Hãy đến cùng Giuse

HÃY ĐẾN CÙNG GIU-SE – ITE AD JOSEPH

(Lễ Thánh Giu-se Bầu Cử – 19/3)

 

HÃY       luôn phấn khởi hân hoan

ĐẾN       xin Thánh Cả, Người ban ơn lành

CÙNG     Người – cất bước đồng hành

THÁNH Thần soi lối, tiến nhanh kịp thời

CẢ          trong những lúc rối bời

GIU-SE  nâng đỡ – cuộc đời bình an

VÌ           bao nhiêu nỗi lo toan

NGƯỜI  thương bầu chữa, ủi an tận tình

          người thánh thiên quang minh

ĐẤNG    hằng cứu vớt sinh linh cõi trần

CÔNG    tâm chính trực muôn phần

CHÍNH Người Bầu Cử giáo dân đêm ngày

Người Ki-tô hữu hôm nay

Hãy tìm lối thẳng đường ngay mà về

Đến cùng Thánh Cả Giu-se

Thiên Đường vui hưởng tràn trế vinh quang

 

Bài Tin Mừng hôm nay (lễ kính Thánh Giu-se, Bạn trăm năm của Đức Maria – Mt 1, 16. 18-21. 24a) trình thuật sự kiện sứ thần “Truyền tin cho ông Giu-se”, Thánh sử Mat-thêu viết: “Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1, 12-19). Thử tìm hiểu xem “công chính” là gì, và tại sao Thánh Giu-se được coi là người công chính?

 

Kinh Thánh (Cựu Ước) nói rất nhiều về đức công chính (St 7, 1; 20, 4; 38, 26; Đnl 9, 5…; 1Sm 24, 18…; 2Sm 4, 11…; 1V 2, 32…; Tb 4, 5…; Et 1, 1…; 1Mcb 2, 52…; G 4, 7…; Cn 10, 3…; Gv 3, 17…; Kn 3, 1…;  Hc 7, 5…; Is 7, 10…; Gr 23, 6…; Br 2, 17… v.v…). Sang đến Tân Ước, chính Đức Giê-su cũng hay nói về đức công chính, như khi Người tới xin thánh Gio-an Tẩy Giả làm Phép Rửa, “Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3, 14-15); khi Người giảng về “Tám mối Phúc”: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.” (Mt 5, 6), hoặc khi Người dạy các môn đệ: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33). Điều đó cho thấy đức công chính là một ân sủng của Thiên Chúa ban cho loài người.

 

Theo nghịa thông thường thì “công chính” là công bằng, ngay thẳng (“công minh chính trực  公 明 正 直 ”). Cụ thể, người có đức công chính là người thật thà, ngay thẳng biết trả lại cho người khác những gì thuộc về họ (nói khác đi, là không dám nhận những gì không phải là của mình); đồng thời có lòng thương yêu rộng mở (bác ái). Như vậy, vì là người công chính, nên khi biết người bạn đời của mình trước khi về chung sống đã có thai, Thánh Giu-se mới chon cách tốt đẹp hơn cả là “bỏ bà Maria cách kín đáo”. Ngài đã không như “thế thái nhân tình”, bởi theo lẽ thường tình của nhân tình thế thái, chắc chắn người chồng sẽ làm ầm ĩ, rồi tố giác ra hội đường, làng xã để xử (chiếu theo luật Mô-sê có thể bị ném đá cho đến chết); ấy là chưa kể ở thời đại ngày nay, anh chồng còn “tự xử án vợ” bằng cách thượng cẳng chân hạ cẳng tay hoặc “xin tí huyết” nữa. Nhưng Thánh Giu-se đã không làm thế, vì Người “là người công chính” (Mt 1, 19), lẽ tất nhiên chỉ còn một cách âm thầm bỏ đi là thượng sách. Tất cả những điểm ấy đã chứng minh Thánh nhân là một con người trung thực, ngay thẳng, nhất là có một đức bác ái tuyệt vời, và phải chăng đó chính là những đức tính căn bản của một người công chính?

