

Dẫn nhập
Bản Báo cáo Tổng hợp (Synthesis Report) khóa họp thứ nhất (4-29/10/2023) của Thượng Hội đồng Giám mục Thế Giới lần thứ 16 xác nhận rằng, “Giáo hội luôn được hưởng lợi từ hồng ân các đặc sủng, từ đặc sủng phi thường nhất đến đặc sủng đơn sơ nhất. Qua chúng, Chúa Thánh Thần làm trẻ hóa và đổi mới Giáo hội.” Bên cạnh việc nhìn nhận những đặc sủng “được thể hiện nơi những hình thức phong phú và đa dạng của đời sống thánh hiến,” Bản Báo cáo cũng nhìn nhận “những hạt giống canh tân trong các cộng đồng có lịch sử lâu đời đã nở rộ thành các cộng đồng giáo hội mới.”
Các hiệp hội giáo dân, các phong trào giáo hội và các cộng đồng mới là dấu chỉ quý giá cho thấy sự trưởng thành về tinh thần đồng trách nhiệm của tất cả những người đã được rửa tội. Họ có giá trị đặc biệt vì kinh nghiệm của họ trong việc thúc đẩy sự hiệp thông giữa các ơn gọi khác nhau, động lực họ loan báo Tin Mừng, sự gần gũi của họ với những người bên lề về mặt kinh tế và xã hội cũng như qua việc họ cổ vũ công ích. Họ thường là những mẫu mực về sự hiệp thông hiệp hành và sự tham gia vào sứ mệnh.
Sau khi trình bày những nét tích cực của các thực thể giáo hội mới, Bản Báo cáo đề nghị rằng, “Ở bình diện các giáo hội địa phương riêng lẻ cũng như các nhóm của các giáo hội, việc cổ vũ tính hiệp hành truyền giáo đòi hỏi phải thành lập và tổ chức các hội đồng và cơ quan tư vấn, tại đó các đại diện của các hiệp hội giáo dân, các phong trào giáo hội và các cộng đồng mới có thể gặp nhau để thúc đẩy những mối quan hệ lâu dài giữa cuộc sống và công việc của họ và của các giáo hội địa phương.” Để có thể đáp ứng đề nghị của Thượng Hội đồng, thiết nghĩ chúng ta cần hiểu rõ về các thực thể giáo hội mới; bài viết này muốn tham gia vào công việc này.
Theo quan điểm của giáo luật, các phong trào và cộng đồng thuộc về phạm trù rộng, được gọi là “các hiệp hội của các tín hữu.” Tuy nhiên, Văn thư Iuvenescit Ecclesia nói về các thực thể này như là “các hiệp hội tín hữu”, “các phong trào giáo hội” và “các cộng đồng mới”. Trong bài viết này, cụm từ “các phong trào giáo hội” (ecclesial movements) được sử dụng để mô tả tất cả những thực thể này; đây là cụm từ chung để chỉ những nhóm và hiệp hội phát sinh trong Giáo hội, hầu hết là từ thế kỷ XX, “để nhấn mạnh tính mới mẻ, năng động, tự phát và một phẩm chất đặc sủng nào đó trong cách họ được thành lập và cách họ thực hiện công việc của mình.” Lần lượt, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của các phong trào giáo hội, về quyền thành lập và tham gia của các thực thể này cũng như về vị trí của chúng trong Giáo hội, về những tham gia và đóng góp của chúng cũng như những căng thẳng trong Giáo Hội do sự hiện diện của chúng gây nên, và cuối cùng về những phương thế có thể xoa dịu những căng thẳng này.
Các phong trào giáo hội
Công đồng Vatican II đã khởi xướng những thay đổi mang “tính cách mạng” trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Khi bắt đầu Công đồng, Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã mời gọi toàn thể Giáo hội cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Giáo hội và ban cho Giáo hội một Lễ Hiện Xuống mới. Một trong những thay đổi lớn lao là Công đồng đã tái khám phá chiều kích đặc sủng của Giáo hội, nhìn nhận vai trò của các đặc sủng trong đời sống các tín hữu, mà phần lớn đã bị thần học Công giáo lãng quên. Lumen Gentium 12 là một trong những bản văn của Công đồng nói rõ ràng về các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần luôn ban cho các tín hữu theo ý muốn của Người.
Trong bản văn này, theo Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong suốt Công đồng Vatican II, Giáo hội đã “tái khám phá chiều kích đặc sủng như một trong những yếu tố cấu thành,” cùng hoạt động với chiều kích thể chế của mình. Cả hai chiều kích này “đều thiết yếu đối với sự cấu thành thần linh của Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập, bởi vì cả hai đều giúp làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô và công trình cứu độ của Người hiện diện trên thế giới.” Hai chiều kích này hoạt động, theo những cách khác nhau, để xây dựng Giáo hội, thúc đẩy Giáo hội canh tân và cổ võ việc thánh hóa dân Chúa. Chính từ sự tái khám phá về chiều kích đặc sủng này mà chẳng bao lâu sau Công đồng, các phong trào giáo hội đã phát triển mạnh mẽ và được cho là “một trong những hoa trái quan trọng nhất của mùa xuân trong Giáo hội, đã được Công đồng Vatican II tiên báo.” Cũng cần phải nói thêm rằng một số trong những phong trào này đã bắt đầu trước Công đồng Vatican II. Nói cách khác, sự xuất hiện của các phong trào trong Giáo hội không chỉ là một hiện tượng của thời đại hôm nay. Trong suốt lịch sử Giáo hội, để đáp ứng những nhu cầu của thời đại, Chúa Thánh Thần đã khơi dậy từ những tín hữu giáo dân, nhiều cộng đồng, hiệp hội, phong trào đa dạng vào các thời điểm khác nhau.
