Đúng 7 giờ 00 sáng ngày 24/2/2015 đoàn hành hương do Anh Giuse Maria Bùi Tuấn Minh làm Trưởng đoàn đã khởi hành đi Kon tum, Ban mê thuột, Đà lạt. Đây là chuyến hành hương đầu xuân được tổ chức hàng năm với ý nghĩa “Đầu xuân về bên Mẹ“
Lúc 18 giờ 00 ngày 24/2/2015 đoàn đến Ban mê thuột và nghỉ đêm tại nhà thờ Thánh Tâm Địa chỉ: 02 Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột.
Hạt ĐăkLăk 1
Ngày 25/2/2015 lúc 7 giờ 00 sáng đoàn khởi hành đi viếng Đức Mẹ Măng đen và nghỉ đêm tại nhà thờ Tân Hương đường Nguyễn Huệ, Thành phố Kontum
Ngày 26/2/2015 lúc 7 giờ 00 sáng đoàn đi viếng Đức Mẹ Giang Sơn và trở lại Ban mê thuột và nghỉ đêm tại nhà thờ Thánh Tâm
Ngày 27/2/2015 lúc 7 giờ 00 sáng đoàn khởi hành đi Đà lạt. Đến 17 giờ 00 đoàn đến Đà lạt và nghỉ đêm tại Khách sạn Hương Lâm Đường Phan Bội Châu
Ngày 28/2/2015 lúc 7 giờ 00 sáng đoàn khởi hành về Sài Gòn trên đường về đoàn đã ghé viếng và cầu nguyện tại Tượng đài Lòng Chúa Thương Xót Giáo xứ Bảo Lộc và Đức Mẹ Bình An đoàn đến Sài Gòn lúc 17 giờ 30. Tạ ơn Chúa đã gìn giữ chuyến đi được bình an và tốt đẹp
Hẹn gặp lại trong chuyến hành hương đầu xuân năm 2016
Đọc thêm
Giới thiệu Đức Mẹ Măng Đen
Tượng Đức Mẹ Fatima tại Măng Đen (còn được là Tượng Đức Mẹ Măng Đen hay Đức Mẹ cụt tay) là một di tích, điểm hành hương Công giáo của Giáo phận Kon Tum, tọa lạc ở thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum, cạnh Quốc lộ 24, cách thành phố Kon Tum 53 km về phía Đông Bắc.
Nguồn gốc
Theo tài liệu của Tòa Giám mục Kon Tum, và tường trình của linh mục Giuse Nguyễn Minh Kông (còn được viết là “Công”) thì đây là bức tượng được tạc theo tượng Đức Mẹ Fatima do linh mục Tôma Lê Thành Ánh tặng. Bức tượng này được linh mục Kông mang lên tiền đồn Măng Đen bằng trực thăng (ngày nay vẫn còn dấu tích một sân bay dã chiến rất rõ, cách vị trí tượng khoảng 2 km). Tượng được dựng trên một trụ đài đơn sơ như hiện nay vào giữa năm 1971. Năm 1974, do hỏa lực chiến tranh Việt Nam, tiền đồn Măng Đen bị triệt bỏ, bức tượng cũng bị hư hỏng ít nhiều và bị bỏ phế sâu trong rừng rậm.
Đức Mẹ bị quên lãng
Sau chiến tranh, bức tượng bị bỏ phế trong một thời gian dài vì không có tuyến giao thông và không có cư dân sinh sống gần đó. Đầu thập niên 1980, do ảnh hưởng từ chính sách Xây dựng các vùng kinh tế mới của chính phủ Việt Nam, một số người dân sinh sống tại lâm trường Măng Cành đã phát hiện ra bức tượng này, nhưng không có sự quan tâm đặc biệt nào.
Theo ghi nhận của linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, ghi chép cuộc trao đổi với bà Đào Thị Hương, người được cho là đã có công bảo tồn bức tượng, thì cho đến đầu năm 1987, tượng vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, đến cuối năm 1987 thì tượng bị mất đầu, mất tay, nhưng không rõ nguyên nhân.
