Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam gồm 27 Giáo phận với số giáo dân 7.294.713 người, chiếm tỉ lệ 7,21% trên tổng dân số tại Việt Nam. Hai mươi bảy Giáo phận hiện diện trên khắp mọi miền đất nước với những đặc điểm khác nhau: nông thôn hay thành thị; thuần túy người Kinh hoặc vừa có các tín hữu người Kinh vừa có các tín hữu thuộc dân tộc ít người; tùy theo địa bàn, tỉ lệ người Công giáo cao (10% – 30% dân số) hoặc rất thấp (từ 0,3% – 3%).
Đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, Hội Thánh Việt Nam tích cực tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp Giáo phận. Theo quyết định của Hội đồng giám mục Việt Nam, 27 Giáo phận trên cả nước đã cử hành Thánh Lễ khai mạc vào Chúa nhật I Mùa Vọng, ngày 28/11/2021. Trong suốt tiến trình hiệp hành này, các cộng đoàn tín hữu thường xuyên cầu nguyện cho Thượng hội đồng được tiến hành cách tốt đẹp trong ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Sau giai đoạn thỉnh ý Dân Chúa, các Giáo phận đã làm bản tổng kết của mỗi Giáo phận và gửi về Văn phòng thư ký Hội đồng giám mục ngày 15/7/2022. Dựa trên những tổng kết của các Giáo phận, Văn phòng đã thực hiện bản Tổng hợp toàn quốc này, được trình bày theo ba phần chính, cũng là ba bước của tiến trình hiệp hành: (1) Gặp gỡ; (2) Lắng nghe; (3) Phân định.
Phần I. GẶP GỠ
- Để chuẩn bị cho việc tiến hành Thượng Hội Đồng Giám Mục, các Giáo phận đã hình thành Ban linh hoạt giáo phận và huấn luyện các điều phối viên để phục vụ các buổi gặp gỡ thỉnh ý Dân Chúa. Sau Thánh Lễ khai mạc, Ban linh hoạt phổ biến tài liệu và hướng dẫn học hỏi về Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI để các thành phần Dân Chúa hiểu đúng về bản chất, mục đích và các phương thế thực hiện tiến trình hiệp hành.
- Tiến trình thỉnh ý Dân Chúa được thực hiện qua các buổi gặp gỡ ở nhiều cấp: (1) giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu; (2) giáo hạt và các dòng tu; (3) cuối cùng, Giáo phận tiến hành Hội nghị Tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục để thống nhất các ý kiến chính và đúc kết thành bản tổng kết của Giáo phận. Ngoài những cuộc gặp gỡ trực tiếp trên, nhiều Giáo phận cũng thỉnh ý Dân Chúa qua các phương tiện truyền thông: gặp gỡ trực tuyến hoặc gửi phiếu thỉnh ý đến các tín hữu.
- Nhìn chung, khoảng 35% các tín hữu đã tham gia vào tiến trình gặp gỡ và thỉnh ý. Họ tham gia cách tích cực, nhiệt tình, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, và mong muốn có thêm những cuộc gặp gỡ thỉnh ý trong tương lai. Họ cảm nhận niềm vui khi tham gia tiến trình hiệp hành vì (1) cảm nhận một luồng gió mới đang thổi vào đời sống Hội Thánh; (2) được lắng nghe và góp ý cho việc xây dựng Hội Thánh; (3) cảm nhận mình thuộc về Hội Thánh cách rõ nét hơn.
Trở ngại lớn của tiến trình thỉnh ý là thời gian có hạn, hơn nữa lại trong giai đoạn dịch Covid-19 nên không thể triển khai đầy đủ hơn.
Phần II. LẮNG NGHE
Có thể tóm kết ý kiến của mọi thành phần Dân Chúa theo một số chủ đề sau.