 

Ngay ở giai đoạn gay go nhất ấy, thì Thiên Chúa đã can thiệp bằng cách cho thiên sứ báo mộng (Mt 1, 16.18-21.24a). Khi được thiên sứ truyền tin như vậy, thánh Giu-se đã vâng phục một cách tuyệt đối, không một lời băn khoăn thắc mắc, than vãn lo âu, hoặc khéo léo chối từ. Và như thế, lại thêm một điểm son chói lọi: Thánh nhân đã có một đức tin cực kỳ vững chắc. Chỉ có tuyệt đối tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, thì trong hoàn cảnh éo le như vậy mới có thể vâng phục được. Có lẽ vì thế nên Phụng vụ Giáo hội đã sắp đặt thêm vào Thánh lễ 2 bài đọc (Bài đọc 1: Cựu Ước – 2Sm 7, 4-5a.12-14a.16; và Bài đọc 2: Tân Ước – Rm 4, 13.16-18.22) cùng đề cập đến Lời hứa của Thiên Chúa và đức tin nơi 2 nhân vật tiền bối của Thánh Giu-se: Tổ phụ Áp-ra-ham (tính đến Thánh Giu-se là 41 đời) và vua Đa-vít (tính đến thánh Giu-se là 27 đời) (xc “Gia phả Đức Giê-su” – Mt 1, 1-17)

 

Trong lời thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma, có một câu gây ấn tượng rất mạnh: “Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.” (Rm 4, 13). Thánh Phao-lô thường dùng lối lập luận tương phản để nêu bật ý chính, cũng như trong đoạn văn ngay trước đoạn này (“Ông Ap-ra-ham nhận được phép cắt bì như dấu hiệu chứng thực rằng: nhờ tin mà ông được trở nên công chính, trước khi được cắt bì. Như vậy, ông là cha của mọi kẻ tin mà không được cắt bì, và vì tin nên được kể là công chính.” – Rm 4, 11), hoặc câu khẳng định trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Cắt bì chẳng là gì, mà không cắt bì cũng chẳng là gì cả; điều đáng kể là tuân giữ các điều răn Thiên Chúa.” (1Cr, 7, 19). Qua những lời thư đó, Thánh nhân muốn nhấn mạnh đến vấn đề đức tin không hệ tại ở việc tuân giữ Lề Luật (như quan niệm của Do-thái giáo thời đó).

 

Đúng thế thật, “Cắt bì chẳng là gì, mà không cắt bì cũng chẳng là gì cả; điều đáng kể là tuân giữ các điều răn Thiên Chúa.” Cũng bởi vì “Nếu gia nghiệp được dành cho những kẻ lệ thuộc vào Lề Luật, thì đức tin trở nên vô nghĩa, và lời Thiên Chúa hứa bị huỷ bỏ.” (Rm 4, 14). Nếu những người giữ đúng truyền thống Do-thái xưa, cắt bì đàng hoàng, đồng thời luôn miệng tuyên bố tuân giữ lề luật, mà thực chất trong lòng vẫn bán tín bán nghi, thì cũng kể như không. Trong câu chuyện “Người đàn bà ngoại tình” (Ga 8, 2-11), những người kinh sư và Pha-ri-sêu cũng đem Luật Mô-sê ra để gài bẫy Đức Giê-su (“Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”); nhưng Người đã hóa giải một cách khôn ngoan lạ lùng (“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”).

 

Nói vậy thì chẳng hóa ra Lề Luật trở thành vô ích sao? Và như thế thì tại sao Đức Giê-su cũng chịu phép cắt bì (Lc 2, 1-21) như mọi người? Thực chất, chỉ những kẻ quá câu nệ vào Lề Luật hoặc mượn Lề Luật để che giấu những ý đồ đen tối mới đáng bị lên án, còn bản thân Lề Luật luôn luôn dạy người ta làm điều hay lẽ phải (“bạn được biết ý Người, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải.” – Rm 2, 18); và tất nhiên, đã gọi là Lề Luật, thì cũng phải có những giới hạn nhất định để răn đe những hành động đi ngược lại hoặc xúc phạm đến Lề Luật. Cuộc sống tập thể của loài người vẫn rất cần thiết phải có Lề Luật để duy trì và bảo vệ sự tốt đẹp và hạnh phúc của con người nơi môi trường xã hội (Luật pháp) hay tôn giáo (Giáo luật).

 

Chính Thánh Phao-lô đã viết: “Người không được cắt bì trong thân xác mà vẫn chu toàn Lề Luật, người ấy sẽ lên án bạn, vì bạn có Lề Luật ghi chép hẳn hoi và bạn đã được cắt bì, mà vẫn vi phạm Lề Luật… Nhưng người Do-thái chính hiệu là người Do-thái tận đáy lòng, phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật. Người như thế được Thiên Chúa chứ không phải người phàm khen ngợi.” (Rm 2, 27-29), “Vậy có phải là chúng ta dựa vào đức tin mà huỷ bỏ Lề Luật chăng? Không phải thế! Trái lại, chúng ta củng cố Lề Luật.” (Rm 3, 31). Và Đức Giê-su cũng dạy: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.” (Mt 5, 17-19).

