“Hôm nay đã ứng nghiệm
lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”
(Lc 4, 16-30)
21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! “24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Lời của Đức Giê-su
Khi Ngài tràn đầy Thần Khí (c. 14), Đức Giê-su mới bắt đầu giảng dạy. Chúng ta hãy ngạc nhiên về điều này: Đức Giê-su vẫn chưa làm phép lạ nào, chưa làm điều gì lạ thường, Ngài mới chỉ nói thôi; và lời của Ngài đánh động người nghe đến độ Ngài được mọi người tôn vinh:
Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
(c. 22)
Ước gì chúng ta cũng biết tôn vinh và ca tụng Chúa, khi lắng nghe Lời của Ngài trong cầu nguyện. Và nhất là, kể từ hôm nay, chúng ta không thể sống, nếu không, có thể nói, “ăn” lời của Ngài. Bởi vì, sự sống của chúng ta không chỉ cần của ăn và các phương tiện đáp ứng nhu cầu (ăn mặc, nhà cửa, sức khỏe, học tập, việc làm, phương tiện đủ loại), nhưng còn cần lời nói nữa, lời nói yêu thương, soi sáng, tha thứ, đón nhận, cảm thông, bao dung. Thiếu những lời này, chúng ta không thể sống được. Và Lời Chúa là những lời như thế và làm cho chúng ta nói được với nhau những lời như thế.
Kinh Thánh được hoàn tất
Nhưng Đức Giê-su giảng dạy điều gì? Cả bốn Tin Mừng sẽ kể lại cho chúng ta những lời ân sủng của Chúa. Nhưng, Tin Mừng theo thánh Luca kể lại một trong những lời giảng của Chúa, và đó là một lời giảng vô cùng đơn giản: Ngài mở Sách Thánh, đọc một đoạn; sau đó cuộn lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống; cuối cùng Ngài nói:
Hôm này đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh
tai quí vị vừa nghe.
Xin cho chúng ta hiểu được phần nào tầm mức của biến cố trọng đại này. Lời ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (c. 18-19), được thực hiện nơi những gì Đức Giê-su nói và làm.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là dấu chỉ của ơn tha thứ, chữa lành và tái sinh cho sự sống hôm nay và cho sự sống mới bởi mầu nhiệm Vượt Qua. Vì thế, lời ngôn sứ được ứng nghiệm hướng tới và phải được hiểu ở mức độ toàn bộ Kinh Thánh: toàn bộ Kinh Thánh loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô hoàn tất toàn bộ Kinh Thánh (x. Lc 24, 44). Thực vậy, ý định muốn giết Đức Giê-su và Ngài “vượt qua” giữa họ mà đi (c. 28-30) mời gọi chúng ta hiểu biến cố hạn hẹp ở Nazareth ở mức độ mầu nhiệm Vượt Qua.
Và bởi vì Kinh Thánh kể lại lịch sử của những con người cụ thể giống như mỗi người chúng ta, đầy những thăng trầm, lầm lỗi và bị Sự Dữ chi phối, cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng “loan báo” Đức Ki-tô và Đức Ki-tô cũng đã “hoàn tất” cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng “con tim bừng cháy” cho hai môn đệ Emmau (x. Lc 24, 22) và cho chúng ta hôm nay.
Biết và tin
Những người cùng quê với Đức Giê-su, khi nghe Ngài giảng giải Lời Chúa, lúc đầu họ đã tỏ ra rất thán phục, như thánh Luca kể lại : « mọi người đều tán thánh và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người » (v. 22). Nhưng ngay sau đó, họ nêu vấn nạn, khởi đi từ những gì họ biết về Đức Giê-su : « Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ? ». Khi kể lại chuyện này, Tin Mừng theo thánh Mác-cô nói chi tiết hơn : « Ông ta không phải là người thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xét, Giu-đa và Simon sao ? Chị em của ông phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ? » (Mc 6, 3).
Điều làm cho chúng ta phải kinh ngạc đó là, thay vì qua việc đích thân biết rõ thân thế Đức Giêsu, họ sẽ dễ dàng tin nơi căn tính thần linh của Ngài, thì chính sự hiểu biết này lại ngăn cản họ tin vào Đức Giêsu. Chính vì thế mà Đức Giê-su nói : « Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình ». Và điều này vẫn còn xẩy ra hôm nay, vì có những người nghiên cứu cuộc đời Đức Giêsu ; nhưng nghiên cứu một hồi thì mất đức tin ! Tại sao lại như vậy ?
Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giê-su vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức. Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin : lòng tin đến từ kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Người, sống nhờ Người và bởi Người, và đến từ lòng khao khát Thiên Chúa và nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử. Và căn tính thần linh của Đức Giê-su sẽ rạng ngời nhất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, như viên Đại Đội Trường Roma đã tuyên xưng khi chứng kiến cách Đức Giê-su chịu thương khó : « Quả thật, người này là Con Thiên Chúa ».
Còn một lý do khác nữa, khiến cho họ không thể đón nhận Đức Giê-su, đó là lòng ghen tị. Người ghen tị không chấp nhận sự khác biệt ; họ ham muốn và muốn sở hữu tất cả những điều tốt mà người khác có. Nhưng điều này là không thể được ; và thay vì bình an đón nhận sự khác biệt, họ tìm cách phá hủy những điều tốt nơi người khác ; hay ít nhất, cảm thấy vui mừng và hả hê khi người khác bị tai họa. Và đó chính là thái độ ghen gị của những người lắng nghe Đức Giê-su trong Tin Mừng. Trước hết, họ lắng nghe Đức Giê-su với lòng thán phục ; nhưng sau đó, họ muốn Đức Giê-su cũng làm những gì mà Ngài đã làm ở những nơi khác : « Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! » Và dường như Đức Giê-su cố ý làm cho lòng ghen tị này phải lộ ra với tất cả sức mạnh hủy diệt của nó, khi kể lại chuyện của các ngôn sứ Elia va Elisa. Hơn nữa, Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với số phận của các ngôn sứ : « không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. »
Quả thực, khi nghe Đức Giê-su nhắc lại chuyện cũ xong, và vì họ không có ngay được điều họ đòi hỏi, họ quay ra phẫn nộ ; sự phẫn nộ này tất yếu dẫn đến bạo lực : « Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực ». Như thế, hành vi phá hủy là điểm tới tất yếu của lòng ghen tị. Và những gì xẩy ra ở Nazareth đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi.
Nhưng thay vì trả đũa bạo lực bằng bạo lực, Đức Giê-su « băng qua giữa họ mà đi. » Trong mầu nhiệm Thương Khó cũng vậy, Đức Giêsu thinh lặng vượt qua giữa cơn lốc phản bội, ghen tị, sỉ nhục, gian dối, bạo lực để đi qua bờ bên kia của sự sống mới.
* * *
Đó là cung cách của mầu nhiệm Vượt Qua, và cũng là cung cách của tình yêu, như Thánh Phao-lô nói : « Tình yêu chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, kiên nhẫn tất cả ». Đó chính là dấu vết thần linh được tỏ hiện nơi ngôi vị của Đức Giê-su, dành cho những ai khao khát Thiên Chúa để dẫn họ đến lòng tin và sự sống.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc