Huế, Đất Thánh

 

Các bạn trẻ thân mến,

“Những giọt máu rơi xuống lòng Đất Mẹ,

như hạt giống Nước Trời mong ngày đơm bông…

Xác các ngài chết chôn dưới lòng Đất Mẹ,

Như lễ tế thấp hèn dâng về thiên cung”.

Hẳn không ít nhà thờ sẽ hào hùng cất lên bài ca Những Giọt Máu Trong Lòng Đất Mẹ nhân ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đất Mẹ ở đây, với tác giả, Linh mục Phương Anh, là Việt Nam dấu yêu; nhưng với bạn, với tôi, đó còn là Huế, là Sài Gòn, là Hà Nội… với những gì đặc trưng nhất của nó.

Đức Giêsu, hạt giống tình yêu của Thiên Chúa, hạt giống Nước Trời, đã được gieo vào lòng đời, đã chết đi, đã thối đi và qua hơn hai ngàn năm, cả một đồng lúa chín vàng bát ngát. Hôm nay, tôi cũng muốn chia sẻ cùng các bạn những hạt giống trên Đất Mẹ quê tôi, Huế của tôi, với một nguyện ước nhỏ muốn ngỏ với các bạn, là người con của Huế hay một khi đến Huế “nắng bùn hoá đá, mưa đá hoá bùn” này, các bạn biết rằng, các bạn còn là những khách hành hương đang rảo bước hoặc đang sống trên một miền Đất Thánh vậy.  

Chúng ta thử nhìn lại đôi nét tiêu biểu của tử đạo Huế, tiêu biểu bởi lẽ Huế, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, đang sừng sững đó đây những thánh tích mà nếu vô tình, hoặc vì thiếu kiến thức, chúng ta đến Huế hay thậm chí ở ngay trên Huế, Huế vẫn mãi chỉ là một nơi du lịch không hơn không kém với những danh lam thắng cảnh như bao nơi khác.

Nói đến Huế là nói đến sông Hương núi Ngự, nói đến Huế là nói đến lăng tẩm chùa chiền. Nhưng đối với một số lớn du khách Âu Châu, nói đến Huế là nói đến một vùng đất thánh, ở đó, máu các vị tử đạo đã nhỏ giọt trên các nẻo đường. Với đất thiêng Huế, Cha J.B. Roux, một vị thừa sai Paris, một nhà viết sử, trong cuốn sách của ngài đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời”, có viết:

“Tang thương tràn cả đất thiêng,

Nơi tình chỉ để cho duyên đạo lành,

Dõi nhìn với cả lòng thành,

Mới hay tro bụi long lanh phúc trời,

Mới hay dưới những rụng rơi,

Hồn thiêng tử đạo, làn hơi sinh thành”.

Với ngài, đất Huế là đất mà phúc trời long lanh trong mùn cát, phúc trời lấp lánh trong bụi đường. Đất mà hồn thiêng các vị cha ông tử đạo của chúng ta đã trở thành làn sinh khí hà hơi sự sống đức tin cho bao thế hệ cháu con. Vì thế, một lần đến Huế là một lần hành hương đất thánh, một lần trở lại xứ Thần Kinh, là một lần kính viếng thánh địa của bao đấng anh hùng.

Ngay hình ảnh đầu tiên trên con đường cạnh dòng Hương giang lãng mạn, Phu Văn Lâu duyên dáng, các bạn có biết đó là nhà niêm sắc chỉ, nơi liệt kê danh sách các tội danh với những hình án dành cho các đấng tử đạo?

Chúng ta nghe tác giả viết tiếp: “Ở Rôma, nơi mà ngày ngày, bao khách hành hương mắt nhoà lệ, chân run run, kính cẩn chạm môi hôn lấy bụi đường, chỉ vì nơi đó xưa kia, các tông đồ và các vị tử đạo đã đi qua. Thì ở đây, nhờ những khổ đau và máu của cha ông các bạn, cả một đạo quân vinh thắng của Đức Kitô đã rảo bước, Huế của các bạn được biết đến với những địa danh rành rành lại càng đáng được quý trọng biết bao!”.

Tác giả nói đến các tòa án nơi các vị tử đạo vừa bị hỏi cung vừa bị tra tấn, nổi tiếng là Toà Tam Pháp ngay chân tường thành nội ở cửa Thượng Tứ và cửa Thể Nhơn, nay là tiệm cà phê Tỳ Bà Trang.

Tác giả nói đến nhà tù Trấn Phủ dọc đường Xuân 68, cạnh cửa Đông Ba; tác giả nói đến Khám Đường, một ngục thất nổi tiếng nhất thời bấy giờ của xứ An Nam dưới triều Nguyễn, nơi mà ai đã một lần bước vào thì chỉ đi ra với một tên đao phủ dẫn đến pháp trường hoặc đã co quắp trong chiếc quan tài gỗ tạp. Khám Đường đó bây giờ là trường Tiểu Học Tây Lộc ở số 7 đường Trần Quốc Toản.