- Hiệp thông
1.1. Hầu hết mọi người cảm nhận và khẳng định tinh thần hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa trong Hội Thánh. Nhiều người ngoài Công giáo cũng đánh giá cao về tinh thần đoàn kết, yêu thương và hiệp nhất của Hội Thánh Công giáo.
1.2. Tuy nhiên cũng có những hoàn cảnh chưa hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh: anh chị em di dân ngoại kiều cũng như nội địa cảm thấy mình bị bỏ rơi vì không được quan tâm, không biết mình thuộc về đâu, đôi khi có cảm giác bị xua đuổi; các đôi hôn phối đã ly dị và tái hôn thấy mình như ở bên lề Hội Thánh; những người khô khan nguội lạnh hoặc vướng vào các tệ nạn xã hội xa lánh những sinh hoạt trong Hội Thánh.
1.3. Về những rào cản cho sự hiệp thông, có những lý do khách quan như vì hoàn cảnh phải sống xa giáo xứ nên không tham gia các sinh hoạt và dần xa cách; cũng có lý do chủ quan như não trạng cục bộ địa phương, mặc cảm tự ti về trình độ hoặc khả năng. Các chủ chăn cũng có phần trách nhiệm về điều này: đa số các chủ chăn luôn sẵn sàng đón tiếp, gặp gỡ, lắng nghe mọi thành phần Dân Chúa, nhưng cũng còn một số linh mục ứng xử cách độc đoán, gia trưởng với giáo dân.
1.4. Trong thời đại ngày nay, các phương tiện truyền thông là phương thế kết nối con người với nhau; tuy nhiên truyền thông cũng có thể bị lạm dụng để gây chia rẽ, hận thù, nghi kỵ, tác động tiêu cực đến đời sống tín hữu. Vì thế cần quan tâm đến đạo đức truyền thông.
- Lắng nghe
2.1. Tham gia tiến trình thỉnh ý là cơ hội để khám phá tầm quan trọng của việc lắng nghe, từ đó nhận ra rằng nghe thì có nhưng lắng nghe với cả khối óc và con tim thì chưa! Lắng nghe những người cùng quan điểm với mình thì dễ nhưng không đem lại nhiều thành quả, cần lắng nghe những ý kiến khác, thể hiện những cách nhìn và cách nghĩ khác, nhờ đó có thể xem xét vấn đề cách toàn diện hơn.
2.2. Những cản trở trong việc lắng nghe là sự chênh lệch tuổi tác, nếp suy nghĩ, giới tính, năng lực, nhất là tính kiêu căng, tự mãn, “cái tôi” quá lớn của mỗi người, cách riêng là những người lãnh đạo. Cần phải dẹp bỏ cái tôi ấy để có thể nghe được tiếng nói của Thánh Thần nhiều khi đang nói qua “những người bé mọn” trong Hội Thánh (x. Mt 11,25).
2.3. Văn hóa Á Đông có khuynh hướng trọng nam khinh nữ, đề cao tôn ti trật tự, do đó cũng là rào cản cho việc lắng nghe nữ giới và những người nghèo trong xã hội và trong Hội Thánh.
- Lời Chúa và Thánh Thể
3.1. Các giáo dân lớn tuổi bày tỏ sự quan ngại về tình trạng nhà thờ ngày càng vắng bóng người trẻ. Tuy số người dự lễ Chúa nhật còn khá đông nhưng lòng yêu mến và sùng kính Bí tích Thánh Thể còn hời hợt, việc tham dự Thánh Lễ chỉ như một bổn phận đạo đức phải thực hiện, chưa có sự nối kết giữa đời sống và mầu nhiệm Thánh Thể được cử hành. Mong các linh mục cử hành Thánh Lễ – nhất là Thánh Lễ Chúa nhật cách sốt sắng, từ lễ phục đến tư thế, thái độ khi dâng lễ.
