Người Công giáo xem lời chúc mừng Tết Nguyên Đán của Đức Giáo hoàng như một sự nhân nhượng
Đức Hồng y John Tong của Hồng Kông vừa bênh vực lời chúc mừng Tết Nguyên đán của Đức Giáo hoàng Phanxicô gởi Chủ tịch Tập Cận Bình giữa lúc có chỉ trích mạnh mẽ của nhiều người Công giáo vốn gọi bức thư là sự minh oan cho thành tích nghèo nàn về nhân quyền của Bắc Kinh.
Đức Hồng y Tong nói cuộc phỏng vấn gần đây của Đức Thánh cha với tờ Asia Times đã ca ngợi Trung Quốc – và tránh chỉ trích – là giữ được tinh thần của Công đồng Vatican II vào giữa những năm 1960s khi Tòa Thánh phát triển quan hệ với thế giới hiện đại.
“Điều này khuyến khích đối thoại với các tôn giáo khác cũng như với những người không Kitô giáo trong thái độ thành thật và thân thiện” – ngài nói với ucanews.com.
Vị Hồng y 83 tuổi Giuse Trần Nhật Quân của Hồng Kông, người lâu nay chỉ trích cộng sản Bắc Kinh, từ chối bình luận.
Đức Phanxicô ca ngợi “sự khôn ngoan” và “nền văn hóa” của Trung Quốc tại thời điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc. Vòng đàm phán thứ ba giữa hai bên diễn ra ngày 25-26 tháng Giêng nhưng đại sứ Đài Loan ở Vatican là Matthew Lee từng nói với ucanews.com rằng không có “tiến bộ đặc biệt nào” trong các cuộc đối thoại. Bên nào quyết định bổ nhiệm giám mục vẫn còn là điểm bất đồng lớn.
Một giáo dân ở miền bắc Trung Quốc nói với ucanews.com rằng cuộc phỏng vấn của Đức Giáo hoàng dường như là “để thỏa hiệp với cộng sản”. Một nguồn tin Công giáo khác ở Ôn Châu nói rằng chắc chắn đây không phải là thời điểm cho các cuộc đàm phán Trung Quốc-Vatican giữa lúc chiến dịch di dời thánh giá đang tiếp tục ở tỉnh Chiết Giang nơi có trên 1.500 thánh giá nhà thờ bị lấy đi từ cuối năm 2013.
Đức Thánh cha không đề cập tới chiến dịch này hay vấn đề bổ nhiệm giám mục gây tranh cãi trong cuộc phỏng vấn với Asia Times.
Thay vào đó ngài tập trung vào ý tưởng thế giới chấp nhận sự lớn mạnh của Trung Quốc và đề cập quan hệ tốt lành mà thế giới và Vatican hy vọng có thể có được.
“Với tôi, Trung Quốc luôn là điểm quy chiếu của sự vĩ đại – một nước lớn. Nhưng còn hơn một nước nữa, một nền văn hóa lớn với một kho tàng khôn ngoan vô tận” – ngài nói.
Cuộc phỏng vấn “chỉ là cử chỉ lịch sự” với Trung Quốc mà thôi, Lina Chan, tổng thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận Hồng Kông, nhận xét.
“Đảng đang sử dụng ‘văn hóa’ để củng cố chế độ” – ông nói thêm.
Thông điệp của Đức Thánh cha được một số người khác trong Giáo hội đón nhận nồng nhiệt.
“Tôi hy vọng quan hệ có thể sớm được cải thiện và đức giáo hoàng có thể thăm Trung Quốc một ngày nào đó” – Đức cha Paul Liang Jiansen của giáo phận Giang Môn ở tỉnh Quảng Đông, nhận xét. Ngài miêu tả thư của Đức Giáo hoàng gởi cho Trung Quốc là “một cái gì đó tích cực”.
Li Wen-long, một lãnh đạo giáo dân tại giáo phận Đường Sơn ở miền bắc Hà Bắc, tỉnh đông dân Công giáo nhất Trung Quốc với khoảng một triệu giáo dân, cho biết ông hy vọng chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lắng nghe thư của Đức Giáo hoàng.
“Ngài nói người Trung Quốc là khôn ngoan… và do đó, người khôn ngoan thì không nên làm những điều vớ vẩn chống lại ý Chúa” – ông nói.
(UCAN 05.02.2016)