Năm 2002, huyện Kon Plông mới được hình thành từ việc chia tách huyện Kon Plông cũ thành huyện Kon Plông mới và huyện Kon Rẫy. Huyện lỵ Kon Plông mới được đặt tại Măng Đen. Tuyến Quốc lộ 24cũng được dự định mở rộng kéo dài để dùng làm tuyến giao thông chính băng qua địa bàn huyện và nối đến tận huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2004, khi bắt đầu thi công tuyến đường này, những người làm đường khi thấy bản thiết kế vô tình đi qua vị trí tượng này đã điều chỉnh tuyến đường để tránh xâm hại đến bức tượng. Trong số những người làm đường có một tín đồ Công giáo tên Hoàng đã bỏ công phục chế phần đầu và đôi tay. Phần đầu được phục chế với gương mặt không còn giống các phiên bản tượng Đức Mẹ Fatima thông thường nữa, nhưng mang dáng dấp phụ nữ Tây Nguyên Việt Nam. Tuy nhiên, không rõ vì sao đôi tay không thể phục chế được, sau khi phục chế đã bị rơi xuống dưới chân tượng, vì vậy tượng vẫn mang hình dáng cụt tay cho đến ngày nay. Theo linh mục Phi Khanh Vương Hoàng Khởi, dẫn tư liệu do Tòa Giám mục Kon Tum cung cấp, thì Linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn đã “tìm được một phần bàn tay và một phần đốt tay trỏ của tượng Mẹ” ngày 28 tháng 12 năm 2006, hiện đang được cất giữ tại Tòa Giám mục Kon Tum. Có lẽ đây chính là phần còn lại của đôi tay được phục chế.
Một nơi hành hương Công giáo
Mãi đến cuối tháng 8 năm 2006, một tín đồ Công giáo tên Lâm khi đi qua đây, vô tình được nghe kể lại nên đã tìm đến xác nhận bức tượng và thông báo sự hiện hữu của bức tượng cho Tòa Giám mục Kon Tum. Ngày 28 tháng 12 năm 2006, một phái đoàn tôn giáo do Giám mục Kon Tum Micae Hoàng Đức Oanh dẫn đầu đã lên viếng bức tượng. Một năm sau, ngày 9 tháng 12 năm 2007, Giám mục Hoàng Đức Oanh cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 thường dân đã tổ chức dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. Từ đó, nơi đây trở thành một nơi hành hương của các giáo dân vùng Tây Nguyên và ngày9 tháng 12 hàng năm trở thành ngày Ngày Hành hương Đức Mẹ Măng Đen của Giáo phận Kon Tum.
Một số thông tin khác
Tượng Đức Mẹ Măng Đen được làm bằng bê tông cốt thép, cao khoảng 1 mét. Tượng được đặt trên một bệ tượng làm bằng xi măng kết với các đá cuội tự nhiên. Phần thân tượng mang điểm hình dáng dấp của tượng Đức Mẹ Fatima, nhưng phần đầu được phục chế lại mang khá nhiều hình dáng phụ nữ vùng Tây Nguyên Việt Nam. Phần tay tuy được phục chế nhiều lần, nhưng về sau được giữ nguyên hình dáng tay cụt. Nhiều giáo dân cho rằng với hình dáng cụt tay như trên, làm liên tưởng đến hình tượng Đức Mẹ phù hộ cho con người bất hạnh mắc các bệnh như; phong cùi, HIV/AIDS…Giữa khung cảnh rừng núi mênh mông, thâm u, xung quanh là rất nhiều hoa và những dãy ghế đá, với những tấm biển “Tạ ơn Đức Mẹ” được những người giáo dân mang đến, bức tượng hiện lên với đầy vẻ linh thiêng, huyền bí…
Từ năm 2007, nhiều giáo dân đã lên cầu nguyện tại đây, hình thành một điểm hành hương tôn giáo tại Măng Đen. Hàng trăm chiếc ghế đá và dưới bệ tượng xếp hàng trăm chiếc bảng đá nhỏ khắc chữ tạ ơn của các tín đồ cầu mong sự linh ứng. Ngày nghỉ có cả những đoàn người hành hương từ nơi xa đến chiêm ngưỡng, lễ bái, có người là tín đồ Thiên chúa giáo nhưng cũng nhiều người đến chỉ cốt cầu xin tài lộc, con cái v.v…
Điều này cũng làm ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển của tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng. Quy hoạch tổng thể của thị trấn Măng Đen được điều chỉnh lại khi nắn lại tuyến đường quốc lộ và quy hoạch xây dựng thị trấn. Một khu du lịch sinh thái được mệnh danh Đà Lạt thứ hai được xây dựng cách tượng Măng Đen 2 km, cạnh sân bay Măng Đen cũ. Đồng thời, một trung tâm hành hương và du lịch tôn giáo cũng được quy hoạch xây dựng tại khu vực đặt tượng, với diện tích rộng trên 20 ha.