3.2. Tiến trình hiệp hành giúp các tín hữu cảm nghiệm sâu sắc hơn về việc lắng nghe Lời Chúa, đồng thời nêu lên mối quan tâm về bài giảng lễ của các linh mục. Trong thực tế, với phần đông tín hữu, dự lễ Chúa nhật là cơ hội duy nhất để lắng nghe Lời Chúa, vì thế các linh mục cần chuẩn bị bài giảng cho chu đáo: bám sát Lời Chúa, là hoa trái của suy tư và cầu nguyện, trình bày dễ hiểu và liên hệ thực tế. Được như thế, việc giảng lễ vừa làm phong phú đời sống thiêng liêng của linh mục vừa nuôi dưỡng đời sống đức tin của cộng đoàn.
3.3. Ngoài việc lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Lễ, nhiều gia đình đã có thói quen đọc Lời Chúa trong các giờ kinh tối của gia đình; nhiều người cũng tìm đọc Lời Chúa khi gặp những khó khăn trong cuộc sống hoặc khi phải đưa ra một quyết định quan trọng. Với nhiều tín hữu, Lời Chúa thực sự là lương thực bổ dưỡng và ánh sáng soi đường cho họ.
3.4. Tại các Giáo phận có các dân tộc ít người, Giáo phận đã đẩy mạnh việc dịch Kinh Thánh sang tiếng dân tộc. Đồng thời các linh mục, tu sĩ cố gắng học tiếng dân tộc để có thể lắng nghe người dân và truyền tải Lời Chúa cho họ.
3.5. Các tín hữu rất cần những hướng dẫn cụ thể từ phía Hội Thánh để làm sao vừa cử hành các nghi thức phụng vụ cho đúng, vừa hài hòa với bản sắc văn hóa địa phương. Ước mong có được những hướng dẫn cụ thể trong các lãnh vực phụng tự, văn hóa, thánh nhạc.
- Tham gia: bình đẳng và đồng trách nhiệm
4.1. Phần đông tín hữu cảm thấy vui, vinh dự và hạnh phúc khi được tham gia phục vụ Nhà Chúa. Những buổi gặp gỡ giúp người tín hữu ý thức hơn về sự bình đẳng về phẩm giá cũng như trong hoạt động xây dựng Hội Thánh.
4.2. Các linh mục không nên coi những người tham gia Hội đồng giáo xứ như những người thừa hành, nhưng như những cộng sự viên của các ngài.
4.3. Các dòng tu tích cực tham gia hoạt động mục vụ, tuy nhiên ở một vài nơi, hoạt động mục vụ của các dòng tu chưa thực sự ăn khớp với các hoạt động mục vụ của Giáo phận.
- Phát biểu
5.1. Vẫn có tình trạng giáo dân, tu sĩ, linh mục còn e dè không dám lên tiếng trước cách hành xử độc đoán của bề trên vì sợ bị trù giập. Không dám nói lên sự thật, không dám góp ý với chủ chăn nhưng lại bàn tán với nhau và phê phán sau lưng. Nhiều người ngại phát biểu vì tự ti mặc cảm (về trí thức hoặc đời sống luân lý), hoặc cho rằng mình không có thẩm quyền để góp ý trong những lãnh vực chuyên môn của Hội Thánh.
5.2. Giáo dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở vật chất tại các giáo xứ, tuy nhiên có những nơi quá tập trung vào việc này đến nỗi giáo dân cảm thấy là gánh nặng cho họ.
- Sứ vụ
6.1. Việc loan báo Tin Mừng mới chỉ ngưng ở chỗ “cha truyền con nối”, chưa mạnh dạn vươn ra bên ngoài. Ý thức mỗi Kitô hữu đều là môn đệ thừa sai còn yếu nơi người giáo dân.
6.2. Nhiều lý do để giải thích tình trạng này: Giáo phận chưa thực sự đặt sứ mạng loan báo Tin Mừng lên hàng đầu; thiếu sự gương mẫu trong đời sống một số chủ chăn; kiến thức giáo lý của tín hữu chưa đủ vững nên ngại nói về Chúa; mặc định rằng đây là việc của các giáo sĩ và tu sĩ.
