Hội thảo về Lòng thương xót của Thiên Chúa và của con người

Một cuộc hội thảo chuyên sâu trình bày và lý giải những suy tư triết và thần học về Lòng Thương Xót được nói đến trong Kinh Thánh cũng như qua lịch sử con người đã diễn ra vào sáng ngày 14/11/2015 tại Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, số 90 Nguyễn Thái Sơn, Gò Vấp.

HoiThao-3.jpg

Có gần 300 tu sĩ nam nữ và linh mục thuộc nhiều Học viện và hội dòng khác nhau tại Sài Gòn đến tham dự. Chương trình xuyên suốt bởi hai đề tài chính: “Các dữ kiện Triết học liên quan đến khái niệm Lòng thương xót” của linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP. và đề tài “Lòng thương xót của Thiên Chúa trong Kinh Thánh và Thần học Công giáo” được trình bày bởi linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP.. Hiện tại, cả hai diễn giả đều là giáo sư Triết học và Thần học của Trung Tâm Học Vấn Đa Minh. Cuộc hội thảo được dẫn giắt và đúc kết hài hòa, đầy sâu sắc bởi cha Giuse Ngô Sỹ Đình, Giám đốc Trung Tâm Học Vấn.

Cùng với Giáo hội hoàn vũ chuẩn bị bước vào năm thánh “Lòng Thương Xót” do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, cuộc hội thảo mở ra nhằm giúp các tín hữu, nhất là các bậc linh mục, tu sĩ hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về bản chất của Lòng Thương Xót. Được biết, đây là chương trình ngoại khóa thường niên, diễn ra mỗi năm ở hai học kỳ của Trung Tâm Học vấn, nhằm giúp các thầy sinh viên Triết Thần mở rộng suy tư trong việc nghiên cứu thánh khoa và truy tầm tri thức của nhân loại.

Khởi đi từ dòng tư tưởng của các nhà triết học Kinh viện, linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn giới thiệu với các thính giả về lòng thương xót của con người được diễn tả qua tương quan ngã vị. Con người sống được với nhau, giúp nhau vượt qua khổ đau không chỉ bởi lòng thương hại, nhưng là bởi lòng thương xót thực sự. Các triết gia Hy Lạp một thời chủ trương lối thương hại, thấy người khác đau khổ thì khuyên lơn họ vượt qua, nhưng trong lòng mình không hề trắc ẩn. Người Công giáo chủ trương một bước xa hơn, thương cảm, khuyên lơn và đến nỗi chịu đau khổ thay, để rồi đồng hành và giúp người bất hạnh vươn lên sống đúng với phẩm giá con người. Ngài nhắc nhở các thính giả: “Người nghèo là thuốc thử để xem chúng ta có phải là người Kitô hữu hay không? Dù họ là ai, dù họ ra sao, mỗi khi người bất hạnh đến với mình, chúng ta chấp nhận họ trong thái độ yêu thương và đón nhận. Và vì thế, lòng thương xót đòi buộc ta phải ra tay giúp đỡ”.

Vào thời cổ đại, triết gia Schopenhauer đã chủ trương lòng từ tâm và thương xót là nền tảng của sự công chính, mang tính tối hậu cho mọi sự vật. Tuy nhiên, giới hạn của tư tưởng này là lòng thương xót chỉ thực hiện bằng ý chí, chứ không phải do lí trí làm chủ. Cũng thế vào thời Mạnh Tử, lòng thương xót được khởi nguồn từ cảm xúc, thương hại người bất hạnh. Nhà vua biết cảm xót trước nỗi đau của thiên hạ thì ắt sẽ biết cách lãnh đạo dân. Thế nhưng thánh Tôma Aquinô lại khẳng định: cảm xúc phải được lý trí của con người đón nhận, được hướng dẫn bởi ý chí thì mới biết việc bác ái mà mình đang làm là đúng hay sai. Vì thế, khi thực hành nhiều về cảm xúc thông qua lý trí, diễn tả bởi hành động giúp đỡ tha nhân, lòng thương xót sẽ thở thành nhân đức thương xót, sự thương xót đó được trọn vẹn hơn nhờ lý trí và ý chí can thiệp. Điều này cũng góp phần giải thích vì sao phải có lý trí và ý chí thì con người mới có khả năng đón nhận Thiên Chúa.