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Sứ điệp gửi Đại hội Thế giới các Phong trào Giáo hội và Cộng đồng mới, diễn tả phong trào là “một thực tại giáo hội cụ thể với thành viên chủ yếu là giáo dân, một hành trình đức tin và chứng tá Kitô giáo, đặt phương pháp sư phạm của mình dựa trên một đặc sủng chính xác được ban cho bản thân vị sáng lập trong những hoàn cảnh và cách thức cụ thể.” Tương tự như thế, Đức hồng y Joseph Ratzinger, sau khi đưa ra những phân biệt thú vị giữa “phong trào, trào lưu và hoạt động,” đã kết luận rằng “các phong trào thường bắt nguồn từ một nhà lãnh đạo có tính đặc sủng và hình thành trong các cộng đoàn cụ thể, được truyền cảm hứng từ cuộc sống của người sáng lập; họ cố gắng sống lại toàn bộ Tin Mừng, và không do dự nhìn nhận Giáo hội như là nền tảng cho đời sống của họ, mà nếu không có thì họ không thể tồn tại.”
Trong cuốn New Ecclesial Movements, Tony Hanna mô tả các phong trào giáo hội là “các nhóm, chủ yếu bao gồm giáo dân, nhưng cũng có cả giáo sĩ và tu sĩ, đang nỗ lực sống một đời sống tôn giáo đầy nhiệt huyết trong cộng đồng và canh tân đức tin trong Giáo hội.” Để giải thích rõ hơn những đặc thù của các phong trào giáo hội này, Hanna phân biệt chúng với các dòng tu, tu hội và với các nhóm tự phát.
[Các phong trào giáo hội] khác với các dòng tu truyền thống và các hình thức hiện đại của các dòng tu, vì không được thành lập dựa trên một đời sống với những lời vĩnh khấn, các phong trào có ít yếu tố thể chế và luật lệ. Các phong trào này có một số điểm tương đồng với các tu hội đời… nhưng có xu hướng không bị cấu trúc chặt chẽ. Cụm từ ‘phong trào’ là thích hợp vì nó ngụ ý rất rõ về hình thức linh hoạt của các cộng đồng. Tuy nhiên, các phong trào có cấu trúc hơn và cam kết hơn so với các nhóm được thành lập một cách tự phát.
Qua những quan điểm trên, có thể thấy rằng vì là những biểu hiện của các đặc sủng của Chúa Thánh Thần nên các phong trào giáo hội cũng rất đa dạng. Các nhóm đa dạng này có một số đặc điểm chung nhất định. Từ những đặc điểm chung nhất định này, có thể đưa ra một bản tóm tắt về một phong trào giáo hội. Với một vài ngoại lệ, mọi phong trào giáo hội đều có:
– vị sáng lập có đặc sủng đặc biệt đã khai sinh ra phong trào
– thành phần chủ yếu, nhưng không độc nhất, là giáo dân
– tính giáo hội và biểu hiện cộng đồng
– những giáo huấn và phương pháp để củng cố đặc sủng của phong trào
– một cam kết rõ ràng cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng
– mối tương quan với thẩm quyền của Giáo hội
– với những hình thức đa dạng, tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội trong hình thức hoạt động tông đồ nhóm.
Nhìn chung, trong suốt lịch sử Giáo hội, Chúa Thánh Thần đã khơi dậy những dòng đan tu, tu hội, hiệp hội, phong trào. Tất cả đã hoạt động rất nhiệt tình, đắc lực và tiếp nối liên tục cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, để đáp ứng những nhu cầu cụ thể của thời đại hôm nay, bên cạnh các nhóm truyền thống, những phong trào giáo hội mới đã xuất hiện, một số trong những nhóm này bắt nguồn từ những nhóm truyền thống, nhưng lại có bộ mặt và mục đích riêng. Các phong trào giáo hội mới rất khác nhau về nhiều khía cạnh: cấu trúc, linh đạo, việc đào tạo, đặc sủng, hoạt động tông đồ, nhưng “tất cả đều hiệp nhất trong cùng một sự hiệp thông và cho cùng một sứ mệnh.”
Quyền thành lập và tham gia các phong trào giáo hội
Công đồng Vatican II trong Sắc lệnh về hoạt động tông đồ giáo dân, Apostolicam Actuositatem, đã khẳng định: “Người giáo dân có quyền thành lập và điều hành các hiệp hội, hoặc ghi danh vào các hiệp hội đang hoạt động, với điều kiện không được tách rời khỏi giáo quyền.” Theo sau Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, Bộ Giáo luật 1983 cũng công nhận rằng “Các tín hữu có quyền tự do thiết lập và điều khiển các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoặc nhằm cổ võ ơn gọi của người Kitô trong thế giới; họ cũng có quyền nhóm họp để cùng nhau theo đuổi đạt tới các mục đích đó.” Tuy nhiên, “không một hiệp hội nào được mang danh là công giáo nếu không được sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội.”