6.3. Để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, thách đố lớn nhất là chính các tín hữu phải thực sự là môn đệ Chúa Kitô và sống Tin Mừng của Ngài. Loan báo Tin Mừng không phải là chiêu dụ tín đồ nhưng là sự chia sẻ và giới thiệu vẻ đẹp của Tin Mừng cho mọi người.
- Dấn thân phục vụ xã hội, bác ái xã hội
7.1. Công tác bác ái xã hội được nhiều người hưởng ứng vì là việc làm phù hợp với Lời Chúa và truyền thống văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên cũng có cảnh báo về nguy cơ làm việc bác ái vì chuộng thành tích, đánh bóng tên tuổi, hoặc làm theo phong trào.
7.2. Ý thức xã hội còn kém. Mong muốn có những buổi chia sẻ về các vấn đề xã hội như Bảo vệ sự sống, Chăm sóc môi trường, Phòng tránh các tệ nạn xã hội, Phòng chống HIV/AIDS.
- Đối thoại
8.1. Đối thoại với các tôn giáo bạn là việc quan trọng và cần thiết, nhưng để có thể đối thoại thực sự, người tín hữu Công giáo phải có nền tảng đức tin và giáo lý vững chắc, cùng với thái độ thể hiện sự tôn trọng các tôn giáo khác.
8.2. Đã có nhiều sáng kiến mục vụ tạo sự gần gũi với lương dân: mời anh chị em lương dân đến tham dự, chia sẻ và giao lưu trong các dịp lễ lớn của Công giáo; thăm viếng các gia đình lương dân trong hoàn cảnh khó khăn.
Phần III. PHÂN ĐỊNH
Lắng nghe tiếng nói của mọi thành phần Dân Chúa trong bầu khí cầu nguyện, chúng tôi cũng lắng nghe tiếng gọi của Thánh Thần Thiên Chúa.
- Về hiệp thông
1.1. Trong thời kinh tế thị trường, di cư để tìm công ăn việc làm là tình trạng phổ biến. Rời bỏ làng quê quen thuộc để hội nhập vào môi trường sống mới là thách thức lớn cho anh chị em di dân. Trong đời sống đức tin cũng thế, nếu không được nâng đỡ và đồng hành, nhiều anh chị em sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi vì không biết mình thuộc về đâu, đôi khi còn có cảm giác bị xua đuổi. Các Giáo phận cần quan tâm đến nhu cầu mục vụ này nhiều hơn và có những hướng dẫn cụ thể cho các linh mục trong việc chăm sóc mục vụ cho anh chị em di dân.
1.2. Với những đôi hôn phối đã ly dị và tái hôn, các mục tử cần có thái độ mục vụ thích hợp, giúp họ cảm nhận mình vẫn là thành viên trong gia đình Hội Thánh. Có Giáo phận đề nghị Hội đồng giám mục nên có hướng dẫn cụ thể để giải quyết cho các đôi hôn phối đã đổ vỡ lâu năm và không thể hàn gắn; quy định rõ về thời gian nhất định mà Hội Thánh cần để đưa ra phán quyết về Bí tích Hôn Phối của đương sự đã đệ đơn xin công bố hôn nhân vô hiệu. Vấn đề là phải làm thế nào để sự đồng hành này vừa không làm giảm bớt giá trị của Tin Mừng về hôn nhân bất khả phân ly, vừa thể hiện lòng thương xót vô biên của Cha trên trời, nhờ đó những người ly dị tái hôn cảm thấy mình không bị loại trừ nhưng vẫn là thành viên sống động trong gia đình Hội Thánh.
1.3. Nhiều gia đình trẻ cho rằng Hội Thánh quá ngặt nghèo về việc tiết chế trong đời sống tình dục vợ chồng, và mong Hội Thánh cảm thông cho họ khi phải dùng đến những phương pháp tránh thai nhân tạo như một phương thế chẳng đặng đừng để gìn giữ hạnh phúc gia đình.
