Bạn Hồng Trang thân mến,
Chúng ta vẫn thấy nhiều gia đình treo rất nhiều ảnh tượng như thế, nhất là gia đình bắc di cư khu toàn tòng. Họ thấy hình nào đẹp hay mua về từ những nơi hành hương đâu đó thì treo hết cả ra ngoài phòng khách. Chính vì thế các anh em Tin Lành cũng có lý khi họ nói người Công giáo chỉ biết thờ ngẫu tượng! Chúng ta cũng thông cảm vì ông bà ta trước kia không có nhiều kiến thức về giáo lý, cũng như thói quen của người dân thường chạy theo các vị thánh hơn là đến với Chúa và Mẹ Maria. Vì thế, phòng khách của một số gia đình trở nên như phòng nhiếp ảnh vậy!
Nói về chứng nhận phép lành của tòa thánh (có nơi gọi là bằng Phép lành), đó là giấy có chữ ký của Giám mục phụ trách trong văn phòng xin ơn phúc lành của Đức Giáo Hoàng (dĩ nhiên với sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng). Phép lành, Benedictio (hay blessing), là lời cầu xin Chúa chúc lành và ban ơn cho các tín hữu. Mọi tín hữu đều có thể cầu xin Chúa chúc lành cho bản thân và tha nhân, dựa trên mầu nhiệm ”các thánh thông công”. Theo lịch sử, việc chúc lành đã có trong Cựu Ước, với sự chúc lành của Thiên Chúa cho dân ngài, cho đến thời Tân Ước và dến ngày nay trong Giáo Hội. Nếu mọi tín hữu đều có thể chúc lành cho nhau, như bên Tây phương, chúng ta thường hay nghe tín hữu chúc lành cho nhau như “God bless you,” hay “God bless.” Người Việt chúng ta thì không có thói quen ấy. Còn sự chúc lành của những vị được Chúa chọn làm mục tử như Đức Giáo Hoàng, giám mục, linh mục càng có sức mạnh hơn nữa.
Lời chúc lành hay phép lành của Đức Giáo Hoàng được gọi là Phép lành Tòa Thánh. Linh mục cũng có thể ban phép lành tòa thánh, nhưng theo quy định của Giáo Luật (ví dụ lễ mở tay linh mục đầu tiên, cho người hấp hối, nguy tử). Việc ban phép lành của Đức Giáo Hoàng, giám mục, hay linh mục là như nhau vì đó chỉ là á bí tích.
Muốn có được giấy chứng nhận này, bạn có thể viết thư thẳng tới Đức Giám mục Oscar Rizzato ở Vatican, kèm theo giấy chứng nhận hạnh kiểm do cha sở, hoặc cha bề trên dòng nếu là tu sĩ. Sau đó, ngài sẽ chuyển đến giám mục đặc trách việc xin ơn phúc này của Đức Giáo Hoàng, và chính ngài sẽ ký, chứ không phải là Đức giáo hoàng ký. Còn khi bạn đến Rôma hành hương, bạn có thể ghé 1 trong 30 của hàng bán ảnh tượng để nhờ các tiệm quanh đền thánh Phêrô viết giấy chứng nhận Phép lành Tòa thánh và đưa vào trong văn phòng ấy của Vatican để xin chữ ký (của giám mục phụ trách) và sau 10 ngày sẽ được nhận lại. Ngoài các cửa hàng ấy, còn có các Dòng kín chiêm niệm nữ cũng đảm nhận việc viết giấy chứng nhận phép lành này.
Giấy chứng nhận phép lành này là sự chứng tỏ việc ban phép lành của Đức Thánh Cha thật sự thông qua văn phòng của ngài tại tòa thánh Vatican. Khi bạn mua (trả chi phí cho giấy, bút, thuê người viết, vẽ… chứ không phải mua giấy chứng nhận này, vì ơn thánh không thể mua bán) giấy chứng nhận Phép lành tòa thánh, có nghĩa là bạn cũng đang giúp và đóng góp vào việc từ thiện. Số tiền (khoảng 10 đô Mỹ) một tờ giấy này sẽ chi trả cho những người làm việc trong văn phòng Vatican, số tiền còn lại sẽ sung vào quỹ cho người nghèo khổ mà tòa thánh thực hiện.
Việc treo giấy này chỉ cho thấy bạn hãnh diện khi được Đức Giáo Hoàng ban phép lành mà thôi, chứ không là bảo chứng ân xá hay toàn xá cho bạn. Thông thường chúng ta đề cao địa vị của Đức Giáo Hoàng, và cho rằng phép lành ấy là hơn tất cả các phép lành của giám mục hay linh mục. Thực sự, phép lành được ban ra đều như nhau (á bí tích, hay phụ tích). Thiên Chúa đã ban cho các linh mục quyền mở kho tàng của trái tim Ngài và đổ vào đó một cơn mưa hồng ân trên các linh hồn. Khi linh mục ban phép lành là chính Thiên Chúa ban. Bởi phép lành của Thiên Chúa qua linh mục (hay Đức Giáo Hoàng, Giám mục), bạn sẽ nhận được hồng ân yêu mến, sự mạnh của chịu đựng sự đau khổ và sự cứu giúp cho thân xác và linh hồn. Dĩ nhiên, bạn phải mở lòng và đón nhận phép lành thì phép lành ấy mới sinh ơn ích cho bạn (sự cộng tác từ hai phía: một phía ban tặng, phía còn lại mở lòng đón nhận với ý muốn tốt lành và muốn trở nên tốt hơn).
Mỗi ngày chúng ta vẫn được ban phép lành qua linh mục chủ tế cuối Thánh Lễ. Ơn ích vẫn tuôn đổ xuống cho loài người, nhưng ngày nay có lẽ càng ngày ít tín hữu yêu chuộng và đón nhận phép lành từ tay linh mục. Khi chúng ta chết đi, chúng ta mới hiểu việc ban phép lành (của Giáo hoàng, Giám mục, và linh mục) tuyệt vời và có giá trị như thế nào khi ơn Chúa ào ạt đổ xuống.
Lm. Khất Tuệ