Cũng như Giáo hội tại Việt Nam, Giáo hội tại Campuchia đã dành 3 năm (từ năm 2017 đến năm 2019) để “suy tư và cầu nguyện về chủ đề gia đình”. Đức giám mục Olivier Michel Marie Schmitthaeusler M.E.P., Đại diện Tông tòa Phnom Penh phát biểu với hãng tin Fides: “Chúng tôi đã công bố ba năm dành cho gia đình vào lễ Hiển Linh vừa qua, ngày lễ có rất đông tín hữu địa phương tham dự”.
“Năm đầu tiên dành cho những người trẻ đang bước vào đời sống tình cảm, năm thứ hai dành cho các đôi đang chuẩn bị kết hôn và năm thứ ba dành cho các gia đình Công giáo, với sự lưu tâm đặc biệt đến các gia đình hỗn hợp trong đó một người là Công giáo và người kia là Phật giáo”.
Đức giám mục Schmitthaeusler giải thích: “Tình trạng gia đình trong xã hội Campuchia đòi hỏi Giáo hội phải dấn thân. Sau những năm đen tối dưới chế độ Khmer Đỏ khiến cho các cấu trúc xã hội bị xói mòn, hiện nay vấn đề của các gia đình là làm sao thông truyền được các giá trị truyền thống. Điều này có tác động đặc biệt đến giới trẻ, là những người không còn tìm thấy nơi gia đình một mẫu gương để noi theo”.
Những hiện tượng quan trọng khác là “tình trạng người Campuchia di dân, kéo theo sự phân hoá gia đình và các cuộc hôn nhân khác đạo”. Đó là lý do tại sao Giáo hội Công giáo Campuchia dành ba năm sắp tới để suy tư và đồng hành với người trẻ, với các đôi đính hôn và các đôi vợ chồng Kitô hữu. Đức giám mục Schmitthaeusler nói thêm: “Chúng tôi muốn một Giáo hội như người mẹ và người cha, một Giáo hội lắng nghe những nhu cầu của gia đình, lấy lòng thương xót và dịu dàng mà an ủi họ và soi sáng con đường của họ, một Giáo hội làm chứng cho lòng thương xót, tinh thần đối thoại và liên đới với mọi gia đình”.
Và ngài kết luận: “Ở Campuchia, chúng tôi đang sống di sản của Năm Thánh. Trong những ưu tiên mục vụ, có lĩnh vực giáo dục, y tế, quan tâm đến người nghèo, người khuyết tật, người lao động và đối thoại liên tôn. Nhưng các tín hữu được mời gọi sống một thời gian đặc biệt để cầu nguyện và mỗi tháng chúng tôi tổ chức các cuộc gặp gỡ khác nhau để tĩnh tâm, ăn chay, cầu nguyện, hành hương. Nền tảng là cầu nguyện, từ đó sẽ nảy sinh những công việc bác ái”.
(Minh Đức, WHĐ 03.02.2017/ Agenzia Fides)