Giáo sư Nguyễn Trọng Viễn thừa nhận: khi đối diện thực tế “điên rồ nghiệt ngã” của thế giới, người ta sẽ gặp khó khăn để lội ngược dòng với những trào lưu, và họ dễ dàng sa ngã theo sự cám dỗ đầy mạnh liệt”. Hay nói cách khác, “người ta chưa phạm tội chỉ vì họ chưa có điều kiện để phạm tội đấy thôi. Đặt họ vào một môi trường với sức mạnh cám dỗ đầy nghiệt ngã, họ cũng sẽ sa ngã như bao người”. Một Phêrô mạnh mẽ đầy xác quyết trong vườn Giệt-si-ma-ni, nhưng chẳng mấy chốc biến thành người hèn nhát tệ hại, chối Thầy mình 3 lần, chối luôn cả trước mặt một đầy tớ gái bất lực. Thế nhưng, điều quan trọng là sau khi sa ngã, con người có dám chỗi dậy và trở về hay không? Kinh Thánh cho ta biết thánh Phêrô đã bừng tỉnh bởi tiếng gà gáy, ông chạy ra và òa lên khóc lóc đau đớn vì lỗi lầm của mình.

Trong phần diễn tả lòng thương xót Chúa nơi các tư tưởng Thánh Kinh và Thần học, giáo sư Phan Tấn Thành giải thích cho thính giả biết nhiều ý nghĩa phong phú của từ “Thương Xót” (misericordia). Dẫu là từ bi, nhân hậu, tình thương, trắc ẩn, lân tuất, nhân từ hay cảm động… thì lòng thương xót vẫn là thái độ mà ta phải có trước nỗi bất hạnh của người khác, dù người đó có là Kitô hữu hay không. Qua bài suy tư đầy tính thánh khoa của mình, cha giáo Phan Tấn Thành lần lượt giới thiệu lòng thương xót Chúa đã thực hiện phủ đầy trong Cựu ước, từ cuộc xuất hành, qua các thánh vịnh đến thời các ngôn sứ… Lòng thương xót Chúa còn được diễn tả đậm đà hơn trong Tân ước, lần lượt từ các sách Tin Mừng (nhất là Tin Mừng theo thánh Mátthêu, được mệnh danh là Tin Mừng của lòng thương xót), cho đến các thư của thánh Phaolô tông đồ. Quả thực, lòng thương xót Chúa dành cho nhân loại là vô bờ bến, và trải dài qua muôn thế hệ.

Hơn nữa, lòng thương xót Chúa được được hiểu trong suy tư Thần học là một sự biểu lộ sức mạnh của Thiên Chúa. Nơi đó, sức mạnh của Đấng hay thương xót không hề có nhu nhược, nhưng Ngài xót thương trong công bình và chân lý đối với nhưng ai kính sợ Ngài. Vậy nên, Giáo hội chủ trương sống theo lòng thương xót của Chúa nơi các Bí tích, và nhất là qua việc thực thi lòng xót thương trong mọi hoạt động của Giáo hội, nơi cuộc sống hằng ngày và trên mọi phương diện mục vụ. Có lẽ, điều làm nên nét độc đáo của Kitô Giáo là nhân đức thương xót, thể hiện bằng đạo yêu thương, trong tương quan ngã vị, được bộ lộ nơi bản thân và cuộc đời của mỗi người kitô hữu. Trong tương quan ngã vị ấy, Thiên Chúa đồng hành cùng con người, và con người tín thác vào Chúa trong yêu thương.