1.4. Chính các giám mục, linh mục, tu sĩ phải là những người đi bước trước và nêu gương về sự hiệp thông. Các giám mục nên chủ động đến với các linh mục để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các linh mục, nhờ đó các linh mục cảm nhận sự gần gũi với giám mục. Giáo dân mong muốn các linh mục sống khó nghèo và giản dị, gần gũi với mọi người, nhất là người nghèo và những hoàn cảnh bất hạnh. Cản trở lớn nhất của hiệp thông là “cái tôi” quá lớn của mỗi người, nhất là những người lãnh đạo. Vì thế lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29) cần thiết hơn bao giờ trong một Hội Thánh hiệp thông.
1.5. Hiện nay các tín hữu người dân tộc có tỉ lệ khá đông trong tổng số giáo dân Việt Nam, vì thế Hội đồng giám mục Việt Nam nên nhắc tới họ trong các Thư Mục Vụ, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động chung của Hội Thánh và thi hành sứ vụ cách nhiệt thành hơn.
- Về tham gia
2.1. Đại hội Dân Chúa 2010 kêu gọi mọi tín hữu Việt Nam: “Chúng ta nên mạnh dạn và nhanh chóng rời bỏ những cách hành xử “bao cấp” hay “quan liêu”, theo kiểu giáo sĩ cung ứng tất cả mọi sự, giáo dân phải lệ thuộc giáo sĩ, để xây dựng một Hội Thánh tham gia”. Lời kêu gọi ấy vẫn còn mang tính thời sự. Hơn ai hết, những người có trách nhiệm lãnh đạo trong Hội Thánh cần tránh thái độ trịch thượng và lạm quyền, biết khiêm tốn lắng nghe nhiều hơn.
2.2. Các cộng đoàn Hội Thánh cơ bản là phương thế hữu hiệu để mời gọi và cổ võ sự tham gia vì là những nhóm nhỏ cùng một địa phương, ở đó mọi người dễ dàng gặp gỡ nhau, lắng nghe nhau, chia sẻ Lời Chúa, và cùng nhau phân định thánh ý Thiên Chúa trong hoàn cảnh sống cụ thể. Vì thế nơi nào có thể, nên thúc đẩy việc hình thành các cộng đoàn trên trong mối hiệp thông với các cha xứ tại địa phương.
2.3. Để diễn tả và cổ võ sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa vào sứ vụ của Hội Thánh, phải chăng Hội Thánh nên trao tác vụ đọc sách và giúp lễ cho các nữ tu hoặc các tín hữu nữ xứng hợp? Cũng nên cổ võ sự tham gia của người nữ vào những cơ cấu như Hội đồng giáo xứ.
- Về sứ vụ
3.1. Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc nhớ mọi Kitô hữu đều là môn đệ thừa sai, tuy nhiên ý thức này còn yếu kém nơi các tín hữu, họ coi việc loan báo Tin Mừng là việc của các giáo sĩ và tu sĩ. Vì thế cần vun trồng ý thức này nơi các tín hữu để họ làm chứng cho Tin Mừng ngay trong môi trường sống và làm việc hằng ngày. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến giới giáo chức và giới y tế Công giáo. Tại Việt Nam, Hội Thánh không có các cơ sở giáo dục, y tế, tuy nhiên rất nhiều tín hữu Công giáo đang làm việc trong lãnh vực này với tư cách là thầy cô giáo, bác sĩ, nhân viên y tế. Nếu các tín hữu này thực sự ý thức mình là các môn đệ thừa sai, chứng từ của họ trong môi trường làm việc sẽ là cơ hội rất tốt để giới thiệu vẻ đẹp của Tin Mừng.
