GP.ĐÀ LẠT: Ý nghĩ huy hiệu Giám Mục của Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh

(Bài viết của Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh).

huyhieu.jpg

Theo truyền thống, khẩu hiệu Giám mục nói lên phần nào châm ngôn cuộc sống và định hướng mục vụ của Giám mục. Tôi ý thức rằng mình được Thiên Chúa cho sinh ra và lớn lên trong một Giáo Hội mà Chúa Giêsu muốn trao phó đoàn chiên của Người cho các tông đồ và các đấng kế vị chăm sóc, thường được gọi là các mục tử. Tuy nhiên, các mục tử được cộng tác mật thiết với Thánh Thần của Chúa Kitô để sinh sản và nuôi… dưỡng đoàn chiên như một người mẹ. Do đó, tôi đã chọn khẩu hiệu “MẸ VÀ MỤC TỬ” để nhắc nhở tôi thi hành sứ vụ Giám mục theo ý thức đó, với ước mong những người muốn đến với mình thì gặp được một mục tử có tấm lòng của một người mẹ.

Về nguồn gốc, khẩu hiệu này được gợi hứng từ ước mơ của ĐTC Phanxicô mà ngài nhiều lần nhắc đến trong các cuộc nói chuyện hoặc trả lời phỏng vấn : “Tôi mơ ước một Giáo Hội là mẹ và là mục tử”.

Người mục tử thì gần gũi với đoàn chiên của mình, không sống xa cách tách biệt, mà gần gũi đến mức mang vào mình mùi chiên, để rồi có thể trao ban cho họ hương thơm của Đức Kitô, thấm đượm nơi bản thân mình. Hương thơm ấy như cô đọng nơi những lời tâm sự và lời nguyện tha thiết của Chúa Giêsu : “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14) ; “Tôi đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10) ; “Lạy Cha, vì chúng, con xin hiến thánh mình con” (Ga 17,19).

Hiến tế mạng sống mình, trao ban sự sống mình cho người khác, điều đó đối với người mục tử có nghĩa là trở thành một người cha, người mẹ thiêng liêng, thâm sâu đến nỗi có thể sống chết vì con mình : “Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay cạn tình thương với đứa con mình đã mang nặng đẻ đau” (Is 49,15).

Chính ở điểm sinh hạ nhờ quyền năng Thánh Thần mà Giáo Hội và người mục tử có tương quan rất gần gũi với Đức Maria, và đó cũng là lý do tôi muốn được truyền chức giám mục vào ngày 31 tháng 5, lễ Đức Mẹ đi thăm viếng.