 

Những dẫn chứng trong bài đọc 1 + bài đọc 2 và bài Tin Mừng, cho thấy Thánh cả Giu-se đã được tôn phong là người công chính ngay từ lúc sinh thời (Mt 1, 19), cũng như tổ phụ Áp-ra-ham “vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.” (Rm 4, 4.16-17). Suy niệm về Đấng Công Chính Giu-se – Bổn Mạng Giáo Hội, người Ki-tô hữu rút ra được những bài học cho bản thân, đúng như lời ĐTC Phan-xi-cô trong bài giảng tại Thánh lễ “Khai mạc sứ vụ Phê-rô của Giám mục Rô-ma” (được tổ chức tại quảng trường Thánh Phê-rô vào đúng ngày lễ “Thánh Giu-se – bạn trăm năm của Đức Maria” – 19/3/2013):

 

“Trước hết, thánh Giu-se là mẫu gương sống Ðức Tin cho chúng ta. Như Tổ phụ Áp-ra-ham, thánh Giu-se đã luôn sống trong thái độ hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa; vì thế Ngài là mẫu gương khích lệ, nhất là khi chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Chúa, dựa trên “Lời Người” đã phán, mà không nhìn thấy được rõ ràng Ý Ðịnh của Chúa.

 

Hơn nữa, chúng ta được mời gọi noi gương Ngài, trong việc khiêm tốn thực thi sự vâng phục, một nhân đức chiếu sáng nơi Ngài trong nếp sống thinh lặng và trong việc làm ẩn khuất. Trường học Nazareth quý giá biết bao cho con người thời nay, bị bao vây bởi một nền văn hóa rất thường đề cao vẻ bề ngoài và sự thành công, đề cao sự độc lập và một quan niệm sai lầm về tự do cá nhân. Ngược lại, thật là cần thiết biết bao, việc phục hồi lại giá trị của sự đơn sơ và vâng phục, sự tôn trọng và yêu mến đi tìm thánh ý của Thiên Chúa.

 

Thánh Giu-se đã sống phục vụ cho vị hôn thê của mình và cho Con Thiên Chúa; và như thế, đối với các tín hữu, thánh Giu-se trở thành chứng tá hùng hồn cho biết phải cai trị hay phục vụ như thế nào. Ðặc biệt, tất cả những ai, trong gia đình, trong trường học và trong Giáo hội, có trách vụ sống làm cha, làm người hướng dẫn, đều có thể nhìn vào thánh Giu-se, để được huấn luyện sống tốt lành. Nhất là tôi nghĩ đến những người cha, mừng lễ của họ vào đúng ngày lễ dành cho thánh Giu-se. Tôi cũng nghĩ đến tất cả những ai mà Thiên Chúa đã thiết lập trong Giáo hội để thực hiện “tình cha thiêng liêng”.

 

ĐTC đã kết thúc bài giảng: “Nguyện xin thánh Giu-se, vị thánh mà dân Ki-tô tin tưởng khẩn cầu, luôn hướng dẫn những bước tiến của đại gia đình Thiên Chúa. Xin thánh nhân hãy đặc biệt trợ giúp cho những ai đang chu toàn vai trò làm cha tự nhiên hoặc thiêng liêng. Xin thánh Giu-se hãy cùng đồng hành với những lời khẩn cầu của chúng ta và xin Mẹ Maria khẩn cầu cùng Chúa cho chúng ta, Mẹ là vị hôn thê đồng trinh của thánh Giu-se và là Mẹ của Ðấng Cứu Chuộc.”

 

Với tâm nguyện hiệp ý cùng ĐTC, người Ki-tô hữu còn chần chờ gì nữa mà không chạy đến với Thánh Cả Giu-se, bổn mạng Giáo hội – bổn mạng các gia trưởng trong các gia đình thừa sai trên toàn thế giới, cầu xin Ngài bầu cử cùng Trưởng Tử Giê-su Thiên Chúa ban mọi ơn lành phần hồn phần xác cho mọi thành viên trong gia đình. Vâng, xin HÃY ĐẾN CÙNG GIU-SE dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Đức Giê-su cho thánh cả Giu-se, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội biết luôn luôn cộng tác với Đức Giê-su để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria).

 

JM. Lam Thy ĐVD.