3.2. Nhiều tân tòng không còn thực hành đức tin sau khi chịu Phép Rửa, nhất là những người nam chịu Phép Rửa để kết hôn. Vì thế cần có sự chuẩn bị chu đáo trước khi chịu Phép Rửa, đồng thời cần có sự đồng hành với các tân tòng sau khi được rửa tội.
3.3. Để phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng, một số Giáo phận đã có chương trình đào tạo các tác viên truyền giáo: huấn luyện về giáo lý đức tin, về sứ vụ, về cách ứng xử khi đến với lương dân. Tại một vài Giáo phận khác, các linh mục mời gọi tu sĩ và giáo dân hình thành các nhóm truyền giáo, cùng nhau cầu nguyện, thăm viếng các gia đình lương dân trong địa bàn và giúp đỡ họ khi cần thiết. Đây là những việc làm rất tốt và cần được nhân rộng ra nhiều nơi.
3.4. Sống trong xã hội đa tôn giáo và Công giáo chỉ là thiểu số, kinh nghiệm dạy chúng ta rằng đối thoại bằng cuộc sống là cuộc đối thoại thường xuyên và hiệu quả nhất với các tôn giáo khác. Tương tự như thế, trong tương quan với xã hội dân sự, dù vẫn tồn tại những thành kiến từ cả hai phía, Hội Thánh luôn mong muốn đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành nhằm phục vụ ích chung của cộng đồng xã hội.
3.5. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, việc vận dụng phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng là đòi hỏi cần thiết, nhờ đó có thể đồng hành và lắng nghe tiếng nói giáo dân, kịp thời thông tin và hướng dẫn đời sống đức tin, giới thiệu vẻ đẹp của Tin Mừng. Để đạt mục đích này, cần gây ý thức và đào tạo các tín hữu về đạo đức truyền thông.
3.6. Ơn gọi linh mục, tu sĩ tại Việt Nam còn phong phú. Hội Thánh Việt Nam nên nghĩ đến việc gửi các linh mục, tu sĩ đến các vùng miền còn thiếu linh mục, vừa để đền ơn các thừa sai xưa kia đem Tin Mừng đến Việt Nam, vừa để phục vụ nhu cầu của Hội Thánh hoàn vũ trong thời đại hiện nay.
KẾT LUẬN
Nhìn lại tiến trình thực hiện Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận, chúng tôi rút được những bài học bổ ích cho đời sống và sứ vụ của Hội Thánh tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên mọi thành phần Dân Chúa trong các Giáo phận được thỉnh ý và đóng góp ý kiến, vì thế đây là dịp quý báu để mỗi Giáo phận có cái nhìn tổng quan và chính xác về tình hình Giáo phận, những ước mong của các thành phần Dân Chúa, từ đó có thể đưa ra những định hướng thích hợp cho tương lai. Nhiều Giáo phận có kế hoạch phổ biến bản Tổng kết của Giáo phận để mọi người biết và cùng nhau thực hiện.
Chúng tôi xem tiến trình Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận là cuộc thao luyện thiêng liêng, và “gặp gỡ – lắng nghe – phân định” là những bước căn bản của linh đạo hiệp hành, làm nên một cách thế hiện diện mới của Hội Thánh. Vì thế việc tổng kết tiến trình này không phải là sự kết thúc nhưng đúng hơn là sự khởi đầu một hành trình mới. “Hiệp hành” phải là một lối sống cần được kéo dài chứ không chỉ là khẩu hiệu phong trào hoặc kế hoạch mang tính thời vụ. Hi vọng rằng với linh đạo hiệp hành, chúng tôi sẽ cùng nhau sống và vun đắp ngày càng rõ nét hơn hình ảnh Hội Thánh hiệp hành, một Hội Thánh của hiệp thông và tham gia để phục vụ sứ mạng Đức Kitô trao phó cho chúng ta.
Ngày 10 tháng 08 năm 2022
Văn phòng thư ký HĐGMVN
WHĐ (15.8.2022)