Tác giả nói đến các pháp trường, đó là Cống Chém An Hòa, nay vẫn còn bảng địa danh nằm cạnh cây xăng An Hoà; một pháp trường nổi tiếng khác là Chợ An Hòa, nay là trường tiểu học Hương Sơ. Tác giả còn nói đến Bãi Dâu, đồi đá Thợ Đúc và những nẻo đường thành nội, nơi các các đấng anh hùng, cổ mang gông, chân buộc xiềng đã bị kéo lê đi.

Vị thừa sai, nhà viết sử, còn nói đến cái chết ghê rợn của cha Marchand Du. Ngài đã phải co ro trong chiếc cũi dài 0,7m, rộng 0,5m được gánh bộ từ Gia Định Sài Gòn ra Kinh đô Huế mất hết 6 tuần lễ, để rồi ngày 30 tháng 11 năm 1835, trước Cửa Ngọ Môn, sau bảy phát súng thần công quy tụ dân chúng đến chứng kiến, sau khi ngọn cờ nhỏ vua Minh Mạng cầm trên tay được ném xuống đất, quan tuyên bố bản án bá đao ghê rợn sẽ dành cho ngài; người ta xẻo ngài từ mảnh thịt này đến mảnh thịt kia cho đến chết. Ngày nay chúng ta còn thấy địa danh, nơi hành hình ngài, vẫn được Giáo Phận Huế bảo tồn tại Phường Đúc.

Tác giả nói đến cái chết cảm động của thánh Phaolô Tống Viết Bường, người con của làng Phước Quả, Giáo Xứ Chánh Toà Phủ Cam, ngài chết ngay trước cổng nhà con gái mình vốn là nàng dâu của làng Phường Đúc, mắt ngài hướng về nền nhà thờ Thợ Đúc vốn đã bị tàn phá theo lệnh vua, ngài ước ao được chết trên đó.

Tác giả nói đến cái chết điềm tĩnh của quan thái bộc, thánh Hồ Đình Hy cạnh cầu An Hoà, cụ chuẩn bị chết với một dáng vẻ bảnh bao, áo xống nghiêm túc, môi ngậm ống điếu.

Tác giả nói đến cái chết não nùng của người lính trẻ, thánh Anrê Trần Văn Trông thảo hiếu:

“Mẹ sao trí con sao trung bấy,

Ôi thanh phong lưu lại muôn đời,

Tôi vì Chúa phải đầu rơi,

Rơi vào tay mẹ, con thời toàn quy”.

Ngày xưa, chết không con cũng như chết không toàn thây là bất hiếu. Thánh Anrê Trông chịu chém tại chợ An Hòa, mẹ ngài đưa ngay vạt áo đón lấy chiếc đầu lấm đất và máu của con. Cha Giuse Maria Nguyễn Văn Thích, tác giả của mấy dòng thơ trên giải thích, ngày xưa, chết không toàn thây, hay chết mà không có con nối dõi tông đường là bất hiếu, Anrê Trông trả hiếu rồi vậy, người thanh niên 21 tuổi đó trả toàn thây cho mẹ, không lỗi bất hiếu. Và còn bao nhiêu vị khác nữa…

Mừng kính các đấng anh hùng tử đạo, chúng ta biết nói gì đây, một hãy cảm tạ ơn Chúa đã ban cho dải đất Thần Kinh thân yêu này những hạt giống tốt gieo vào lòng đời, để nhờ công phúc và máu của các ngài, đồng lúa ngào ngạt hương thơm đang trổ đòng ngậm sữa. Đồng thời ý thức rằng, chúng ta không có cơ hội để chết vì đạo như các ngài ngày xưa, nhưng xã hội hôm nay đang cho chúng ta bao cơ hội để sống vì đạo. Bởi lẽ, “sống vì đạo” hôm nay cũng khó khăn không kém như “tử vì đạo” năm xưa. Để trung thành với Chúa và Tin Mừng, chúng ta phải chọn lựa quyết liệt mỗi ngày. Những chọn lựa đó cũng đau đớn không kém những khổ hình cha ông chúng ta đã chịu, những hy sinh vì Tin Mừng đó cũng khiến trái tim chúng ta rỉ máu không kém việc chịu tử hình.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Anh Hùng của bao bậc anh hùng, các thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần, xin cho chúng con biết tựa nương vào Chúa để can đảm chọn lựa mỗi ngày. Amen.

Mời các bạn đọc tác phẩm HUẾ CỔ, VẾT TÍCH ĐẠO VÀ ĐỜI tại:

http://conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailbook&id=69&ib=52

Lm. Minh Anh (Gp. Huế).