Khoảng 500 người tham dự trong đó có tín đồ Ấn giáo, Baha’i, Phật giáo, Tin lành và những người theo đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo và Minh Lý Thánh Hội. Cuộc hội ngộ có chủ đề “Phúc cho ai có lòng thương xót”.
Sự kiện do Ban Mục vụ đối thoại liên tôn của Tổng giáo phận Sài Gòn tổ chức tại Trung tâm mục vụ hôm 27-10, với sự có mặt của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc của thành phố này và Đức Giám mục Stêphanô Trí Bửu Thiên của Cần Thơ, đặc trách đối thoại liên tôn giáo của các giám mục Việt Nam.
“Mục đích Kitô giáo của cuộc hội ngộ là cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót cùng với tín đồ các tôn giáo khác”, Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, trưởng ban tổ chức, phát biểu với ucanews.com.
Cha Bảo Lộc nói tín đồ các tôn giáo khác nhau đều có chung nhiệt huyết làm công tác từ thiện và đem lòng thương xót đến với người khác. Những người tham dự được mời chia sẻ về các hoạt động từ thiện của họ. Tất cả đều có câu chuyện để chia sẻ: chăm sóc người phong cùi, người cao tuổi neo đơn, bệnh nhân nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, tất cả những người cần được giúp đỡ.
Đạo tỷ Đại Cơ Minh, tín đồ Minh Lý Thánh Hội, tôn giáo kết hợp Phật giáo với thuyết vật linh, chia sẻ có hơn 20 bác sĩ, lương y và tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau làm việc chung với nhau tại phòng khám từ thiện Tam Tông Miếu, chăm sóc hàng chục bệnh nhân nghèo mỗi ngày.
“Chúng tôi làm việc trong sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau vì tất cả chúng ta là con một Cha. Chúng tôi muốn bày tỏ lòng thương xót với tha nhân”, Minh nói.
Đức cha Thiên cho biết tín đồ theo các tôn giáo khác nhau rất nhạy cảm với tình cảnh khốn cùng của đồng loại. “Mặc dù chúng ta thuộc các tôn giáo khác nhau, nhưng chúng ta cùng chung một mái nhà và một dân tộc”, ngài nói và trích một câu tục ngữ Việt Nam: Bầu ơi, thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Đạo tỷ Hồng Phúc thuộc đạo Cao Đài nói bà cảm nhận bầu khí ấm áp của cuộc hội ngộ. “Chúng ta là anh chị em có cùng một Thượng đế trên trời. Chúng ta có cùng nguyện vọng phục vụ tha nhân bằng tình yêu từ Đấng Tạo Hóa. Chỉ có tình yêu quên mình mới có thể giúp con người sống theo Thiên ý và phục vụ nhân loại”, bà nói.
Các tiết mục chính trong cuộc hội ngộ gồm hợp xướng, múa, nhạc kịch, viết thư pháp và thưởng lãm hình ảnh các hoạt động liên tôn giáo.
Những người tham dự còn được nghe tóm tắt về cuộc đời Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, ngài viếng thăm Việt Nam 4 lần trong thời gian từ năm 1991-1995 để lập một tu viện trước khi các nữ tu của ngài bị trục xuất khỏi Việt Nam. Dòng Thừa sai Bác ái do thánh nhân sáng lập làm việc với “người nghèo nhất trong số những người nghèo”. Đức Thánh cha Phanxicô tôn phong thánh cho ngài hôm 4-9 tại Vatican.
Chính quyền cộng sản Việt Nam cho phép tự do tôn giáo trong khuôn khổ hạn chế nghiêm ngặt từ năm 2003.
Cuộc hội ngộ kết thúc với phần đại diện các tôn giáo cầu nguyện cho lòng thương xót, hòa hợp, bác ái và hòa bình trên thế giới theo truyền thống tôn giáo của mình.
Đức Thánh cha Phanxicô công bố “Năm Thánh Lòng Thương Xót” khuyến khích mọi người “có lòng thương xót như Chúa Cha”. Đức Thánh cha Phanxicô còn công bố “Năm Thánh Lòng Thương Xót Ngoại Thường” bắt đầu vào ngày 8-12 năm ngoái nhằm ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và bế mạc vào ngày 20-11, Lễ Chúa Kitô Vua năm nay.
Gần đây Đức Thánh cha Phanxicô thúc giục mỗi người và mọi người hãy làm ít nhất một việc làm thể hiện lòng thương xót mỗi ngày. Mỗi người chỉ cần thực hiện một hành động bác ái đơn giản mỗi ngày để khởi động một cuộc cách mạng và tiêu diệt “vi rút lãnh đạm”, các phương tiện truyền thông trích dẫn lời Đức Thánh cha nói.
Chia sẻ lòng thương xót Chúa không phải là bỏ ra công sức thật to lớn hay thể hiện những hành động “siêu nhân”, ngài nói trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô hôm 12-10.
Nguồn tin: UCAN NEWS