Lặp lại huấn giáo của Vatican II và của Giáo luật 1983, Tông huấn Christifideles Laici đi xa hơn khi khẳng định rằng việc hình thành những hiệp hội như vậy thể hiện “bản tính xã hội của con người” và cũng là “một dấu chỉ của sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo hội Chúa Kitô.” Nền tảng của quyền này, vì thế, vừa mang tính nhân học vừa mang tính giáo hội học. Tông huấn nhấn mạnh rằng quyền tự do của các tín hữu trong việc thành lập và điều hành các hiệp hội hoặc phong trào như vậy trong Giáo hội “là một quyền đích thực và thích hợp, không phải là một hình thức ‘nhân nhượng’ nào của giáo quyền, nhưng là hiệu quả đương nhiên của phép Rửa Tội. Là một bí tích, phép Rửa Tội kêu gọi các tín hữu giáo dân phải tích cực tham gia vào sự hiệp thông và sứ mệnh của Giáo hội.” Tông huấn kết luận rằng: “Đây là vấn đề về một quyền tự do phải được thẩm quyền của Giáo hội thừa nhận và bảo đảm, đồng thời luôn luôn, và chỉ được, thực thi trong sự hiệp thông của Giáo hội. Do đó, quyền thành lập các nhóm của người tín hữu giáo dân, về cơ bản, liên quan đến đời sống hiệp thông và sứ mệnh của Giáo hội.”
Điều này có nghĩa là các hiệp hội và phong trào giáo hội có thể, và thực sự, được hưởng quyền tự trị, cả về đời sống thiêng liêng lẫn hoạt động tông đồ của họ. Theo Giáo luật, trong Giáo hội, các hiệp hội được chia thành hiệp hội công và hiệp hội tư. Chỉ những hiệp hội được cơ quan có thẩm quyền thành lập, và cho phép thành lập, hợp pháp mới được gọi là “hiệp hội công.” Còn các hiệp hội được thành lập theo thỏa thuận cá nhân giữa các thành viên tín hữu thì được gọi là “hiệp hội tư.” Đối với các hiệp hội tư, Giáo luật dạy rằng, “Không một hiệp hội tư nào của tín hữu được thừa nhận trong Giáo hội, nếu nội quy của Hiệp hội không được duyệt y do nhà chức trách có thẩm quyền.”
Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong Văn thư Iuvenescit Ecclesia, dạy rằng, “Tuỳ theo các đặc sủng đa dạng của mình, các tín hữu thuộc những bậc sống khác nhau (giáo dân, thừa tác viên có chức thánh và tu sĩ) có thể tham gia vào những thực tại tập hợp này [các phong trào giáo hội]; nhờ đó biểu lộ sự phong phú đa dạng của sự hiệp thông giáo hội.”
Vị trí của các phong trào giáo hội trong Giáo hội
Trong bài chia sẻ với nhan đề “Các phong trào giáo hội: Một suy tư thần học về vị trí của chúng trong Giáo hội,” tại Đại hội Thế giới về các Phong trào Giáo hội do Hội đồng Giáo hoàng về Giáo Dân tổ chức (27-29/5/1998), Đức hồng y Joseph Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Đức tin đã đưa ra câu hỏi: “Làm thế nào để xác định chính xác vị trí thần học của các phong trào giáo hội trong tính liên tục của cơ cấu thể chế của Giáo hội?” Để trả lời câu hỏi này, trước tiên Đức hồng y đã thảo luận về “phép biện chứng của những nguyên tắc”, cụ thể là phép biện chứng giữa thể chế và đặc sủng, Kitô luận và Thần Khí luận, phẩm trật và ngôn sứ.
Tuy nhiên, sau phần thảo luận, Đức hồng y đã kết luận rằng, kết quả của các suy tư về phép biện chứng của những nguyên tắc “không thoả đáng để làm sáng tỏ câu hỏi” đã đưa ra; và rằng, một tầm nhìn thần học đúng đắn về các phong trào giáo hội đòi hỏi nhiều hơn một phép biện chứng của những nguyên tắc, bởi vì “Giáo hội được xây dựng không theo cách biện chứng, nhưng theo cách hữu cơ.” Vì thế, Đức hồng y đề xuất một phương pháp khác, đó là “cách tiếp cận lịch sử” mà ngài cho rằng nó “phù hợp với bản chất lịch sử của đức tin và của Giáo hội.”
Trong cách tiếp cận lịch sử, Đức hồng y nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa việc kế vị tông đồ và các phong trào tông đồ. Theo Đức hồng y, trong các thừa tác vụ được giao phó cho những người lãnh nhận bí tích Truyền Chức, có những nhiệm vụ vừa mang tính phổ quát vừa mang tính địa phương. Ngài cho rằng những người được tấn phong vào chức vụ giám mục có trách nhiệm vừa “bảo đảm tính liên tục và sự hiệp nhất của đức tin” tại giáo hội địa phương, vừa “duy trì tính năng động phổ quát của hoạt động tông đồ.” Có một sự hiệp nhất nội tại giữa hai thừa tác vụ này. Đức hồng y đã minh họa về sự hiệp nhất này bằng cách mô tả năm làn sóng phong trào tông đồ liên tiếp theo sau cuộc đột phá của lối sống đan tu sơ khai của Thánh Antôn và Thánh Basil vào thế kỷ thứ tư. Năm phong trào lịch sử này đã làm sống lại “tính năng động phổ quát của hoạt động tông đồ” của Giáo hội, ngay cả ở cấp giáo phận, qua đó làm rõ vị trí của các phong trào trong Giáo hội.