Giáo sư Phan Tấn Thành nói thêm, lòng thương xót trong Kitô Giáo không chỉ dừng lại ở việc bác ái, nhưng còn đi xa hơn nữa, là yêu mến tha nhân; đức mến bao trùm lên mọi khía cạnh, ngay cả trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Điều này giúp lý giải về sự khác nhau nơi lòng từ bi của Phật giáo so với lòng thương xót của Công giáo. Tuy nhiên, nơi người Công giáo, mến Chúa yêu người hết lòng không có nghĩa là không yêu chính mình. Ngược lại, Thiên Chúa dạy yêu người như thể yêu mình, Ngài không cấm ta yêu bản thân mình.

Sau giờ giải lao, có rất đông các thính giả trình bày những chấp vấn và thắc mắc của mình quanh hai đề tài nói trên. Cuộc hội thảo mỗi lúc càng sối nổi, lần lượt hai diễn giả đã giải đáp thỏa đáng các vấn đề đặt ra trong phần thảo luận. Cuối cùng, linh mục Giuse Ngô Sỹ Đình, Giám đốc Trung Tâm Học Vấn đã đúc kết các ý tưởng của hai đề tài cũng như nội dung các câu hỏi của thính giả. Cha Giám đốc dựa trên học thuyết của thánh Tôma về lòng Thương xót trong Đức Ái, khi nhắc đến thành quả của đức ái diễn tả bên trong lẫn bên ngoài với một ai đó thực thi lòng thương xót.

Cha Ngô Sỹ đình cho biết, lòng thương xót theo thánh Tôma trước tiên là phải đến với người khác, chứ không phải thương xót chính mình. Thương xót sự bất hạnh là sẵn sàng tha thứ, nhưng không có nghĩa là thỏa hiệp với lỗi lầm. Mặt khác, dù không thỏa hiệp với cái xấu nơi người bất hạnh, nhưng chúng ta đến giúp họ thoát khỏi điều bất hạnh đó. Đừng ngồi để hỏi họ có bị bất hạnh hay không, nhưng hãy giúp họ thế nào để thoát khỏi bất hạnh. Trên hết, với lỗi phạm đến Chúa Thánh Thần thì lòng thương xót khó lòng để can thiệp. Vì lòng từ bi và hay thương xót, Chúa Cha đã sai Con Một yêu dấu đến để cứu nhân loại khỏi ách thống trị tội lỗi, thì không có lý do gì ngăn cản chúng ta là những tội nhân chạy đến để đón nhận ân huệ xót thương nơi Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta phải đón nhận người khác bằng lòng thương xót và từ tâm, không kỳ thị biệt phái, không phân biệt nhóm người hay màu da sắc tộc, bỏ hết não trạng của ghen ghét hận thù và chia rẽ, đến với nhau trong sự tôn trọng, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân được Chúa cứu.

Buổi hội thảo kết thúc trong niềm vui ấn tượng của mọi người, nhất là với các thính giả được khai mở thêm những tư tưởng phong phú của đề tài, trước thềm năm thánh  “Lòng Thương Xót” của Giáo hội. Và đặc biệt, làm sao để mọi người thấm nhuần, diễn tả lòng thương xót trong năm Phụng vụ này? Đó là mong ước của tất cả mọi tâm hồn đang bừng lên khi hiểu thấu thực tại lòng thương xót của Chúa trải dài trên lịch sử nhân loại, qua dân tộc Israel, nơi lịch sử Giáo hội và nhất là trong lịch sử cuộc đời của mỗi cá nhân, đã hơn một lần đón nhận ân huệ xót thương của Thiên Chúa.

Các đề tài của hai diễn giả sẽ được đăng tải trên các trang web của Trung Tâm học Vấn Đa Minh, của Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam… mời quý vị đón đọc!

HoiThao-1.jpg

HoiThao-2.jpg

Ghi nhanh – Antôn Phêrô Nguyễn