Ngày 10 tháng 9 năm 2011, Sứ thần Tòa Thánh, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam là Tổng giám mục Leopoldo Girelli đã đến viếng và chủ trì thánh lễ kính Đức Mẹ. Cuối tháng 11, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cũng gửi văn bản cho Tòa Giám mục Kon Tum về việc chính thức chấp nhận việc tổ chức hành hương tôn giáo tại Măng Đen. Tòa Giám mục Kon Tum cũng ra thông báo thành lập Giáo xứ Kon Xơm Luh, phụ trách việc quản lý linh địa Măng Đen. Ngày 12 tháng 12 năm 2011, một buổi lễ trọng thể được tổ chức tại đây, do chính Giám mục giáo phận chủ trì để mừng sự kiện này.
Nhà thờ Tân Hương – Kon Tum
Nhà thờ Tân Hương là ngôi nhà thờ có hơn 100 năm tuổi, nằm trên đường Nguyễn Huệ, Thành phố Kontum, do Cha Giuse Đỗ Hiệu phụ trách, Ðược biết, năm 2005, Giáo xứ có 2,900 tín hữu, năm 2006 vừa qua Giáo xứ đã mừng 100 năm thành lập giáo xứ.
Đồi Đức Mẹ Giang Sơn
Cách Thành phố Buôn Ma Thuột 30km về phía đông nam theo QL 27 đường đi Đà Lạt. Đây là Trung Tâm Hành Hương nổi tiếng thuộc Giáo phận Banmêthuột.
Qua khỏi đèo Giang Sơn, khách hành hương sẽ thấy cánh đồng lúa bao la, bát ngát hiện ra. Thật không ngờ nơi vùng đất cao nguyên này lại có cánh đồng lúa mênh mông đến thế. Dòng Krông Ana hiền hòa uốn lượn thoắt ẩn, thoắt hiện. Hương vị trong lành hòa quyện giữa đất trời cùng làn sóng lúa dập dờn đang thì con gái. Tất cả tạo nên một vùng quê an bình, thánh thiện.
Tượng đài Đức Mẹ được linh mục Giuse Nguyễn Hữu Nghị khởi công năm 1961. Sau hai năm xây dựng, cha chính G.B Trần Thanh Ngoạn chủ sự làm phép và long trọng tổ chức lễ khánh thành trong 3 ngày (từ ngày 13 đến 15.8.1963), có rất đông giáo dân về tham dự.
Tượng Đức Mẹ cao 6m32 do điêu khắc gia Đinh Văn Lượng thuộc giáo xứ Phát Diệm – Phú Nhuận, Giáo phận Sài Gòn đảm trách, nét mặt Mẹ hiền từ nhân hậu, trên đầu Đức Mẹ mang triều thiên 12 ngôi sao. Tượng đài xây dựng trên đồi đá xếp tự nhiên ở độ cao 823m so với mặt biển. Đường từ quốc lộ lên đến tượng đài dốc đứng, rộng hơn 3m, dài khoảng 1,5km, lát đá hộc. Dọc bên đường có sẵn ghế đá để khách hành hương nghỉ chân.
Năm 2000, cha Phêrô Bùi Văn Thục cho trùng tu, tôn tạo lại bệ tượng Đức Mẹ bằng đá hoa cương, mở rộng mặt bằng, gia cố bờ tường chung quanh lễ đài, xây dựng bốn gian nhà và hai phòng cơm dành cho khách hành hương. Tháng 11.2002, xây dựng nhà Bát Phúc và hoàn thành công trình trùng tu vào ngày 31.12.2002.