Làn sóng đầu tiên là “lối sống đan tu truyền giáo” phát triển mạnh mẽ từ thời Đức giáo hoàng Gregory Cả (590-604) đến thời Đức giáo hoàng Gregory III (731-741). Làn sóng thứ hai liên quan đến phong trào cải cách của Cluny. “Phong trào này đã hoàn thành việc giải phóng đời sống tu (vita religiosa) khỏi hệ thống phong kiến và khỏi sự thống trị của các chế độ phong kiến của giám mục.” Làn sóng thứ ba là “sức mạnh tinh thần của các phong trào Tin Mừng bùng nổ với Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Đa Minh vào thế kỷ XIII.” Làn sóng thứ tư gắn liền với những “phong trào loan báo Tin Mừng mới, phát sinh trong thế kỷ XVI. Nổi bật trong số đó là các tu sĩ Dòng Tên.” Cuối cùng là làn sóng thứ năm bắt đầu từ thế kỷ XIX. Các hội dòng chuyên về truyền giáo xuất hiện, quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng hơn là việc canh tân nội bộ Giáo hội. Trong thời kỳ này “có một thành phần đã trở nên ưu việt,” đó là “phong trào phụ nữ.”
Đức hồng y khẳng định rằng giáo hoàng không tạo ra những phong trào này. Đúng hơn, các giáo hoàng đã nhìn thấy tiềm năng truyền giáo của các phong trào và trở thành những người ủng hộ chính yếu cho họ. Điều này có thể xảy ra chính xác bởi vì giáo hoàng “không chỉ đơn thuần là giám mục của một giáo hội địa phương” ở Rôma. Sứ vụ phổ quát độc đáo của giáo hoàng khiến ngài có mối quan tâm đặc biệt đến việc khuyến khích và hỗ trợ các phong trào thi hành tính năng động tông đồ phổ quát của Giáo hội. Nói cách khác, người kế vị Thánh Phêrô là giám mục địa phương của Rôma, nhưng sứ mệnh của ngài mở rộng ra cho toàn thể Giáo hội. Trong Giáo hội, luôn có những thừa tác vụ “không chỉ gắn liền với giáo hội địa phương, nhưng còn phục vụ sứ mệnh phổ quát”: loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới. Giáo hoàng, ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, đều “phải dựa vào những thừa tác vụ này và chúng phải dựa vào ngài.” Sự tương tác hài hoà giữa hai chiều kích, thừa tác vụ Phêrô và các phong trào, sẽ làm cho “bản giao hưởng của đời sống Giáo hội được thể hiện.”
Khái niệm kế vị tông đồ, vì thế, được hiểu không chỉ ở khía cạnh Kitô-Nhập thể, mà còn ở khía cạnh Kitô-Thần khí, vốn bảo đảm “tính mới mẻ và tính liên tục của Giáo hội đang sống.” Như thế, việc kế vị tông đồ bao gồm “các phong trào tông đồ xuất hiện dưới những hình thức luôn mới mẻ trong lịch sử” như những quà tặng của Chúa Thánh Thần và là “câu trả lời của Chúa Thánh Thần cho những hoàn cảnh luôn thay đổi mà Giáo hội đang sống trong đó.”
Sự cống hiến của các phong trào giáo hội
Theo Văn thư Iuvenescit Ecclesia, các phong trào giáo hội “tạo nên một nguồn canh tân quan trọng cho Giáo hội và cho ‘việc hoán cải có tính mục vụ và truyền giáo’ rất khẩn thiết đối với toàn bộ đời sống Giáo hội.” Đức giáo hoàng Gioan Phaolô cũng chân nhận rằng:
Sự hiện diện của các phong trào thật đáng khích lệ bởi vì nó cho thấy rằng mùa xuân này đang bừng sáng và đang tỏ lộ sự tươi mới của kinh nghiệm Kitô giáo đặt nền tảng trên cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô. Ngay trong sự đa dạng của những hình thức, các phong trào này được đánh dấu bằng một nhận thức chung về ‘sự mới mẻ’ mà ân sủng của Phép Rửa mang lại cho cuộc sống, qua một niềm khao khát đặc biệt được suy tư về mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Kitô và với anh chị em của mình, và qua sự trung thành lành mạnh với gia sản đức tin được Truyền thống sống động truyền lại. Điều này làm nảy sinh một lòng nhiệt thành truyền giáo mới mẻ, vươn tới những người nam và người nữ của thời đại chúng ta trong những hoàn cảnh cụ thể mà họ tìm thấy, và hướng sự chú ý yêu thương của họ đến phẩm giá, nhu cầu và vận mệnh của mỗi cá nhân.
