Học hỏi Phúc âm lễ Vọng Phục sinh năm C (Lc 24,1-12)

Bạn nghĩ gì về thái độ theo Chúa của các phụ nữ? Bạn học được gì từ tấm gương của họ? Bạn đã mừng lễ Phục sinh nhiều lần, nhưng niềm tin vào Chúa phục sinh đã có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của bạn?

PHÚC ÂM: Lc 24,1-12

1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. 2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. 3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả. 4 Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. 5 Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói : “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? 6 Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, 7 là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”

8 Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. 9 Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. 10 Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. 11 Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.

12 Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Đọc Luca 8,1-3; 23,49.55; 24,1-11.22-24. Bạn nghĩ gì về các phụ nữ vùng Galilê đã đi theo Đức Giêsu?

2. Tại sao các bà đợi sáng ngày thứ nhất mới ra viếng mộ? Họ ra viếng mộ để làm gì? Đọc Lc 23,56; 24,1.

3. Điều gì đã xảy ra khiến họ hoang mang? Đọc Lc 23, 55; 24,3-4; 24,23.

4. Hai người đàn ông họ thấy trong mộ là ai? Đọc Lc 24,23. Đọc Sáng thế 18,2; 19,1-3. Y phục của họ giống y phục của ai? Đọc Lc 9,29. Nhiệm vụ của họ là gì?

5. Đọc Lc 9,18-22.44-45; 18,31-33. Đây là ba lần Đức Giêsu báo trước cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Theo bạn, các bà có được nghe những lời tiên báo này không?

6. Đọc Lc 24,6-8. Theo lời hai vị thiên sứ, các bà có được nghe những lời tiên báo này không? Tại sao họ nghe được?

7. Đọc Lc 24,9-10. Các bà loan báo những sự việc gì cho Nhóm Mười Một tông đồ?

8. Theo bạn, câu nào trong bài Phúc âm này là câu quan trọng hơn cả? Tại sao?

GỢI Ý SUY NIỆM

Bạn nghĩ gì về thái độ theo Chúa của các phụ nữ? Bạn học được gì từ tấm gương của họ? Bạn đã mừng lễ Phục sinh nhiều lần, nhưng niềm tin vào Chúa phục sinh đã có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của bạn?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Luca 8,1-3 cho thấy cùng đi loan báo Tin Mừng với Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai, có “các phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật (Lc 8,2). Các bà này ở vùng Galilê, trong đó có bà Maria Mác-đa-la, bà Gioanna, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các phụ nữ được nhắc tên ở Lc 8,2-3 sau này cũng được nói ở Lc 24,10. Họ là những người đã theo Thầy lên Núi Sọ, đã chứng kiến từ xa Đức Giêsu chịu đóng đinh, chịu chết, và đã đến gần dự lễ an táng Thầy (Lc 23,49.55). Họ cũng là những người đầu tiên ra thăm mộ Đức Giêsu vào ngày thứ nhất trong tuần và sau đó đi báo tin cho Nhóm Mười Một (Lc 24,1-11). Nói chung các phụ nữ vùng Galilê này có lòng biết ơn và yêu mến Đức Giêsu đặc biệt. Họ thật là những người môn đệ đi theo Đức Giêsu.                                                                                                                                                                  

2. Sau khi an táng Thầy nơi phần mộ, các phụ nữ trở về nhà để chuẩn bị hương liệu và dầu thơm nhằm xức xác Chúa (Lc 23,55-56). Điều đó cho thấy xác Chúa được chôn hơi vội vàng. Nhưng vì hôm sau là ngày sa-bát, theo Luật không được phép đi bộ quá khoảng một cây số, nên các bà phải đợi thêm một ngày nữa. Đến tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần (tức sáng Chúa nhật) họ mới ra thăm mộ cùng với hương liệu để ướp xác (Lc 24,1).

3. Vào chiều thứ sáu, sắp qua thứ bảy, các phụ nữ vùng Galilê đã dự lễ an táng Thầy. Họ đã để ý nhìn ngôi mộ và xem thi hài Thầy mình được đặt như thế nào (Lc 23,55). Nhưng khi ra thăm mộ vào sáng ngày thứ nhất (sáng Chúa nhật), họ hết sức hoang mang vì thi hài Thầy không còn đó (Lc 24,3-4; 24,23). Mất thi hài của Thầy là điều nghiêm trọng, vì là mất đi dấu tích cuối cùng của người mà họ quý yêu. Họ có thể bối rối đặt câu hỏi: ai đã đánh cắp thân xác Thầy, và đánh cắp để làm gì?