Vào các ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, 15.8 hàng năm và các ngày thứ bảy đầu tháng, có rất đông khách hành hương từ khắp nơi về dự Thánh lễ tôn vinh Mẹ.
BBT
Mẹ Giang Sơn ơi,
Nay con về quỳ bên chân Mẹ,
Lặng nghe lời ru của núi.
Lặng nghe tiếng gió về – lời kinh Mân côi,
Mẹ Giang Sơn ơi
Hồi chuông đã bao lần ngân lên rất nhẹ,
Để con ngước lên trời cao,
nghe lời Mẹ ru yêu thương ngọt ngào.
Như con suối tìm về dòng sông,
Như câu hát tìm nhịp chiêng ngân,
Cao nguyên hoang sơ có ánh mặt trời,
Cao nguyên Banmê có Mẹ Chúa Trời,
Mẹ Giang Sơn ơi,
Ơi Tình yêu bao la,
Như dòng suối hiền từ trong tim Mẹ
Tuôn đổ Hồng phúc cho muôn muôn người.
Mẹ Giang Sơn ơi.
……………………..
(Trích Mẹ Giang Sơn của Huỳnh Ngọc La Sơn)
Thành Phố Đà Lạt
Đà Lạt là thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng nằm trên Cao nguyên Lâm Viên thuộc vùng Tây Nguyên của nước Việt Nam.
Cách Biên Hòa (Đồng Nai) 278km, Hà Nội 1.481km, Tp. Hồ Chí Minh 293km, Nha Trang (Khánh Hòa) 205km.
Về hàng không, Lâm Đồng có chuyến bay Đà Lạt – Tp. Hồ Chí Minh và ngược lại. Lâm Đồng có đường bộ chính là quốc lộ 20 chạy xuyên qua tỉnh từ Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh, Ma Đa Gui tới Đồng Nai. Ngoài ra tỉnh còn nằm trên trục đường quốc lộ 27: Tp.Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) – Lâm Đồng – Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột), trục đường 28: Bình Thuận – Lâm Đồng (Di Linh) – Đắk Nông.
Trung tâm thành phố Đà Lạt
Từ Tp. Hồ Chí Minh, đi ô tô theo quốc lộ 20 chừng 300km là đến Đà Lạt. Con đường sẽ đưa du khách lên cao dần, cao dần và khi chạm vào Đà Lạt ở thác Prenn thì trước mặt du khách đã là ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Đi sâu vào thành phố Đà Lạt, du khách sẽ khám phá một “bảo tàng” của các thác nước, những hồ đẹp, thung lũng hoa và đồi cỏ.
Các điểm tham quan Đà Lạt
Nếu đi theo đường 27 từ Phan Rang ngược sông Dinh lên, sau khi vượt qua những khu di tích lịch sử của nước Chămpa xưa và những cánh đồng khô ráo quanh năm, chúng ta đứng trên đèo Ngoạn Mục với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ trước mắt.
NGUỒN GỐC TÊN GỌI ĐÀ LẠT
Vào những năm cuối thế kỉ XIX, một người Thuỵ Sĩ mang quốc tịch Pháp là Alexandre Yersin, theo yêu cầu của nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ thám hiểm Tây Nguyên và lên được cao nguyên LangBiang để rồi dẫn đến việc khai sinh thành phố hoa Đà Lạt hôm nay. Một thời khắc quan trọng là vào 15h30’ chiều ngày ngày 21/6/1893, sau một chuyến thám hiểm dài ngày khu vực miền Đông Nam Bộ, bác sĩ Yersin đã đặt chân lên được cao nguyên LangBiang làm thay đổi một vùng đất hoang sơ và tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử Đà Lạt góp phần biến vùng đất của người Lạch, người Chil đến lúc ấy vẫn chưa có tên trên bản đồ thành một thành phố nổi tiếng được ghi trong từ điển bách khoa của nhiều nước như hôm nay.