Theo Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, các phong trào giáo hội “nở rộ sau Công đồng Vatican II, tạo thành một món quà độc đáo của Chúa và là một nguồn lực quý giá cho đời sống của Giáo hội.” Sự độc đáo của món quà này, Iuvenestcit Ecclesia khẳng định, là nó “có khả năng gợi lên một sự hấp dẫn đặc biệt đối với Tin Mừng và đưa ra một đề xuất về đời sống Kitô hữu; đề xuất này, về cơ bản có tầm nhìn toàn cầu, chạm đến mọi khía cạnh hiện sinh của con người.” Đồng thời, nó “đại diện cho một sự hỗ trợ mạnh mẽ, một lời nhắc nhở cảm động và thuyết phục để sống trọn vẹn kinh nghiệm Kitô giáo, với sự thông minh và sáng tạo. Đó là cơ sở để tìm ra những câu trả lời thỏa đáng cho những thách thức và nhu cầu của thời đại và hoàn cảnh lịch sử luôn thay đổi.” Tự bản chất, các đặc sủng có tính lan truyền và làm phát sinh “mối quan hệ thiêng liêng giữa con người với nhau.” Bằng cách này, các phong trào có thể “cống hiến chính mình như những hình thức tự hoàn thiện và như những phản ánh của Giáo hội duy nhất.”
Đặc biệt, những phong trào mới này được nhìn nhận như là “câu trả lời mang tính quan phòng” của Thiên Chúa cho một thế giới đang bị tục hoá trầm trọng bởi việc chối từ sự hiện diện của Thiên Chúa. Như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định:
Trong thế giới của chúng ta, thường bị chi phối bởi một nền văn hóa tục hóa vốn khuyến khích và đề cao những kiểu sống không có Thiên Chúa, đức tin của nhiều người bị thử thách nặng nề, thường xuyên bị bóp nghẹt và chết. Do đó, chúng ta thấy một nhu cầu cấp bách cho việc rao giảng có hiệu lực và việc đào tạo sâu sắc, vững chắc cho các Kitô hữu. Ngày nay cần biết bao những Kitô hữu với nhân cách trưởng thành, ý thức về căn tính bí tích Rửa Tội của mình, về ơn gọi và sứ mệnh của mình trong Giáo hội và trên thế giới! Cần biết bao những cộng đoàn Kitô hữu sống động! Và đây là các phong trào và các cộng đồng giáo hội mới: các phong trào và các cộng đồng giáo hội mới này là câu trả lời, được Chúa Thánh Thần ban tặng, cho thách đố lớn lao này vào lúc kết thúc thiên niên kỷ. Chính anh chị em [các phong trào giáo hội mới] là câu trả lời mang tính quan phòng này.
Như là những biểu hiện của các đặc sủng, các phong trào giáo hội “được Giáo hội công nhận là những phương thế giúp người ta hiểu biết sâu sắc hơn về Chúa Kitô và hiến thân cho Người một cách quảng đại hơn, đồng thời hiệp thông với toàn thể các Kitô hữu ngày càng chặt chẽ hơn.” Những thực tại giáo hội này đã giúp các Kitô hữu
tái khám phá ơn gọi khi chịu Phép Rửa của mình, đánh giá cao những ân huệ của Chúa Thánh Thần được lãnh nhận khi chịu phép Thêm Sức, phó thác mình cho ơn tha thứ của Chúa trong bí tích Hòa Giải và nhận ra bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao cho tất cả đời sống Kitô hữu. Nhờ kinh nghiệm mang tính giáo hội mạnh mẽ này, các gia đình Kitô hữu tuyệt vời đã ra đời, đón nhận sự sống, các “giáo hội tại gia” đích thực, và nhiều ơn gọi linh mục thừa tác và tu trì đã nở hoa, cũng như các hình thức mới của đời sống giáo dân được linh hứng bởi các lời khuyên Phúc Âm. Nơi các phong trào và cộng đồng mới, anh chị em đã học biết rằng đức tin không phải là lời nói trừu tượng, cũng không phải là tình cảm tôn giáo mơ hồ, mà là đời sống mới trong Chúa Kitô được thấm nhuần bởi Chúa Thánh Thần.
Bên cạnh đó, trong các hoàn cảnh địa phương khác nhau, các phong trào có thể có một đóng góp quý giá vào động lực sống còn của Giáo hội duy nhất, “đặc biệt là ở những vùng mà sự gieo trồng của Giáo hội vẫn còn ở giai đoạn đầu hoặc gặp nhiều khó khăn.”
Không bắt nguồn từ sáng kiến của con người, nhưng là những ân huệ của Chúa Thánh Thần, mỗi thực tại giáo hội mới “đều được tìm thấy một cách độc đáo và nhất thiết nhằm mục đích phục vụ việc gây dựng Thân Mình Chúa Kitô, cống hiến một chứng tá về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với cuộc sống của mỗi người. Do đó, thực tại của các phong trào trong Giáo hội là dấu hiệu cho thấy sự phong phú của Thần Khí Chúa, bởi vì nó biểu lộ trên thế giới sự chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh và nó hoàn thành nhiệm vụ truyền giáo được giao phó cho toàn thể Giáo hội.” Đức giáo hoàng Phanxicô nhận định rằng các phong trào giáo hội mới “là dấu chỉ rõ ràng về sức sống của Giáo hội.” Họ “đại diện cho một lực lượng truyền giáo và sự hiện diện của lời tiên tri mang đến cho chúng ta niềm hy vọng về tương lai.”