4. Khi vào mộ, các bà thấy hai người đàn ông với y phục sáng chói đứng bên họ khiến họ sợ hãi (Lc 24,4). Họ coi hai vị này là các thiên thần hay thiên sứ (Lc 24,23). Các thiên thần hiện ra thường có dáng vẻ giống con người (Sáng thế 18,2; 19,1-3). Y phục của hai vị thiên thần “sáng chói” trong bóng tối của ngôi mộ. Y phục này cũng giống y phục sáng chói của Đức Giêsu lúc được hiển dung (Lc 9,29). Hai vị thiên thần này có nhiệm vụ giải thích cho các bà về việc tại sao xác Đức Giêsu không còn nằm trong mộ. Cả hai vị cùng làm chứng, nên lời chứng của họ đủ điều kiện để được coi là xác thực.                                                                                                         

5. Đức Giêsu tiên báo cuộc Khổ nạn của mình ba lần (Lc 9,18-22.44-45; 18,31-33). Ngài tiên báo cho các môn đệ (Lc 9,18.43), cho “các ông” (ở giống đực số nhiều). Đặc biệt ở lần thứ ba (Lc 18,31), Đức Giêsu chỉ nói riêng với Nhóm Mười Hai về cuộc Khổ nạn và Phục sinh của mình. Bởi đó tuy các phụ nữ đi theo Đức Giêsu, nhưng rất có thể họ đã không được trực tiếp nghe các lời tiên báo này từ miệng Ngài.

6. Tuy nhiên khi đọc Lc 24,6, ta lại thấy các thiên sứ nói: “Các bà hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê” về cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Vậy ta có thể hiểu là sau khi nghe Đức Giêsu tiên báo về số phận tương lai của mình, các môn đệ đã chia sẻ lại cho các phụ nữ mà họ coi như “những người trong nhóm”  (Lc 24,22). Bởi đó, các phụ nữ này được coi như đã nghe về cuộc Khổ nạn trực tiếp từ chính Đức Giêsu. Sau khi nghe lời hai vị thiên sứ nói thì các bà nhớ lại (Lc 24,8). Sau này Chúa Giêsu phục sinh cũng giúp cho Nhóm Mười Một tông đồ và các môn đệ khác nhớ lại điều Ngài đã nói (Lc 24,44-45).

7. Sau khi nhớ lại lời tiên báo của Đức Giêsu, các bà đã đi báo cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả chuyện đã xảy ra với họ ngoài mộ lúc sáng sớm (Lc 24,9-10), trong đó có những chuyện quan trọng như sau: thi hài Đức Giêsu không còn ở đó nữa, có hai vị thiên sứ báo tin mừng về việc Đức Giêsu đã được trỗi dậy rồi, Ngài đã sống lại và đang sống (Lc 24,3-7). Các bà đã tin vào lời các vị thiên sứ, còn các ông vẫn không tin vào lời làm chứng của các bà (Lc 24,11.23-24). Riêng Phêrô thì chỉ kinh ngạc về những sự việc xảy  ra trong ngôi mộ chứ không đi báo cho ai (Lc 24,12).

8. Câu quan trọng của bài Phúc âm này là lời của hai vị thiên sứ loan báo Tin Mừng Phục sinh cho các bà: “Tại sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không có ở đây, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24,5-6). Các bà ra mộ để xức thuốc thơm cho xác của Thầy Giêsu, nhưng bây giờ Thầy đâu còn nằm trong phần mộ, đâu còn ở giữa cõi âm của người chết. Thầy là người Đang Sống. Các bà đã tìm sai địa chỉ rồi. Hai thiên sứ còn chỉ cho các bà chỗ đặt thi hài của Thầy và nói: Thầy không ở đây nữa, vì Thầy đã được sống lại rồi. Như thế mất xác Thầy không phải là một tin buồn. Đó là dấu hiệu của Tin Vui. Không có ai đánh cắp xác Thầy. Thầy không còn nằm ở đây chỉ vì Thầy đã sống lại và đang sống. Hãy đi gặp Thầy ở chỗ khác. Hương liệu và dầu thơm dành để xức xác Thầy bây giờ trở nên không cần nữa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*