WGPSG — “Xã hội nào nghĩ đến tương lai của chính mình thì xã hội đó phải nghĩ đến điều kiện sống của giới trẻ” (Thánh Gioan Phaolô II)
Ban Giáo chức trực thuộc Ủy ban Giáo dục Công Giáo đã tổ chức một buổi Hội thảo Khoa học Giáo dục với chủ đề “Người thầy với việc giáo dục giá trị sống để đảm bảo sự thành công của học sinh – Những bài học từ thực tiễn nghiên cứu”, vào ngày 07.11.2015 từ 7g30 đến 12g00, tại hội trường lầu II của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), số 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, Sài Gòn.
Hiện diện trong buổi hội thảo có Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo – Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo (UBGDCG)/HĐGMVN, cha Giuse Trần Ngọc Xưa – Trưởng ban Giá trị sống Kỹ năng sống UBGDCG, cha Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng – Thư ký UBGDCG, Tiến sĩ Đỗ Minh Cường, quý thầy, quý xơ, quý thầy cô giáo tại các trường và cơ sở giáo dục, các sinh viên sư phạm.
Ba vị báo cáo viên: Tiến sĩ Vũ Quang Tuyên, giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, và hai thầy dòng Don Bosco: Nguyễn Thiên Phong và Phạm Tấn Sỹ, là hai nghiên cứu sinh cao học giáo dục.
Tiến sĩ Vũ Quang Tuyên đã mở đầu buổi hội thảo với hai nội dung: Những kinh nghiệm từ chương trình Ephata cho học sinh. Ý nghĩa của việc giáo dục giá trị sống, giáo dục nhân bản nhằm đảm bảo sự thành công trong học tập và tương lai cho học sinh, và những thay đổi cần có ở người thầy hiện nay. Qua những góc nhìn, nghiên cứu của riêng mình và qua trải nghiệm của tác giả Haim Ginott, tiến sĩ đã đưa ra các nguyên tắc: Cần có chương trình giáo dục hiệu quả; Việc giáo dục tính cách sẽ đưa đến thành công; Kỹ năng sống cần có nền tảng đạo đức; Trẻ cần biết khám phá bản thân, nhận ra sự độc đáo duy nhất của mình; Đừng khen trẻ thông minh mà phải khen trẻ biết nỗ lực để khi thất bại trẻ không thất vọng mà luôn nỗ lực vươn lên; Phương pháp giáo dục phải thích hợp và đa dạng; Không khuyên bảo dài lê thê, áp đặt, đánh phạt, sỉ nhục; Tạo bầu khí yêu thương, an toàn cho trẻ. Vai trò người thầy quan trọng vì ảnh hưởng nhiều đến học trò. Chân dung người thầy ‘toàn diện’: Có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm; Phẩm chất kỹ năng nhận thức; Làm chủ bản thân; Yêu thương; Mở trí tìm cái mới; Say mê trách nhiệm; Phản tỉnh.
Trả lời câu hỏi làm sao dạy trẻ về lòng biết ơn, tiến sĩ Tuyên nói có thể dạy trẻ cảm ơn Chúa, cảm ơn nhau. Làm sổ tay ‘biết ơn’ để ghi hằng ngày. Cắt giấy hình trái tim viết lời cảm ơn và những cách tỏ lòng biết ơn sáng tạo khác.
Sau ít phút giải lao, thầy Phạm Tấn Sỹ đã báo cáo đề tài “Một số phương pháp khắc phục một số hành vi lệch chuẩn (HVLC) nơi trẻ em đường phố dựa trên thuyết Maslow”. Với thao thức về thực trạng trẻ đường phố, những nguyên nhân có HVLC và nhu cầu tồn tại cũng như được yêu thương của trẻ, và qua khảo sát trên 67 em từ 13 đến 17 tuổi tại Trung tâm thanh thiếu niên 3, thầy Sỹ đã đưa ra những cách khắc phục HVLC: Nhìn vào bản chất tốt của trẻ; Luôn luôn đồng hành với các em trong mọi hoạt động; Sửa lỗi riêng từng em; Không dùng vũ lực, áp đặt; Tạo môi trường nhân văn: Làm gương mẫu, truyền đạt tư tưởng tích cực, luôn sáng tạo. Qua một thời gian áp dụng thấy trẻ có thay đổi: Không còn khép kín nghi ngại, biết đáp ứng, tin cậy, chia sẻ, nhờ giúp đỡ. Thầy Sỹ kết luận: Trẻ không xấu mà chỉ vì những nhu cầu căn bản của trẻ không được thỏa mãn. Với sự luôn đồng hành yêu thương, trẻ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương lại nhà giáo dục. Thầy đưa ra một kiến nghị: Trẻ cần có một môi trường như gia đình, có trường, có sân chơi với các người thầy như cha mẹ, bạn bè.
Tiếp nối chương trình, thầy Nguyễn Thiên Phong đã trình bày đề tài “Tác động của môi trường âm nhạc đến trẻ chưa ngoan tại Trường dạy nghề Phước Lộc”. Thầy đã được gợi hứng từ việc sử dụng môi trường âm nhạc giúp trẻ qua Lý thuyết Trí Thông Minh Đa Thành Phần của tác giả Howard Gardner. Sau khi tiến hành thực nghiệm trên một nhóm 50 em chơi 6 loại nhạc cụ trong một tháng, âm nhạc đã có tác động tốt đến tâm lý, trí thông minh và thành tích học tập của trẻ. Trẻ đã biết làm việc siêng năng, cẩn thận, phối hợp nhịp nhàng, biết sắp xếp thời gian, không còn bức xúc, biết quan tâm hơn. Thầy Phong đúc kết: khi trí thông minh âm nhạc tăng thì hành vi tích cực tăng, giảm hành vi xấu. Hướng nghiên cứu vài tháng tới của thầy là cho nghe âm nhạc bất cứ lúc nào ngay cả lúc học, lúc ngủ, nếu được phép, để tăng thành tích học tập và thay đổi hành vi.
Trong phần giao lưu, để trả lời câu hỏi nên dùng loại nhạc nào, thầy Phong nói nên dùng nhạc êm dịu của Beethoven, Mozart, Bach .v.v… Giải đáp về việc giúp cho lương tâm của trẻ, thầy Sỹ nói nên gợi cho trẻ kể chuyện, nhắc đến ký ức. Sắp tới sẽ giúp trẻ phương pháp thiền, xét mình, cảm nhận bên trong con người của mình.
Đức Giám mục Giuse đã phát biểu vào phần cuối buổi hội thảo. Ngài cảm ơn các thầy cô đã có tâm huyết, có lòng thao thức giúp cho trẻ. Xã hội hiện nay với đủ thứ: TV, Radio, quảng cáo… kéo trẻ đi theo, nên trách nhiệm của thầy cô có khó hơn nhưng cao thượng hơn. Lý thuyết có thể đi từ tai này qua tai kia, nhưng tình yêu vào tận sâu trong tâm hồn.
Hội thảo kết thúc, các tham dự viên đã cùng chia sẻ một bữa cơm thân mật với Đức cha nơi phòng ăn của Văn phòng HĐGMVN.
Bài & Ảnh: tocngank1