Các phong trào giáo hội và những căng thẳng trong Giáo hội
Mặc dù những phong trào giáo hội mới này “đã tạo nên nguồn canh tân lớn lao cho Giáo hội và cho việc “hoán cải mục vụ và truyền giáo” khẩn thiết đối với toàn thể đời sống Giáo hội,” tuy nhiên, theo nhận định của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, việc xuất hiện của các phong trào giáo hội mới này đôi khi cũng “gây xáo trộn. Điều này đã làm nảy sinh những câu hỏi, sự khó chịu và căng thẳng; đôi khi nó, một mặt, dẫn đến những giả định và sự thái quá, mặt khác, dẫn đến vô số định kiến và dè dặt.” Nhìn vào lịch sử của Giáo hội, có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng có thể đến từ cả hai bên: các phong trào giáo hội và các giáo hội địa phương: giáo xứ và giáo phận.
Thứ nhất, từ phía các phong trào giáo hội mới. Như đã đề cập ở trên, các phong trào giáo hội là những ân huệ Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội, và những ân huệ này lại được trao cho những con người sử dụng; “nhưng Chúa Thánh Thần hoạt động qua con người và không đơn giản giải thoát họ khỏi những yếu đuối.” Vì thế, trong quá trình thi hành nhiệm vụ của mình, với mong muốn làm nổi bật vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội, một vài nhóm của các phong trào mới đã gây ra những sự nhầm lẫn và thậm chí trình bày sai lạc ý nghĩa của đặc sủng và gây nên những xáo trộn. Đối với những nhóm này, đặc sủng được hiểu như “một biểu hiện phi thường của ân sủng được ban cho bởi Thánh Thần như: nói tiếng lạ, nói tiên tri, chữa bệnh” và những “phép lạ”. Theo các nhà thần học, chẳng hạn như cha Jean-Marie Roger Tillard, cái nhìn cho rằng đặc sủng chỉ được liên kết với những biểu hiện phi thường và những hiện tượng lạ là “một cái nhìn thiển cận.” Và Đức hồng y Ratzinger gọi điều này là “những bệnh tật thời thơ ấu” của các phong trào. Đức hồng y phân tích: thực tế là đôi khi “có những khuynh hướng độc quyền và phiến diện” nơi một số phong trào, làm cho họ “không có khả năng tham gia vào đời sống của giáo hội địa phương,” dẫn đến việc các phong trào này đã “tuyệt đối hoá” chính mình, “cho mình là con đường duy nhất cho tất cả mọi người.” Phấn khởi trước sự trẻ trung đầy nhiệt huyết muốn tiến thủ, một số các phong trào mới cho rằng giáo hội địa phương “phải tự điều chỉnh theo cấp độ của họ, phải thích nghi với cách thức của họ chứ không phải ngược lại; rằng họ không phụ thuộc vào việc bị kéo vào một cơ cấu đôi khi hơi lỗi thời” của các giáo hội địa phương.
Thứ hai, từ phía các giáo hội địa phương: giáo xứ và giáo phận. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, khi còn là hồng y Ratzinger đã nói, cần phải thừa nhận rằng các phong trào giáo hội “thường xuất hiện dưới những hình thức luôn mới mẻ trong lịch sử – nhất thiết là như thế, bởi vì chúng là câu trả lời của Chúa Thánh Thần cho những hoàn cảnh luôn thay đổi mà Giáo hội đang sống trong đó.” Trong suốt dòng lịch sử Giáo hội, “có một cơ cấu nền tảng bền vững của đời sống Giáo hội, được thể hiện trong tính liên tục của cơ cấu thể chế của Giáo hội; và luôn có những cuộc đột phá mới của Chúa Thánh Thần, liên tục hồi sinh và canh tân cơ cấu đó.” Cần phải thừa nhận rằng có “những giáo hội địa phương có thể đã đi vào một loại chủ nghĩa tuân thủ cách sống với thế gian; muối có thể mất đi hương vị” và sự canh tân này “hiếm khi xảy ra mà hoàn toàn không có đau đớn và đụng chạm.” Bởi vì “mỗi cuộc đột phá của Chúa Thánh Thần đều làm đảo lộn các kế hoạch của con người.”
Mâu thuẫn nảy sinh, theo Đức hồng y Ratzinger, trong đó “cả hai bên đều có lỗi theo những cách khác nhau. Cần phải suy nghĩ về cách thức mà hai thực tại này [các phong trào mới và giáo hội địa phương] có thể liên hệ với nhau một cách đúng đắn: một đàng là sự hồi sinh tâm linh do hoàn cảnh mới quyết định, và đàng khác là cơ cấu cố định của đời sống Giáo hội, tức là giáo xứ và giáo phận.” Đức hồng y khuyên rằng, “Cả hai bên phải để mình được Chúa Thánh Thần cũng như các bề trên trong Giáo hội của mình giáo dục. Cả hai đều phải học về lòng vị tha, nếu không có nó thì không thể có sự tán thành tận bên trong đối với sự đa dạng của các hình thức mà trong đó đức tin có thể được sống. Cả hai bên phải học hỏi lẫn nhau, để cùng được thanh tẩy, chịu đựng lẫn nhau, và khám phá cách đạt được những ân huệ thiêng liêng mà thánh Phaolô đã nói đến trong bài ca Đức Ái vĩ đại của ngài (x. 1Cr 13,4-7).”
