Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Thứ Năm Tuần Thánh năm B

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Thứ Năm Tuần Thánh năm B

Lời Chúa: Ga 13,1-15

 

Phụng vụ hôm nay, mở đầu Tam Nhật Phục Sinh mang một ý nghĩa thật sâu xa. Giáo hội muốn mời chúng ta nhìn ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu chăm chú hơn. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong chương trình cứu độ của Chúa liên hệ đến mỗi người chúng ta.

Đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay vẽ lại cho chúng ta một nét thật đặc biệt của Chúa Giêsu, Đấng đã được sai đến cho chúng ta, đưa dẫn chúng ta về với Chúa Cha.

Thánh Gioan mở đầu chương này bằng một nhận xét tóm kết cả ý nghĩa của chương trình cứu độ: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến tận cùng”.

Trên đây là một nhận xét của Gioan, người đã sống kề cận Chúa Giêsu hơn các môn đệ khác, và được Chúa đặc biệt yêu mến, đã nhìn ngắm khuôn mặt Thầy mình suốt gần sáu mươi năm, đã gợi lại cho chúng ta những nét độc đáo của Thầy.

Trước lễ Vượt Qua , Gioan cho thấy, cuộc khổ nạn của Chúa là cuộc vượt qua thứ hai, được lồng khung vào lễ vượt qua thứ nhất. Đây là cuộc vượt qua của Ngài để về với Cha và để đưa chúng ta vượt qua theo Ngài để đến bến bờ Đất Hứa mới, Đất Hứa vĩnh cửu. Ngài biết. Sự hiểu biết của Ngài vượt xa những hiểu biết mộc mạc của chúng ta, Ngài thấy rõ những gì đang chờ đợi Ngài và những gì phải làm để làm trọn ý Cha. Ngài biết Ngài sẽ xa lìa những người thuộc về Ngài, vì thế Ngài muốn để lại cho họ những gì cần thiết để tiếp tục cuộc hành trình về với Ngài.

“Và Người yêu thương họ đến tận cùng” . Đây là lý do tại sao Ngài đến trong thế gian,mang thân phận con người và vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”. Chỉ vì yêu thương mà thôi. Cuộc đời của Ngài chỉ tóm kết trong hai từ Yêu thương, vì Ngài chính là Tình Yêu nhập thể.

Ngài yêu thương nên trong một bữa ăn, Ngài đứng dậy đi rửa chân cho môn đệ. Thánh Gioan chỉ nói là trong một bữa ăn mà không nói rõ là bữa ăn Vượt Qua, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng đó là bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái.

Ngài rửa chân cho các môn đệ. Đây không phải là thủ tục rửa chân của người Do Thái quen làm mà là một hành động hữu ý mang nhiều ý nghĩa mà Chúa muốn thực hiện để cho các môn đệ một hướng đi, một bài học thực tế mà sau này các ông phải thực hiện.

Hành động của Chúa mang tính biểu tượng hơn là một việc thông thường. Phêrô không hiểu và đã phản đối kịch liệt, không để Thầy rửa chân vì ông chỉ hiểu theo nghĩa thông thường. Chúa nói với ông: “Sau này anh sẽ hiểu”. Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta thường gặp những trường hợp tương tự, như Nicôđêmô, người nữ Samari, đám đông và những người Pharisêu. Họ chỉ nghĩ đến ý nghĩa hiện thực. Ngài phải dẫn họ đi từ thực tại vật chất đến ý nghĩa thiêng liêng.

Ngài cũng rửa chân cho Giuđa, mà Ngài biết là sẽ phản bội Ngài.