Chân dung Bác sĩ Yersin người tìm ra Đà Lạt
Tên Đà Lạt từ khi phát sinh cũng ngẫu nhiên, có sự trùng âm trúng ý khiến nhiều ngườithắc mắc bàn luận. Có người cho rằng những người pháp là “sáng lập viên” đã chọn cho thành phố xinh đẹp này một câu châm ngôn đầy ý nghĩa như các thành phố Châu Âu bắng tiếng Latinh “DAT ALLIIS LAETITIUM ALLIIS TEMPERRIEM”, năm chữ đầu ghép lại thành từ Đà Lạt có nghĩa là ” cho người này niềm vui cho người kia sự mát lành “.Thế nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học thì không phải vậy mà tên Đà Lạt có từ gốc là đạ Lạch phát âm theo tiếng của người Lạch. Đây là một trong 3 chi phái thuộc hệ K’ho cùng chia nhau sống tại các vùng phía Bắc tỉnh Lâm Đồng. Riêng người Lạch sống từ chân núi LangBiang tới thành phố Đà Lạt, chiếm cứ xung quanh vùng Hồ Xuân Hương nơi có con suối nhỏ chảy qua. Theo ngôn ngữ K’ho, Đa, Đạ hay Đăk cónghĩa là nước, là sông, là suối; Lạch( Lạt) là tên bộ tộc của dân tộc K’ho. Như vậy Đà Lạch là con suối của người Lạch. Trong hơn 100 năm qua tên Đà Lạt mang nhiều cách hiểu và nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng ngày nay, chúng ta trả lại ý nghĩa ban đầu cho Đà Lạt : đó là con suối người Lạch, là quê hương của người Lạch và người Lạch một thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Thành phố Đà Lạt hơn 100 năm tuổi (phát hiện 1893), đang trở thành một trong nhữngđịa danh du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước, một thành phố nghỉmát lâu đời ở nước ta. Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn với một truyền thuyết xa xưa.
DU LỊCH VÀ CON NGƯỜI THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
Khách Du lịch Đà Lạt vừa được thăm viếng, vừa thưởng thức những sản phẩm Đà Lạt bao gồm nhiều loại trái cây: hồng, mận, đào, bơ; nhiều món ăn dân tộc độc đáo và các hàng lưu niệm của riêng vùng Đà Lạt. Vẻ đẹp của Đà Lạt còn được ngợi ca nhiều và hấp dẫn du khách bởi hàng trăm, ngàn loại hoa, loại phong lan độc đáo, hoặc được sản sinh riêng trên mảnh đất này, hoặc lấy giống từ nhiều nơi như: Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Italy,…như hoa hồng, hoa bất tử, hoa đỗ quyên, hoa xác pháo, hoa tư tưởng, hoa trà mi, mi mô da, mai anh đào, thủy tiên trắng…
Thành phố Đà Lạt về đêm
Khách sạn Đà Lạt đầu tiên được xây dựng từ năm 1907, đó là ngôi nhà gỗ mang tên khách sạn Hồ (Hôtel du Lac). Ngày nay, đến Đà Lạt du khách sẽ cảm nhận có một nét kiến trúc rất nên thơ, lộng lẫy mà kín đáo qua ngôi biệt thự ẩn mình trong cây lá hoặc rực rỡ bởi được phủ lên cả một rừng hoa. Cộng đồng dân cư Đà Lạt là một sự hòa nhập hết sức độc đáo của dân tộc từ các vùng Bắc, Trung Nam. Cả tỉnh có trên 20 tộc người, đông nhất là người Việt, sau đó là M’Nông, Mạ, Cơ Ho…Người dân ở quanh vùng Đà Lạt và Di Linh trồng rau và hoa cung cấp cho các tỉnh Nam Bộ.
Đà Lạt mang đậm trong mình bản sắc văn hóa Tây Nguyên đẹp như huyền thoại. Những người dân hiền lành sống bằng nghề làm rẫy, làm vườn, trồng cà phê, chè, chăn nuôi gia súc…Vào những ngày hội làng, ngày vui của gia đình, du khách sẽ được xem họ múa, hát, chơi nhạc bằng những nhạc cụ độc đáo mà âm thanh của nó nghe như tiếng gió hú, tiếng thác chảy trên ghềnh đá. Thiên nhiên tươi đẹp đã tạo nên những mẫu người Đà Lạt có phong cách đáng yêu, hiền hòa, thanh lịch và mến khách.