Những hướng giải quyết vấn đề
Theo một cái nhìn tích cực, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cho rằng những xáo trộn, căng thẳng, mâu thuẫn chính là “giai đoạn thử thách lòng trung thành” của các phong trào giáo hội mới, “một cơ hội quan trọng để kiểm chứng tính xác thực các đặc sủng của họ.” Và ngài hy vọng rằng đây chính là “giai đoạn trưởng thành mang tính giáo hội” của các phong trào mới. “Điều này không có nghĩa là mọi vấn đề đã được giải quyết. Thay vào đó, nó là một thách thức. Một con đường để đi.” Giáo hội mong đợi nơi các phong trào giáo hội mới “những hoa trái ‘trưởng thành’ của sự hiệp thông và dấn thân.”
Trong hành trình của sự trưởng thành mang tính giáo hội của mình, các phong trào mới cần được nhắc nhở rằng “ngay cả khi họ đã tìm thấy và truyền bá đức tin theo cách của họ, họ chỉ là một món quà cho toàn thể Giáo hội, và phải tuân theo các yêu cầu của toàn thể này, để trở nên đúng với bản chất của chính mình.” Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã mượn hình ảnh “các khớp nối” mà Thánh Phaolô đã sử dụng để khuyên các phong trào giáo hội mới.
Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo hội, có các khớp nối (x. 4,16) và thậm chí còn đặt tên cho các khớp nối này là tông đồ, tiên tri, người loan báo Tin Mừng, mục tử và thầy dạy (x. 4,12). Trong những ân huệ của mình, Thần Khí biểu lộ muôn mặt … Nhưng ở nơi Người, tính đa dạng và tính hiệp nhất luôn song hành với nhau. Người thổi nơi Người muốn. Người làm điều đó cách bất ngờ, ở những nơi không ngờ và theo những cách chưa từng có trước đây… Vậy với sự đa dạng và chất thể nào mà Người làm được như thế! Chính ở đây, sự đa dạng và hiệp nhất không thể tách rời. Người muốn sự đa dạng của anh chị em và muốn anh chị em trở thành một thân thể duy nhất, hiệp nhất với các trật tự cố định – các khớp nối – của Giáo hội, với những người kế vị các Tông đồ và với Người Kế vị Thánh Phêrô. Người không làm giảm nỗ lực học hỏi của chúng ta về cách tương quan lẫn nhau; nhưng Người cũng cho chúng ta thấy rằng Người làm việc với quan điểm hướng tới một thân thể và trong sự hiệp nhất của một thân thể. Chính bằng cách này mà sự hiệp nhất có được sức mạnh và vẻ đẹp của nó.
Chúa Thánh Thần thổi nơi Người muốn. Nhưng “ý muốn của Người không phải là tuỳ tiện. Đó là ý muốn của chân lý và thiện hảo.” Người không “lãng phí” hơi thở của Người nhưng mang chúng ta lại với nhau, vì “ý muốn của Người là sự hiệp nhất. Người dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô qua Thân Thể của Người.”
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II mời gọi các phong trào “Hãy ngoan nguỳ mở lòng đón nhận các ơn của Chúa Thánh Thần! Hãy đón nhận một cách biết ơn những đặc sủng mà Thánh Thần không ngừng ban cho … Đừng quên rằng mọi đặc sủng được ban cho đều vì lợi ích chung, nghĩa là vì lợi ích của toàn thể Giáo hội.” Tương tự như thế, Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi các phong trào giáo hội mới hãy luôn “hoà hợp với Giáo hội vì sự hòa hợp là quà tặng của Chúa Thánh Thần,” thể hiện qua việc hoạt động theo sứ vụ của các giám mục và giáo xứ, tránh việc co cụm, đóng kín trong các nhóm của mình, và qua việc sử dụng các đặc sủng của mình để phục vụ những nhu cầu của thế giới. Khi các phong trào khiêm tốn tìm cách trở thành một phần trong đời sống của các giáo hội địa phương và được các giám mục và linh mục chào đón vào trong các cơ cấu giáo phận và giáo xứ, thì chúng tiêu biểu cho một hồng ân thực sự của Thiên Chúa, cho cả việc tân phúc âm hóa lẫn hoạt động truyền giáo được gọi đúng nghĩa.
Đối với những vị có trách nhiệm trong Giáo hội, Đức hồng y Ratzinger khuyên rằng, “Các giáo hội địa phương cũng vậy, ngay cả các giám mục, phải được nhắc nhở rằng họ phải tránh bất kỳ sự đồng nhất nào trong các tổ chức và chương trình mục vụ. Họ không được biến các kế hoạch mục vụ của mình thành tiêu chuẩn cho những gì Chúa Thánh Thần có quyền thực hiện; một nỗi ám ảnh về việc lập kế hoạch có thể khiến các giáo hội trở nên vô cảm trước hoạt động của Chúa Thánh Thần và trước quyền năng của Thiên Chúa mà nhờ đó họ đang sống. Không nên làm cho mọi thứ phải vừa khít trong chiếc áo khoác thẳng thắn của bộ đồng phục duy nhất của các tổ chức; điều cần thiết là ít tổ chức hơn và nhiều tinh thần hơn!” Nói cách khác, các phong trào mới cần phải được “chấp nhận với sự tin tưởng và được đánh giá cao vì những đóng góp đa dạng mà họ cống hiến để phục vụ cho lợi ích chung trong một cách có trật tự và hiệu quả.” Họ xứng đáng “nhận được sự quan tâm của mọi thành viên trong cộng đồng giáo hội, bắt đầu từ các mục tử, những người được giao phó việc chăm sóc các giáo hội cụ thể trong sự hiệp thông với Vị Đại diện của Chúa Kitô.”