Cử chỉ rửa chân sẽ là bài học cho các môn đệ cho đến tận thế. Rửa chân xong, Ngài mặc áo lại và giải thích ý nghĩa của hành động Ngài vừa làm: “Anh em gọi Thầy là thầy, là Chúa, điều đó phải lắm. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Bài học quá rõ, nhưng chúng ta có thực hành không? Rửa chân ở đây phải hiểu là làm tôi mọi, là phục vụ đến tận cùng, và đó chính là yêu thương thực sự. Phải rửa chân cho những kẻ phản bội mình nữa. Chúng ta hãy nhìn Mẹ Têrêxa Calcutta, thánh Đamianô cùi, thánh Martinô Porrès… Các ngài đã theo Chúa, đã làm như Chúa. Còn chúng ta? Vấn đề nhức nhối là chúng ta biết phải làm gì nhưng chúng ta không có can đảm thực hiện, có chăng là một chút gì đó không đáng giá bao nhiêu. Cố gắng đi đến cùng cũng có thể được, nhưng đừng bỏ đi bài học quí báu của Chúa.

Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến tận cùng , nên Ngài đã tạo ra một sự lạ lùng không ai có thể nghĩ đến, Ngài đã ban cho chúng ta Thánh Thể, một quà tặng muôn đời quí giá. Ngài muốn cho họ một bằng chứng cụ thể nhất của tình yêu vô biên của Ngài.

Thánh Gioan đã không tường thuật việc Chúa lập Bí tích thánh Thể vì Ngài đã nói đến Bánh Hằng sống trước đó trong diễn từ tại Caphacnaum. Các thánh sử khác đã tường thuật về việc này rồi. Giáo hội dùng tường thuật của thánh Phaolô để nhắc đến dấu hiệu tình yêu đó. Đứng trước cử chỉ yêu thương tuyệt đỉnh này, chúng ta nghĩ gì? Chúng ta đã từng ăn lấy Chúa, chúng ta cảm nghiệm được gì?

“Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em”. “Vì anh em”, có thể hiểu là một hiến tế chứ không chỉ là một của ăn. Và hơn thế nữa, “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Hiến tế này phải được tiếp nối đến tận thế. Hiến tế này không chỉ dừng lại nơi bàn tiệc này mà còn phải tồn tại mãi mãi, “cho thế gian được sống”. Cũng vậy, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Máu này là máu Giao Ước như xưa kia, Giao Ước Sinai cũng thiết lập nhưng bằng máu chiên bò, hôm nay không còn nữa. Giao Ước mới này liên kết chúng ta với Chúa đến muôn đời. Giao Ước mới này được đánh dấu bằng cái chết thê thảm của Chúa Con, nhờ đó, chúng ta được biến đổi trong Ngài, làm một với Ngài một cách mầu nhiệm, nhờ đó chúng ta được sống vì“ai ăn thịt và uống máu Thầy thì sẽ được sống muôn đời”.

Thiên Chúa Tình Yêu đã dốc cạn quyền năng của Ngài cho chúng ta. Không có gì có thể vượt qua được, vì chỉ có Ngài là Thiên Chúa mới đủ quyền năng biến những thực tại vật chất thành thịt máu Ngài và sống trong những ai ăn lấy Ngài. Quyền năng vô biên của Ngài được gói ghém trong một tấm bánh, trong một chén rượu, và đó chính là dấu hiệu của một tình yêu khôn tả.

Ăn lấy Chúa, chúng ta có cảm thấy được tình yêu đó không? Chúng ta có cảm thấy mình được yêu thương đến mức độ nào không? Chúa Giêsu Thánh Thể là tất cả. Ngài là Tình Yêu, là sức mạnh, là hạnh phúc cho mọi tâm hồn tín hữu. Không có Đấng thánh nào mà không yêu mến Thánh Thể, vì các ngài biết đó là một quà tặng vô giá của Tình Yêu.

Rửa chân cho các môn đệ là dấu hiệu của một sự khiêm tốn tuyệt vời. Biến bánh rượu thành thịt Máu mình để làm lương thực cho mọi người là một hành động tự hủy hoàn toàn. Khuôn mặt của Chúa chúng ta là như thế. Ngài mong ước gì? Ngài chỉ mong chúng ta theo Ngài trong sự tự hủy như thế để phục vụ anh em trong mọi hoàn cảnh:“Anh em hãy rửa chân cho nhau”. Để đủ can đảm phục vụ anh em như Ngài, phải ăn lấy Ngài, thấm nhiễm lấy Ngài, trở thành hiện thân của Ngài giữa anh em.

Lm Trầm Phúc