Ba tuần trước lễ Phục sinh, Hội đồng Nhà nước Italia đã quyết định cho phép ban phép lành Phục sinh trong các trường công lập; quyết định này tuy không đạt được sự đồng thuận nhưng đã được đa số dân chúng đón nhận như một tin vui. Nghi thức này trong các dịp lễ tôn giáo, trước hết được coi là một truyền thống, cũng như sự hiện diện của thánh giá tại các bệnh viện, ngân hàng và toà án.
Kháng nghị trước Hội đồng Nhà nước
Quyết định này trái ngược với phán quyết của tòa án hành chính (Tar) Emilia Romagna, do một nhóm giáo viên và phụ huynh học sinh đưa ra vào năm 2015. Nhóm này quy tụ thành một ủy ban mang tên “Trường học và Hiến pháp”, và đã chống lại quyết định của Hội đồng quản trị “Istituto 20” của Bologna, cấp cho các linh mục của ba giáo xứ một căn phòng để ban phép lành Phục sinh, theo yêu cầu của các linh mục này.
Quyết định của Tar (2016) cấm thực hiện nghi thức ban phép lành Phục sinh “nhân danh nguyên tắc của hiến pháp về tính thế tục của nhà nước và sự bình đẳng giữa các tín ngưỡng”, đã trở thành quy tắc. Nhưng sau các cuộc tranh luận quyết liệt được các hiệp hội Công giáo ủng hộ, Bộ Giáo dục, lúc ấy do ông Stefania Giannini, một người có chủ trương ôn hoà, làm Bộ trưởng, đã nộp đơn kháng nghị lên Hội đồng Nhà nước. Và Hội đồng Nhà nước đã ban hành quyết định vào ngày 27 tháng Ba vừa qua.
Ngày hôm sau, nhật báo Avvenire của Hội đồng Giám mục Italia, đã mạnh mẽ ca ngợi quyết định này với lời lẽ: “Phúc cho những người Ý”. Thực tế, các vị quan chức trong Hội đồng Nhà nước đã phán quyết rằng việc cấm ban phép lành trong các trường công lập sẽ là phân biệt đối xử. Chính xác hơn, quyết định giải thích rằng “các trường học có thể được sử dụng cách hợp pháp ngoài giờ học, cho các hoạt động có liên quan đến chức năng của trường như là trung tâm cổ võ văn hóa, xã hội và quyền công dân. Trong những mục tiêu này, có thể bao gồm cả những hoạt động dành cho việc thực hiện một nghi lễ tôn giáo, với điều kiện sự tham gia là tự nguyện và tùy ý”.
Một quyết định khôn ngoan
Theo người phát ngôn của giáo phận Bologna, Adriano Guarnieri, “đây là một quyết định khôn ngoan, quân bình và tôn trọng tính thế tục đích thực của trường học”. Còn Thư ký của Liên minh Dân chủ Cơ đốc, Lorenzo Cesa, nói rằng “những cội nguồn Kitô giáo sâu xa và những truyền thống văn hoá của chúng ta không được trở thành một vấn đề cho bất cứ ai”.
Nhưng cũng có những tiếng nói khác chống lại quyết định của Hội đồng Nhà nước. Trước hết là thư ký của Hội đồng “Trường học và hiến pháp”, Bruno Moretto: “Quyết định này sẽ gây ra những lo lắng về ngay cả tương lai của cả các trường công lập. Nếu áp dụng theo đúng như thế, các trường học có thể được dùng cho bất cứ tổ chức chính trị hay triết học nào có khả năng chiêu dụ”.
Kháng nghị trước Toà án Nhân quyền châu Âu
Được sự ủng hộ của Liên hiệp những người vô thần và những người theo thuyết bất khả tri, ông Moretto dự định sẽ nộp đơn kháng nghị với Toà án Nhân quyền châu Âu. “Trường công lập phải gắn với các giá trị chung. Điều gì sẽ xảy ra nếu các đại diện của tất cả các tôn giáo khác cũng đòi quyền lợi giống như những người của Giáo hội Công giáo?”, Monica Fontanelli Bolognese, giáo viên người Bologna, đặt câu hỏi.
Vào lúc này, cả Đảng Dân chủ đang cầm quyền, lẫn Phong trào 5 sao –là đảng đối lập lớn nhất–, đều không đưa ra lập trường chính thức đối với việc tái cho phép các linh mục Công giáo ban phép lành Phục sinh trong các trường công lập.
(Nguồn: WHĐ, 1.04.2017)