Đặc biệt, các mục tử – các giám mục và linh mục, được mời gọi hãy chào đón các phong trào giáo hội mới “một cách thân ái” và với sự quan tâm của một người cha. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI yêu cầu các mục tử đừng ngần ngại gặp gỡ các phong trào; ngài mời gọi các mục tử “hãy tiếp cận các phong trào một cách yêu thương,” dẫu những phong trào này có thể “có vẻ khá xa lạ” đối với các ngài. Đức giáo hoàng nhấn mạnh rằng, mặc dù các phong trào cũng cần “phải được hoàn thiện hoặc hòa nhập vào bối cảnh chung của giáo xứ hay giáo phận; tuy nhiên, chúng ta phải tôn trọng nét đặc biệt của đặc sủng của họ và vui mừng trước sự ra đời của các hình thức đức tin mang tính cộng đồng.” Đức giáo hoàng đã đưa ra hai quy tắc cơ bản về cách chào đón các phong trào: thứ nhất, “Đừng dập tắt các đặc sủng. Nếu Chúa ban cho chúng ta những ân huệ mới, chúng ta phải biết ơn, ngay cả đôi khi chúng có thể gây phiền toái.” Thứ hai, Giáo hội là duy nhất; nếu các phong trào thực sự là ân huệ của Chúa Thánh Thần, thì chúng thuộc về và phục vụ Giáo hội.” Các mục tử hãy “đối thoại trong kiên nhẫn” với các phong trào. Cuộc đối thoại này cần thực hiện ở mọi cấp: giáo xứ, giáo phận và Tòa thánh.
Bộ Giáo Lý Đức Tin trong Văn thư Iuvenescit Ecclesia cũng đưa ra hai tiêu chuẩn nền tảng không thể tách rời nhau:
a) Tôn trọng tính đặc thù của các nhóm đặc sủng cá thể, tránh những ràng buộc pháp lý bóp nghẹt tính mới mẻ vốn được sinh ra từ kinh nghiệm đặc biệt. Bằng cách này, ta tránh được nguy cơ xem các đặc sủng đa dạng như là những nguồn lực tầm thường trong Giáo hội;
b) Tôn trọng cơ chế nền tảng của Giáo Hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đặc sủng được hội nhập cách hữu hiệu vào đời sống của cả giáo hội địa phương lẫn Giáo hội phổ quát. Nhờ vậy, tránh được bất cứ nguy cơ nào khiến các thực thể đặc sủng có thể bị coi, theo một cách nào đó, như hoạt động song song với đời sống giáo hội hoặc không được sắp xếp trong tương quan với các ơn phẩm trật.
Thay lời kết
Dường như bất cứ khi nào Giáo hội đang say ngủ, thì Chúa Thánh Thần lại dùng một cách nào đó để đánh thức và nhắc nhở Giáo hội về sứ mệnh của mình. Có thể nói đây chính là lý do mà các phong trào giáo hội mới xuất hiện trong Giáo hội hôm nay. Giống như một loại men, “một nhóm nhỏ để tiếp thêm sức sống cho toàn thể,” sự hiện diện của những thực thế giáo hội mới này là một lời cảnh tỉnh cho tất cả các thành viên của Giáo hội cùng khám phá những cách thức mới để hoàn thành sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã giao phó cho Giáo hội của Người. “Với mục đích bảo vệ và chuyển giao truyền thống, cần phải thiết lập một hệ thống với các cơ quan lãnh đạo. Tương tự như vậy, với mục đích đánh thức Giáo hội ra khỏi tình trạng tự mãn và tầm thường, vốn vẫn thường thấy len lỏi vào bất kỳ tổ chức nào, Giáo hội cần sự can thiệp mang tính đặc sủng của Chúa Thánh Thần.”
Với vô số thách thức mà Giáo hội đang phải đối mặt, dường như cần có một “Lễ Hiện Xuống mới”; một cách loan báo Tin Mừng mới và đa dạng. Có thể ví các lối sống và thi hành sứ vụ trên con đường hiệp hành của Giáo hội trong việc dấn thân loan báo Tin Mừng như các mảnh ghép của bộ meccano (bộ đồ chơi mô hình tự lắp ghép) được thiết kế để gắn lại với nhau, mỗi mảnh đều có vai trò riêng của mình trong tổng thể. Bởi vì mỗi lối sống đều có bản chất riêng của mình, họ không đóng góp hoặc làm chứng cho sứ mệnh phổ quát của Giáo hội theo những cách giống nhau. Ở đây, chúng ta không quan tâm đến “ngoại hình”, nhưng là đến việc sống Phúc Âm. Mỗi lối sống được mời gọi thể hiện một nét cụ thể của cuộc đời Chúa Giêsu và muốn cùng với những người khác “vẽ lại” nét cụ thể hay tinh thần đó. Nói cách khác, mỗi lối sống được mời gọi cùng tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội theo một cách riêng biệt độc đáo của mình để Danh Chúa được rạng rỡ vinh quang và để hết mọi dân nước được nhận biết ơn cứu độ của Người.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 145 (Tháng 01 & 02 năm 2025)
Để lại một phản hồi