Hạn chế Internet giáng một đòn nữa vào sứ mạng của Giáo hội Pakistan

Các tổ chức truyền thông Công giáo lo ngại luật mới khắc khe có thể được dùng để bị miệng nhóm thiểu số Kitô giáo ở nước này

Internet-restrictions.jpg
Các nhân viên Pakistan của một công ty thị trường online Kaymu tại sở làm ở Karachi. Chính quyền Pakistan ban
hành luật an ninh mạng cho phép nhà chức trách có quyền đặc biệt ‘cần thiết để bảo vệ công dân’. Ảnh: AFP

Một luật về an ninh mạng gây tranh cãi vốn cho phép chính phủ Pakistan mở rộng hoạt động online của cảnh sát có thể sẽ cắt đứt một trong những cách thức truyền giáo cuối cùng còn lại trong quốc gia Hồi giáo này.

Các chuyên gia truyền thông Công giáo quả quyết rằng Luật Ngăn chặn tội phạm điện tử, được thông qua hồi tháng Tám, có thể được dùng như một cách khác để bịt miệng các tiếng nói Kitô giáo.

“Internet là công cụ quan trọng để rao giảng Lời Chúa và giáo dục đức tin trong nước cộng hòa Hồi giáo này. Nhiều linh mục sử dụng Facebook để chia sẻ các hoạt động của mình trong các vùng bất ổn. Giới hạn Internent có nghĩa là giới hạn truyền giáo”, Cha Qaiser Feroz, giám đốc Phòng giáo dục âm thanh và hình ảnh, trung tâm truyền thông Công giáo quốc gia, cho ucanews.com biết.
“Luật này rất mơ hồ và có thể bị lạm dụng”, ngài nói. “Chúng tôi ủng hộ việc cấm các website phi đạo đức và nội dung chống lại niềm tin tôn giáo nhưng không nên hạn chế thông tin liên quan đến dân chủ hoặc phát triển”.

Chính quyền Pakistan cho biết các quyền hạn mới là cần thiết để bảo vệ công dân chống lại đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, theo một bản tin của Reuters.

Luật mới đưa ra hạn 14 năm tù giam cho tội khủng bố trên mạng và bảy năm hạn chế đối với tội vận động chống lại người vô tội và phát tán sự thù hằn dựa trên dân tộc, tôn giáo hoặc giáo phái. Thời hạn ba năm tù cũng được gán cho tội “lừa bịp” – những hacker nhại diện mạo trực tuyến của người nào đó.

Các nhà hoạt động cho Giáo hội và nhân quyền quan ngại về những định nghĩa mơ hồ trong luật này vốn có thể cho phép hoạt động Internet của Kitô giáo hiện nay bị xem là bất hợp pháp.

Trong lúc người Hồi giáo có thể dễ dàng rao giảng hoặc phổ biến niềm tin tôn giáo, thì người không Hồi giáo bị cấm cải đạo người khác. Các Kitô hữu bị cáo buộc vượt quá những hạn chế của họ trước đây đã gặp phải những hậu quả nặng nề.

Năm 2012, một chục người Hồi giáo có vũ trang đã ập vào nhà thờ Grace Ministry ở Faisalabad, làm bị thương nặng hai Kitô hữu. Vụ tấn công bị khơi lên bởi các cáo buộc cho rằng giáo hội đang cố gắng cải đạo người dân địa phương.

Hoạt động Internet của Kitô giáo ngày càng trở thành nguồn đối đầu. Những người sử dụng Facebook ở địa phương than phiền rằng các video do Đài Truyền hình Công giáo ở Lahore phát gây ra hoạt động chống nhà nước, một nhân viên của đài nói với điều kiện giấu tên.

Trong một sự việc khác, Viện công tố của chính quyền Punjab ra cảnh báo pháp lý hôm 31-8 với diễn viên truyền hình Hamza Ali Abbasi vì phát tán “lời đồn sai trái” hàng trăm trẻ em bị bắt cóc ở Lahore qua các bài viết trên Facebook.

Diễn viên này cho biết anh chỉ trích lại các bài báo và anh đang là mục tiêu vì ủng hộ đảng đối lập Tehreek-e-Insaf.

Internet là một trong những phương tiện ít ỏi còn lại cho truyền thông Kitô giáo ở Pakistan sau khi các kênh truyền hình Công giáo bị buộc ngưng phát sóng. Cơ quan điều hành truyền thông điện tử Pakistan đã đóng cửa 11 kênh truyền hình Kitô giáo “bất hợp pháp” hôm 23-9. Đài phát thanh Công giáo đầu tiên của Pakistan, Truyền thông Giêsu cũng chỉ tồn tại trên mạng.

Jasber Ashiq, giám đốc Đài Truyền hình Công giáo Pakistan, đã phải giải quyết các điều cấm của chính quyền. “Hiện nay chúng tôi phát trực tiếp các chương trình của mình lên Facebook và các chương trình đã được ghi âm được đưa lên YouTube. Nhưng chúng tôi đã phải tìm kiếm các website khác thay thế khi chính quyền áp đặt lệnh cấm ba năm lên YouTube [vốn đã bị bỏ hồi tháng Giêng]”, Ashiq cho biết.

Đức giám mục Joseph Arshad của giáo phận Faisalabad, đứng đầu Ủy ban truyền thông xã hội, cho biết hoạt động Internet phải được tiếp tục với sự cẩn trọng. “Chúng tôi phải cẩn thận không để làm tổn thương cộng đồng Hồi giáo”, ngài nói.

Những diễn biến mới nhất này xảy ra sau khi Freedom House, công ty nghiên cứu ở Washington DC, liệt kê Pakistan nằm trong số 10 quốc gia tệ nhất trong lĩnh vực tự do Internet trong báo cáo Tự do Net 2016.

Báo cáo trích một trường hợp trong đó các tòa án chống khủng bố đã kết án một người đàn ông 13 năm tù giam vì thích một bài viết trên mạng chống lại niềm tin của người Hồi giáo dòng Sunni.

(UCAN 25.11.2016)