.

 

Nhưng Tung nghĩ: Foley không thoải mái mấy khi được coi như một vị tử đạo. Cô mô tả nghề báo chí của anh như hoà lẫn với một lòng cảm thương mạnh mẽ: anh giúp lạc quyên 14,000 dollars để mua một xe cứu thương cho trẻ em tại Aleppo, Syria, giống như anh đã giúp tổ chức một cuộc lạc quyên trước đó cho gia đình Hammerl, nhiếp ảnh gia bị giết tại Libya. Theo Tung, “là nhà nhân đạo và là một nhà báo, đó mới thực sự là tác phong của anh”.

 

Nhận định của Tung thiên về phía nghề nghiệp của Foley. Tuy nhiên, không ai không lưu tâm tới cuộc sống đức tin của anh. Như mô tả của chính anh: anh bị tuyên bố là trở lại Hồi Giáo, chỉ duy vì đã cùng cầu nguyện với người Hồi Giáo năm lần mỗi ngày. Nhưng anh quả quyết: anh chỉ cầu cùng Chúa Giêsu mà thôi, và cầu ít nhất mỗi ngày năm lần! Câu truyện của anh chưa được tìm hiểu hết: nếu biết chắc anh đã trở lại Hồi Giáo, thì tại sao người duy Hồi Giáo vẫn đã sát hại anh? Phải chăng họ đã khám phá ra cái gian dối, hay cái chiến thuật sinh tồn của anh khi “ngụy trang” Hồi Giáo để có nhiều thì giờ hơn nghĩ tới Chúa Giêsu. Phải chăng đây cũng là chiến thuật của những vị tử đạo thời mới?

 

Vũ Văn An